Jacques Chirac là một người Paris điển hình, một người Pháp điển hình với tính cách hào hoa, lao động bền bỉ và có thể nói là luôn tôn thờ các giá trị phổ quát của thời đại. Chirac sinh 29/11/1932 tại bệnh viện Geoffroy Saint-Hilaire ở thủ đô Paris. Bố ông là Abel François Chirac, một viên chức quản lý hành chính thành công tại một công ty máy bay của Pháp, và mẹ là Marie-Louise Valette, một người nội trợ.
Trong cuốn hồi ký “Chaque pas doit être un but” (tạm dịch: Mỗi bước tự thân phải có mục đích) xuất bản năm 2009, ông Chirac đã vẽ lại bầu không khí ấm cúng tràn đầy thương yêu của gia đình, với một người mẹ bao giờ cũng ân cần và bảo ban cậu con trai, và cả nỗi buồn vô hạn khi bà qua đời vì bệnh ung thư. Chirac trải qua tuổi thơ êm đềm và đẹp như chính thành phố Paris hoa lệ nơi ông sinh ra.
Có điều đặc biệt là Jacques Chirac rất yêu các giá trị truyền thống Phương Đông. Khi còn ngồi ghế nhà trường, ông thường xuyên có những ngày “miệt mài quên thời gian” trong Bảo tàng Guimet để tìm hiểu các nền văn minh Phương Đông cổ xưa. Chirac thậm chí tìm cách học tiếng Phạn và say sưa đọc những tác phẩm của các đại thi hào Leo Tolstoy hay Alexander Pushkin.
Chirac tốt nghiệp Trường trung học Carnot Louis-le-Grand tại Paris, rồi tới Học viện nghiên cứu chính trị Paris, Trường Đại học Harvard và Trường Hành chính Quốc gia Pháp (ENA), nơi đào tạo các nhân viên dân sự cao cấp nhất của nước này. Ông được giáo dục một cách bài bản, toàn diện và đây chính là một trong những nền tảng đưa Jacques Chirac tiến xa trên con đường chính trị sau này.
Trước khi rời Điện Elysee, cố Tổng thống Francois Mitterrand nói “sau tôi nước Pháp sẽ không còn có tổng thống vĩ đại nào nữa”. Song lịch sử chứng minh Francois Mitterrand đã nhầm. Jacques Chirac có một sự nghiệp chính trị lẫy lừng. 12 năm lãnh đạo Điện Elysee, Chirac tiến hành hàng loạt cải tổ giúp hàn gắp tình trạng chia rẽ trong nước, đồng thời nâng cao vị thế của nước Pháp ở châu Âu và trên trường quốc tế. Chirac được người dân Pháp yêu quí và xếp ngang hàng với Tướng Charles de Gaulle.
Cựu Tổng thống Jacques Chirac là một trong những chính trị gia có sự nghiệp chính trị liên tục dài nhất ở châu Âu, một nhà lãnh đạo kỳ cựu và được các đồng nghiệp ví là “Mãnh sư nước Pháp”. Ông đã 18 năm giữ cương vị Thị trưởng Paris (1977-1995), hai nhiệm kỳ thủ tướng (1974-1976 và 1986-1988) và có hai nhiệm kỳ tổng thống (1995-2007).
Jacques Chirac bắt đầu tham gia đời sống chính trị vào những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Giai đoạn này, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, làm cho báo L'Humanité và rất tích cực hoạt động xã hội. Tháng 4/1962, ông được chỉ định làm người đứng đầu bộ máy nhân viên của Thủ tướng Georges Pompidou. Pompidou gọi Chirac là "Chiếc xe ủi” bởi trình độ giải quyết công việc xuất sắc của ông.
Khi làn sóng đình công-bãi khóa của công nhân và sinh viên bùng phát giữa năm 19 gây chấn động nước Pháp, Jacques Chirac đóng vai trò then chốt trong quá trình đàm phán, hòa giải. Việc giải quyết thành công cuộc khủng hoảng này đã giúp Chirac tạo ấn tượng mạnh mẽ với công chúng Pháp và gây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo đất nước trong tương lai.
Bước ngoặt chính trị lớn đầu tiên diễn ra vào năm 1967, khi Chirac được bầu làm đại biểu quốc hội của tỉnh Corrèz. Nhiều năm sau đó, ông lần lượt nắm giữ nhiều chức vụ trong bộ máy Chính quyền Pháp như Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề về xã hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thủ tướng…
Ngày 7/5/1995, ông được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Pháp. Tiếp đó, ngày 5/5/2002, ông được bầu lại làm Tổng thống Pháp nhiệm kỳ thứ hai và kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2007. Có thể nói, trong 12 năm ở cương vị nguyên thủ quốc gia nước Pháp, Tổng thống Chirac được đa số dân Pháp yêu mến đánh giá là một nhà yêu nước, một chính trị gia lão luyện và luôn bảo vệ lợi ích của đất nước trên hết.
