Dù đã ở tuổi 85, tuổi được thảnh thơi vui vầy với con cháu nhưng TS.BS Nguyễn Văn Chương vẫn chưa cho phép mình ngơi nghỉ. Niềm vui mỗi ngày của người thầy thuốc về hưu ấy vẫn là phòng khám nhỏ với hàng ngàn nụ cười cảm ơn của những bệnh nhân nghèo. Bao năm nay, phòng khám chuyên về xương khớp, vận động của ông Chương luôn là nơi những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở khắp nơi tìm đến vì họ không phải trả tiền khám, lại được tư vấn điều trị chu đáo, tận tình, hiệu quả điều trị bệnh cao.
“Ông tiên” chữa bệnh
cho người nghèo
Chúng tôi có mặt ở phòng khám Đông Hồ của BS. Nguyễn Văn Chương (số 7, ngõ 424, đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) từ lúc 7 giờ sáng. Căn nhà nhỏ khoảng 40 mét vuông trông đã cũ kỹ, một người bác sĩ già nom tươi tắn, phúc hậu đang ngồi thăm khám cho từng người bệnh, xung quanh bệnh nhân đã đến chật kín. Chúng tôi nhận ngay ra BS. Chương vì chỉ có mình ông phụ trách phòng khám này, ông đang tận tình hướng dẫn cho từng người tập luyện.
Tầng 1 của căn nhà được dành hoàn toàn cho phòng khám, mọi góc được tận dụng xếp kín máy tập, ghế ngồi trị liệu, giường bệnh… các bệnh nhân ở đây người đang tập máy, người đang nằm trị liệu bằng hồng ngoại, người đang được ông bấm huyệt, châm cứu, xoa bóp....
Những tiếng cười vui, chuyện trò làm không khí ở phòng khám bớt đi những căng thẳng, đau đớn của bệnh tật. Ở đây người ta đã quá quen biết nhau vì nhà ông Chương là địa điểm họ thường xuyên tới chữa bệnh.
Đang nằm châm cứu hồng ngoại trên giường bệnh, chị Trần Thị Kim Ngân (ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “May có BS. Chương tốt bụng khám miễn phí cho người nghèo và điều trị bệnh với chi phí thấp nên chúng tôi cũng đỡ được phần nào, vì bệnh về xương khớp mà phải nằm viện điều trị là cực kỳ tốn kém, nhất là nếu phải phẫu thuật, mua thuốc thì rất đắt tiền”.
Chị Ngân bị đau buốt cánh tay, chỉ cử động được một chiều, tình trạng ngày càng nặng nên đến BS. Chương để nhờ chữa trị. Ngày nào chị cũng bắt xe bus tới đây từ sáng sớm cho kịp về làm việc. Thế mà lần nào đến cũng thấy phòng khám đã đông người, phần lớn là người lao động, người già phải trông cháu cho con đi làm.
“Sau 5 ngày điều trị ở đây tôi đã thấy đỡ hơn rất nhiều, tôi đã có thể vận động cánh tay được cả hai chiều, tình trạng đau buốt cũng giảm hẳn. Những ngày điều trị ở đây tôi thấy BS. Chương rất tận tình với người bệnh, những ai hoàn cảnh khó khăn đến đây khám bác đều không lấy tiền, những người bình thường chữa trị lâu bác cũng chỉ lấy chút ít; không những thế bác còn rất chu đáo, chỉ bảo các động tác từ nhỏ nhất để đạt hiệu quả cao”, chị Ngân chia sẻ.
Nhiều người bệnh ở đây cũng thừa nhận, chưa thấy phòng khám nào mở cửa từ 6 sáng như phòng khám ông Chương. Đấy là vì ông thương bệnh nhân còn phải bận bịu vừa đi làm vừa chữa bệnh nên ông mở cửa sớm để họ đến trị liệu xong còn kịp làm việc.
Là bệnh nhân, cũng là người sống cùng trong khu phố, bà Đỗ Thị Hoài (74 tuổi, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ : “Tôi là người ở ngay trong khu phố nên biết tay nghề của ông Chương đã lâu, ông cũng hoạt động trong Hội người cao tuổi, hội Chữ thập đỏ của phường rất nhiệt tình nên các cụ già ở đây ai cũng tin tưởng thường xuyên tới khám bệnh miễn phí. Tôi trực tiếp đến chữa bệnh mới thấy ông Chương thực sự là người có tấm lòng nhân ái, thương người; những bệnh nhân nghèo, người già đến đây được ông rất quan tâm, đến lúc nào là ông mở cửa khám, chữa trị cho lúc đó, bất kể sớm, khuya”.
