Là một người gắn bó với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ những ngày sơ khởi và trải qua nhiều vị trí khác nhau. ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trải lòng: “Cá nhân tôi không thuộc thế hệ những người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu chứng khoán và TTCK nhưng may mắn là một trong những nhân sự đầu tiên của UBCKNN được thành lập cách đây 25 năm”.

 

 

Ông Trần Văn Dũng thật sự ấn tượng trước sự sáng suốt, dũng cảm và tinh thần dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo Đảng và Chính phủ khi quyết tâm khai mở TTCK Việt Nam. Khi đó, bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự chín muồi, các điều kiện mang tính tiền đề cho TTCK chưa hình thành. “Tinh thần và phương châm hành động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ những ngày sơ khởi mãi là tấm gương, bài học để các thế hệ sau này của ngành Chứng khoán noi theo. Đó là vừa chủ động, sáng tạo, linh hoạt, vượt khó trong hiện tại, vừa xác định tầm nhìn chiến lược dài hạn trong xây dựng và phát triển TTCK nước nhà”, Chủ tịch UBCK chia sẻ.

Nhìn lại 25 năm qua, ông Trần Văn Dũng luôn đầy ắp kỷ niệm, cảm giác vừa vinh dự, vừa bỡ ngỡ, từ khi bước vào lĩnh vực chứng khoán - "một bầu trời hoàn toàn mới”... cho đến việc phải đối mặt với những quyết định khó khăn, đặc biệt các tình huống khẩn cấp có tạm dừng TTCK hay không? Điển hình là phiên giao dịch ngày 1/6/2011, chỉ trong mấy phút buổi trưa, UBCK buộc phải quyết định và báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính cho phép dừng giao dịch phiên chiều để đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch; hay phút giây lãnh đạo UBCKNN phải cân não khi đưa ra giải pháp chống nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) trong năm 2021.

 

 

Qua những giai đoạn khó khăn, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều phát triển vượt bậc. Theo Vụ Phát triển thị trường - UBCKNN, TTCK Việt Nam hiện đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế với quy mô huy động vốn qua TTCK giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2001-2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Tính đến ngày 30/9/2021, tổng quy mô thị trường đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch. Đây là con số ấn tượng so với vỏn vẹn 2 mã chứng khoán được giao dịch trong những ngày đầu tiên của TTCK. Số tài khoản nhà đầu tư đăng ký đã lên tới gần 4 triệu tài khoản, trong đó, số tài khoản nhà đầu tư mở mới trong 9 tháng năm 2021 tăng 70% so với cả năm 2020.

Tổng quy mô TTCK, bao gồm giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ thị trường trái phiếu cuối năm 2020 đạt 131,95% GDP, chiếm tỷ trọng 47% tổng tài sản hệ thống tài chính, ngày càng tiệm cận với quy mô tín dụng ngân hàng năm 2020 là 146,2% GDP và cao hơn nhiều so với tỷ trọng 21% của năm 2010. Dư nợ thị trường trái phiếu chiếm 47,83% GDP tại thời điểm cuối năm 2020, gấp gần 3 lần quy mô dư nợ thị trường trái phiếu trên GDP năm 2011.

Thanh khoản thị trường luôn đạt ở mức cao trong vài năm trở lại đây, kể cả thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, TTCK Việt Nam đã bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập kỷ lục mới về cả chỉ số và giá trị giao dịch. Tính cuối tháng 10/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.444,27 điểm điểm, tăng 30,8% so với cuối năm 2020. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,462 triệu tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2020, tương đương 118,6% GDP. Đáng chú ý, thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục trên 1 tỷ USD mỗi phiên.

Phát biểu tại Lễ ra mắt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Phát triển TTCK nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN Index đã vượt mốc 1.500 điểm, cao nhất kể từ khi TTCK chính thức đi vào hoạt động; giá trị giao dịch bình quân 11 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 37,2 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp hơn 2 lần so với năm 2020.

“Sự tăng trưởng của thị trường thời gian qua có nhiều nguyên nhân, nhưng cũng đã thể hiện lòng tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp vào các chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là kết quả của sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính; sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao và nỗ lực bền bỉ của tập thể người lao động ngành tài chính, UBCKNN, các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, các thành viên thị trường, các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.

