Với truyền thống “tương thân, tương ái”, mong muốn mang mùa Xuân ấm áp tới mọi người, mọi nhà trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, các cấp, ngành cùng đoàn thể tại các địa phương đang rất nỗ lực để đảm bảo chi trả lương, thưởng Tết kịp thời; đồng thời, có thêm nhiều phần quà thiết thực trao tặng tới các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trải qua một năm nhiều biến động, thiếu hụt đơn hàng, sản xuất kinh doanh khó khăn, lợi nhuận giảm nhưng nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh vẫn nỗ lực chăm lo người lao động, nhất là trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Do ảnh hưởng tình hình chung của kinh tế thế giới, lượng đơn hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) năm 2023 sụt giảm khoảng 30%. Dù không mong muốn, doanh nghiệp đã có lúc phải chọn phương án cắt giảm lao động để vượt khó. Tuy nhiên, thay vì chọn phương án giảm giờ làm sẽ khiến thu nhập toàn bộ người lao động giảm, doanh nghiệp quyết định hỗ trợ 3,5 tháng lương cho những trường hợp tự xin nghỉ việc, qua đó tạo cơ hội cho người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới, đồng thời giúp doanh nghiệp có điều kiện chăm lo tốt hơn, đảm bảo thu nhập cho những người ở lại.

Trải qua một năm nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh vẫn nỗ lực chăm lo người lao động, nhất là trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Ông Liêu Ngọc Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, dù đơn hàng giảm nhưng người lao động vẫn được bố trí làm thêm giờ, thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp giảm được chi phí vận hành nên có khoản để thưởng Tết cho công nhân. Công đoàn đề xuất doanh nghiệp tổ chức tất niên cuối năm kết hợp cùng Hội nghị người lao động, tặng quà Tết trị giá 500.000 đồng/người; thông báo lịch nghỉ Tết để người lao động an tâm vui Xuân, đón Tết cùng gia đình.

Với Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân), những tác động kinh tế thế giới sau COVID-19 làm ảnh hưởng đến doanh thu và cả thu nhập của người lao động. Theo ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty, doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường mới để gia tăng đơn hàng, bố trí tăng ca trở lại, tạo việc làm ổn định, chăm lo người lao động tốt nhất. Dịp Tết Giáp Thìn, Công ty quyết định tăng thưởng khoảng 300.000 đồng so với năm 2023, bình quân khoảng 9 triệu đồng/người; trong đó, cao nhất 23 triệu đồng/người và thấp nhất 6,2 triệu đồng/người. Công đoàn đề xuất Công ty tổ chức chương trình tất niên kết hợp với các hoạt động vui chơi giải trí, bốc thăm may mắn và tặng phần quà Tết trị giá khoảng 300.000 đồng/người.

“Ngày hội hàng Việt Nam - Vui Tết cùng người lao động” với hàng nghìn mặt hàng giá ưu đãi cho đoàn viên Công đoàn, người lao động TP Hồ Chí Minh.

Mới đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) - doanh nghiệp có đông lao động nhất TP Hồ Chí Minh đã công bố dành hơn 633 tỷ đồng để chăm lo Tết cho người lao động dù trước đó đã cắt giảm hàng nghìn lao động do thiếu hụt đơn hàng. Theo ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty, tiền thưởng Tết căn cứ vào tiền lương theo hợp đồng lao động tháng 12/2023, gồm lương cơ bản và lương công việc nặng nhọc độc hại (nếu có), cộng thêm phụ cấp công việc, phụ cấp chuyên môn và phụ cấp đặc biệt (nếu có); mức thưởng bình quân 17 triệu đồng/người, cao nhất khoảng 67 triệu đồng, thấp nhất hơn 5 triệu đồng.

Tại Khu Công nghệ cao, thành phố Thủ Đức, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nidec Việt Nam ngoài mức thưởng Tết tương đương 1,1 tháng lương còn hỗ trợ 18 chuyến xe đưa, đón trên 500 người lao động và người thân về quê đón Tết ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Tây. Trong đó, Công ty hỗ trợ từ 90 - 100% tiền vé xe về quê cho người lao động làm việc lâu năm.

TP Hồ Chí Minh dành hơn 1.000 tỷ đồng lo Tết cho người dân:

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, tuy hoạt động sản xuất, kinh doanh năm qua còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đều nỗ lực thưởng Tết cho người lao động, qua đó không chỉ gia tăng các phúc lợi, lợi ích mà còn động viên người lao động vui Xuân, đón Tết và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Qua khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp cho thấy, có hơn 46% doanh nghiệp ngoài tiền thưởng Tết còn có nhiều hình thức chăm lo, hỗ trợ thiết thực cho người lao động như tặng quà, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón về quê hoặc hỗ trợ tiền, tặng vé xe… Tiền thưởng Tết Nguyên đán năm 2024 bình quân là hơn 12,3 triệu đồng/người (giảm so với năm 2023); thời gian nghỉ Tết trung bình từ 8 - 9 ngày, trong đó nhiều doanh nghiệp kết hợp giải quyết phép năm để người lao động có đủ thời gian về quê thăm gia đình.

