Sau gần 30 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của nhân dân.

Là kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Kỳ họp thứ 8 có thời gian kéo dài hơn, với nhiều nội dung quan trọng; trong đó có nội dung về công tác nhân sự với nhiều điểm nhấn.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lương Cường.

Với kết quả biểu quyết 440/440 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, bầu ông Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch nước Lương Cường thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức.

Chủ tịch nước Lương Cường tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi Lương Cường - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ xúc động, vinh dự và ý thức rất rõ về trách nhiệm to lớn trước Đảng, Nhà nước, nhân dân khi được Quốc hội tin tưởng, tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ tịch nước Lương Cường trân trọng cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tin cậy, giới thiệu đảm nhiệm trọng trách cao cả này; bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn Bác Hồ kính yêu; tri ân sâu sắc công lao to lớn của các bậc tiền bối, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, đồng bào, đồng chí và nhân dân cả nước đã nỗ lực phấn đấu, sẵn sàng hy sinh và hy sinh để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Chủ tịch nước cho biết, tháng 2/1975, trong không khí hào hùng cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, ông xung phong đi bộ đội, với ý thức và tâm niệm: Đi chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chỉ mong đến ngày chiến thắng còn sống trở về là sung sướng, hạnh phúc; tuyệt nhiên không nghĩ, không mơ làm đến cấp này, chức kia.

“Đến nay, thấm thoắt đã gần 50 năm phục vụ cách mạng, tôi đã trải qua nhiều cương vị công tác, được rèn luyện, thử thách trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; trưởng thành từ người chiến sỹ đến cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Dù ở cương vị công tác nào, được giao nhiệm vụ gì, tôi luôn kiên định, vững vàng về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và nâng cao năng lực công tác; toàn tâm, toàn ý phấn đấu để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó”, tân Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tiếp tục công tác nhân sự tại kỳ họp, ngày 28/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội khóa XV đối với ông Lê Quang Tùng bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả, có 453/454 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 94,57% tổng số Đại biểu Quốc hội. Ông Lê Quang Tùng chính thức được bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội khóa XV.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Văn Thắng và ông Trần Hồng Minh bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả, có 452/452 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết bầu Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng (bên trái) và Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Thắng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính và đồng chí Trần Hồng Minh giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. 

Quốc hội cũng tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Nguyễn Quốc Đoàn và ông Lê Tiến bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả, có 448/451 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Qua số lượng phiếu tán thành của Đại biểu Quốc hội cho các vị trí cho thấy, đa số các đại biểu nhất trí cao và đều kỳ vọng vào các đồng chí được bổ nhiệm.

Đánh giá về công tác nhân sự tại kỳ họp thứ 8, Đại biểu Hồ Thị Minh, đoàn ĐBQH Quảng Trị nhận định: “Quốc hội đã rất kịp thời trong công tác nhân sự. Chúng tôi đánh giá cao những đồng chí vừa được Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn trong kỳ họp này như: Đồng chí Chủ tịch nước, đồng chí Tổng thư ký Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đây đều là những người đã có thời gian cống hiến ở cơ sở, họ được cân nhắc vào những vị trí này, chúng tôi thấy rất kỳ vọng ở cương vị mới, các đồng chí sẽ nỗ lực và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là trước thềm Đại hội Đảng”.

Các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự phiên bế mạc. 

Theo Đại biểu Hồ Thị Minh, mặc dù chúng ta đang tinh gọn bộ máy nhưng vẫn phải lựa chọn những nhân tố thật sự có tâm, có tầm để đồng hành với Chính phủ và Quốc hội để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới như đồng chí Tổng Bí thư đã nói. 

“Về hai vị Bộ trưởng mới được bầu, đây đều vốn là các “siêu Bộ”, nếu chủ trương sáp nhập các Bộ ngành sau này thì càng “siêu” hơn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi rất tin tưởng vào các tân Bộ trưởng.  Đơn cử như tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, từng công tác trong nhiều lĩnh vực như: Ngân hàng, lãnh đạo tại địa phương, Bộ Giao thông Vận tải… tôi tin tưởng, với một cán bộ trẻ, kinh qua nhiều cương vị sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình”, Đại biểu Hồ Thị Minh chia sẻ.

Ngay trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã dành 2 ngày 11 và 12/11 tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Phiên chất vấn kỳ họp này tập trung vào 3 nhóm vấn đề, thuộc trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời phiên chất vấn. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình, làm rõ thêm về những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Cùng tham gia trả lời chất vấn có: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. 

Là người đầu tiên trả lời phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu xoay quanh bất cập trên thị trường vàng, giải pháp bình ổn kim loại quý, điều hành tỷ giá, lãi suất cũng như chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão Yagi...

Gần 1/3 ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là liên quan đến thị trường vàng, cho thấy đây là vấn đề rất "nóng" hiện nay. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định, trước đây, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lên đến 15 triệu đồng, nay chỉ còn chênh lệch từ 3 - 5 triệu đồng. Đây là mức chênh lệch hợp lý. Điều đó chứng tỏ những can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường đã giải quyết được vấn đề cân bằng cung - cầu trong nước. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội mong muốn Nhà nước cần có những can thiệp cao hơn nữa, đó là đảm bảo cả mua và bán vàng.

Trong lĩnh vực ngân hàng, có đại biểu đặt câu hỏi về các chính sách hỗ trợ đối với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (YAGI), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay có 35 tổ chức tín dụng đã công bố các gói hỗ trợ với số vốn 405.000 tỷ đồng để tiếp tục cho doanh nghiệp, người dân vay mới. Tính đến ngày 31/10/2024, các ngân hàng đã thực hiện cho vay mới ưu đãi với số vốn lũy kế là 27.000 tỷ đồng; hạ lãi suất khoản vay hiện hữu với dư nợ khoảng 82.000 tỷ đồng...

