Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, mạng xã hội đang là kênh thông tin hiệu quả để nhà báo tham khảo. Tuy nhiên, Facebook như “con dao hai lưỡi” khi ẩn chứa cả thông tin xấu, độc, chưa được kiểm chứng rõ ràng.
Mới đây nhất, cộng đồng mạng xôn xao vụ một người mẹ với nick FB là N.V.A đăng tải câu chuyện: “Do không đóng 100.000 quỹ phụ huynh, cháu bé lớp 1- con của chị N.V.A trường Tiểu học Gia Lương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã phải ngồi nhìn các bạn ăn liên hoan”. Thông tin này càng lan truyền mạnh khi một tờ báo điện tử A đã đăng đầu tiên vụ việc này nhưng ban đầu, phóng viên chỉ lấy 1 chiều là từ thông tin mạng của N.V.A, không phỏng vấn trực tiếp nhân vật cũng như các bên liên quan.
Lập tức, cộng đồng mạng càng phẫn nộ vì thương cháu bé “khổ sở quá”. Rất nhiều người đã để lại bình luận chửi rủa Ban phụ huynh, cô giáo em "học sinh lớp 1” trên, chưa hết, họ còn có những status, bình luận lăng mạ ngành giáo dục, trường học Tiểu học Gia Lương…Sau đó, báo điện tử A đã phải sửa tít để “trấn an” dư luận.
Trước đó, từng có câu chuyện nhà báo “mắc bẫy” mạng xã hội: Trong bối cảnh COVID-19 bùng phát, một nhóm đối tượng lừa đảo trên mạng đã dựng một câu chuyện bi thương, đó là “bác sỹ Khoa rút ống thở của người nhà để nhường máy thở cho mẹ con sản phụ”. Thủ đoạn tinh vi của nhóm “bác sĩ Khoa’ này nhằm dựng chuyện “lấy nước mắt”, chiếm đoạt tiền của các nhà hảo tâm.
Nội dung câu chuyện trên được nhiều người chia sẻ trên Facebook với tốc độ “chóng mặt”, trong đó có cả những nhà báo có sức ảnh hưởng trong công chúng. Tuy nhiên sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, nội dung “bác sỹ Khoa” là giả, không có thật.
Do mong muốn chia sẻ cảm xúc đối với sự hy sinh của “bác sĩ Khoa” nhưng lại thiếu kiểm chứng nguồn tin, hai nhà báo N.Đ.H và H.N.V có lượng bạn bè follow trên mạng rất đông đã vô ý chia sẻ thông tin “Trần Khoa” không có thật. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Thành phố Hồ Chí Minh đã xử phạt hành chính 2 Facebooker này.
Trên trang cá nhân của mình, Facebook N.Đ.H chia sẻ: “Bản thân lấy làm tiếc khi lan tỏa câu chuyện về vị bác sĩ nhường ống thở”. Theo ông N.Đ.H, do thiếu kiểm chứng nên đã vô tình lan tỏa câu chuyện không có thật; đồng thời bày tỏ xin lỗi vì đã để cảm xúc đi trước. Facebooker H.N.V cũng đăng bài chất vấn bản thân, viết lời xin lỗi trên Facebook; đồng thời nhấn mạnh sẽ cẩn trọng hơn, nghiêm khắc hơn nữa với chính bản thân mình.
Đến nay, nhiều người vẫn không quên vụ việc, Sở TT-TT thành phố Đà Nẵng đã xử phạt 7,5 triệu đồng đối với một nhà báo đăng tải bài viết trên mạng: "Đà Nẵng đề xuất mở ‘phố đèn đỏ’ để kích cầu du lịch", kèm hình ảnh nhạy cảm... Bộ TT-TT từng có quyết định thu hồi thẻ nhà báo với 2 lãnh đạo tờ báo vì để xuất hiện các bài viết có nguồn tin không trung thực.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, ông Võ Xuân Trường (44 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh), hiện là Giám đốc Công ty CP Mekolor (trụ sở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) cho biết: Công ty vừa khiếu nại một tờ báo B vì đăng tải thông tin chưa hoàn toàn chính xác.
Theo ông Võ Xuân Trường, tờ báo này đã có văn bản phản hồi thông tin về phản ánh của công ty; đồng thời điều chỉnh lại một số thông tin của bài viết. Tuy nhiên theo lãnh đạo Mekolor, động thái của tờ báo này vẫn không thực hiện nghiêm túc yêu cầu cải chính theo quy định pháp luật báo chí, gây hậu quả và thiệt hại nghiêm trọng cho cá nhân ông Võ Xuân Trường và Mekolor.
