Nghiên cứu, trang bị kiến thức khoa học về các giải pháp năng lượng tái tạo và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thay đổi lối sống theo hướng tiết kiệm năng lượng; thực hiện các giải pháp trồng cây xanh, trồng rừng, trồng cây ven biển… Đó là hàng loạt hoạt động mà lực lượng đoàn viên, thanh niên trên cả nước đã và đang tham gia nhằm chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sáng kiến thanh niên hành động vì khí hậu (còn gọi là Youth4Climate) nằm trong khuôn khổ Chương trình “Lời hứa khí hậu” toàn cầu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, hỗ trợ 115 quốc gia trong việc tăng cường các Đóng góp do quốc gia quyết định (NDC) vào năm 2020.
Tại Việt Nam, sáng kiến thanh niên hành động vì khí hậu do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức phi chính phủ nhằm nâng cao năng lực của thanh niên và các mạng lưới thanh niên hiện có, đẩy mạnh các hành động vì khí hậu của thanh niên ở nhiều lĩnh vực, thúc đẩy những đóng góp của Việt Nam.
Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm giảm phát thải, chung tay với thế giới ứng phó biến đổi khí hậu với nhiều quyết sách quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, tiếng nói của thanh niên chưa hoàn toàn được đưa vào quá trình này.
Thanh niên chiếm 23% tổng dân số của Việt Nam và là lực lượng mạnh mẽ, tác nhân của sự thay đổi và có thể huy động gia đình, trường học, cộng đồng tham gia các phong trào giải quyết thách thức biến đổi khí hậu, giảm phát thải, nâng cao trách nhiệm giải trình của các bên liên quan trong ứng phó biến đổi khí hậu. Họ cũng là những chủ thể quan trọng trong lộ trình vì một Việt Nam xanh, sạch hơn. Bằng cách trao quyền cho thanh niên, Việt Nam có thể mở ra những tiềm năng mới để thực hiện Thỏa thuận Paris và Đóng góp do quốc gia quyết định cho Việt Nam trong tương lai.
Đến nay, sáng kiến Youth4Climate đã giúp thanh niên Việt Nam xây dựng một bản Báo cáo Đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu”, trong đó nêu ra các thách thức, khó khăn mà thanh niên phải đối mặt; giới thiệu các chiến lược tham vọng do thanh niên tự xây dựng và phát triển, thúc đẩy các hành động vì khí hậu.
Đặc biệt, Báo cáo sẽ truyền tải những sáng kiến, giải pháp sáng tạo của thanh niên trong 4 chủ đề chính: Thanh niên với các giải pháp dựa vào tự nhiên; thanh niên giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu hướng đến Mục tiêu phát triển bền vững; chính sách khí hậu và quá trình ra quyết định; đổi mới để giảm nhẹ khí thải nhà kính.
Cùng tham gia xây dựng một bản Báo cáo với những đề xuất, sáng kiến thúc đẩy quá trình phát triển xanh, bền vững và hài hòa với thiên nhiên tại Việt Nam trong tương lai, sáng kiến đã tổ chức ba diễn đàn tham vấn thanh niên tại khu vực Bắc, Trung, Nam và Trại viết Báo cáo "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu" để trao đổi, thảo luận với các chuyên gia về khí hậu và các bạn trẻ quốc tế đang hoạt động rất tích cực trong phong trào chống biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.
Chia sẻ từ những đại diện thanh niên tham gia xây dựng Báo cáo "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu”, với mong muốn cống hiến và trăn trở về hướng đi trong tương lai, anh Danh Bộ, 30 tuổi, đến từ Bạc Liêu cho biết, thanh niên có lợi thế là trẻ tuổi, giàu năng lượng, ham học hỏi và muốn thể hiện mình. Thực tế là hiện giờ rất ít bạn trẻ gắn bó với công việc ruộng đồng, bởi lý thuyết nhiều nhưng để thực hành, rất khó. Họ cần rèn luyện thực tế nhiều hơn để hun đúc tinh thần vượt khó, chấp nhận thất bại, quyết tâm đi đến cùng với các ý tưởng của mình.
Em Mai Hoàng, Trưởng nhóm báo cáo cho biết, những thách thức chung mà các bạn trẻ gặp phải là thiếu kỹ năng xây dựng, thực hiện các dự án biến đổi khí hậu, khó khăn hoặc không được tiếp cận các công nghệ mới, vướng mắc trong quá trình làm việc với các bên liên quan và thiếu tài chính duy trì dự án.
Nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu của thanh niên, trong năm 2021, mạng lưới thanh niên tham gia sáng kiến Youth4Climate sẽ tổ chức sự kiện Hội nghị giả lập Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); tổ chức các tour trải nghiệm tập huấn kỹ năng và thành lập nhóm làm việc thanh niên về chính sách. “Tôi hy vọng báo cáo sẽ được chia sẻ rộng rãi với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan khác để tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe. Hơn nữa, với các đề xuất cụ thể nhằm nâng cao năng lực của thanh niên trong việc lồng ghép các hành động đóng góp vào bản báo cáo Đóng góp do quốc gia quyết định”, Mai Hoàng chia sẻ.
Để mỗi bạn trẻ xem việc ứng phó với biến đổi khí hậu là hành động đẹp, là ý thức thường xuyên, liên tục, thời gian qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng triển khai rộng khắp các chương trình, phong trào hoạt động với nhiều nội dung mới, sáng tạo, hiệu quả, tạo thành trào lưu tốt thu hút đông đảo thanh niên và xã hội tham gia bảo vệ môi trường.
Một số chương trình tiêu biểu đã và đang triển khai hiệu quả như: “Tết trồng cây”; “Vì một Việt Nam xanh”, góp phần làm giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nước, ngăn chặn ảnh hưởng của tia cực tím, cải thiện sức khỏe con người tạo ra cơ hội kinh tế, cân bằng hệ sinh thái, làm cho đất nước xanh tươi, đặc biệt là tạo bóng mát phủ xanh trường học, thôn xóm, đô thị, vùng đất trồng, đồi trọc.
Từ năm 2016 đến nay, Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phát động đã thu hút được 162.959 đoàn viên, thanh niên tham gia, duy trì 531 điểm hoạt động thường xuyên làm sạch bờ biển tại 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" vì một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước đã tích cực cùng các cấp, các ngành liên tục tuyên truyền, tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức về phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống và bầu khí quyển.
Nhiều phong trào, mô hình và hình thức hoạt động đã tạo được dấu ấn, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp tại cộng đồng dân cư. Trong đó có các chương trình Ngày hội “Thanh niên hành động chống rác thải nhựa”; mô hình chợ dân sinh, chung cư, đảo thanh niên, thôn bản, văn phòng hạn chế rác thải nhựa; mô hình “Hành trình thứ 2 của chai nhựa - Tuyến đường Lít ánh sáng cho bản làng nông thôn mới” thắp sáng tuyến đường bằng đèn sử dụng năng lượng mặt trời được chế tạo từ vỏ chai nhựa đã qua sử dụng...
Tiến sỹ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự chung tay không chỉ của các cơ quan nhà nước, mà chủ yếu đến từ cộng đồng, các đoàn viên, thanh niên… Trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu chung, vai trò của thanh niên là rất quan trọng.
Năm 2020, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức chương trình “Thanh niên ứng phó với biến đổi khí hậu”, kêu gọi đoàn viên, thanh niên nghiên cứu và trang bị kiến thức khoa học sớm, đầy đủ nhất về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, về các giải pháp năng lượng tái tạo, các công nghệ mới tiết kiệm năng lượng; thay đổi thói quen, lối sống theo hướng tiết kiệm năng lượng bất kể khi nào có thể…
Theo anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên, những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cấp bộ Đoàn và thanh niên Việt Nam đã góp phần không nhỏ để hoàn thành mục tiêu số 13 “Hành động vì khí hậu” nói riêng và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc nói chung đến năm 2030.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia. Việt Nam đã đặc biệt chú trọng và có nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ cả về kinh tế, xã hội và môi trường để hướng tới sự phát triển bền vững, toàn diện. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt”.
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Việt Nam là một quốc gia bị tổn thương cao bởi biến đổi khí hậu, trong khi đó sự phát triển của nền kinh tế lại vẫn đang bị chi phối mạnh bởi nhiên liệu hóa thạch. Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu giảm khí thải nhà kính, so với kịch bản thông thường tăng từ 8% lên 9% bằng nội lực và tăng từ 25% lên 27% nếu có sự hỗ trợ quốc tế (Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2020). Hiện nay, các hành động khí hậu của Việt Nam đang ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu và dần chuyển dịch sang những giải pháp đồng lợi ích về thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Để thực hiện được các mục tiêu, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng, trong đó thanh niên đóng vai trò hết sức quan trọng. Mỗi hành động của các bạn trẻ góp phần thay đổi nhận thức và tạo động lực chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế - xã hội sang hướng các-bon thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhìn nhận sự tham gia của thanh niên trong ứng phó với biến đổi khí hậu, từ góc độ là những đơn vị làm chính sách, lập ra những chiến lược quốc gia cũng như những chương trình hành động cụ thể, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, việc tham gia của thanh niên vào trong những hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là những hoạt động trước mắt, mà cả những hoạt động lâu dài. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng làm việc với đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội, những nhóm thanh niên quan tâm đến biến đổi khí hậu để thúc đẩy hoạt động, tăng cường đóng góp của thanh niên cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Phạm Văn Tấn, thanh niên có sức lan tỏa lớn hơn rất nhiều, do đó nên chọn thanh niên là điểm khởi đầu để lan tỏa hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến tất cả mọi người trong xã hội.
Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng, cho rằng hiện nay các hoạt động của thanh niên về ứng phó với biến đổi khí hậu rất đa dạng cả về chủ đề, thành phần tham gia và độ tuổi. Bên cạnh hệ thống đoàn thanh niên các cấp và hội sinh viên ở các tỉnh, thành phố, còn có các nhóm sinh viên tình nguyện. Các lực lượng này cần có sự đan chéo, phối hợp với nhau để các hoạt động mang lại hiệu quả.
Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, biến đổi khí hậu đã được giới trẻ quan tâm nhiều hơn trước kia, giới trẻ đã tiếp cận thông tin và hoạt động toàn cầu nhưng cần triển khai mạnh mẽ đối với các hoạt động ở các địa phương. Để các bạn trẻ trao đổi, chia sẻ, nhân rộng những mô hình hiệu quả và hơn nữa là đưa những chính sách đến gần hơn với sinh viên, học sinh.
Hiện nay, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn và là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Việt Nam đã nhanh chóng phê duyệt và triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris ngay sau khi được thông qua năm 2015. Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật của Việt Nam đã nêu đậm nỗ lực quốc gia trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững, lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương thời gian tới. Đặc biệt, các cam kết của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tháng 11/2020.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam, năm 2021, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã và đang tiếp tục đồng hành với các tổ chức, triển khai những hoạt động liên quan đến thanh niên. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc có những hoạt động thiết thực, tạo ra nền tảng, kiến thức về biến đổi khí hậu, hay những giải thưởng cụ thể, khuyến khích, tạo động lực cho thanh niên tham gia vào hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã có các dự án triển khai đến gần 40 tỉnh, thành phố, như các dự án về xây nhà chống bão lũ, trồng rừng ngập mặn, hỗ trợ sinh kế, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thông minh, biến đổi khí hậu, trồng rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp… Thanh niên hoàn toàn có thể kết nối tham dự, đề xuất các sáng kiến khi tham gia các dự án.
Phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đã dần trở thành các hành động thường xuyên, thói quen hàng ngày, hàng giờ và lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Sự chuyển biến rõ rệt này chính là thành quả đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp thiết thực của các đoàn viên, thanh niên. Mỗi hành động, việc làm dù nhỏ nhưng có ý nghĩa giải quyết vấn đề lớn cho cả tương lai lâu dài.
Hằng năm, 100% tổ chức Đoàn các cấp tổ chức ít nhất một hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đến nay đã triển khai thực hiện 200 công trình thanh niên cấp tỉnh, 1.600 công trình thanh niên cấp huyện về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ 1.000 ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ xây dựng 250 nhà tránh lũ cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực miền Trung.
Tổ chức Đoàn các cấp tiếp tục triển khai hiệu quả và xây dựng, nhân rộng các mô hình, công trình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động đoàn viên, thanh niên sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất thân thiện với môi trường, thực hiện xả thải đúng quy định, xây dựng các mô hình kinh tế xanh; hướng dẫn thành lập và duy trì các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên hoạt động trong lĩnh vực môi trường, các đội hình thanh niên xung kích tham gia làm sạch bờ biển, phòng, chống thiên tai, hỗ trợ người dân xử lý sự cố môi trường...
Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng ban Thanh niên nông thôn, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho biết, Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên trên toàn quốc dưới nhiều hình thức; chú trọng đào tạo và xây dựng nhóm cán bộ đoàn chủ chốt ở các cấp để làm hạt nhân cho các phong trào thanh niên; khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Chia sẻ khó khăn với các dự án quy mô nhỏ ở các địa phương, chị Nguyễn Thị Thu Vân cho rằng: "Khi có ý tưởng dự án, các bạn trẻ có thể liên hệ với tổ chức Đoàn ở địa phương. Họ hoàn toàn có thể đại diện liên hệ làm việc với các bên liên quan và dựa trên quy mô cũng như tác động của dự án, họ sẽ dẫn dắt các bạn cần phải đề đạt đến những cơ quan, đơn vị nào để đạt hiệu quả tốt nhất. Điều này cũng sẽ giúp nâng cao vị thế của Đoàn Thanh niên, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".
Nỗ lực thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu:
Bài: Nguyễn Hồng Điệp
Ảnh: TTXVN, TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
27/03/2021 07:10