Bác sỹ Đặng Duy Thanh trao đổi với các đại biểu trong cuộc gặp gỡ với tổ chức PP18. |
Nói về phát triển lĩnh vực tâm thần và tâm lý, bác sĩ Duy Thanh cho rằng, đây là một vấn đề khó, Việt Nam chưa thể tự lực phát triển mạnh. Vì vậy, ngay từ khi đảm nhiệm vai trò người đứng đầu của Bệnh viện vào năm 2008, anh đã chọn phát triển không chỉ ở các mối quan hệ hợp tác trong nước, mà còn mở rộng ra các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tâm thần và tâm lý nhằm nâng cao chuyên môn cho cán bộ Bệnh viện; trao đổi, kết nối kinh nghiệm và tài nguyên khám chữa bệnh tốt nhất từ quốc tế.
Đến nay, Bệnh viện đã tạo được quan hệ với trên 15 tổ chức quốc tế như: Basic Needs Việt Nam, Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, Trung tâm Bệnh viện Edouard Toulouse - Marseille - Pháp, Trường Đại học Campinas, Bệnh viện Tâm thần Đài Loan, tổ chức FONTANA của Đan Mạch...
Trong đợt trao đổi kinh nghiệm và khám chữa bệnh tại Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa mới đây, Tiến sĩ tâm lý học Erin Simmons đến từ Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2018 cho biết, bà đặc biệt ngưỡng mộ bác sĩ Thành, khi anh có những mối quan hệ tốt đẹp với quốc tế, trong việc gửi nhân viên bệnh viện hàng năm ra nước ngoài học tập, cũng như mời các chuyên gia nước ngoài hợp tác.
Ngoài điều trị bằng thuốc, bản thân anh và các bác sĩ, nhân viên trong Bệnh viện còn áp dụng nhiều phương pháp điều trị can thiệp hỗ trợ khác, như: các liệu pháp tâm lý kích hoạt hành vi, liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp tâm lý cho sang chấn tâm lý, liệu pháp làm vườn, liệu pháp hội họa, liệu pháp âm nhạc… Bên cạnh đó, các trắc nghiệm tâm lý cũng được triển khai tại Bệnh viện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đặc biệt, anh cùng đồng nghiệp còn tiên phong về triển khai liệu pháp hoạt động, điều trị bệnh nhân theo ê kíp, mở quán cafeteria (tên Dolorès) để bệnh nhân quản lý cùng với nhân viên, tổ chức điều dưỡng trực 3 ca 4 kíp; triển khai thêm các nhà thủy canh và nhà làm nấm cho bệnh nhân vừa điều trị vừa lao động…
Tất cả các liệu pháp trên đã giúp cho hoạt động của Bệnh viện ngày càng đa dạng, phong phú; đồng thời, cải thiện chất lượng điều trị cho bệnh nhân, tạo tiếng vang lớn trong xã hội, góp phần nâng cao vị thế của Bệnh viện trong khu vực và ở phương diện quốc gia - là một trong những bệnh viện tâm thần nhân bản và hiện đại hàng đầu Việt Nam.
“Đối với những trường hợp bệnh nặng hoặc tái phát nhưng không có điều kiện nhập viện, chúng tôi đã cho phát triển triển mạng lưới tâm thần ở cộng đồng. Bệnh viện đã bước đầu thí điểm cử đội ngũ đa chuyên môn đến khám tận nhà cho những trường hợp trên. Chúng tôi là đơn vị đầu tiên của Khánh Hòa và cũng là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam áp dụng hình thức này để hỗ trợ bệnh nhân và hiện đã triển khai cho 10 xã trên địa bàn huyện Diên Khánh. Trong những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ dần triển khai toàn tỉnh tùy theo điều kiện nguồn lực cho phép”, bác sĩ Duy Thanh cho biết.
Đối với người nghèo và các đối tượng chính sách ưu đãi, bác sĩ Duy Thanh cũng đặc biệt chú trọng chăm sóc. Hàng ngày có 150 - 180 lượt bệnh nhân được ăn miễn phí tại Bếp ăn tình thương của Bệnh viện. Trong 2 năm 2013 - 2014, nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt bị xiềng xích, cách ly, đi lang thang trong cộng đồng đã được đưa về Bệnh viện để điều trị và can thiệp, giúp giảm thiểu khó khăn cho bản thân bệnh nhân và gia đình của họ. Bên cạnh việc phát triển Bệnh viện, chăm sóc tốt cho bệnh nhân, chế độ thưởng, phạt công bằng đối với các nhân viên trong Bệnh viện cũng được vị giám đốc này chú trọng.
“Ngoài việc tạo điều kiện để nhân viên Bệnh viện được làm việc trong môi trường tốt nhất ví như là thưởng “nóng” khi nhân viên có sáng kiến lao động được áp dụng có hiệu quả, trong các cuộc họp toàn thể của Bệnh viện, bác sĩ Đặng Duy Thanh thẳng thắn chỉ ra và phê bình ngay khi nhân viên có biểu hiện lệch lạc, sai trái trong giao tiếp, ứng xử. Đồng thời, có biện pháp xử phạt phù hợp theo nội quy đã quy định trước đó”, anh Nguyễn Trọng Vũ nhân viên của Bệnh viện chia sẻ.
Chính nhờ những nỗ lực không ngừng như trên của bác sĩ Duy Thanh, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa từ một bệnh viện hạng III với nguồn nhân lực hạn chế và trình độ thấp, đến nay đã thành Bệnh viện hạng II, nguồn nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên. Trong 5 năm từ 2010 - 2015, số lần khám bệnh tăng liên tục từ 76.791 lần (năm 2010) lên đến 100.629 lần (năm 2014). Số bệnh nhân điều trị nội trú tăng gấp đôi, cùng với đó công suất sử dụng buồng phòng cũng tăng từ 94 - 140%.
Không những thế, hàng năm trên cương vị là Giám đốc Bệnh viện, anh còn cử cán bộ viên chức (với tỷ lệ khoảng 14 - 24%) đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn trong và ngoài nước để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Đến nay, tỷ lệ thạc sĩ tâm lý học lâm sàng làm việc tại Bệnh viện là cao nhất trong tất cả bệnh viện tâm thần trên toàn quốc.
Hiện bác sĩ Đặng Duy Thanh mong ước có đủ điều kiện cơ sở và nhân lực để tạo ra hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần đúng nghĩa cho người dân Khánh Hòa.
Với những cống hiến trên, năm 2017, bác sĩ Đặng Duy Thanh được phong tặng Thầy thuốc ưu tú. Mới đây nhất, anh cũng vinh dự là 1 trong 70 điển hình tiên tiến được tuyên dương tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc tại Hà Nội.