Cách đây một năm, sau một thời gian dài đóng cửa bầu trời vì dịch bệnh COVID-19 và sau 3 tháng thí điểm thành công đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine, từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã chính thức mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt. Quyết định “mở cửa” du lịch là một quyết định vô cùng đúng đắn, mang tính bước ngoặt kịp thời để ngành du lịch Việt Nam sớm phục hồi và bứt phá. Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động cũng như các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.
Sau một năm “mở cửa” du lịch, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt (bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm). Lượng khách du lịch nội địa đạt 101 triệu lượt, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là 60 triệu lượt khách và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.
Sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường du lịch nội địa sau dịch COVID-19 là một điểm sáng, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của ngành du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn ở phạm vi toàn cầu.
Ngành du lịch đã có những gợi ý, tư vấn, giải pháp giúp doanh nghiệp, địa phương phục hồi hiệu quả, an toàn, bền vững, để doanh nghiệp khai thác đúng hoạt động dịch vụ phù hợp với thị trường một cách chắc chắn.
Bên cạnh đó, các địa phương trong cụm điểm đến đã liên kết, ký kết các chương trình hành động và thực hiện việc quảng bá, giới thiệu cũng như khai thác tốt thị trường nội địa với nhiều chương trình được phát động như "Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn" (hướng cho doanh nghiệp du lịch, điểm đến có sản phẩm an toàn, khách được trải nghiệm chuyến đi trọn vẹn). Đối với thị trường quốc tế, với slogan "Live fully in Vietnam" hướng đến Việt Nam được trải nghiệm trọn vẹn, đầy đủ. Chính những phát động và khẩu hiệu như vậy là tuyên ngôn để các ngành, các lĩnh vực cùng thực hiện.
Thực tế, hoạt động du lịch trên cả nước khá nhộn nhịp ngay sau thời điểm ngày 15/3/2022. Nhiều địa phương có kết quả hoạt động du lịch nổi bật như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lào Cai, Lâm Đồng, Hà Giang, Bình Thuận...
Cụ thể, năm 2022, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút gần 30 triệu lượt khách du lịch quốc tế và nội địa. Riêng khách du lịch nội địa tăng 167% so với cùng kỳ, tổng thu du lịch đạt 120.000 tỉ đồng, tăng 33% so với kế hoạch. Trong đó phải kể đến sự kiện, du lịch thành phố đã đón đoàn khách du lịch MICE lớn nhất trong số các đoàn khách mà Việt Nam từng đón.
Thành phố Hồ Chí Minh đã làm mới lại các chương trình du lịch tại ở nhiều điểm đến với 6 chương trình du lịch mới, hấp dẫn; triển khai sản phẩm du lịch mới, độc đáo "Ngắm thành phố từ trên cao" bằng máy bay trực thăng. Đồng thời, thành phố công bố và cập nhật tài nguyên du lịch gồm 366 tài nguyên du lịch đặc sắc trên ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động (app du lịch)...
Năm 2022, thương hiệu của du lịch Đà Nẵng tiếp tục được vinh danh với giải thưởng danh hiệu quốc tế. Hội đồng Tư vấn Du lịch bình chọn Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam... Năm 2023, thành phố phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15 - 20% so với năm 2022.
Để thu hút du khách, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ thúc đẩy phát triển, quảng bá các nhóm sản phẩm có lợi thế, làm mới các sản phẩm phù hợp nhu cầu xu hướng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Cụ thể, thành phố này ưu tiên 3 nhóm sản phẩm: Sản phẩm đặc trưng (du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí, du lịch MICE, golf, sự kiện, lễ hội mang tầm quốc tế, du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch sinh thái), sản phẩm chính (du lịch đêm, đường thủy, ẩm thực, cộng đồng và du lịch nông nghiệp nông thôn) và sản phẩm bổ trợ (du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, cưới, giáo dục)...
Thủ đô Hà Nội qua hai tháng của năm 2023 đã đón 3,73 triệu lượt khách, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 535.000 lượt khách du lịch nội địa ước đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, thành phố đẩy mạnh các loại hình du lịch mới như thể thao mạo hiểm, trải nghiệm, du lịch sông Hồng, bay trực thăng, khinh khí cầu, ứng dụng thực tế ảo. Các doanh nghiệp đang tất bật chuẩn bị các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước.
