Thời gian qua, vượt lên trên rất nhiều khó khăn, những người lính bộ đội Cụ Hồ trong trang phục của lực lượng “Mũ nồi xanh” luôn đoàn kết, kiên cường cùng nhau vượt qua thử thách, vượt lên chính mình để hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình và mang hình ảnh đẹp của Việt Nam ra thế giới.
“Chuyến bay C17 cất cánh tại Thủ đô Juba, Nam Sudan và hạ cánh tại sân bay Nội Bài là những giây phút mà tôi có nhiều cảm xúc dâng trào nhất. Đó là cảm giác vui mừng khôn xiết của ngày trở về với Tổ quốc, quê hương, gia đình và người thân sau gần 18 tháng ròng rã”. Đó là chia sẻ của Thiếu tá Cao Thùy Dung, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, sau khi cùng các cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đáp chuyến bay từ Juba, Nam Sudan, về nước hôm 24/4 vừa qua.
Lên đường thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan từ tháng 11/2019 với thời hạn 1 năm theo kế hoạch, nhưng do đại dịch COVID-19, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã phải kéo dài nhiệm vụ công tác trên thực địa thêm gần 6 tháng so với dự kiến với nhiều khó khăn đột xuất phát sinh. Tuy nhiên, bằng sự đồng lòng, ý chí và quyết tâm, những người lính quân y “mũ nồi xanh” của Việt Nam đã vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao.
“Khi nhận được thông tin bệnh viện sẽ kéo dài thời gian công tác tại địa bàn, tôi và nhiều đồng chí cảm thấy rất hụt hẫng, không biết bao giờ mình có thể trở về với gia đình, với đất mẹ Việt Nam. Tuy nhiên, là một người lính, sau giây phút suy nghĩ ban đầu, cùng với sự động viên quan tâm của chỉ huy các cấp, chúng tôi đã xốc lại tinh thần, xác định rõ nhiệm vụ. Chúng tôi hiểu rằng, trong điều kiện bình thường, việc kéo dài thêm thời gian công tác tại Phái bộ là một điều hoàn toàn có thể xảy ra chứ chưa nói khi tình hình dịch bệnh đang bùng phát”, Đại úy, bác sỹ Nguyễn Việt Phương, Trưởng khoa Nội - Truyền nhiễm, Tổ trưởng Tổ điều trị COVID-19 Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, chia sẻ với phóng viên TTXVN.
Tháng 4/2020, thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Nam Sudan cũng là lúc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 phải đối mặt với sự thiếu thốn trang thiết bị vật tư y tế. Hàng hóa mang từ Việt Nam sang bắt đầu cạn dần trong khi việc tiếp tế không thể thực hiện do Nam Sudan đóng cửa biên giới, các chuyến bay quốc tế và nội địa bắt buộc phải tạm dừng.
Đất nước Nam Sudan vốn bị tàn phá nặng nề bởi cả một thập kỷ chìm trong xung đột, chiến tranh, đời sống người dân vô cùng khó khăn và hệ thống y tế là con số không tròn trĩnh. Vì vậy, quốc gia này khá mong manh trước “con sóng thần” mang tên đại dịch COVID-19.
“Chúng tôi buộc phải chắt chiu từng chiếc khẩu trang y tế, từng viên thuốc để vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh và dự trữ phòng khi dịch bệnh bùng phát với số lượng bệnh nhân lớn”, Trung tá, bác sỹ Võ Văn Hiển, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chia sẻ.
Khu vực Bentiu, nơi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam đóng quân được xác định là địa bàn phức tạp với rất nhiều khó khăn. Các nhân viên Liên hợp quốc di chuyển nhiều, quân số ở các đơn vị thường xuyên biến động do thực hiện kế hoạch đổi quân nên dễ mang theo mầm bệnh từ nơi khác đến, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiếu, không có điều kiện xét nghiệm để sàng lọc dịch bệnh. Thêm vào đó, điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế tại đây cũng là nguy cơ lây lan bệnh tật. Trong hoàn cảnh đó, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã chủ động triển khai khu cách ly với các phương tiện trang thiết bị cần thiết, sẵn sàng cấp cứu, thu dung và điều trị cho các trường hợp nhiễm COVID-19.
“Khó khăn, thiếu thốn như vậy nhưng đường dây nóng của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 Việt Nam duy trì 24/7, không bỏ qua bất kỳ trường hợp nào có dấu hiệu bất thường về sức khỏe”, Trung tá Võ Văn Hiển cho biết. Ngoài ra, bệnh viện thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập các tình huống có thể xảy ra, xây dựng quy trình đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên bệnh viện, xây dựng kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đơn vị và đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên trong các tình huống nguy hiểm.