Suốt 25 năm qua, phòng khám đông y Đông Hồ của BS. Chương luôn là nơi nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tìm đến; bởi họ không những được miễn phí tiền khám bệnh mà còn được BS. Chương nhiệt tình tư vấn phương pháp tự tập luyện tại nhà. Vì thế, mọi người vẫn thường gọi phòng khám của ông là “phòng khám dành cho người nghèo”.
Cũng đúng, bởi ai nghèo không có tiền chữa bệnh cũng tìm đến ông. Ông vẫn nhớ từng bệnh nhân của mình, dù nhiều người đến nay đã khỏi bệnh và không còn phải đến chữa nữa. Và bởi mỗi người bệnh nghèo đến gặp ông đều đã trong tình trạng bệnh nặng, những trường hợp ấy ông phải theo sát họ từng chút một.
Ông bảo, ngồi kể ra thì nhiều lắm, toàn những hoàn cảnh đặc biệt mà ông không thể khoanh tay đứng nhìn. Nhiều bệnh nhân được ông chữa khỏi từ rất lâu, ông không nhớ đầy đủ tên nhưng vẫn không quên từng diễn biến điều trị cho họ. Như trường hợp bệnh nhân Hưng (ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), nhà có 3 anh em đều sinh ra lành lặn, khỏe mạnh nhưng cứ đến tầm hơn 20 tuổi thì bỗng nhiên bị mù. Trước Hưng có một người anh tai biến đã qua đời, một người nữa bị mất tích, Hưng phải sống cùng một người bác họ. Khi được đưa đến gặp BS. Chương, đôi mắt của Hưng đã không còn nhìn thấy ánh sáng.
Thương hoàn cảnh của Hưng, ông quyết tâm không bỏ cuộc, suốt 5 tháng ròng rã BS. Chương phải phối hợp cùng với GS. Lê Đức Hinh (Bệnh viện Bạch Mai) cố gắng mọi cách chữa trị cho Hưng. May mắn thay, trời không phụ lòng người nên mắt Hưng đã dần sáng trở lại, đã có thể nhìn thấy được màu đỏ và đen. Giờ đây Hưng đã có thể tự đi làm, kiếm sống nuôi bản thân. Đây cũng là một trong số nhiều trường hợp thành công ngoài mong đợi trong cuộc đời làm nghề của ông.
Hay như trường hợp của bệnh nhân Huy (sinh năm 1977 ở Hà Nội), anh bị teo cơ bẩm sinh khiến tay bị liệt 6 năm liền, thậm chí không thể làm được những việc đơn giản như tự xúc ăn cũng được BS. Chương chữa khỏi hoàn toàn.
“Không chỉ khỏi bệnh, đến giờ anh Huy đã có thể lao động như người bình thường, lấy vợ, sinh con. Thậm chí ngày ngày còn có thể chở vợ con đi bán bánh và thành quả lao động là anh đã mở được một xưởng sản xuất bánh ngay gần nhà tôi. Đó cũng là một trong những ca bệnh tuyệt vời mà tôi đã chữa khỏi. Giờ đây cứ mỗi dịp lễ Tết, Huy vẫn nhớ đến thăm tôi, món quà đôi khi chỉ giản dị là cặp bánh nhưng khiến tôi rất cảm động và với tôi đó chính là niềm động viên rất lớn mà không phải ai cũng có được”, BS. Chương xúc động.
Lại có những người không chỉ được BS. Chương chữa bệnh mà còn được giúp đỡ, dìu dắt nên người. Đó là cậu bé Vũ Trọng Chuyển (ở Gia Lâm, Hà Nội) bị bệnh thoái hóa chỏm xương đùi từ năm lên 7, hồi đó cậu bé đã từng phải mổ một lần khiến kinh tế gia đình càng khó khăn. Đến năm Chuyển học lớp 11, căn bệnh lại tái phát khiến cậu đau đớn, đi lại khó khăn và được chỉ định phải tiếp tục mổ thêm lần nữa. Nhưng vì gia đình nghèo, không thể kiếm đâu ra hơn 100 triệu để mổ cho con, tưởng như đã hết cơ hội chữa trị. Sau đó may mắn, gia đình Chuyển biết tin và tìm đến nhờ BS. Chương chữa trị.
Với những phương pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng ở đây, cùng với sự kiên trì theo đuổi điều trị, chỉ sau 2 tháng Chuyển đỡ hẳn và hiện đã khỏi. Thương hoàn cảnh gia đình Chuyển khó khăn nên BS. Chương đã giúp xin cho cậu đi học y sỹ y học cổ truyền ở Viện Dân tộc dược liệu. Chuyển học rất tốt với thành tích cao nên sau đó còn được tiếp tục học lên bác sĩ, năm nay cậu vẫn đang là sinh viên năm thứ 3.