 

“Có thể nói rằng, chúng ta đi từ con số ‘0’ và đến nay đã ‘có’ rất nhiều. Xuất phát từ những khái niệm tưởng như ‘vô hình’ nhưng qua quá trình xây dựng và trưởng thành, TTCK Việt Nam đến nay đã hình thành được một thể chế thị trường tương đối toàn diện, từ khung pháp lý, cấu trúc thị trường, các sở giao dịch chứng khoán, các tổ chức cung cấp dịch vụ, đến sản phẩm, dịch vụ mới và nền tảng nhà đầu tư đông đảo”, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty CP Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho biết.

Theo ông Dominic Scriven, có được thành tựu ngày nay là nhờ Việt Nam đã định hình được mô hình TTCK tương đối tiên tiến ngay từ đầu. Khác với nhiều nước khác, Việt Nam thành lập cơ quan quản lý trước khi có thị trường. Còn nhiều nước khác thường ngược lại, có thị trường rồi sau đó mới thành lập cơ quan quản lý Nhà nước. Đây là bước đi đúng,“chắc ăn hơn” của Việt Nam.

Bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT VnDirect cho biết: “TTCK Việt Nam hiện có những tiền đề tuyệt vời để kiến tạo sự phát triển bền vững. Trong 2 năm trở lại đây, TTCK Việt Nam hoạt động sôi động, thanh khoản và điểm số tăng mạnh với số lượng nhà đầu tư mới tham gia rất lớn. Đặc biệt, kiến thức về đầu tư chứng khoán đang dần dần ngấm hơn vào hàng triệu người dân, dòng tiền nhàn rỗi thay vì chỉ biết gửi tiết kiệm hay dồn vào sắt thép, xi măng, bất động sản như nhiều năm trước thì nay đang ngày càng chọn chảy vào cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ tài chính đa dạng”.

Sự phát triển của TTCK thời gian qua đã giúp cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam bền vững hơn rất nhiều. “Trước đây vốn phụ thuộc vào ngân hàng thương mại (NHTM) với lợi thế huy động vốn ngắn hạn và có thế mạnh cho vay vốn lưu động.  Cùng với thị trường trái phiếu, các doanh nghiệp có nhiều kênh huy động vốn đa dạng và chất lượng hơn nhiều. Mỗi loại vốn có tính chất đặc điểm khác nhau, doanh nghiệp có thể xây dựng cấu trúc vốn tối ưu, an toàn, linh hoạt hơn nhiều”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán (CTCK) VnDirect chia sẻ.

 

 

TTCK Việt Nam đã và đang chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, số lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường ngày càng tăng, từ mức 3.000 tài khoản trong năm 2000 lên gần 2,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2020. Đặc biệt, trong 10 tháng năm 2021 đã có hơn 1 triệu nhà đầu tư mới nâng tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước đạt gần 3,8 triệu đơn vị, vượt mức trên 3% dân số.

Theo ông Trần Văn Dũng, từ đầu năm 2021 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19, tâm lý chung của nhà đầu tư là khá thận trọng khi đầu tư trên các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam. Từ đầu năm đến hết tháng 9/2021, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 30.196 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD) trên TTCK Việt Nam, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 40.309 tỷ đồng cổ phiếu (khoảng 1,7 tỷ USD) và mua ròng 10.113 tỷ đồng trái phiếu (khoảng 0,4 tỷ USD). Xét về giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường quốc tế, thì TTCK Việt Nam cũng theo xu hướng chung nhưng thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, theo lãnh đạo UBCKNN là do một số yếu tố như tác động của đại dịch COVID-19 và đặc biệt là hiện thực hóa khoản lợi nhuận trong danh mục đầu tư đã thực hiện giải ngân vào năm 2019 và 2020, sau khi thị giá cổ phiếu đã tăng cao để chờ đợi các cơ hội đầu tư mới. Về mặt cơ hội, Việt Nam đang có những lợi thế riêng gì để có thể thu hút dòng vốn ngoại khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trong thời gian tới.

 

“Đầu tiên, chúng ta có thể thấy, môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh đã và đang được cải thiện đáng kể. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ năm 2021 đã giúp môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và hoàn thiện hơn. Trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều quy định mới liên quan đến nâng chuẩn hàng hoá trên TTCK, tăng cường công bố thông tin, nâng cao điều kiện về phát hành, niêm yết chứng khoán, quản trị công ty,… giúp thị trường phát triển bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp”, Chủ tịch UBCKNN cho biết.

