Cuộc thi diễn ra từ ngày 15/10 - 30/11/2023 nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và cách thức nhận biết, phòng tránh thông tin giả, sai sự thật, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Cuộc thi thu hút .416 người đăng ký tài khoản tham gia với 56.100 lượt thi; trong đó, đối tượng tham gia nhiều nhất là học sinh với 26.740 người, chiếm khoảng 69,6%. Năm nay, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, UBND huyện Krông Pắc, UBND huyện Krông Năng... đã chủ động phổ biến, thông tin, truyền thông về cuộc thi, thu hút đông đảo người đăng ký tham gia.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Đức Hà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đắk Lắk cho biết, Ban Tổ chức đã ban hành thể lệ và xây dựng bộ câu hỏi, đáp án (gồm 80 câu). Nội dung tập trung tìm hiểu về các quy định của Đảng có liên quan đến việc sử dụng internet, mạng xã hội trong cán bộ, đảng viên; Luật An ninh mạng năm 2018, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quy định về xử lý vi phạm liên quan đến an ninh, an toàn trên không gian mạng; tìm hiểu thủ đoạn lừa đảo và các biện pháp phòng tránh, bảo mật thông tin trên không gian mạng… Ban Tổ chức cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động, khuyến khích cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân tham gia.
Ông Đỗ Đức Hà nhấn mạnh, cuộc thi đã thu hút số lượng thí sinh tham gia đông đảo thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau; đặc biệt là có nhiều thí sinh dưới 18 tuổi (đối tượng hoạt động phổ biến trên không gian mạng), học sinh, viên chức ngành Giáo dục. Nhiều thí sinh trả lời đúng cả 15 câu hỏi và có thời gian hoàn thành bài thi nhanh. Cuộc thi đã góp phần xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên trên địa bàn. Kết quả của cuộc thi cho thấy, tính hiệu quả của việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với yêu cầu, định hướng của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh.
Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 10 giải Ba và 20 giải Khuyến khích cho 36 thí sinh có thành tích xuất sắc nhất (có số câu trả lời đúng nhiều nhất, thời gian làm bài ít nhất, thời điểm gửi bài thi sớm nhất, dự đoán đúng hoặc gần đúng nhất câu hỏi dự đoán). Chị Hoàng Thị Viên (xã Cư Prông, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi.