Dáng người nhỏ nhắn, tuy đã có tuổi nhưng vẫn còn đó nét đẹp tươi tắn vốn có, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt vui vẻ đón chúng tôi vào thăm nhà. Căn nhà nhỏ ấm cúng ngay gần Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (Thị trấn Đông Anh, Hà Nội) nơi bà từng công tác, được trang hoàng chẳng bởi những món đồ xa xỉ nhưng lại khiến khách đến trầm trồ. Trong phòng khách, trên bức tường treo kín những bằng khen, giấy khen, các giải thưởng, huy chương… danh giá mà bà nhận được trong suốt những năm công tác. Với người nữ kỹ sư về hưu ấy, những thứ tài sản này mới thực quý giá.
Khác với tưởng tượng về một người làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật khô cứng, khi gặp bà, chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, thậm chí như bị cuốn vào những câu chuyện thú vị về cuộc đời lao động, cống hiến và những công trình để đời của kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt.
Giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng nhưng rắn rỏi, nữ kỹ sư chia sẻ với chúng tôi về những “đứa con” tinh thần của mình. Đó là chặng đường chế tạo từ khi chiếc máy biến áp 110kV rồi tới 220kV và đặc biệt là máy 500kV với sự nỗ lực tột bậc. Như những dấu mốc sâu đậm trong cuộc đời, lần đầu tiên chế tạo máy biến áp 110kV và máy 500kV là những điểm nhấn thành công nhất với kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt.
Bà vẫn còn nhớ, năm 1992, bà bắt tay vào nghiên cứu máy biến áp 110kV chỉ với suy nghĩ “người nước ngoài làm được thì người Việt Nam cũng làm được”. Thời đó, loại máy này vẫn đang phải nhập khẩu với chi phí không hề nhỏ; với một kỹ sư chưa từng được học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, công viêc này quả thực nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Sau gần 2 năm miệt mài nghiên cứu, chế tạo; kết quả đã “nở hoa” khi sản phẩm máy biến áp 110kV đầu tiên của Việt Nam chính thức “ra lò” và nhanh chóng được nhiều địa phương chọn lắp đặt.
Không ngừng nỗ lực để gặt hái những “trái ngọt” xứng đáng, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt còn giúp ngành điện có bước tiến nhảy vọt thần kỳ khi sau đó, bà tiếp tục nghiên cứu, chế tạo thành công máy biến áp 500kV, điều mà không ai có thể tưởng tượng ra ở thời điểm đó.
“Khi tiếp tục nhận lời mời nghiên cứu máy biến áp 500kV, với tôi đó là một thử thách cực kỳ lớn, nhưng tôi vẫn mạnh dạn nhận lời. Ngay từ khi trình bày ý tưởng ban đầu, các chuyên gia người Nga đã đánh giá: "Ở Nga, để thiết kế được máy này cần đến 8 tiến sĩ là chuyên gia đầu ngành nghiên cứu với sự hỗ trợ của 34 kỹ sư mới làm được. Còn Việt Nam chỉ mới có 1 kỹ sư, mà lại là… đàn bà, sẽ không thể làm nổi”. Câu nói đó khiến tôi càng quyết tâm phải làm cho bằng được, tôi muốn chứng minh trong khoa học, “đàn bà” và “đàn ông” không có gì khác biệt, cũng không phải chỉ tiến sĩ mới làm được mà dù chỉ là kỹ sư nhưng có kiến thức, tâm huyết, đam mê nghiên cứu thì tôi sẽ làm được”, kỹ sư Nguyệt chia sẻ.
Và đúng là bà đã làm được, sau 1 năm vừa tìm hiểu, vừa nghiên cứu, thiết kế tới 750 bản vẽ nội dung máy, với gần 1.500 bản vẽ, hàng trăm thí nghiệm, chiếc máy biến áp 500kV đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á đã hoàn thành, đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.
Nhưng thành công không dễ dàng như tưởng tượng, là người đi tiên phong, làm những việc chưa ai dám làm cho nên không phải chỉ nghiên cứu, chế tạo xong là đã hoàn thành. Để được đưa máy vào hoạt động cũng là một áp lực cực kỳ lớn. Nhất là những lần đầu tiên đóng điện cho máy biến áp, thành công hay thất bại chỉ quyết định ở vài giây. Đó là những “pha” thót tim lịch sử không chỉ với kỹ sư Nguyệt mà còn với cả ngành điện.
Kỹ sư Nguyệt vẫn còn nhớ, lần đầu tiên đóng điện cho máy biến áp 110kV tại trạm biến áp Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), một đội xe cứu hỏa sẵn sàng chầu chực để xử lý nếu có sự cố. Không khí “căng như dây đàn”. Cả trăm cán bộ, lãnh đạo các bộ ngành cùng các chuyên gia hàng đầu “cân não” suốt một buổi sáng chỉ để quyết định xem đã an toàn để đóng điện hay chưa vì chỉ cần một chút sự cố cũng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng.