Những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch Việt Nam thời gian qua đã mang lại thành tựu đáng ghi nhận. Theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức tăng trưởng các chỉ số năng lực phát triển của Du lịch Việt Nam cao thứ 3 thế giới, trong đó có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu toàn cầu. Việt Nam cũng đứng thứ 2 trên thế giới về mức độ tự tin du lịch qua Chỉ số tự tin về du lịch (Travel Confidence Index) của Booking. com. Theo dữ liệu của Google Destination Insights, lượng tìm kiếm về Du lịch Việt Nam từ các thị trường Mỹ, Australia, Pháp, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Anh… thuộc nhóm tăng cao nhất trên thế giới.
Tại giải thưởng World Travel Awards 2022, du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu Thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á. Trong 5 năm gần nhất, Việt Nam 3 lần được tôn vinh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; 4 lần nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á; Tổng cục Du lịch Việt Nam 3 lần được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á; Việt Nam lần thứ 6 đoạt danh hiệu "Điểm đến du lịch Golf tốt nhất châu Á" tại Giải thưởng World Golf Awards 2022 cùng nhiều danh hiệu quốc tế uy tín khác dành cho các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.
Mới đây, ngày 5/2/2023, Việt Nam đã đạt nhiều giải thưởng Du lịch ASEAN năm 2023, như: Giải thưởng Homestay ASEAN, Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN, Giải thưởng Nhà vệ sinh công cộng ASEAN, Giải thưởng Dịch vụ Spa ASEAN. Đây là điểm nhấn khẳng định sự phục hồi của du lịch Việt Nam thời gian qua, qua đó góp phần khẳng định quyết tâm mở cửa du lịch, chào đón du khách đến và trải nghiệm các dịch vụ xanh, đẹp, đẳng cấp của du lịch Việt Nam, phù hợp với mọi nhu cầu của khách du lịch.
Bên cạnh điểm sáng du lịch trong nước, du lịch quốc tế trong năm qua vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Với dấu mốc mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ 15/3/2022, Việt Nam nằm trong danh sách những nước mở cửa sớm nhất khu vực và được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá là có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Song thực tế, Việt Nam chưa chớp được thời cơ khi hết năm 2022 chỉ đón 3,5 triệu khách, thấp hơn so với chỉ tiêu 5 triệu khách đề ra hồi đầu năm.
Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này nằm ở vấn đề thị thực. Lúc mới mở cửa, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho một số nước; thời hạn thị thực cũng chỉ kéo dài 15 ngày thay vì 30 ngày như trước đây. Cùng với đó là hàng loạt vấn đề liên quan đến chính sách cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam còn nhiều khó khăn, chưa cởi mở và chưa thật sự được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch. Bên cạnh đó còn là những khó khăn do thị trường Trung Quốc chưa mở cửa, các thị trường khác mở cửa còn chậm…
Nhiều đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch đã nêu ý kiến: Trong thời gian tới, để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp du lịch trong thu hút khách quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần có những chính sách kích cầu thiết thực. Đó là nới lỏng quy định về cấp thị thực (visa) cho du khách, mở rộng thời hạn và số lượng các quốc gia được miễn thị thực; đầu tư nâng cấp hơn nữa hạ tầng dịch vụ du lịch, tăng cường các chính sách kiềm chế lạm phát, bình ổn giá để giảm chi phí đầu vào, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch… Bởi lẽ, song song với chiến lược, chính sách du lịch vô cùng quan trọng. Ngoài chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế phục hồi hoạt động kinh doanh còn cần chính sách visa cạnh tranh, hấp dẫn khách quốc tế.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) chia sẻ: Phân tích của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cho thấy, việc cấp thị thực nhập cảnh thuận lợi có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 - 25% mỗi năm.
