Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Tuy nhiên, hiện nay vùng đồng bào DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. 

Do đó, để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS&MN nhằm khắc phục hạn chế khuyết điểm nêu trên thì việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là rất cần thiết. 

Đồng bào dân tộc Mảng ở huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có hơn 650 hộ với hơn 3.100 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở 14 bản thuộc 5 xã Nậm Ban, Nậm Pì, Hua Bum, Nậm Hàng và Trung Chải. Địa bàn này có điều kiện tự nhiên khó khăn, nơi cư trú của người dân lại chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, tập tục canh tác lạc hậu. Tuy nhiên, từ khi có các chính sách của Nhà nước được hỗ trợ tới vùng đồng bào như Đề án 1672 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”, Nghị quyết số 30a về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”… cùng với sự tuyên truyền, vận động của các cấp ủy, chính quyền địa phương, thì trình độ nhận thức của một bộ phận bà con dân tộc Mảng được nâng lên.

Nhờ những chính sách hỗ trợ cây, con giống thông qua các Đề án, chương trình mà nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Mảng đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ông Hà Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cho biết việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp cho đời sống đồng bào dân tộc Mảng phát triển. Thông qua những chính sách này, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đã giảm qua từng năm. 

Điển hình như gia đình ông Lù A Tiên ở bản Nậm Sảo 1, xã Trung Chải (huyện Nậm Nhùn) - một trong những người đi đầu về định canh phát triển kinh tế của đồng bào Mảng. Ông Lù A Tiên cho biết: “Bản thân tôi cũng như những người Mảng trước đây nghèo lắm, gần như không biết trồng cây gì, nuôi con gì. Khi được Nhà nước hỗ trợ cho trâu giống và hướng dẫn cách chăn nuôi, tôi đã làm theo. Sau khi quen cách chăn nuôi, tôi tiếp tục phát triển thêm nuôi bò, dê; trồng thêm dong riềng, nghệ trong vườn nhà và trên nương. Cứ như thế, đàn trâu, bò, dê phát triển có lúc lên đến gần trăm con. Tiền bán gia súc cộng với dong riềng và nghệ mỗi năm cũng hơn một trăm triệu đồng. Giờ thì gia đình tôi thoát nghèo, con cái được ăn học đàng hoàng”.

Theo chị Lý Me Hồng, bản Nậm Nó 1, xã Trung Chải, những người nghèo trong bản hầu hết là do chưa chăm chỉ. Nhà nước hỗ trợ gạo, ăn hết xong cũng không đi làm; nếu làm được đồng nào tiêu hết đồng đấy. Khi mới lập gia đình, vợ chồng chị cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Nhờ Nhà nước hỗ trợ con giống ban đầu, vợ chồng chị chăm chỉ làm ăn tiết kiệm, tích góp được số tiền lớn thì mua thêm dê, thêm bò để phát triển.

Là người sinh sống nhiều năm trong vùng đồng bào dân tộc Mảng, ông Trần Văn Nam, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải cho rằng, nếu bà con chăm chỉ làm ăn cùng với những chính sách hỗ trợ cây, con giống phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng đối tượng cụ thể, hiệu quả chắc chắn sẽ rất lớn. Ở xã Trung Chải, mô hình trồng dong riềng, nghệ và chăn nuôi gia súc tập trung rất phù hợp nên khi được Nhà nước hỗ trợ, nhiều hộ dân tộc Mảng đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.

Tuy nhiên, nhìn ở bình diện chung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng: Hiện đồng bào các DTTS vùng DTTS đang đứng trước “nguy cơ” tụt hậu ngày càng xa hơn so với sự phát triển chung của đất nước. Một số vùng DTTS đặc trưng và một số DTTS đang đứng trước “nguy cơ” mất bản sắc văn hóa, dẫn đến sự không tồn tại trong đời sống thực tiễn…

Mặc dù tỷ lệ nghèo cả nước nói chung và của vùng DTTS nói riêng được giảm dần qua các năm, nhưng khoảng cách chênh lệch, cũng như mức sống giữa các dân tộc ngày càng lớn. Vùng DTTS đã, đang và tiếp tục là “lõi nghèo" của cả nước.

Với việc lồng ghép các chương trình, đề án của Trung ương và của tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc đặc biệt khó khăn nói chung và dân tộc thiểu số đã có sự khởi sắc.

