Điện Elysee cho biết Tổng thống Emmanuel Macron đã hoãn kế hoạch tham gia sự kiện khởi động cuộc đối thoại về lương hưu và sẽ có bài phát biểu chia buồn trên truyền hình vào 20h00 giờ địa phương ngày 26/9 (tức 2h00 ngày 27/9 giờ Hà Nội).
Hạ viện và Thượng viện Pháp đã dành một phút mặc niệm vào chiều 26/9 để tưởng nhớ cựu Tổng thống Jacques Chirac. Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Ferrand khẳng định: "Tổng thống Jacques Chirac là một phần của lịch sử nước Pháp".
Trong phản ứng của mình, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chia sẻ "một phần đời tôi đã ra đi ngày hôm nay". Ông Sarkozy ca ngợi bậc tiền bối Tổng thống Jacques Chirac là "một người thầy thông thái, không bao giờ nhượng bộ dù nhỏ nhất về nền độc lập của chúng ta cũng như cam kết sâu sắc của ông với châu Âu". Về phần mình, cựu Tổng thống François Hollande đã vĩnh biệt "một chiến binh", người đã "biết xây dựng một mối quan hệ cá nhân lãnh đạo với người dân Pháp". Cựu Thủ tướng Bernard Cazeneuve ca ngợi ông Chirac là "vị tổng thống được người Pháp yêu mến và luôn nhớ tới". Cựu Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin bày tỏ "rất đau buồn" về sự ra đi của Tổng thống Chirac.
Trong khi đó, các lãnh đạo thế giới cũng lên tiếng ca ngợi cựu Tổng thống Pháp. Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi ông Chirac là một "chính khách khôn khéo và nhìn xa trông rộng, một nhà lãnh đạo thông minh và hiểu biết rộng", một trong những lãnh đạo mà ông ngưỡng mộ nhất. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng mô tả ông Chirac là "một lãnh đạo chính trị tuyệt vời đã định hình vận mệnh của đất nước mình". Chia buồn với gia đình và bạn bè của ông Chirac cũng như với toàn thể nhân dân Pháp, ông Johnson cho biết: "Sự mất mát này sẽ được cảm nhận trên toàn nước Pháp trong nhiều thế hệ". Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết ông Chirac là một "người bạn và đối tác nổi bật đối với người Đức chúng tôi và bản thân tôi".
Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đánh giá cao những đóng góp của ông Chirac cho cuộc hòa giải lịch sử và tăng cường hợp tác châu Âu. Phát biểu với hãng thông tấn DPA của Đức, ông Schroeder khẳng định: "Ông ấy hiểu rõ rằng châu Âu chỉ có thể vận hành tốt khi Pháp và Đức đồng thuận". Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng ca ngợi ông Chirac là một đối tác lớn của Đức. Trên mạng Twitter, ông Maas viết: "Tiếng "không" của ông ấy đối với cuộc chiến Iraq và nỗ lực quyết tâm hòa giải với các tội phạm từ thời Đức quốc xã khiến người đời kính trọng".
Ông Chirac sinh ngày 29/11/1932 tại Paris, giữ cương vị Tổng thống Pháp qua hai nhiệm kỳ từ năm 1995-2007, và là vị tổng thống tại vị lâu nhất sau chiến tranh. Ông đã nỗ lực nâng vị thế quan trọng của nước Pháp trên trường quốc tế. Ông cũng được nhớ đến nhiều nhất vì đã khiến Mỹ tức giận khi bày tỏ sự phản đối công khai của mình đối với cuộc chiến tại Iraq năm 2003.