Trước “ma trận” thông tin trên không gian mạng, nhà báo Lê Quốc Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân nhận định: “Xu thế chiếm lĩnh của mạng xã hội là thật. Dù vậy, báo chí chính thống không nên chạy theo mạng xã hội”.
Hiện, Việt Nam có khoảng 40.000 người làm báo, trong đó 25.000 người có thẻ nhà báo trên tổng số khoảng 100 triệu dân. Nếu mỗi người dân có một chiếc điện thoại thông minh, theo nhà báo Lê Quốc Minh, họ đều có thể tiếp cận thông tin và trở thành một kênh thông tin. “Số lượng người làm báo chỉ như giọt nước trong biển người có thể cung cấp thông tin. Do vậy, đòi hỏi báo chí chính thống phải cạnh tranh, chạy theo và đi trước mạng xã hội là không thực tế”, nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định.
Chính vì vậy, khi đứng trước lượng thông tin khổng lồ từ các trang mạng xã hội, hơn lúc nào hết, các nhà báo phải có kỹ năng sàng lọc, thẩm định thông tin. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS.TS. Hà Huy Phượng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền ) cho biết: Để có thể truyền tải được các bài báo có thông tin trung thực, khách quan nhất, nhà báo phải có kiến thức hiểu biết về các vấn đề của đời sống xã hội. Như vậy, nhà báo có thể dễ dàng tiếp cận, khai thác, sáng tạo tác phẩm báo chí có nội dung sâu, rộng, chân thật, khách quan và nhân văn.
Bên cạnh đó, nhà báo phải có kỹ năng nghiệp vụ báo chí chuyên nghiệp, bao gồm: Phải là chuẩn chỉnh trong sáng tạo tác phẩm báo chí và tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí. Ví dụ, trong sáng tạo tác phẩm báo chí phải am tường lý thuyết và thực hành báo chí. Nếu không nắm chắc tôn chỉ, mục đích, chức năng, nguyên tắc, pháp luật và đạo đức báo chí thì dễ mắc lỗi. Nếu không nắm chắc các kỹ năng thực hành thâm nhập thực tiễn, phát hiện đề tài, chủ đề, sự kiện, vấn đề, nhân vật, chi tiết, chính kiến và không thuần thục các thể loại, phương thức sử dụng ngôn ngữ, biên tập, theo dõi thông tin phản hồi..., thì các nhà báo dễ vi phạm tính khách quan, chân thật và tính nhân văn của báo chí.
Người làm báo ngày nay cũng cần làm chủ các phương tiện, kỹ thuật - công nghệ làm báo hiện đại. Những người sử dụng mạng xã hội đã biết tận dụng tối đa các nền tảng công nghệ để thu hút công chúng. Với những thế mạnh của công nghệ hiện nay, chính các nhà báo cần tận dụng tối đa công nghệ để làm báo, kiểm soát thông tin và phát triển sản phẩm báo chí trên nền tảng công nghệ để từ đó "chiếm lĩnh" công chúng.
Bên cạnh việc nắm bắt luồng thông tin từ mạng xã hội, các nhà báo cũng phải luôn ý thức về vấn đề đạo đức nghề nghiệp khi tham gia mạng xã hội. Nhà báo Phạm Văn Báu - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Nhà báo Thanh Hóa cho rằng: Thực tế không ít nhà báo đã có vi phạm trong quy tắc sử dụng mạng xã hội, như thông tin một chiều, dẫn dắt thông tin trên mạng. "Nhiều nhà báo bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng, nhiều nội dung không đăng báo mà đăng trên mạng. Cố gắng lèo lái dư luận, hoang tưởng về sức mạnh của mình, có những bộ phận vẫn có tình trạng vi phạm những quy tắc này", nhà báo Phạm Văn Báu chia sẻ.
“Hiện nay, hầu như người làm báo đều tham gia các mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Tiktok… đây là những kênh trên môi trường mạng xã hội, có thể chia sẻ những tác phẩm báo chí hay, nối dài đời sống thông tin báo chí, có sức lan tỏa trong cộng đồng, vì vậy cần hạn chế chia sẻ, bình luận, đưa ra những quan điểm trái chiều, cổ vũ những thông tin xấu, độc trên mạng”, ông Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên môi trường cho biết.
Bên cạnh đó, cần tránh kích động tạo cho người đọc tò mò, hoặc viết bài câu tương tác, thể hiện quan điểm mà thông tin chưa được kiểm chứng và lan truyền trên các nền tảng mạng làm người đọc nhận thức vấn đề một cách sai lệch, gây ra những tác hại khôn lường với xã hội.
Bài: Minh Phương/Báo Tin tức
Ảnh: TTXVN, Hội Truyền thông số Việt Nam, NVCC, ảnh chụp màn hình
Trình bày: Tuệ Thy/Báo Tin tức
21/06/2024 11:44