Nghiên cứu về tác động từ việc miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu của Hội đồng Tư vấn Du lịch cho thấy, lượng khách trung bình từ các quốc gia này tới Việt Nam đã tăng gần 20%. Điều này chứng minh, những thay đổi về chính sách visa theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn luôn là “chìa khóa” thu hút khách quốc tế, tạo ra sự bứt phá ngoạn mục cho du lịch.
Ở Việt Nam, từ ngày 15/3/2022 khi mở cửa du lịch trở lại đã bắt đầu đầu áp dụng lại chính sách miễn thị thực Việt Nam song phương và đơn phương từ ngày 15/3/2022. Trong đó, công dân 12 quốc gia được miễn thị thực đơn phương; miễn thị thực song phương cho công dân 13 quốc gia, trong đó có 11 quốc gia châu Âu (thay vì 5 quốc gia trước đây). Việt Nam tiến hành cấp thị thực điện tử cho công dân khoảng 80 nước... Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực đã miễn visa cho rất nhiều nước. Ví dụ, Malaysia, Singapore miễn cho 162 nước; Philippines miễn cho 157 nước; Thái Lan miễn cho 65 nước...
Mặt khác, thời gian miễn thị thực phổ biến nhất của Việt Nam (15 ngày), được cho là ngắn hơn nhiều so với các nước khác trong ASEAN (thường là 30 ngày trở lên). Đến thời điểm hiện tại, nhiều nước ASEAN đã tăng thời hạn miễn thị thực từ 30 ngày lên đến 45 ngày, thậm chí là 90 ngày để tạo cơ hội thuận lợi thu hút du khách quốc tế. Thời hạn miễn thị thực với khách quốc tế đến Việt Nam là 15 ngày, hơi ngắn so với các nước trong khu vực và chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, nhất là các thị trường xa như châu Âu, thường đi 3 - 4 tuần.
Do đó, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng: Đối với du khách từ các nước trong diện miễn visa, chúng ta rất cần kéo dài thời hạn lên mức tiêu chuẩn là 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay. Việc này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn hấp dẫn cả dòng khách thương mại, đầu tư mong muốn có chuyến đi dài ngày làm việc kết hợp du lịch. Bên cạnh đó là cần miễn thị thực cho khách xuất nhập cảnh nhiều lần thay vì một lần như hiện nay; kéo dài thời hạn miễn từ 3 năm như hiện nay lên 5 năm để các đơn vị lữ hành, du lịch có thời gian xây dựng sản phẩm thu hút khách. Cùng với đó là chính sách miễn thị thực cho dòng khách du lịch ngắn ngày như khách MICE, khách du lịch golf...
Các chuyên gia du lịch trên thế giới dự báo năm 2023 sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu đi du lịch quốc tế. Du lịch Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Ngành du lịch Việt Nam đã đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, trong đó, khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngay từ đầu năm, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch thúc đẩy việc đón khách quốc tế trong năm 2023. Công tác xúc tiến quảng bá sẽ được tiến hành tích cực trong cả năm. Cụ thể, ngành du lịch sẽ tham gia các sự kiện quốc tế về du lịch ASEAN, các hội chợ du lịch quốc tế tại London (Anh), Berlin (Đức)... truyền thông, quảng bá trên các kênh CNN và các kênh truyền thông lớn khác. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu lại tâm lý, xu hướng du lịch của khách quốc tế để xây dựng nhiều sản phẩm chuyên biệt, hấp dẫn hơn và tham mưu, đề xuất thay đổi chính sách visa sao cho phù hợp.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, ngành Du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, như công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; thực hiện Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Tổng cục Du lịch cũng đã phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các địa phương, doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện chương trình giới thiệu du lịch Việt tại các thị trường trọng điểm như ASEAN, Đông Bắc Á, Australia, châu Âu và Bắc Mỹ.
Điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2023 là sự kiện Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 tại tỉnh này với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Năm Du lịch quốc gia 2023 với hơn 200 hoạt động, sự kiện đặc sắc có tầm cỡ quốc gia, quốc tế sẽ diễn ra tại Bình Thuận và 41 tỉnh, thành phố. Sự kiện được kỳ vọng góp phần mở ra giai đoạn mới trong hợp tác du lịch với các quốc gia, kết nối với các doanh nghiệp du lịch, thúc đẩy mở rộng thị trường khách du lịch trong khu vực ASEAN, châu Á và trên thế giới. Dự kiến lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 sẽ được tổ chức vào ngày 25/3 tới tại NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận). Đây là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch Quốc gia 2023 nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa lịch sử, tài nguyên, sản phẩm du lịch và các hoạt động sẽ diễn ra. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phục hồi, phát triển ngành Du lịch cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, với chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, có thể khẳng định đây là điểm đến cam kết hướng tới tăng trưởng xanh, xây dựng sản phẩm du lịch thân thiện môi trường, góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và bảo tồn tài nguyên, phát triển du lịch gắn với các ngành kinh tế khác, tạo việc làm cho cộng đồng địa phương.
Việc Trung Quốc mở cửa biên giới và du lịch từ ngày 8/1/2023 cũng được nhận định là một cơ hội lớn đối với Việt Nam. Từ ngày 15/3, Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), sự trở lại của thị trường Trung Quốc sẽ mang đến cơ hội lớn cho các điểm đến Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc khách du lịch chọn điểm đến nào sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: sự sẵn sàng và giá vé máy bay, chính sách visa và quy định COVID-19.
Để tháo gỡ những rào cản về chính sách cấp thị thực, Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm) mới đây đã đưa ra 4 khuyến nghị cho Việt Nam gồm: Mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và kéo dài thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày; kéo dài thời hạn chương trình miễn thị thực được công bố với thời hạn chương trình miễn thị thực mới trong 5 năm; cấp thị thực du lịch 3 tháng cho những du khách châu Âu muốn thực hiện các kỳ nghỉ dài ngày để thu hút thị trường cao cấp với mức chi tiêu cao; miễn thị thực lưu trú ngắn hạn trong một số tình huống nhất định, đặc biệt là để hỗ trợ các diễn đàn, triển lãm và sự kiện thể thao.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 nhằm "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển" ngày 15/3, cùng với biểu dương các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tích cực, đạt được kết quả đáng ghi nhận trong phát triển du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành Du lịch. Nhìn chung, du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, tính cạnh tranh chưa cao.
Trên cơ sở phân tích xu hướng toàn cầu; sự thay đổi nhu cầu của khách du lịch và tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức của du lịch Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, phục hồi nhanh, tăng tốc phát triển hiệu quả và bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm phải phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội; phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn; chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp điều khách hàng cần"; từ du lịch "một mùa", sang du lịch quanh năm; phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, song không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có. Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể, liên kết với phát triển du lịch của thế giới và khu vực; phát triển du lịch theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có…
"Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung tay phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch văn minh, hội nhập, hiệu quả, bền vững; với phương châm "người dân, doanh nghiệp là chủ thể; khách du lịch là trung tâm; sản phẩm, hạ tầng du lịch là nền tảng; dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực", Thủ tướng nhắc nhở.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch; tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch, trong đó khuyến khích khu vực tư đầu tư cho hạ tầng du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Cùng với đó, tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hoàn thiện chính sách về visa, lệ phí, thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch; thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật; đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.
"Các địa phương phải tập trung xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách du lịch", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tích cực nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; xây dựng văn hóa doanh nghiệp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân; đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm chế độ cho người lao động và tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch…
Thủ tướng nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành "công nghiệp không khói", đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia; là xu hướng phát triển của tương lai; đồng thời cũng là cầu nối để nhân dân các nước cùng gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Đối với các đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, có 26 nhóm vấn đề; Chính phủ sẽ tổng hợp xem xét đưa vào Nghị quyết của Chính phủ ban hành tới đây về phát triển du lịch để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng tin tưởng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự quản lý của Nhà nước; sự quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân; ngành Du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch sẽ - Điểm đến an toàn, thân thiện", thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc.
Phục hồi - Tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững:
Bài: Phạm Tiếp - Thanh Giang - Trọng Đức
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
19/03/2023 05:55