Nỗ lực triển khai chương trình chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Rà soát từ các cấp Công đoàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, một số doanh nghiệp gặp khó khăn kéo dài hoặc có quan hệ lao động không tốt do nợ lương nên năm nay không thưởng Tết. Trước tình hình này, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết đã triển khai 9 nội dung trọng tâm chăm lo Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết với tổng số tiền 192 tỷ đồng; chuẩn bị nguồn dự phòng để đảm bảo chăm lo kịp thời cho những đối tượng không được thưởng Tết hoặc bị nợ lương nhằm ổn định tình hình quan hệ lao động.
“Đặc biệt, chương trình “Tết sum vầy - Xuân tri ân” dự kiến sẽ chăm lo cho 13.000 gia đình đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; trong đó ưu tiên người lao động bị cắt giảm giờ làm, không có điều kiện về quê đón Tết 1 triệu đồng/gia đình bao gồm quà và tiền mặt.

Đồng hành cùng công nhân lao động, Tết năm nay, Quỹ An sinh xã hội TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 1.000 phần quà cho công nhân lao động khó khăn hơn 1 tỷ đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành Đoàn tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” và tặng hàng nghìn phần quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, các em thiếu nhi tại các khu lưu trú thanh niên, công nhân. Thành Đoàn hỗ trợ vé xe, vé tàu, trao tặng quà cho công nhân bị mất việc hoặc không có điều kiện về quê đón Tết; thăm và tặng quà chiến sĩ, gia đình các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại các vùng biên giới, biển đảo.

Công nhân Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội nhận quà của Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội (ảnh tư liệu).

Tại Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Phạm Quang Thanh cho biết: “Các cấp Công đoàn Thủ đô đang tăng cường thực hiện giải pháp tham gia ổn định quan hệ lao động, chăm lo cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2024”.

Theo đánh giá của Công đoàn các cấp, năm 2023, giá một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá hàng tiêu dùng, thực phẩm, xăng dầu; nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc làm, đời sống và thu nhập của người lao động.
Với tinh thần nỗ lực vượt khó, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương bình quân năm 2023 cho người lao động bằng năm 2022. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp hoạt động ổn định, góp phần bảo đảm đời sống cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Lương bình quân năm 2023 ở các doanh nghiệp thuộc công ty có cổ phần, vốn góp của Nhà nước tăng 0,72% so với năm 2022; các loại hình doanh nghiệp còn lại bằng năm 2022...

Đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng cho biết, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" qua sàn giao dịch thương mại điện tử với quy mô toàn quốc nhằm hỗ trợ đoàn viên Công đoàn, người lao động mua hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả ưu đãi.

Trao tặng gần 1.800 phần quà Tết, khám chữa bệnh miễn phí cho công nhân tại Hưng Yên.

Với 4.000 suất hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã phân bổ số lượng cụ thể; đề nghị các đơn vị rà soát, lựa chọn, lập danh sách đúng đối tượng đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, hoạt động Công đoàn để tham gia chương trình kịp thời, hiệu quả.

Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" qua sàn giao dịch thương mại điện tử dự kiến diễn ra từ ngày 15/1 - 7/2/2024. Tham gia chương trình, mỗi đoàn viên được nhận một thẻ tín dụng (hoặc thẻ ngân hàng) có 300.000 đồng, được phát hành mới, cấp miễn phí để mua hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị tích cực tuyên truyền về hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2024 của các cấp Công đoàn Thủ đô nói chung và Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" qua sàn giao dịch thương mại điện tử của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói riêng để lan tỏa đến đông đảo đoàn viên, người lao động Thủ đô.

Tại Bắc Ninh, với phương châm tất cả đoàn viên công đoàn, người lao động đều có Tết, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh đang tích cực triển khai chương trình "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ; Ngày hội Công nhân - Chợ Tết Công đoàn năm 2024".

Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh dự kiến tặng 3.500 suất quà cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng do bão lũ, thiên tai, dịch bệnh; tặng 10.000 vé xe cho đoàn viên công đoàn làm việc xa quê (cách từ 100 km trở lên) có nhu cầu về quê đón Tết Nguyên đán. Cùng với đó, Công đoàn tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian, bốc thăm trúng thưởng, các dịch vụ miễn phí... dành cho đoàn viên, người lao động

Đặc biệt, tại Chợ Tết Công đoàn năm 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh phát 3.000 phiếu mua hàng 0 đồng cho những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, dự kiến bố trí 60 - 70 gian hàng phúc lợi, lợi ích liên quan đến các mặt hàng, dịch vụ phục vụ lợi ích thiết yếu của đoàn viên, công nhân lao động. Trong đó, Liên đoàn lao động tỉnh triển khai khoảng 20 gian hàng 0 đồng về các mặt hàng: quần áo, lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, khám và tư vấn sức khỏe, tư vấn pháp luật, dịch vụ viễn thông, hướng dẫn lái xe an toàn, thay dầu xe và cắt tóc miễn phí…; khoảng 40 - 50 gian hàng về các mặt hàng, dịch vụ, sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thường xuyên của đông đảo người lao động… với giá ưu đãi từ 10 - 50%.