 

Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) thời gian qua đánh dấu một bước tiến của TTCK Việt Nam. Các đối tác trong CPTPP và EVFTA đều là các quốc gia giữ vị trí quan trọng trên bản đồ thương mại dịch vụ thế giới… Nội dung cam kết được đưa ra ở mức cao hơn so với cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa và bảo hộ đầu tư giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, công khai, ổn định, giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng hơn trong tiếp cận thông tin và đầu tư vào Việt Nam.

UBCKNN đã đưa ra hàng loạt giải pháp hỗ trợ thị trường, đặc biệt là các giải pháp nhằm thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, như quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho NĐTNN, rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+3 xuống T+2, và gắn cổ phần hóa và đại chúng hóa với lên sàn chứng khoán. Các giải pháp nêu trên thể hiện rõ mục tiêu mà TTCK Việt Nam đang hướng tới, đó là hội nhập quốc tế, thực hiện nâng hạng cho TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi, tiếp cận với các chuẩn mực chung của thế giới.

Về giải pháp trung hạn, UBCKNN chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường thông qua quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, từng bước áp dụng chế độ kế toán theo chuẩn mực quốc tế (IFRS) của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.

 

Về dài hạn, UBCKNN đang xây dựng Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 nhằm tổ chức thực hiện Chiến lược tài chính giai đoạn trên đang dược Bộ Tài chính dự thảo.

“Các nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam đều có chung nhận định rằng, Việt Nam là điểm đến đầu tư được ưa thích vì một số lý do then chốt. Việt Nam có dân số trẻ, đang phát triển và trong độ tuổi lao động có hiệu quả cao; GDP tăng trưởng mạnh; đồng nội tệ ổn định so với USD và thậm chí có thể tăng giá so với USD”, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành Tập đoàn Vinacapital cho biết.

 

 

TTCK Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng nói chung, trên thị trường đã xuất hiện những diễn biến bất thường về giá đối với một số mã cổ phiếu. Các vụ thao túng TTCK, lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin, lợi ích của nhà đầu tư, tính bền vững, công khai, minh bạch của thị trường.

Theo nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, một số dấu hiệu có thể xem là giao dịch bất thường, nghi vấn có bàn tay của “đội lái”. Chẳng hạn như mã cổ phiếu liên tục sụt giảm do hoạt động doanh nghiệp thua lỗ nhưng bỗng dưng có hàng loạt phiên tăng trần, khiến giá đạt đỉnh. Nếu không tỉnh táo "ôm" vào, nhà đầu tư dễ xả hàng không kịp nếu cổ phiếu này đảo chiều.

 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam từng chia sẻ: Trên sàn chứng khoán có hiện tượng làm giá, thổi giá để giá trị cổ phiếu cao gấp hàng trăm lần giá trị thực. Những thủ đoạn thường được “đội lái” sử dụng như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả, làm giả tài khoản nước ngoài, làm giả báo cáo tài chính, tạo doanh thu lợi nhuận giả, vốn điều lệ cao gấp hàng chục hàng trăm lần số vốn thực…để “bán giấy lấy tiền thực”. Thậm chí, có cá nhân mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ làm giá hay thành lập nhiều công ty ma để giao dịch giả nhằm đẩy giá cổ phiếu. Với loại hình doanh nghiệp này, có bán cổ phiếu với giá 1.000 đồng/cổ phiếu thì cũng thu lợi rất nhiều, tuy nhiên không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ sập bẫy vì tưởng giá hấp dẫn.

"Cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện để tình trạng thao túng, trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư và cộng đồng các công ty niêm yết. Có như vậy thị trường chứng khoán Việt Nam mới thực sự nâng hạng", đại diện VAFI khẳng định.

Theo ông Nguyễn Công Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán (UBCK), năm 2021, các cổ phiếu có diễn biến giao dịch bất thường luôn được nhiều cơ quan  phối hợp giám sát chặt chẽ, qua nhiều cấp. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm qua khâu giám sát, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hoặc phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra và xử lý theo quy định. “Cùng với sự phát triển của thị trường, sự tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng tạo ra rủi ro, nguy cơ về phát tán thông tin không chính thống, thậm chí thông tin sai lệch, tin giả về thị trường, tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, xử lý tin đồn, tin giả mạo trên TTCK”.

