Quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là điều không mới trên thế giới. Sự kết hợp này thực sự đã mang lại hiệu quả thiết thực về lợi nhuận từ chiếu phim, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa của nhiều đất nước. Ở Việt Nam, đây còn là lĩnh vực khá mới mẻ, tiềm năng nhiều và việc khai thác vẫn đang ở những bước đầu tiên. Do đó, đòi hỏi cần sớm có những chính sách, đầu tư phù hợp để nâng cao hiệu quả phát triển thương hiệu du lịch qua các tác phẩm điện ảnh, góp phần tích cực thu hút thêm du khách quốc tế đến với Việt Nam.
Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, bởi nước ta có vô vàn cảnh đẹp từ Bắc chí Nam, không ít di tích lịch sử hấp dẫn, di sản văn hóa đặc sắc khắp các vùng miền, đủ làm bối cảnh cho nhiều bộ phim. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, du lịch và điện ảnh bắt tay cùng phát triển sẽ mang lại lợi ích kép rất hữu hiệu.
Nhờ những bộ phim ăn khách, nổi tiếng thế giới mà địa điểm quay phim trở thành điểm đến du lịch thu hút du khách, mang lại lợi ích cho đất nước đó không còn là điều mới mẻ. Có thể kể đến trường hợp của nước láng giềng Việt Nam là Campuchia, được thế giới biết đến nhiều hơn nhờ bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” do nữ diễn viên Angela Jolie thủ vai chính được quay tại đây. Quần đảo Koh Phi Phi thuộc Phuket (Thái Lan) trở thành điểm đến có sức hấp dẫn du khách nước ngoài… từ sau khi bộ phim "Nhiệm vụ bất khả thi" ăn khách.
Thành công nhất có thể phải nhắc đến New Zealand với loạt phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn" (Lord of the Rings) của đạo diễn Peter Jackson. Bắt đầu từ năm 2001, khi phần đầu tiên của phim trình làng, New Zealand bỗng trở thành "ngôi sao" trên bản đồ du lịch thế giới. Theo một khảo sát khách quốc tế vào năm 2013 của quốc gia này, 14% khách du lịch trả lời phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” là một yếu tố khiến họ quyết định du lịch New Zealand.
Tại châu Á, không thể không nhắc đến Hàn Quốc. Từng xuất hiện trong hàng loạt bộ phim truyền hình ăn khách của xứ sở kim chi như “Nàng Dae Jang Geum”, “Thái vương tứ thần ký”, “Khu vườn bí mật” hay “Vườn sao băng”, đảo Jeju là sự lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến du lịch Hàn Quốc. Cách thủ đô Seoul 63 km về phía Nam, đảo Nami được biết đến qua bộ phim “Bản tình ca mùa Đông” đã thu hút lượng lớn du khách đến mỗi năm. Theo thống kê, thành công của phim này đã mang lại cho Hàn Quốc 3.000 tỷ won (2,27 tỷ USD), trong đó 840 tỷ won cho du lịch, 20 tỷ won từ sách ảnh của Bae Yong Joon (nam diễn viên chính) và 10 tỷ won từ các cuốn lịch có hình ảnh anh. Từ sau hiệu ứng từ "Bản tình ca mùa Đông", Chính phủ Hàn Quốc đã xác định điện ảnh, truyền hình sẽ là ngành công nghiệp "đẻ trứng vàng" để đất nước triển kinh tế và du lịch.
Phim "Ký sinh trùng" của Hàn Quốc thành công rực rỡ ở các liên hoan phim quốc tế danh giá nhất thế giới. Ngay từ tháng 12/2019, tour khám phá các địa điểm quay phim đã được chính quyền thành phố Seoul giới thiệu trên trang du lịch Seoul, thu hút hơn 60.000 lượt truy cập. Sau đó, thành phố tiếp tục lên kế hoạch hình thành tour du lịch kết nối những địa điểm quay tác phẩm khác của đạo diễn Bong Joon-ho như: "Quái vật sông Hàn"...
Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Đoàn Mạnh Cương, Vụ Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội, khoảng 20 năm trở lại đây, khi làn sóng phim Hàn Quốc tràn vào nước ta, điều dễ nhận thấy là người dân Việt Nam cũng có xu hướng chọn xứ sở Kim Chi để xuất ngoại.
Thống kê của Văn phòng Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam cho thấy, thời gian qua, lượng khách Việt Nam tới Hàn Quốc đã tăng đáng kể. Khá nhiều người đều cảm thấy thích thú khi xem những bộ phim truyền hình của Hàn Quốc. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng của những bộ phim trong việc quảng bá hình ảnh của một quốc gia là rất quan trọng.
Văn phòng Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch được ngành chức năng Hàn Quốc rất coi trọng. Bởi lẽ, những bộ phim truyền hình, điện ảnh xuất khẩu ra nước ngoài đã giúp du khách trên thế giới biết đến Hàn Quốc. Nhờ những bộ phim, lộ trình tham quan của du khách quốc tế đến Hàn Quốc luôn có các điểm như đảo Jeju, đảo Nami, công viên Lotte World, bến phà Abai... đều là những địa danh xuất hiện trong các phim "Nấc thang lên thiên đường", "Trái tim mùa Thu", "Bản tình ca mùa Đông", "Nàng Dae Jang Geum", “Itaewon Class”...
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Năm 2015, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra mắt, đạt doanh thu 80 tỷ đồng, lập kỷ lục doanh thu phòng vé tại Việt Nam vào thời điểm phát hành. Sau đó, vùng đất Phú Yên, nơi được chọn làm bối cảnh chính trong phim đã trở thành một điểm đến của nhiều du khách, lượng du khách đến Phú Yên tăng 30% so với trước đó.
Hà Giang - vùng đất địa đầu Tổ quốc trong bộ phim “Chuyện của Pao” với hình ảnh núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng, con người nồng hậu, ấm áp đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế. Bản Sủng Là, huyện Đồng Văn trở thành một điểm tham quan không thể thiếu với du khách khi đến với Hà Giang.
Phim “Mắt biếc” với cố đô Huế làm bối cảnh chính không chỉ được đánh giá cao về nghệ thuật, tạo ra doanh thu kỷ lục phòng vé dịp cuối năm 2019 đầu năm 2020 ước tính đạt 172 tỷ đồng. “Mắt biếc” còn thúc đẩy du lịch ở Huế; nhiều bối cảnh trong bộ phim đã trở thành điểm đến thu hút người tham quan, nhất là thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú.
Các điểm quay phim của nhiều tác phẩm điện ảnh sau khi kết thúc đã trở thành những điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Việc phát triển sản phẩm du lịch thông qua các sản phẩm điện ảnh đã có thực tiễn hiệu quả, sinh động minh chứng sự đóng góp quan trọng của điện ảnh trong việc quảng bá đất nước, con người Việt Nam cũng như sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, thực tế đã chứng minh, sự quảng bá một địa danh thông qua điện ảnh luôn đem lại hiệu quả bất ngờ và mạnh mẽ. Từ cách đây hàng thập kỷ, nhiều bộ phim nước ngoài đã được quay tại Việt Nam, gây sửng sốt với khán giả trên thế giới, bởi hình ảnh đất nước con người Việt Nam được thể hiện tuyệt đẹp trên phim. Có thể kể đến các tác phẩm điện ảnh như “Người tình” (L'Amant, 1991), “Đông Dương” (Indochine, 1992) của điện ảnh Pháp; “Người Mỹ trầm lặng” (The Quiet American, 2002)… Sau khi những bộ phim này được công chiếu trên thế giới, những địa danh của Việt Nam được chọn làm bối cảnh trong phim đã thu hút được rất nhiều du khách từ khắp nơi tới tham quan, đặc biệt là vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Phim “Kong: Đảo đầu lâu” - phim "bom tấn" của điện ảnh Hollywood sau khi ra mắt khán giả, một loạt địa điểm đã từng là bối cảnh của phim đã trở thành điểm đến trong tour du lịch mới, thu hút du khách đến với Quần thể Di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình) cùng 5 danh lam thắng cảnh khác gồm Tràng An, Vân Long, Tam Cốc (Ninh Bình); vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình). Cũng có thể nói, những địa điểm trong phim đã góp phần tạo nên một cơn sốt du khách đi thăm các bối cảnh trong phim tại các danh thắng trên.