Bác sỹ Nguyễn Việt Phương kể lại kỉ niệm đáng nhớ trong nhiệm kỳ 18 tháng tại Phái bộ Bentiu (Nam Sudan) khi một ca bệnh là nam sỹ quan người MôngCcổ được chẩn đoán theo dõi lao màng phổi.
Bác sỹ Nguyễn Việt Phương cho biết, theo quy định của Liên hợp quốc, những trường hợp như thế này sẽ phải chuyển lên bệnh viện cấp cao hơn, hoặc thậm chí phải cho hồi hương. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, các chuyến bay vận chuyển bệnh nhân gần như đóng băng. Bệnh nhân được quyết định theo dõi, điều trị lâu dài tại bệnh viện. Sau nhiều lần chọc hút dịch màng phổi và điều trị thuốc chống lao tích cực theo đúng phác đồ, tình trạng lâm sàng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân và các bác sỹ phụ trách y tế, chỉ huy tiểu đoàn Mông Cổ - đơn vị quân chủ lực của Phái bộ - hết sức vui mừng và cảm ơn tập thể y bác sỹ Việt Nam.
“Đây có lẽ là một ca bệnh được theo dõi và điều trị dài ngày nhất của khoa, huy động trí tuệ tập thể nhiều cán bộ, y bác sỹ của Bệnh viện trong điều kiện xét nghiệm, thuốc men, trang bị vật tư y tế tại địa bàn còn nhiều thiếu thốn,” Bác sỹ Phương cho biết.
Theo Bác sỹ Võ Văn Hiển, với những đóng góp y tế tích cực, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 Việt Nam đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các cơ quan quản lý của Phái bộ ở Juba và Bentiu.
Trở về nước an toàn, các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 không quên những ngày tháng hoạt động trong điều kiện muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt tại địa bàn. Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã nhanh chóng trở thành thách thức lớn nhất, chưa từng có tiền lệ đối với mọi mặt của hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trên thế giới nói chung và ở Nam Sudan nói riêng.
Có những thời điểm cán bộ, nhân viên của Bệnh viện rất hoang mang, lo lắng khi diễn biến tình hình an ninh, chính trị tại địa bàn trở nên căng thẳng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hoặc khi trong đơn vị, hay người thân ở quê nhà đau ốm. Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, suy nghĩ của cán bộ, nhân viên Bệnh viện.
Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả khó khăn, những người lính quân y “mũ nồi xanh” đã đoàn kết, kiên cường cùng nhau vượt qua thử thách, vượt lên chính mình, tiếp tục tiến lên hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế cao cả và nhân đạo của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Tại Bentiu, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác xa nhà dài ngày trong môi trường khắc nghiệt, cũng như nhiều thiếu thốn về vật chất, chúng tôi luôn tâm niệm cần phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội ta: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, Thượng úy, bác sỹ Từ Quang, Đội trưởng Đội cấp cứu đường không, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, chia sẻ.
Khép lại 18 tháng ròng rã xa Tổ quốc, gia đình để thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả, những người lính bộ đội Cụ Hồ trong thời bình vô cùng tự hào khi được đóng góp một phần trách nhiệm của cá nhân trong nhiệm vụ chung của quân đội, quốc gia. Đặc biệt hơn, góp phần vào nhiệm vụ quốc tế đa phương đó còn là sự hy sinh, cống hiến của những nữ quân nhân Việt Nam.
“Tôi cảm thấy được ý nghĩa to lớn khi được là quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam sống trong thời bình và được tham gia làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ xa, nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của quân đội, quốc gia, dân tộc, trong đó không thể thiếu là hình ảnh của người Phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong mắt bạn bè quốc tế”, Thiếu tá, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 Cao Thùy Dung chia sẻ.
Tiếp nối nhiệm vụ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, ngày 24/3 và 21/4 vừa qua, các thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan với 63 thành viên chính thức và 7 thành viên dự bị.
Trước khi lên đường làm nhiệm vụ, các cán bộ, nhân viên đã được huấn luyện một số kỹ thuật chuyên môn như: Cấp cứu chấn thương nâng cao (ITLS); huấn luyện cho Đội Cứu trợ đường không (AMET); công tác tiền triển khai; Luật nhân đạo quốc tế và ngoại dã chiến... Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên còn được huấn luyện vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ một số trang bị hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng liên quan của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3; diễn tập sa bàn, diễn tập tổng hợp thực địa...
