Nhà đầu tư có lãi lớn khiến dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào các nhóm cổ phiếu. Dù chỉ số đã tăng rất cao, nhưng giới phân tích từ các công ty chứng khoán vẫn đặt kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ diễn biến tích cực trong 2 tháng cuối năm.
Liên tiếp phá đỉnh
Kết thúc phiên giao dịch 2/11, VN-Index tăng 13,49 điểm lên 1.452,46 điểm, đây là mốc cao nhất của chỉ số này đạt được kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào giao dịch. Điểm đặc biệt, khối lượng giao dịch cũng đạt mức rất cao, với hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 28.852 tỷ đồng. Toàn sàn có tới 302 mã tăng giá, 151 mã giảm giá và 48 mã đứng ở mốc tham chiếu.
HNX-Index tăng 8,57 điểm lên mốc 424,11 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 188,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.534 tỷ đồng. Đây cũng là đỉnh lịch sử của chỉ số này. Toàn sàn có 184 mã tăng giá, 65 mã giảm giá và 103 mã đứng giá.
Trước đó, chốt phiên ngày 27/10/2021, VN-INDEX đóng cửa ở mức 1.423,02 điểm, phá mốc đỉnh lịch sử lập được trong tháng 7. Sau đó, cùng với dòng tiền lớn chảy mạnh vào thị trường, chỉ số này liên tục “xô đổ” các mức đỉnh đã lập trước đó để vươn lên đỉnh cao mới.
Giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn trong tháng 10 đã tăng 1% so với tháng 9 lên 26.991 tỷ đồng/phiên và tăng tới 274,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tiếp tục là tiêu điểm của thị trường. Giá trị giao dịch bình quân của chỉ số VNSML-Index (đại diện cho các mã vốn hóa nhỏ) trong tháng 10 tăng 4,7% so với tháng trước sau khi tăng 17,9% trong tháng 9.
Dòng tiền rút ròng nhẹ khỏi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vốn hóa trung bình với thanh khoản bình quân trong tháng 10 giảm lần lượt 0,1% và 0,6% so với tháng 9.
Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết trong tháng 10, khối ngoại bán ròng gần 253 triệu USD (khoảng 5,25 nghìn tỷ đồng). Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 2,2 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với mức bán ròng trong năm 2020. Tuy nhiên, cá nhân và tổ chức trong nước mua ròng, cân bằng lại lượng bán ròng của khối ngoại. Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng gần 2,3 nghìn tỷ đồng trong tháng 10, lũy kế mua ròng gần 69 nghìn tỷ đồng từ đầu năm.
Số lượng tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì trên mức 100 nghìn tài khoản mỗi tháng, là động lực chính giúp tăng thanh khoản thị trường và xu hướng tăng giá của thị trường.
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán trong thời gian tới. Đáng chú ý, trong tháng 10, nhà đầu tư tổ chức trong nước mua ròng gần 3 nghìn tỷ đồng sau nhiều tháng bán ròng.
Niềm tin được củng cố
Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDRECT (VNDRECT) cho biết, tâm lý thị trường tích cực hơn trong tháng 10, sau sự nới lỏng giãn cách ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, gói kích thích kinh tế mới có khả năng được thông qua vào cuối năm 2021 đã nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
VNDIRECT kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình trong tháng 11 sau khi VN-INDEX vượt đỉnh lịch sử và thiết lập xu hướng tăng ngắn hạn.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2021 đã bắt đầu. Bức tranh tích cực hơn về kết quả kinh doanh quý III/2021 của các doanh nghiệp niêm yết so với các dự báo tiêu cực trước đó.
Tính tới ngày 1/11/2021, có 651 công ty niêm yết, chiếm 37,3% số doanh nghiệp niêm yết và 82% giá trị vốn hóa thị trường đã công bố kết quả kinh doanh quý III, với lợi nhuận ròng tăng trưởng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia từ VNDIRECT kỳ vọng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE năm 2021 sẽ tăng trưởng 26% so với cùng kỳ trong năm tài chính 2020.
VNDIRECT cho rằng, triển vọng thị trường trong 2 tháng cuối năm 2021 vẫn tích cực, bởi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2021, được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp.
Bên cạnh đó, gói kích thích kinh tế mới có thể được thông qua trong quý IV và định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn trong dài hạn.
Đồng quan điểm, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, sau khi sụt giảm mạnh trong quý III, nền kinh tế Việt Nam bước đầu khởi sắc trở lại trong tháng 10 do các tỉnh đã dần nới lỏng giãn cách xã hội và việc tiêm vaccine phòng COVID-19 được đẩy mạnh.
Cụ thể trong tháng 10, sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ, tiêu dùng thu hẹp đà giảm mặc dù vẫn chưa hồi phục so với cùng kỳ, giải ngân vốn đầu tư công tăng tốc so với tháng trước đó, thu hút vốn FDI vẫn giữ mức tăng trưởng hai chữ số, cán cân thương mại chuyển sang thặng dư tháng thứ 2 liên tiếp. Thêm vào đó, lạm phát và tỷ giá vẫn duy trì ổn định trong 10 tháng năm 2021.
Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) chỉ ra những động lực giúp thị trường tích cực trong thời gian tới. Cụ thể, về chính sách tài khóa, sau khi điều chỉnh lại GDP, tỷ lệ nợ công của Việt Nam được tính lại khoảng 46,6% GDP vào cuối năm 2020, dưới mức ngưỡng cảnh báo an toàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 55%.
Theo dự phóng của IMF, sau khi thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế, tỷ lệ nợ công có thể tăng lên 47,1% vào cuối năm 2021. Đây là dư địa để Chính phủ có thể thực hiện các gói kích thích phục hồi kinh tế mới trong năm 2022. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.
Việc thoái vốn nhà nước được thúc đẩy. Cục Tài chính doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch thoái vốn trong năm 2022 dự kiến tại 6 doanh nghiệp do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý, bao gồm Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (mã chứng khoán: SAB), Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT), Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán: BMI), Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán: NTP) và Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (mã chứng khoán: VNR), dự kiến thu về khoảng hơn 40 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thị trường còn được nâng đỡ bởi câu chuyện dài hạn về triển vọng nâng hạng thị trường lên các thị trường mới nổi. So sánh tương quan với các thị trường trên thế giới và thị trường trong khu vực, thị trường Việt Nam đang được giao dịch ở mức P/E tương đối hấp dẫn, hiện ở mức khoảng 16,9 lần với mức tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam và tiềm năng thu hút dòng vốn ngoại khi thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong khi đó, các đổi mới nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cũng cảnh báo nhà đầu tư các rủi ro chính cần quan sát bao gồm: việc kiểm soát dịch bệnh sau khi nới lỏng giãn cách; rủi ro nợ xấu ngành ngân hàng tăng cao do khả năng trả nợ của người đi vay bị ảnh hưởng và các rủi ro bên ngoài liên quan đến việc khối ngoại rút vốn nếu Mỹ ngưng nới lỏng tiền tệ, cũng như việc các chính sách mới của Trung Quốc có tác động đáng kể đến giá hàng hóa toàn cầu.