Điều này cho thấy, khi một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng ngoài giá trị nghệ thuật, nó còn được gắn kết với địa điểm đã được vào phim của một vùng miền, một địa chỉ để trở thành địa danh của điện ảnh và du lịch.
Mới đây nhất, ngày 21/4, Netflix (một dịch vụ phát trực tuyến cho phép các thành viên xem các chương trình truyền hình, phim trên thiết bị có kết nối internet) đã phát sóng bộ phim "Hành trình tình yêu” (A tourist's guide to love). Đây là dự án phim quốc tế đầu tiên được quay tại Việt Nam từ sau dịch COVID-19, cũng là bộ phim Mỹ đầu tiên quay hoàn toàn tại Việt Nam với bối cảnh thực chứ không phải trong trường quay, sử dụng kỹ xảo. Trong phim, nhiều danh lam thắng cảnh, địa điểm quen thuộc với khách du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Hà Nội, Hà Giang... đã hiện lên một cách sống động và đầy chất thơ.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá cao nỗ lực của Netflix trong việc góp phần quảng bá hình ảnh, nét đẹp và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Ông cho rằng, đây sẽ là tiền đề để Netflix cũng như các nhà làm phim quốc tế có thêm ý tưởng sản xuất các bộ phim tại Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, các hoạt động điện ảnh đã tác động tích cực đến nhiều điểm du lịch. Cả Việt Nam và thế giới đều chứng kiến những bộ phim thành công đã góp phần giúp địa điểm quay phim tỏa sáng thành những điểm đến hấp dẫn. Ngược lại, du lịch cũng là điều kiện tạo cảm hứng cho các phim. Một nơi phong cảnh đẹp, độc đáo có thể nâng tầm bộ phim lên rất nhiều. Mối quan hệ qua lại giữa du lịch và điện ảnh là tương hỗ, tạo ra những giá trị mới với sự đóng góp của các nghệ sỹ…
Vào tháng 5/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tiến hành loạt sự kiện nhằm thực hiện chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh. Đây được coi là những bước đi khởi động mạng mẽ, thiết thực trên hành trình hiện thực hóa ước mơ xây dựng Nha Trang trở thành thành phố điện ảnh của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nêu rõ: Điện ảnh là một ngành nghệ thuật trọng điểm, một trong 13 điểm nhấn cần thực hiện khi phát triển công nghiệp văn hóa ở văn hóa. Điện ảnh hiện là ngành đi đầu trong phát triển, cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây là ngành duy nhất đạt vượt mức các kế hoạch đặt ra đến năm 2018, vượt mốc doanh thu 4.000 tỷ đồng trước đại dịch COVID-19
Điện ảnh Việt Nam được quốc tế đánh giá là có tăng trưởng hàng năm đứng ở nhóm cao của thế giới. Có những tác phẩm điện ảnh Việt Nam ngày xưa mơ ước đạt 100 tỷ đồng doanh thu nhưng hiện nay đã có nhiều phim vượt qua con số này. Thứ trưởng Tạ Quang Đông nêu dẫn chứng về hai phim của Trấn Thành (“Bố già” và “Nhà bà Nữ”), một phim thu được 500 tỷ đồng, một phim vượt mốc 400 tỷ đồng.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ, điện ảnh là một cầu nối gắn bó chặt với hội nhập quốc tế, một hình thái nghệ thuật mà đạt được nhiều kết quả quan trọng nhất khi hội nhập quốc tế. Có thể nói đến Hàn Quốc với trào lưu KPop, thời trang, du lịch... đều có xuất phát điểm từ điện ảnh, họ hướng tới việc đưa điện ảnh ra nước ngoài để tạo sức mạnh mềm quảng bá thương hiệu nội địa. Đây là hướng đi mà hầu hết các nước đều đi theo. Dựa trên hướng đi này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thấy rằng, việc gắn bó thương hiệu điện ảnh của Việt Nam với du lịch là quan trọng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức hội nghị tại Nha Trang, Khánh Hòa vào cuối tháng 5/2023 để tạo diễn đàn liên kết các thương hiệu du lịch - điện ảnh Việt Nam trong quá trình phát triển. Đây cũng là một trong 12 chương trình trọng điểm của Bộ triển khai trong năm 2023.