“Mãi đến trưa, Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Việt Nam phải đứng ra đảm bảo rằng nếu có sự cố gì xảy ra sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm, và đền bù thiệt hại, người ta mới chịu đóng điện. Rất may mắn, vừa đóng điện xong, máy chạy êm ru, lúc đó tôi sung sướng quá, vui không thể nào tả xiết. Bấy giờ tôi mới dám chắc chắn là đã thành công!”, Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt xúc động nhớ lại.
Nhưng không phải công trình nào cũng thành công trôi chảy ngay từ đầu, một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra khi bắt đầu chạy máy biến áp 500kV tại Nho Quan (Ninh Bình).
“Tôi vẫn nhớ hôm ấy trời mưa, vừa đóng điện thì cả hệ thống máy biến áp hơn 200 tấn rung bần bật, máy gầm lên. Lúc đó tôi rất hoảng sợ, tôi đoán ngay bị ngắn mạch nhưng phần máy là do tôi lắp đặt nên tôi rất tự tin, chắc chắn không thể có vấn đề, chỉ có thể là do đấu nhầm dây của đơn vị khác thi công. Tất cả mọi người đều hoảng hốt, lo sợ; tôi phải cùng họ đi kiểm tra thì đúng là đấu nhầm dây thật. Tất cả phải dừng để đấu lại dây, sau đó máy lại chạy “ngon lành”, êm như không có vấn đề gì. Đây là sự cố nhưng nó cũng khẳng định chất lượng máy tốt bởi nếu máy không đạt tiêu chuẩn thì sau ngắn mạch là chỉ còn nước hỏng máy”, kỹ sư Nguyệt kể mà vẫn còn rùng mình.
Việc nghiên cứu và chế tạo thành công máy biến áp 500kV đã gây tiếng vang lớn, bởi hiện nay, trên thế giới mới chỉ có 12 nước có thể chế tạo, và kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã giúp Việt Nam ghi tên trong danh sách đó. Thành công này không chỉ giúp Việt Nam tự sản xuất được máy trong nước với giá thành rẻ mà nó còn giúp các nước không còn giá độc quyển, giá thành máy nhập khẩu đã giảm hơn 30 tỷ đồng/máy. Nếu trước kia ngành điện phải nhập loại máy này với giá 150 tỷ đồng/máy, thì sau đó, giá nhập khẩu đã giảm xuống còn khoảng 120 tỷ đồng/máy, làm lợi cho nhà nước mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.
Nghe kể tưởng chừng như đơn giản nhưng những thành quả trên là kết quả của sự lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi. Thành công ít ai sánh kịp nhưng khi hỏi bí quyết, nữ kỹ sư chỉ khẳng định một câu ngắn gọn: “Đam mê sẽ làm được tất cả”.
Quả đúng như vậy, với kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt tất cả những gì bà gặt hái ngày hôm nay là bởi đam mê mà có.
“Thú thực là khi nhận nhiệm vụ thiết kế máy biến áp 110kV, tôi chưa biết nhiều vì không hề có nhiều tài liệu nào trong tay, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm, tôi cứ vừa tìm hiểu vừa chỉnh sửa dần theo góp ý của các chuyên gia nước ngoài. Tôi đọc nhiều sách lắm và cũng tham khảo rất nhiều tài liệu để có đủ kiến thức khi bắt tay vào làm. Đây cũng là cách tôi áp dụng để chế tạo thành công các dòng máy sau đó. Bởi vậy khi đoàn chuyên gia Nga đến nhà máy trực tiếp tham khảo sản phẩm của tôi, họ không khỏi ngạc nhiên và phải thốt lên: “Nếu không đến tận nơi thì chúng tôi không dám tin Việt Nam có thể sản xuất được máy biến áp 110kV, 220kV”, kỹ sư Nguyệt nhớ lại.
Và bởi quyết tâm nên giống như một người đã ngồi lên ngựa là phải phi, chỉ với hành trang quan trọng nhất bên người là niềm đam mê nghiên cứu. Nữ kỹ sư thừa nhận, trong hoàn cảnh thời đó, những điều các chuyên gia nước ngoài đánh giá là hoàn toàn đúng; quá trình nghiên cứu khoa học thiết bị điện siêu cao áp rất khó thực hiện, bởi tiềm lực Việt Nam lúc đó gần như không có. Trong khi đó, các nước đã sản xuất được các dòng máy biến áp lại rất bí mật về công nghệ và thiết kế nên trong quá trình nghiên cứu, kỹ sư Nguyệt gặp rất nhiều khó khăn. Để làm được bà chỉ còn cách tự mày mò, đọc tài liệu và xem các mẫu hình ảnh để tự phân tích và nghĩ ra hướng làm.
Kỹ sư Nguyễn Đình Đoàn, người đồng hành cùng kỹ sư Nguyệt từ những ngày đầu cho biết: “Giai đoạn chúng tôi tham gia nghiên cứu vô cùng vất vả, vừa tìm hiểu, vừa rút kinh nghiệm. Đặc biệt, năm 2002, khi các kỹ sư Việt Nam còn chưa ai nhìn thấy cấu hình máy biến áp 220kV thì chị Nguyệt lại được giao nghiên cứu, đây là một thử thách tưởng chừng không làm nổi. Nhưng tôi có niềm tin vì chị Nguyệt là một kỹ sư giỏi; từ trong trường học đã giỏi, khi làm nghề lại say mê nghiên cứu tìm tòi và miệt mài với công việc, có những ngày quên ăn quên ngủ vì công trình này”.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài của người phụ nữ dịu dàng ấy chẳng ai đoán được bà là người đàn bà “thép” của ngành điện. Không chỉ ở sức sáng tạo vượt mọi biên giới mà còn ở sức chịu đựng mọi áp lực công việc.