Đại diện UBCK cho biết: Thời gian qua, rất nhiều các hội, nhóm liên quan tới chứng khoán được tạo ra trên mạng xã hội. Đây là nơi trao đổi, tham khảo thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc ra quyết định mua, bán trên TTCK nhưng đã xuất hiện tượng lợi dụng các diễn đàn, hội, nhóm đầu tư để tung tin đồn, lôi kéo, phát tán thông tin chưa có kiểm chứng và cả tin giả mạo. Nhiều CTCK cũng đã phải gửi email cho khách hàng cảnh báo các tài khoản mạng xã hội mạo danh nhằm thực hiện các hành vi đánh cắp thông tin, lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư không hợp pháp.

 

 

Vừa qua, cơ quan công an đã hỗ trợ UBCKNN trong xác minh, truy tìm đối tượng cung cấp văn bản giả mạo của HoSE, cung cấp thông tin sai sự thật trên mạng. Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ra Quyết định xử phạt đối với một cá nhân về hành vi này.

Theo Luật Chứng khoán mới, công tác giám sát thị trường chứng khoán được nâng lên theo 3 cấp, từ công ty chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) và UBCKNN. Đây là công tác thường xuyên, liên tục nên các dấu hiệu giao dịch bất thường của cổ phiếu luôn được giám sát, theo dõi rất chặt chẽ. UBCKNN cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng, hai Sở GDCK giám sát chặt chẽ các cổ phiếu có dấu hiệu giao dịch bất thường trên thị trường.

“Trước diễn biến khó lường và tác động để lại của dịch COVID-19, diễn biến của TTCK được dự báo sẽ có nhiều biến động hơn. Để đầu tư an toàn, có hiệu quả, khi tham gia TTCK, nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức về chứng khoán, TTCK, tài chính doanh nghiệp…và nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật để đảm bảo tuân thủ pháp luật. Việc đầu tư cần phải xem xét thấu đáo dựa trên đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Công Minh cho biết.

Theo đó, nhà đầu tư tìm hiểu thông tin và trao đổi thông tin liên quan đến TTCK cần lưu ý việc tham khảo, kiểm chứng dựa trên các kênh chính thống của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chức năng hoặc từ chính doanh nghiệp. Các luồng thông tin trên không gian mạng có thể xem là một kênh thông tin tham khảo và nhà đầu tư nên cẩn trọng để tránh bị lôi kéo, cuốn theo, từ đó đầu tư theo cảm tính. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư, hạn chế khả năng tác động và việc lan truyền thông tin sai lệch, giả mạo trên không gian mạng.

 

 

“Quy định pháp lý có rồi, chúng ta giám sát. Việc tư vấn phát hành của CTCK cực kỳ quan trọng, có những hồ sơ mà tên công ty tư vấn chúng tôi nhìn đã không muốn xem vì chất lượng kém. Hãy lựa chọn doanh nghiệp tốt, làm ăn nghiêm chỉnh để đưa hàng hóa lên thị trường. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chấm điểm các đơn vị tư vấn phát hành, các CTCK; phải nâng cao trách nhiệm của CTCK trong lựa chọn công ty để tư vấn. Về trái phiếu doanh nghiệp, UBCK đã tổ chức 10 đoàn đi kiểm tra 10 doanh nghiệp tư vấn phát hành. Có doanh nghiệp không phải công ty đại chúng mà phát hành trái phiếu ra công chúng”, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCK cho biết.

Để bảo vệ nhà đầu tư trước biến động mạnh trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính chỉ đạo UBCKNN, các Sở GDCK tăng cường giám sát giao dịch chứng khoán, kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường để tiến hành phân tích, kiểm tra làm rõ, phối hợp cơ quan chức năng xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, đưa ra cảnh báo và khuyến nghị cho nhà đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng khi tham gia TTCK cần xem xét thấu đáo dựa trên đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, không nên đi theo số đông, không bị cuốn theo các thông tin trên các diễn đàn, các nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook,...

 

 

Theo GS TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, để phát triển TTCK thật sự thành kênh dẫn vốn chính, có thể song hành với hệ thống ngân hàng thì có nhiều việc phải làm.

Trong đó, định hướng của Chính phủ đang đi đúng là phát triển kênh trái phiếu, bởi khi doanh nghiệp cần nguồn vốn đầu tư dài hạn thì vẫn ưu tiên huy động vốn bằng trái phiếu vì có hiệu quả hơn thông qua vốn cổ phiếu. “Chính phủ cần đa dạng hơn nữa các chính sách khuyến khích, phát triển trái phiếu doanh nghiệp, không chỉ là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản mà của doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác; đồng thời, thành lập Tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để minh bạch thông tin, kiểm soát rủi ro đối với nhà đầu tư tham gia. Đối với thị trường cổ phiếu cũng phải thúc đẩy vấn đề minh bạch thông tin, gia tăng uy tín của thị trường để ngày càng phát triển hơn”.