Có thể nó rằng, đây là lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề cập đến sự gắn bó giữa hai lĩnh vực này nhằm quảng bá trực tiếp cho các nhãn hiệu hàng hóa, khách sạn, sản phẩm khác của du lịch gắn với điện ảnh. Khách mời là đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, doanh nghiệp du lịch lớn, các cơ quan, bộ, ban, ngành liên quan, nhà sản xuất phim, ngân hàng, khu resort... sẽ dự hội thảo.
Trong khuôn khổ sự kiện này có Diễn đàn Du lịch - Điện ảnh Việt Nam nhằm thông tin về chính sách mới liên quan đến du lịch, điện ảnh; chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc đưa thương hiệu du lịch vào điện ảnh cũng như tác động ngược trở lại của điện ảnh đến du lịch. Ở một diễn đàn khác, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhãn hàng sẽ trực tiếp làm việc, kiến nghị các chính sách để phát triển thương hiệu du lịch thông qua điện ảnh. Cùng với đó là hoạt động tham quan trải nghiệm điểm đến là các bối cảnh quay phim tại Khánh Hòa; tuần phim, đại nhạc hội...
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, đây là lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng tới kết hợp một điện ảnh - một trong những ngành phát triển mạnh nhất Việt Nam những năm qua với du lịch. Đây là phương pháp mạnh mẽ nhất nhằm tuyên truyền cho các thương hiệu của Việt Nam trong đó có các thương hiệu về du lịch. Ông cho rằng, dựa trên sự phát triển của điện ảnh cũng như sự lan tỏa của nó với thế giới thì việc kết hợp điện ảnh với du lịch sẽ góp phần tích cực thu hút thêm khách du lịch đến nước ta. Qua phim ảnh, du khách quốc tế sẽ biết đến Việt Nam - một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa mang trong mình những nét đẹp đặc trưng, hội tụ đầy đủ các yếu tố làm nên những bối cảnh điện ảnh ấn tượng khó phai mờ trên những thước phim một thời vang danh của điện ảnh Việt Nam.