Video Tổng thống Jacques Chirac và người hâm mộ ăn mừng khi đắc cử năm 1995: (Nguồn: France24/RFI)
Trên cương vị nguyên thủ quốc gia Pháp, ông Chirac giành được cảm tình của tầng lớp dân nghèo tại Pháp thông qua các chính sách ủng hộ về tài chính để những người nghèo có điều kiện kiếm kế sinh nhai, bất chấp việc một tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp trong giai đoạn ông cầm quyền thường ở mức khá cao, trên 10%.
Jacques Chirac cũng để lại dấu ấn khi quyết định cắt giảm nhiệm kỳ Tổng thống Pháp từ 7 năm xuống còn 5 năm. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận của Odoxa-Dentsu Consulting, hơn 79% người dân “đất nước hình lục lăng” đánh giá ông Jacques Chirac là “tổng thống tuyệt vời” và 67% bày tỏ đau buồn trước sự ra đi của ông.
Trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống, Tổng thống Chirac tiếp tục có những nỗ lực nâng cao vị thế của nước Pháp trên trường quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Chirac, người Pháp một lần nữa được sống lại cảm giác tự hào là công dân một cường quốc như thời Napoleon Bonaparte hay Charles de Gaulle. Ông cũng có công đưa nước Pháp tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), truyền cảm hứng cho người dân Pháp về niềm tin vào một châu Âu liên kết, một châu Âu hùng mạnh và nhân văn dựa trên vận mệnh và các giá trị chung.
Khi Eurozone đi vào hoạt động năm 1999, Tổng thống Chirac khẳng định “đó còn hơn một phương thức thanh toán. Đó là biểu tượng của một châu Âu mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn”. Chirac hiểu rõ rằng châu Âu chỉ có thể vận hành tốt khi Pháp và Đức đồng thuận. Ông kêu gọi người dân lưu giữ những giá trị đích thực đã đưa nước Pháp trở thành một cường quốc ở châu Âu, ủng hộ hòa bình thế giới.
Cựu Tổng Giám đốc Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagard đánh giá “Chirac là một nhà lãnh đạo thực thụ, một người châu Âu vĩ đại, người có thể truyền cảm hứng cho cả một thế hệ. Châu Âu cần phải trân trọng di sản này”.
Trên bình diện quốc tế, không thể không nhắc tới dấu ấn nổi bật của “Mãnh sư nước Pháp” Jacques Chirac khi ông phản đối Mỹ và liên quân phát động cuộc Chiến tranh xâm lược Iraq mà không có sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ngày 11/9/2001, sau khi xảy ra vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ nhằm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Tổng thống Chirac hôm đó đang ở Rennes tham dự một Hội chợ Nông nghiệp đã ngay lập tức lên tiếng chia buồn và bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Mỹ. Đúng 1 tuần sau, ông là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên có mặt tại Washington D.C và New York.
Video Tổng thống J. Chirac phản đối tấn công Iraq năm 2003: (Nguồn: France24/RFI)
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Chirac cũng chính là vị nguyên thủ quốc gia lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ nhất việc Mỹ và các đồng minh phương Tây châm ngòi cho cuộc chiến tại Iraq năm 2003 và coi đây là “một cuộc phiêu lưu nguy hiểm”. Chủ trương này khi đó đã khiến quan hệ giữa hai đồng minh chủ chốt hai bờ Đại Tây Dương xấu đi nghiêm trọng. Thậm chí, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld còn chỉ trích đó là quan điểm của "châu Âu cổ xưa".
Đến nay, người ta vẫn nhớ câu nói phản chiến nổi tiếng của ông Chirac: "Chiến tranh không phải là ưu tiên. Nó luôn là minh chứng cho sự thất bại. Nó luôn là giải pháp tồi tệ nhất bởi vì nó mang đến cái chết và sự khốn cùng". Nhà lãnh đạo Pháp cảnh báo tấn công Iraq sẽ là sự khởi đầu cho một cơn ác mộng. Lịch sử một lần nữa chứng minh ông Chirac đã đúng.
Ngoài ra, một trong những di sản khiến Tổng thống Chirac được đánh giá cao chính là bởi ông đã từng thẳng thắn thừa nhận rằng Pháp chịu trách nhiệm trong việc khiến khoảng 76.000 người Do Thái bị gửi tới các trại tập trung của Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ II.
Chirac cũng chính là một trong số ít những nhà lãnh đạo thế giới lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện cam kết Nghị định thư Kyoto về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhấn mạnh tới mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Thông điệp này được nhà lãnh đạo Pháp đưa ra tại một Hội nghị Thượng đỉnh ở Johannesburg (Nam Phi) từ năm 2002.