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn. 

Các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan với các nhóm vấn đề: Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường...

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi đối với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Nội dung chất vấn tập trung vào 3 vấn đề gồm: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. 

Trong hai ngày diễn ra chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 136 lượt đại biểu chất vấn, 18 lượt đại biểu tranh luận, còn 80 đại biểu đăng ký phát biểu, nhưng chưa được phát biểu do hết thời gian. Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã thể hiện trách nhiệm cao, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp, thẳng thắn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đồng thời đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.

Đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng, Bộ trưởng đã bám vào quy định hiện hành, đồng thời đưa giải pháp tất cả câu hỏi mà đại biểu Quốc hội nêu. Tuy nhiên, để xử lý được triệt để cần phải có cả hai phía, như với vấn đề ngăn chặn thông tin xấu, độc. Bộ chủ quản cần có thời gian để tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, người dân cũng cần tự trang bị cho mình những hiểu biết, kiến thức nhất định để phòng, chống tin xấu, độc, những thông tin tiêu cực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 12/11/2024

Đáng chú ý trong phiên chất vấn, trả lời các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc xóa nhà tạm, nhà dột là một chủ trương lớn, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo. Hiện nay, nước ta còn hơn 300.000 hộ có nhà dột nát, trong đó có cả những người có công với cách mạng, đối tượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ nghèo, cận nghèo. Nhấn mạnh quyết tâm rất cao xóa hết nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, Thủ tướng cho rằng cần thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và sử dụng nguồn lực. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc “không có tranh chấp là có thể triển khai được”.

Giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương... là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Thủ tướng chiều 12/11. Thủ tướng cho rằng, trọng tâm trong cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tăng trưởng, muốn tăng trưởng thì phải có nguồn lực. Nếu cứ tăng trưởng với tốc độ 6-7%/năm như hiện nay thì rất khó đạt được mục tiêu 100 năm đã đặt ra. Để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, xã hội, nguồn lực hợp tác công-tư, nguồn lực đầu tư nước ngoài…

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp, với những cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành với tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay”, phát huy những kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, có giải pháp mới để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp có khối lượng nhiều nhất trong tất cả kỳ họp từ đầu khóa XV tới nay. Kết thúc kỳ họp đã có nhiều dự án Luật được thông qua khi đã trải qua quá trình chuẩn bị tích cực, khẩn trương và công phu. Các ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền kịp thời; các hoạt động lập pháp kết thúc đúng kế hoạch đề ra. Nhiều nội dung liên quan việc giám sát các vấn đề quan trọng, cơ bản hoàn thành.

Đây là kỳ họp chất lượng với nhiều dự án luật có tính chất phức tạp, được Quốc hội xem xét chu đáo và thông qua nhiều nội dung ở kỳ họp này. Đây là cách làm mới, đòi hỏi sự vào cuộc cả hệ thống chính trị như: Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và sự giải trình của Chính phủ. Đây cũng là áp lực với các đại biểu khi góp ý cho nhiều dự án luật. Với những dự án luật thông qua tại kỳ họp này càng gây áp lực hơn với cá nhân các đại biểu.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Nhiều đại biểu cho rằng, các dự án luật xây dựng và thông qua tại kỳ họp khi luật đã chín muồi, rõ ràng và phát huy ngay tác dụng. Nếu Chính phủ quyết tâm và giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, cũng như có đánh giá tác động các chính sách trình Quốc hội thông qua, việc luật được thông qua tại 1 kỳ họp là phù hợp.

Đây là năm cuối để chuẩn bị cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng sắp tới, việc tháo gỡ thể chế ở Nghị quyết cá biệt, đặc biệt là những điều khoản dẫn tới khó thực thi trong pháp luật là cần thiết.

Kết thúc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét, quyết định khối lượng công việc  rất lớn, trong đó, có nhiều vấn đề khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết.  Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác  lập pháp rất nhiều. Trên cơ sở xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, với tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật; đổi mới trong công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ; đổi mới trong công tác phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình xây dựng dự thảo các luật, nghị quyết; Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật với tỷ lệ tán thành cao, trong đó có các Luật, Nghị quyết được doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân rất quan tâm như: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa 4 Luật trong lĩnh vực đầu tư; Luật sửa 9 Luật trong trong lĩnh vực tài chính, ngân sách...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. 

Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó, có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng,  tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng;  Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Đồng thời, Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

Quốc hội đã thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều tờ trình, đề án về các vấn đề cấp bách, phục vụ quốc kế dân sinh, phát huy tối đa các nguồn lực, cơ hội phát triển như: Nghị quyết thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương; quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. 

Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho rằng, tinh gọn bộ máy không phải là giảm đi mà là đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng và là vấn đề cần nghiên cứu kỹ. Đây là sự quyết tâm của hệ thống chính trị khi Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 với những định hướng quan trọng. Quốc hội đã thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trực tiếp là Trưởng ban chỉ đạo tinh gọn bộ máy.

Về mốc thời gian để thông tin vấn đề này, Tổng thư ký Lê Quang Tùng cho biết, điều quan trọng hiện nay là rà soát triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tổng thư ký Quốc hội khẳng đinh: "Quốc hội đang trong quá trình rà soát, dự kiến cuối tháng 12/2024, đầu tháng 1/2025 có kết quả tinh gọn bộ máy. Khi đó sẽ thông báo, tuyên truyền đến cử tri, nhân dân".

Bài: Xuân Cường, Tạ Nguyên, Lê Vân
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Trình bày: Nguyễn Hà

01/12/2024 11:30