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Nha Trang đã luôn là điểm đến lý tưởng cho các nhà làm phim. Bộ phim “Tự thú trước bình minh” (1979) của Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Kỳ Nam là bộ phim đầu tiên được quay hầu như toàn bộ tại Nha Trang với các diễn viên Thế Anh, Lê Vân, Trần Tiến… Câu chuyện phim tràn đầy cảm xúc trên nền bối cảnh là thành phố Nha Trang tuyệt đẹp đầy chất thơ, miền thùy dương một thời trong lòng du khách. Tiếp đó, bộ phim “Về nơi gió cát” (1981) của Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Huy Thành, khiến khán giả thật khó quên hình ảnh nghệ sĩ Hương Xuân, Trần Vịnh trên những trảng cát trắng phau ở Cam Ranh.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, có thể thấy rằng, Nha Trang đã là mảnh đất luôn được các nhà làm phim ưu ái dành tình cảm, tâm huyết trong sáng tạo; lưu lại những thước phim vô giá, hình ảnh còn mãi với thời gian về vẻ đẹp của đất, trời, biển, cát và con người. Vịnh biển Nha Trang là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, là món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Biển Nha Trang đã tạo nên biết bao những thước phim đẹp ghi đấu trong lòng nhiều thế hệ khán giả yêu phim, yêu Nha Trang - thành phố miền duyên hải từ những thập kỷ 80 - 90 của thế kỷ XX. Thành phố biển Nha Trang nay thêm nhiều resort quyến rũ; đã trở lại màn ảnh với “Đẹp từng centimet” (2009), “Những nụ hôn rực rỡ” (2010), “Mỹ nhân kế” (2013); “Chàng trai năm ấy” (2014)… Những bộ phim hiện đại của thế hệ làm phim trẻ trung, năng động đã góp phần đưa đến cho khán giả hình ảnh một Nha Trang khác biệt.
Hội Điện ảnh Việt Nam đã chọn Nha Trang là nơi trao Giải Cánh diều năm 2022, với chủ đề chính “Tiếp gió biển cho cánh diều bay cao” đã gây ấn tượng cho công chúng; góp phần kích cầu du lịch, gia tăng gắn kết giữa điện ảnh với du lịch. Từ năm 2023, sự kiện trao Giải Cánh diều sẽ diễn ra tại Nhà hát Đó, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu, phát triển du lịch Nha Trang - Khánh Hòa thông qua điện ảnh. Điều này phù hợp với định hướng trở thành thành phố điện ảnh trong tương lai của Nha Trang - Khánh Hòa…
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, mỗi kỳ tổ chức Giải thưởng Cánh diều ở Nha Trang sẽ là một lần hình ảnh thiên nhiên, con người của địa phương được truyền thông, quảng bá rộng rãi ở trong nước, quốc tế. Nha Trang sẽ là nơi hội tụ đông đảo nghệ sỹ tên tuổi trong các lĩnh vực nghệ thuật, tạo sức ảnh hưởng hỗ trợ địa phương đẩy mạnh quảng bá du lịch...
Tổng cục Du lịch nhận định việc lựa chọn địa điểm tổ chức sự kiện điện ảnh là vô cùng quan trọng, góp phần tạo sức hấp dẫn cho du lịch nước nhà. Chương trình quảng bá của Tổng cục Du lịch nên có phần giới thiệu các hoạt động điện ảnh của Việt Nam và những điểm du lịch có thể gắn với điện ảnh. Việc tổ chức các đoàn farmtrip cho các nhà sản xuất, khảo sát bối cảnh ở Việt Nam trước các hoạt động điện ảnh lớn cũng là một cách hữu ích để quảng bá cho cả du lịch và điện ảnh. Trung bình mỗi du khách vào Việt Nam chi tiêu khoảng 1.000 - 2.000 USD, nhưng các đoàn làm phim có thể sẽ chi tiêu nhiều hơn, nên ngành Du lịch cần coi đây là đối tượng du khách cần quan tâm và phát huy...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thức được tầm quan trọng của điện ảnh trong quảng bá hình ảnh đất nước; lợi ích từ công nghiệp điện ảnh mang lại và bước đầu có chính sách, đầu tư phù hợp để thực hiện chiến lược phát triển điện ảnh quốc gia. Việc gắn kết giữa điện ảnh với du lịch bước đầu ở Khánh Hòa sẽ là bước tạo đà khởi động nhằm tiến tới tạo đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương, góp phần vào việc phát triển điện ảnh và du lịch quốc gia trong tương lai...
Văn hóa - Nâng tầm giá trị thương hiệu du lịch Việt:
Bài: Thanh Giang
Ảnh: TTXVN - Báo Ảnh Việt Nam - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
07/05/2023 05:55