Với kỹ sư Nguyệt cả cuộc đời nghiên cứu và làm nghề của bà là đầy rẫy những thử thách, những “pha” thót tim tưởng như một mất một còn, không được phép sai sót dù chỉ một ly. Bởi với công việc liên quan đến các thiết bị điện luôn phải đối mặt với nguy hiểm, thậm chí liên quan tới tính mạng và thiệt hại về kinh tế vô cùng lớn. Vì thế nếu không có sự tập trung cao độ cho công việc thì không thể hoàn thành.
Buổi chiều, kỹ sư Nguyệt nhẩn nha chuyện trò sau khi đã chợ búa, nấu xong bữa cơm, chỉ chờ “ông xã” đi đón cháu rồi về vợ chồng cùng ăn tối. Cuộc sống khi về hưu an nhàn, có thời gian chăm lo cho chồng, cho con cháu như bù đắp cho tuổi trẻ lăn lộn, say nghề của bà.
Bởi vậy bà luôn biết ơn người chồng đã thông cảm, đứng sau ủng hộ niềm đam mê công việc của mình. Bà tự nhận mình là người “không thể đảm đang được” dù luôn cố gắng dành tình thương yêu, sự quan tâm nhất tới chồng, con mỗi khi có thể.
Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt tâm sự: “Đối với khoa học không phân biệt nam hay nữ, mà thành công sẽ đến với những người có ý chí, có sự đam mê. Tuy nhiên trong công việc, người phụ nữ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi nhiều hơn. Chẳng hạn trong gia đình người chồng đi làm về muộn đã có người vợ ở nhà chu toàn bữa cơm, chăm lo con cái; nhưng người vợ hầu như thì khó có thể được như thế. Với tôi, tôi luôn áy này là những ngày tháng phải tập trung cho việc nghiên cứu, tôi luôn về nhà muộn, không thể lo chồng con được bữa ăn ngon, đúng giờ, lúc nào cũng vội vàng, chồng nấu thế nào thì ăn như thế. Nhưng rất may tôi được chồng con luôn ở bên thông cảm, ủng hộ đam mê của mình , đây cũng là yếu tốt quyết định cho sự thành công của tôi”, bà tâm sự.
Kỹ sư Nguyệt vẫn còn nhớ một kỷ niệm khiến bà day dứt mãi. Đó là khoảng thời gian tập trung nghiên cứu máy biến áp 110kV, có lần con bị ốm, sốt nhưng có việc gấp trong nhà máy nên đành dặn dò con ở nhà rồi đánh liều đi làm.
“Tôi dặn: “Con ơi, mẹ phải vào nhà máy, hướng dẫn cho các chú thi công một lúc là mẹ về ngay”. Nhưng như bị cuốn vào công việc, tôi vô tình quên đứa trẻ đang ốm nằm nhà đợi mẹ. Mãi đến khi xong việc tôi mới sực nhớ ra con ốm, nhanh chóng chạy về nhà thì nhìn thấy mặt con đỏ gay vì sốt quá cao, tôi cuống quýt hỏi han con thì nó dỗi mẹ bảo: “Mẹ đi vào nhà máy đi, con ở nhà chết cũng được” , câu nói của đứa trẻ khiến tôi như xé lòng”, bà rơm rớm nước mắt kể.
Những ngày tháng miệt mài nghiên cứu, kỹ sư Nguyệt lúc nào cũng chìm trong công việc, thậm chí ngay đến bản thân mình bà cũng chẳng tự chăm lo được. Bà vẫn còn nhớ một kỷ niệm vui đó là nửa đêm đang ngủ liền nhận được điện thoại có sự cố trong nhà máy. Lúc đó, đầu óc chỉ nghĩ đến công việc, “mắt nhắm, mắt mở” bà lao ngay ra khỏi nhà đến nỗi tóc không kịp chải.
“Vào đến nhà máy mới thấy chân một bên cao, một bên thấp; khi nhìn xuống thì phát hiện một chân đi dép mình, một chân đi dép con, vẫn còn đầu bù tóc rối mà tự phá lên cười”, kỹ sư Nguyệt vui vẻ chia sẻ.
Những chuyện kể lại thì thấy vui, nhưng càng ngẫm càng thấm thía sự hi sinh vô bờ bến của nữ kỹ sư luôn cháy hết mình với đam mê nghiên cứu, sáng tạo. Nhờ những hy sinh thầm lặng đó mà những dòng điện mới sáng mãi tới mọi miền, đem những thành quả lớn lao đóng góp cho xã hội.
Bài: Tạ Nguyên
Ảnh, clip: Lê Phú
Trong bài có sử dụng một số hình ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp.
02/12/2018 09:20