Tình trạng hộ nghèo và cận nghèo ở vùng DTTS và miền núi, nhất là tình trạng nghèo của người DTTS, vẫn là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay. Tính đến cuối năm 2018, hộ nghèo là người DTTS còn 720.731, chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo cả nước (trong khi đó tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,6% dân số của cả nước), thậm chí vẫn còn nhiều nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Cao Thị Giang cho rằng, cần tập trung phân loại đối tượng tài trợ đối với hộ nghèo nhưng không có khả năng lao động để có chính sách giúp đỡ tài trợ, còn với đối tượng có sức lao động sản xuất thì tạo cơ chế để họ có tiềm năng, lợi thế vươn lên xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, khắc phục tình trạng tài trợ trước mắt nhưng thiếu bền vững, không những không có hiệu quả mà còn có thể có những biểu hiện ngược lại nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu đổi mới tư duy sáng tạo của một bộ phận người dân trong đồng bào DTTS. 

Để "đồng bào DTTS không bị bỏ lại phía sau" là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, Chính phủ đã có nhiều chính sách dành cho đồng bào DTTS&MN tạo việc làm, ổn định tinh thần, nâng cao đời sống. 

Trong giai đoạn 2016 đến 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN. 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Cao Thị Giang cho rằng: Về chủ trương, mục tiêu, quan điểm, chúng ta thống nhất "không để ai bị bỏ lại phía sau". Tuy nhiên, cần chú trọng đến việc tác động để kích thích nội lực của người dân vùng DTTS, tránh việc làm hộ, làm thay. 

Để đạt được mục đích trên thì điều quan trọng thiết yếu là chủ trương, chính sách trong ban hành nghị quyết cần chú trọng đến vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông. Có các dự án đầu tư nhằm tạo cơ hội phát triển, các phương án phát triển sản xuất. Trong hỗ trợ đầu tư cần chú trọng tập trung đến việc hưởng lợi chung. Khi điều kiện sống của đồng bào đã được đáp ứng một cách cơ bản thì các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng sâu vào nhóm hỗ trợ sinh kế và giáo dục. Đồng thời, cần phải tập trung nguồn lực cho vùng đồng bào DTTS, tránh tình trạng nguồn lực bị phân tán, dàn trải. 

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao Bằng khen cho các học sinh dân tộc thiểu số đạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2018 - 2019.

Ngoài ra, cần quan tâm đến việc đầu tư nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng cho vay vốn phục vụ sản xuất. Các cấp quản lý ban hành các chủ trương, chính sách truyền thông, bồi dưỡng, tập huấn cho người dân có đầy đủ kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện các dự án phát triển kinh tế. Chú trọng đến việc phổ cập công nghệ thông tin cho người DTTS để họ nhanh chóng tiếp cận tri thức, kết nối các cơ hội việc làm và bán hàng đến các thị trường trong nước và quốc tế. 

Chính những yếu tố trên là cơ hội để người dân, đồng bào DTTS có cơ sở vững chắc, bền vững trong phát huy tiềm năng, lợi thế vươn lên tự chủ trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Cùng với chiến lược phát triển kinh tế, cần phải có những giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc bền vững. Khi văn hóa dân tộc được bảo tồn sẽ góp phần thúc đẩy dòng chảy văn hóa phát triển nhanh chóng, tạo ra những giá trị văn hóa mới tốt đẹp trong cộng đồng người dân tộc và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Để thay đổi nhận thức, phong cách, lối sống đó, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, soạn thảo các chương trình học cho người DTTS và đưa môn học tiếng dân tộc thành một trong những môn học bắt buộc của học sinh DTTS. Điều này xuất phát từ thực tế những em học sinh DTTS có khả năng thường được đi học theo chế độ cử tuyển, các em tách khỏi môi trường của dân tộc mình có nguy cơ mai một tiếng nói và chữ viết. Nếu cứ tiếp tục như vậy, các em sẽ không thể phát huy được những giá trị văn hóa vật chất của dân tộc mình để làm giàu cho chính quê hương, các giá trị tốt đẹp của đồng bào cũng sẽ dần mất đi. 

Vùng DTTS&MN hiện có 118 văn bản chính sách còn hiệu lực, do nhiều cơ quan chủ trì xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện nên nguồn lực bị phân tán, dàn trải, khó lồng ghép, hiệu quả không cao, khó xác định rõ trách nhiệm. Do đó, cần phải có giải pháp tổng thể, khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn vừa qua, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS&MN, nhằm thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập của đồng bào DTTS so với cả nước, như mục tiêu của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Để giảm nghèo bền vững, giúp bà con vươn lên, phát triển Nhà nước cần xây dựng những chính sách cụ thể cho vùng DTTS&MN, tránh chồng chéo, lãng phí.