“Ngoài những ngày đi học, cứ thứ 7, chủ nhật, Chuyển lại đến phòng khám của tôi để học nghề. Dù đang học việc nhưng tôi vẫn trả lương để cháu có tiền đi học. Tôi cũng định hướng nếu sau này cháu học xong mà xin được vào một bệnh viện nào đó thì quá tốt; nếu không tôi sẽ tiếp nhận Chuyển về đây để làm việc tại phòng khám này vì chàng trai này sẽ là một người làm nghề có tâm, bệnh nhân của tôi rất yêu quý cậu ấy”, BS. Chương tự hào.
Ông cũng rất vui vì phòng khám nhỏ này đã được nhiều người biết tới, các bệnh nhân khó khăn ở xa gần đều tìm đến nhờ ông chữa trị, từ Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh; Điện Biên… đến các khu vực rất xa như: Tây Nguyên TP Hồ Chí Minh... Nhiều người hoàn cảnh khó khăn quá, họ không có đủ chi phí để ở lại chữa bệnh lâu dài, ông phải khám và hướng dẫn tỉ mỉ cho họ cách để có thể tự tập luyện cho đỡ chi phí nhất có thể. Thậm chí ông còn phải liên hệ tìm chỗ để có thể giúp họ mua những máy điều trị giá rẻ chỉ vài trăm ngàn để có thể tự điều trị tại nhà, miễn là tuân thủ đúng điều trị và có hiệu quả tốt.
Quên mệt mỏi vì người bệnh
Vừa luôn tay chẩn trị cho từng người, BS. Chương vừa tình cảm chuyện trò, hỏi han người bệnh. Có vẻ ông nắm rõ, thuộc mặt, nhớ tên tất cả các bệnh nhân của mình dù họ đến khám chẳng mất một đồng, điều trị dài ngày ông cũng chỉ lấy chút chi phí máy móc, tiền điện để duy trì hoạt động phòng khám.
Phòng khám BS. Chương còn đặc biệt ở chỗ, dù đông hay vắng, mỗi bệnh nhân cũng luôn được đảm bảo trị liệu đủ 2 giờ/ngày (thông thường chỉ khoảng 45 phút) . Phương pháp điều trị của ông là tăng thời trị liệu, đảm bảo cho người bệnh đủ 2 bước là: Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng của BS. Chương đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, tình trạng bệnh nhân đều được cải thiện rất nhanh.
Có lẽ luôn vì người bệnh như vậy nên ông rất ít có thời gian cho mình nghỉ ngơi. Mở cửa phòng khám từ sáng sớm nhưng có những ngày ông phải tất bật tới 22 giờ đêm cho xong ca bệnh cuối cùng trong ngày mới được đi nghỉ. Cũng may ông có con gái sống ở gần đó đã về hưu nên thường sang phụ đỡ việc và lo bữa ăn cho ông để ông có thể toàn tâm toàn ý với công việc này.
Người bác sĩ già với mái tóc bạc trắng như những sợi cước, rất nhanh nhẹn, ông đi qua đi lại mỗi giường bệnh, tỉ mỉ hướng dẫn từng người cách tập máy, vận động; rồi lại luôn tay bấm huyệt, xoa bóp… cho từng bệnh nhân; ít ai nghĩ được rằng đáng ra ở tuổi này ông phải được người khác chăm sóc sức khỏe, được tập luyện cho chính mình, được ăn, ngủ đúng giờ; nhưng BS. Chương vẫn thích“ôm” vất vả vào người, tất bật với người bệnh suốt từ sáng sớm đến tối khuya.
Nhìn tờ báo cáo ca bệnh mà BS. Chương gửi lên Hội Đông y Thành phố Hà Nội, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm nay, phòng khám của BS. Chương đã khám miễn phí được cho gần 2.000 người, điều trị chi phí thấp cho hơn 11.500 người, những con số ấy đủ thấy tình cảm lớn lao của một người bác sĩ nhỏ bé dành cho người bệnh của mình.