 

 

“Ngoài việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hơn nữa việc công bố thông tin, giao dịch trên TTCK, Chính phủ vẫn tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn Nhà nước. Đồng thời, xúc tiến nhanh việc đưa các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa lên niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán. Việc bán phần vốn Nhà nước ở nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã thu hút thêm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước”, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc CTCK Đông Á cho biết.

Theo dự báo của CTCK VNDirect, với mức độ số hóa ngày càng tăng, TTCK sẽ ngày càng trở nên dễ tiếp cận đối với nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là khi lượng tài khoản chứng khoán ở Việt Nam vẫn chỉ ở mức 3,5% dân số, tương đối thấp trong nhóm ASEAN-6. VNDirect xây dựng kịch bản tích cực khi dự báo VN-Index năm 2022 sẽ đạt mức 1.700-1.750 điểm; trên cơ sở lợi nhuận trên một cổ phần của công ty (P/E) khoảng 16 -16,5 lần và tăng trưởng lợi nhuận 23% so với cùng kỳ.

 

 

Động lực cho đà tăng của thị trường có thể kéo dài nhờ việc nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và sự tham gia ngày càng nhiều của dòng vốn cá nhân trong nước. Ngoài ra, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi MSCI (công ty nghiên cứu đầu tư cung cấp các chỉ số chứng khoán) của Việt Nam sớm hơn dự kiến cũng giúp thị trường có dư địa tăng giá.

Tại thời điểm ngày 6/12/2021, theo dữ liệu của Bloomberg, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng (TTM P/E) là 16,7 lần, thấp hơn so với mức P/E 17,3 lần vào đầu năm 2021 đồng thời chiếu khấu khoảng 9% kể từ mức đỉnh hồi tháng 6/2021. So với các nước trong khu vực, P/E dự phóng của Việt Nam đang rẻ so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng Việt Nam vẫn là thị trường cận biên trong khi hầu hết các thị trường trong khu vực đều đã là thị trường mới nổi.

 

 

Việc chính thức đưa vào hoạt động Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) trong 6 tháng đầu năm 2022 dự kiến sẽ giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt - điểm mà cả FTSE (công ty độc lập chuyên cung cấp dịch vụ tạo ra chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu) và MSCI đều coi là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đề cập về định hướng phát triển TTCK Việt Nam theo hướng ổn định, minh bạch, bền vững trong chặng đường 10 năm tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết:

Thứ nhất, phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh các chương trình tái cơ cấu nhằm hoàn chỉnh cấu trúc của thị trường tài chính, tăng tính liên kết giữa thị trường vốn dài hạn với thị trường tiền tệ tín dụng, thị trường bảo hiểm.

Thứ hai, tiếp tục phát triển TTCK về quy mô, nhưng phải chuyển hướng chú trọng nhiều hơn về chất lượng và tính bền vững để TTCK khẳng định được là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ tín dụng và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu, trái phiếu và TTCK phái sinh, giữa trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, nghiệp vụ, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ ba, chú trọng phát triển TTCK theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo đảm tính công khai, minh bạch và ổn định, hướng tới các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp và hướng tới phát triển tài chính xanh, chứng khoán xanh, áp dụng tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp (ESG - Environmental, Social, and Governance) và công bố thông tin về phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.

 

 

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán, chủ động nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi thành tựu cách mạng công nghiệp vào lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thông minh, hiệu quả đối với thị trường chứng khoán dựa trên ứng dụng công nghệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và lòng tin của thị trường.

Thứ năm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, giám sát TTCK theo hướng Nhà nước thực hiện quản lý thị trường bằng công cụ pháp luật, đảm bảo TTCK phát triển ổn định, vững chắc tăng thêm số lượng và chất lượng cho đội ngũ trực tiếp tham gia quản lý TTCK kết hợp với đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại, phát huy vai trò của các tổ chức tự quản, hiệp hội nhằm bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp và khuyến khích các chủ thể tham gia TTCK.

Thứ sáu, tăng cường mở cửa và hội nhập, liên kết với các thị trường khu vực và thế giới; tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng chống đỡ rủi ro, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam so với các nước phát triển.

 

 

Bài: Minh Phương
Ảnh: TTXVN
Đồ họa, trình bày: Tuệ Thy

25/12/2021 04:03