Lá cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ là những bảo vật trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc Hà Nhì ở huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu). Đối với họ, lá cờ Tổ quốc chính là quê hương, và Bác Hồ là người mà họ đời đời nhớ ơn. Đồng bào dân tộc Hà Nhì nơi biên giới Lai Châu từ đời này sang đời khác vẫn đang ngày đêm cùng bộ đội Biên phòng gìn giữ niềm tin với Bác, với Đảng; một lòng quyết tâm quản lý, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc biên giới; góp phần cùng cả nước xây dựng tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, ổn định và phát triển.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng: Thế mạnh của các tỉnh miền núi là lĩnh vực lâm nghiệp. Trong việc xây dựng chính sách, phải làm sao để bà con dân tộc sống được từ rừng. “Xây dựng chính sách cần hạn chế việc cho không, mà nên ưu tiên việc cho vay, hỗ trợ. Nếu không thì hộ nào cũng muốn là hộ nghèo để được hưởng chính sách”, ông Lò Văn Tiến nói.

Cùng quan điểm này, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Vùng đồng bào DTTS và miền núi cần tiếp tục được ưu tiên các nguồn lực để đầu tư hạ tầng. “Ở vùng miền núi, vùng DTTS, nên hạn chế việc cho không để tránh việc người dân tự ti, ỷ lại”.  

Tại tỉnh Quảng Ninh hiện nay, hạ tầng giao thông đến các thôn bản miền núi, nơi có đông đồng bào DTTS, được triển khai đồng bộ. Điện đường, trường, trạm, thủy lợi được đầu tư. Quảng Ninh thực hiện mỗi địa phương một sản phẩm, bà con ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm của mình rất hiệu quả. Từ đó hình thành các cơ sở, hợp tác xã đưa nông sản của địa phương ra thị trường toàn quốc; đồng thời thay đổi tập quán của người nông dân vùng DTTS&MNđể nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trong năm 2019, sẽ đưa 22 xã vùng đặc biệt khó khăn ra khỏi chương trình 135; tiếp tục xử lý tốt công tác vệ sinh môi trường, ăn ở hợp vệ sinh, nâng cao đời sống người dân.

Phát biểu thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sáng 1/11/2019, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Trung ương cần hỗ trợ chính sách về đất đai cho người dân tộc. Ở những vùng đồng bào sống ven rừng, cần có chính sách giao đất, giao rừng để người dân sống được từ rừng; Bố trí kinh phí cho địa phương hoàn thành các dự án để bà con được hưởng lợi từ chính sách; xây dựng logistics góp phần giúp địa phương tiêu thụ nông lâm sản; Giúp đỡ các dân tộc phấn đấu vươn lên bằng nội lực; Tăng cường củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; Giúp người dân phấn  đấu  vươn lên, bình đẳng trong các dân tộc, cộng đồng nhóm xã hội.  

Thường Xuân là huyện vùng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, được thiên nhiên ưu đãi hệ sinh thái đa dạng, núi non hùng vĩ và là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân, những năm gần đây, huyện Thường Xuân đã có nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực để phát triển du lịch, trong đó có việc xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng… 

Đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk cho biết: Từ sau giải phóng đến nay, tình hình dân di cư tự phát và sắp xếp dân cư ở Đắk Lắk gây rất nhiều khó khăn cho địa phương. Đặc biệt là việc thiếu đất sản xuất với ngay đồng bào dân tộc tại chỗ và người dân nơi khác đến. Suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hạn hán ngay trong mùa mưa, và ngập úng cục bộ kéo dài…

Về vấn đề di cư tự phát, nếu không giải quyết được thì cuộc chiến chống đói nghèo vẫn còn dai dẳng. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo, để giúp đồng bào các DTTS cần có vai trò “bà đỡ” là nhà nước và doanh nghiệp, cần có chính sách cụ thể. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất ở vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc; khuyến khích thành lập các hợp tác xã, mô hình kinh tế trang trại trong vùng DTTS để giải quyết vấn đề việc làm. Điều cốt lõi nhất cần giải quyết cho đồng bào DTTS là  nâng cao chất lượng lao động và bổ sung đất sản xuất…

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với phương châm tập trung phát triển toàn diện vùng DTTS&MN trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc nhằm tạo sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Phát huy cao độ nội lực, tiềm năng, thế mạnh của vùng đi đôi với gia tăng sự đầu tư và hỗ trợ của Trung ương, huy động mọi nguồn lực xã hội hóa và các nguồn tài trợ quốc tế để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hiệu quả; trong đó ngân sách Nhà nước giữ vai trò quyết định, phát huy ý chí tự lực, tự cường của các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân là quan trọng.

Thực hiện: Viết Tôn
Ảnh: TTXVN

16/11/2019 07:00