Hơn một thập kỷ chèo lái “con thuyền Pháp”, Jacques Chirac đã xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo xuất sắc, luôn biết cách hài hòa lợi ích nước Pháp với lợi ích chung của châu Âu và cộng đồng quốc tế. Sử gia nổi tiếng Jean Garrigues đánh giá Chirac là “một tổng thống đặc biệt, một chính khách đặc biệt và là một tiếng nói chính trị quan trọng trong thời đại của mình”.
Tuy nhiên, với nhiều người Pháp, Jacques Chirac còn đặc biệt hơn vì ông luôn là một nguyên thủ quốc gia hài hước, thân thiệt và gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân. Ông chủ Điện Elysee có thể thoải mái đi dạo trên các con phố thủ đô Paris hay thong dong cùng chiếc xe Vespa trên một con đường ngoại ô, thói quen có từ thời niên thiếu. Những điều này khiến Chirac trở thành một trong những nhà lãnh đạo được yêu mến nhất tại Pháp.
Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Jacques Chirac đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Bắc đẩu Bội tinh Hạng nhất, Huân chương Quốc công Hạng nhất và nhiều huân chương danh dự khác.
Đối với người dân Việt Nam, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac ghi dấu ấn khó phai với hai lần đến ông với Hà Nội. Trong hai nhiệm kỳ làm Tổng thống Pháp, ông Chirac đã đến thăm Việt Nam hai lần, đó là vào năm 1997, khi ông Chirac tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 6 và năm 2004 khi ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5).
Các chuyến thăm của ông đã thật sự góp phần dệt nên mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt-Pháp và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12-13/11/1997, trước phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp, Tổng thống Chirac khẳng định mong muốn phát triển quan hệ đối tác với Việt Nam “là một ưu tiên của Pháp”.
Trong chuyến thăm này, Tổng thống J. Chirac đã cùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã cắt băng khánh thành Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội. Đây là công trình nhận được sự giúp đỡ của Cộng hòa Pháp về các phương tiện vật chất, kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm trong việc tổ chức trưng bày và hoạt động của bảng tàng.
Lần thứ hai ông Chirac thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5) vào năm 2004. Ông đánh giá cao đường lối phát triển của Việt Nam, bày tỏ sự ấn tượng trước những tiến bộ vượt bậc mà Việt Nam đã gặt hái được trong thời gian rất ngắn.
Ông đánh giá công cuộc cải cách hành chính, chính sách mở cửa đã tạo điều kiện phát huy hiệu quả các tiềm lực của Việt Nam; và Pháp hoàn toàn tin tưởng vào khả năng thành công của Việt Nam trong giai đoạn mới, tin tưởng đường lối hội nhập của Việt Nam, vào xu thế các trào lưu thế giới hội nhập nhưng vẫn giữa nguyên vẹn bản sắc của mình.
Nhà lãnh đạo Pháp Chirac cũng đã mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam ứng cử ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời Pháp trở thành nhịp cầu giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước châu Âu trong giai đoạn Việt Nam mở cửa, hội nhập quốc tế.
Video Tổng thống Jacques Chirac thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội, từ ngày 12-16/11/1997. (Nguồn: AP)
Tổng thống J. Chirac nhấn mạnh, vượt qua gánh nặng của quá khứ, Việt Nam và Pháp hoàn toàn có quyền gửi tới thế giới một thông điệp hòa bình, hợp tác và bác ái.
Nhìn lại lịch sử, có thể khẳng định với sự vun đắp của các nhà lãnh đạo hai nước, trong đó có sự ủng hộ chân thành và tình cảm quí báu của Tổng thống Jacques Chirac, quan hệ hữu nghị Việt Nam – Pháp đã có nhiều bước phát triển ấn tượng, góp phần nâng quan hệ song phương lên thành “Đối tác Chiến lược” vào năm 2013 và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Ngày 26/9/2019, sau một thời gian dài chống chọi với chứng mất trí và bệnh Alzheimer, trái tim “Mãnh sư nước Pháp” Jacques René Chirac đã ngừng đập mãi mãi. Nhân dân Pháp tiễn biệt một trong những nhà lãnh đạo ưu tú nhất. Và như lời chia sẻ của Thủ tướng Anh Boris Johnson: Mất mát này sẽ được cảm nhận trên toàn nước Pháp trong nhiều thế hệ….
Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng thống Jacques Chirac qua ảnh: (Nguồn: CNN, AFP, Reuters, Times)
Bài: Thanh Tuấn
Trình bày: Hồng Hạnh
30/09/2019 05:30