Thầy thuốc là nghề tích đức
Năm 1959, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội ngành thăm dò và phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, BS. Chương về công tác tại trường Y dược Trung ương Lào. Năm 1980, BS. Chương bảo vệ luận án Tiến sĩ y học tại Viện Hàn lâm y học Bungaria; ông cũng từng là chuyên gia của Bộ Y tế Lào... cùng với những tháng năm công tác tại Ban Y tế, Bộ Mỏ và Than- Bệnh viện Công ty than III, Bộ Năng lượng, nhiều năm công tác, học tập cả trong và ngoài nước, tiếp xúc với các trường hợp ca bệnh đã cho BS. Chương những kinh nghiệm quý báu để ngày càng hoàn thiện các phương pháp chữa trị và hiểu thêm về những khó khăn của người lao động.
Ông vẫn còn ấn tượng mãi, những năm công tác tại Lào, ông đã trực tiếp đến các hầm mỏ để khám, chữa bệnh cho anh em công nhân. Nhìn những người thợ ăn cơm trộn với mồ hôi ròng ròng mà ông thương họ và tự nhủ phải làm thật tốt công việc của mình, mong muốn có thể giúp được những người lao động nghèo. Những hình ảnh ấy cứ ám ảnh ông mãi, đến năm 1994, ông về hưu và nhận thấy đây chính là cơ hội để chữa bệnh giúp người nghèo, ông mở phòng khám nhỏ tại gia đình và nhiều người lao động xa gần biết tin cứ thế tìm đến nhờ ông chữa trị.
“Khi tôi quyết định dành cả tầng một của căn nhà nhỏ này để làm phòng khám, để có chỗ chữa bệnh cho người dân, nhất là muốn giúp đỡ người khó khăn thì vợ tôi đồng ý ngay. Tôi được ủng hộ vì gia đình tôi phần lớn làm trong nghề y, vợ con tôi cũng là bác sĩ, bây giờ tôi cũng có 3 đứa cháu đang theo học ngành y. Truyền thống gia đình đó khiến mọi người đều hiểu và trân trọng những giá trị mà nghề cao quý này mang lại”, ông chia sẻ.
Yêu nghề như vậy nên suốt bao năm qua, phòng khám của BS. Chương hầu như chưa từng đóng cửa, chỉ có đôi lần hi hữu lắm, bắt buộc ông mới phải nghỉ. Ông nhớ lần nghỉ dài ngày nhất là 10 ngày sau khi vợ ông qua đời, quá đau buồn nhưng ông cũng chỉ nghỉ vài hôm để lo việc cho bà; hay có một lần ông phải nghỉ nằm viện 3 ngày vì đau thắt ngực phải cấp cứu...
Có lẽ BS. Chương không dám nghỉ bởi ông thấy “vẫn còn nhiều người nghèo lắm”, ông sợ nếu nghỉ, họ thiếu đi một nơi tìm đến khi đau yếu, sợ họ không có tiền để chữa bệnh.
“Động lưc của tôi chính là hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, phải tìm cách đỡ tốn kém nhất cho họ nên tôi vẫn cố gắng làm hết sức. Tôi cũng chưa nghĩ đến ngày nào sẽ dừng lại, ông trời còn cho khỏe ngày nào thì tôi còn làm ngày đó. Tôi là người sống tâm linh lắm, mỗi một người bệnh nghèo được chữa khỏi là tôi lại thấy lòng thêm nhẹ nhõm, thanh thản”, BS. Chương tâm sự.
Làm được như vậy, bởi ông vẫn tâm niệm thầy thuốc là một nghề được xã hội tôn trọng và trách nhiệm của người thầy thuốc là phải làm sao để sự tôn trọng ấy luôn vĩnh cửu. Có lẽ bởi vậy mà hướng cho con cháu mình theo nghề y dù biết đây chẳng phải nghề nhàn hạ gì.
Hơn 11 giờ trưa, lúc này bệnh nhân đã vãn, BS. Chương ngồi im lăng trên ghế và hít thở đều một lúc, có lẽ ông đã thấm mệt. Sợ ông mệt nhưng ông lại vẫn nhiệt tình trò chuyện; thậm chí, trước khi ra về, ông còn giữ chúng tôi lại thêm chút nữa, để hướng dẫn một vài bài tập thoát khỏi các bệnh xương khớp do ngồi văn phòng nhiều.
Ra đến cửa ông còn dặn với theo:“Các cháu thấy ai bị bệnh xương khớp, liệt vận động thì cứ bảo đến phòng khám của ông nhé, nhớ là ông khám không lấy tiền...”.
Cảm ơn BS. Chương và ra về, lòng tôi xúc động đến lạ, người bác sĩ già ấy đã cho chúng tôi có thêm niềm tin vào y đức, trong tôi thêm một hình ảnh đẹp về người bác sĩ trọn đời cống hiến cho nghề y.
***
Bài + ảnh + clip: Tạ Nguyên
22/09/2018 06:59