Để các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đón Tết Nguyên đán 2024 đầm ấm, tỉnh Vĩnh Phúc đã trích ngân sách ,1 tỷ đồng và huy động các nguồn lực thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo để mọi người, mọi nhà được đón Xuân đủ đầy.

Trong đó, tỉnh trích trên 28,7 tỷ đồng thăm hỏi, hỗ trợ 33.875 người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh dưới 81%, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày còn sống; thân nhân cán bộ lão thành cách mạng; thân nhân cán bộ hoạt động thời kỳ Tiền khởi nghĩa; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp…

Trao 200 suất quà tặng những người có hoàn cảnh khó khăn tại Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc dành gần 2,8 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà Tết cho trên 4.600 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh dành gần 6,7 tỷ để thăm hỏi, tặng quà các đơn vị trong và ngoài tỉnh; đối tượng thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý đề nghị thăm hỏi trong dịp Tết.

Ngoài nguồn ngân sách tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà tới gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng nguồn kinh phí của cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường huy động nguồn xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách.

Chương trình Hội chợ “Tết Nhân ái” Xuân Giáp Thìn năm 2024 tại Đắk Lắk.

Tại tỉnh Đắk Lắk, ngày 10/1, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với UBND huyện Cư Kuin tổ chức Hội chợ “Tết Nhân ái” Xuân Giáp Thìn năm 2024; thăm, tặng 333 suất quà Tết (trị giá 700.000 đồng/suất) cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Cư Kuin.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk Ayun H'Hương cho biết, Hội chợ “Tết Nhân ái” tổ chức hằng năm nhằm tiếp tục vun đắp giá trị nhân đạo, lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, hành động tử tế trong cộng đồng. Nét mới của Hội chợ năm nay là sự đa dạng trong cách thức tổ chức các hoạt động và được thiết kế đảm bảo các nguyên tắc: tôn trọng người hưởng lợi, gắn với truyền thống văn hóa tốt đẹp của người dân địa phương và phát huy mạng lưới hỗ trợ tại cộng đồng để mọi người đều có cơ hội chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong thực hiện “Tết Nhân ái”. Mỗi hành động tích cực, mỗi sự sẻ chia sẽ góp phần giúp những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được đón Tết đủ đầy, trọn vẹn.

Dịp này, Ban Tổ chức tặng 30 suất quà Tết tại chương trình và đi thăm, tặng quà cho 3 gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Cư Kuin. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn tổ chức các “Gian hàng 0 đồng”, tạo điều kiện cho 300 hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, có người nhiễm chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật, người neo đơn… mua bánh chưng, mứt Tết, nhu yếu phẩm miễn phí.

Trao quà Tết Nhân ái Xuân Giáp Thìn 2024 cho người có hoàn cảnh khó khăn tại Nam Định.

Ngày 9/1, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức Lễ phát động phong trào Tết Nhân ái - Xuân Giáp Thìn năm 2024.
 
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định Phạm Minh Phương nhấn mạnh, phong trào Tết Nhân ái nhằm khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân” của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm, chung tay chăm lo, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
 
Các cấp Hội trong tỉnh phấn đấu, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ chăm lo, hỗ trợ 25.000 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc nhóm yếu thế, với tổng giá trị đạt từ 10 - 12 tỷ đồng, giá trị suất quà tối thiểu từ 500.000 đồng trở lên.

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, góp phần chăm lo đời sống cho nhân dân được đón xuân vui tươi, đầm ấm trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội cho người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đảm bảo đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách với nguyên tắc tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.

Thực hiện kịp thời việc chi trả lương hưu và trợ cấp cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định. Tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách (người có công, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người dân ở vùng sâu, vùng xa,…) để chăm lo, hỗ trợ kịp thời trong dịp Tết.

Rà soát, tổng hợp số hộ, số nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và giáp hạt đầu năm 2024; chủ động huy động nguồn lực, trong đó có ngân sách địa phương và vận động các nguồn lực xã hội hợp pháp khác để hỗ trợ kịp thời cho đối tượng.

Các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết. Theo dõi, nắm tình hình để bảo đảm người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng (nếu có) và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định, đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm. Tăng cường tự kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán.
Tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi các sản phẩm, đồ chơi độc hại, tệ nạn xã hội.

Không để ai không có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau

Bài: Nhóm PV TTXVN
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

14/01/2024 06:10