Tại Lễ tiễn quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường làm nhiệm vụ tại Bentiu, Nam Sudan, 33/64 cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đi đợt đầu tiên đều bày tỏ vinh dự, tự hào khi thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ Nam Sudan, trên chuyến bay vận tải quân sự C17 của Bộ Quốc phòng Australia.
Trung úy Nguyễn Thị Loan chia sẻ, việc tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của bản thân mà còn của gia đình khi thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Là bác sỹ Bệnh viện Quân y 4 thuộc Quân đoàn 4, Trung úy Nguyễn Thị Loan khẳng định sẽ nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là việc giữ gìn sức khỏe cho cán bộ, nhân viên Liên hợp quốc; đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường ở khu vực đóng quân.
Ngay tại sảnh tiễn cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường làm nhiệm vụ, đôi vợ chồng trẻ Thượng úy Tống Vân Anh (Khoa Sinh sản) và Trung úy Đỗ Thanh Tùng (Khoa Khám bệnh), Bệnh viện Quân y 4 bày tỏ sự tự tin và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao khi lần đầu tiên tham gia làm nhiệm vụ quốc tế. Thượng úy Tống Vân Anh cho biết, do chưa có con nhỏ, không vướng bận nhiều về gia đình nên đây sẽ là cơ hội tốt để chị trải nghiệm, tích lũy thêm kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh; là cơ hội để cống hiến, thực hiện những công việc có ích cho cơ quan, đơn vị, cho Tổ quốc và cộng đồng quốc tế.
Thượng úy Đinh Văn Hồng bày tỏ tự hào vì được làm trong môi trường chuyên nghiệp của quân nhân, tự hào vì từng thực hiện những chuyến bay cấp cứu đưa người bệnh từ ngoài biển khơi về trực tiếp Bệnh viện Quân y 175, nay càng vinh dự hơn khi lãnh đạo đơn vị phân công tham gia và làm Đội trưởng đội cấp cứu đường không của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3.
Cho rằng đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn hơn hoạt động cấp cứu thường ngày ở trong nước, Thượng úy Đinh Văn Hồng vẫn khẳng định: “Là sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, khi đứng trước nhiệm vụ mới, việc ưu tiên hàng đầu là hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân”.
Không gian tại lễ tiễn các quân nhân như càng bồi hồi, xúc động hơn khi những người thân bịn rịn chia tay người thân chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ quốc tế. Những cái ôm, siết chặt tay nhau giữa anh chị em, bè bạn, những người thân trong gia đình như động viên con, em nỗ lực, quyết tâm hết mình vì nhiệm vụ, vì quê hương, đất nước.
Tự hào về người chồng đã luôn cố gắng, nỗ lực để tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 thực hiện nhiệm vụ quốc tế, chị Đồng Thị Thúy, vợ Đại úy Hoàng Xuân Trường cho biết, bản thân cũng buồn bởi xa người thân, nhất là phải một mình chăm sóc con cái, tự chăm sóc bản thân khi chuẩn bị sinh con thứ hai nhưng chị và gia đình sẽ cố gắng là hậu phương vững chắc để anh Trường yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ tỉnh Bến Tre, vợ chồng ông Lê Văn Sinh và bà Huỳnh Thị Thủy Tiên lặn lội lên Thành phố Hồ Chí Minh tiễn con gái, Thiếu úy Lê Na lên đường làm nhiệm vụ tại phái bộ Nam Sudan. Dặn dò được vài câu, Thiếu úy Lê Na sửa vội cổ áo, khẩu trang của bố mẹ rồi quay vội đi để giấu những giọt nước mắt khi lần đầu tiên rời xa đất mẹ.
Lê Na chia sẻ: "Ai cũng muốn làm việc ở gần gia đình, với mình đây sẽ là khoảng thời gian trải nghiệm quý giá mà ít ai có được. Bố mẹ luôn hiểu và ủng hộ quyết định của mình. Tuổi trẻ được cống hiến cho Tổ quốc là niềm hạnh phúc".
Bùi ngùi nhìn theo bước chân con nhưng bố mẹ của Thiếu úy Lê Na không giấu được niềm vui, tự hào khi đứa con đầu lòng đã trưởng thành, được tham gia vào các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3. “Điều mong mỏi nhất của chúng tôi là con được mạnh khỏe, cùng đồng chí, đồng đội khắc phục những khó khăn, gian khổ để cùng hoàn thành nhiệm vụ”, bố của Thiếu úy Lê Na chia sẻ.
Còn đối với Thiếu tá Bùi Thị Xoa, đây là lần thứ hai chị thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ Bentiu, Nam Sudan. Chị cho biết, trước đó, chị đã trải qua 14 tháng đối mặt với nhiều dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Chuyến đi này là cơ hội để chị truyền lửa cho các bạn trẻ vững thêm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để cùng các bạn trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3:
Ngoài tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo hình thức đơn vị (cử các bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, cấp 2 số 2, cấp 2 số 3) từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử 180 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Hoạt động hòa bình tại trụ sở Liên hợp quốc. Với những đóng góp của mình, các quân nhân Việt Nam đều được Liên hợp quốc đánh giá cao, dư luận quốc tế ủng hộ.
Mới đây, ngày 9/4, tại Hà Nội, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đã trao quyết định cho Thiếu tá Nguyễn Phúc Đông, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đi thực hiện nhiệm vụ là Sỹ quan huấn luyện quân sự cho Ban Quản lý chương trình huấn luyện, Phòng Huấn luyện tích hợp, Văn phòng Chính sách, đánh giá và huấn luyện, Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), nhiệm kỳ 2021 - 2023.
Trước đó, ngày 12/3, Bộ Quốc phòng cũng đã tổ chức lễ trao quyết định của Chủ tịch nước cho sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ tại Trụ sở Liên hợp quốc, tổng kết nhiệm kỳ công tác cho 9 sĩ quan Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã trao quyết định cho Trung tá Trần Đức Hưởng, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đi thực hiện nhiệm vụ là Sĩ quan Tham mưu Kế hoạch thuộc Phòng Kế hoạch Quân sự, Văn phòng các Vấn đề Quân sự, Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ).
Được biết, để được trúng tuyển, Trung tá Trần Đức Hưởng đã trải qua quy trình ứng thi gồm 4 vòng và hồ sơ ứng thi từ các quốc gia thành viên cho một vị trí tại Trụ sở Liên hợp quốc dao động từ 150 - 200 hồ sơ… Trước đó, Trung tá Trần Đức Hưởng từng có thời gian làm nhiệm vụ Sĩ quan Tham mưu huấn luyện tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) từ năm 2016 - 2017 và Quan sát viên quân sự tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan (UNMISS) từ năm 2018 - 2019.
Khi nhận xét kết quả thực hiện nhiệm vụ của 9 sĩ quan thuộc hai Tổ công tác tại hai Phái bộ Cộng hòa Trung Phi và Phái bộ Nam Sudan, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã biểu dương, đánh giá cao kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các sĩ quan; đồng thời nhấn mạnh, đây là những thành tích rất đáng tự hào, khẳng định trình độ, năng lực, sự tiến bộ vượt bậc của của các sĩ quan Việt Nam khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: Chúng ta đã nhiều lần đón các đồng chí trong đội hình gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đi hoạt động ở châu Phi về nước. Mỗi lần như thế, chúng ta lại ghi nhận thêm những thành công, đóng góp và nhận thức càng ngày càng phát triển của các sĩ quan Việt Nam. Tuy nhiên, lần này rất đặc biệt vì chúng ta trải qua bối cảnh dịch COVID-19 trên toàn cầu, trong đó Việt Nam bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng kể cả đối với các hoạt động trong nước và các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ Nam Sudan, Trung Phi. Tôi rất phấn khởi trước kết quả công tác của 9 đồng chí. Kết quả đó thể hiện rằng, lực lượng của chúng ta tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình đã hoàn thành được nhiệm vụ kép mà Đảng, Nhà nước đặt ra.
Đối với trong nước, chúng ta vừa ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống dịch. Đối với lực lượng gìn giữ hòa bình, việc đầu tiên là chúng ta phải chống dịch cho lực lượng của Việt Nam. 9 đồng chí đã trở về sau một nhiệm kỳ rất dài, có những đồng chí kéo dài nhiệm kỳ đến 10 tháng, đến 8 - 9 lần phải hoãn và điều chỉnh lịch về nước nhưng đều khỏe mạnh, phấn khởi, tự tin, khẳng định hiệu quả của những biện pháp mà chúng ta đã thực hiện để chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các đồng chí vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của Liên hiệp quốc cũng như nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng Việt Nam giao. Đây là một vấn đề khó khăn đối với tất cả các quốc gia tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trong bối cảnh dịch COVID-19…
Đặc biệt, cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ và vượt qua dịch COVID-19, đảm bảo sức khỏe cho bộ đội ta, các đồng chí một lần nữa nêu gương sáng của người chiến sĩ, sĩ quan Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ. Đã có rất nhiều tấm gương trong thời gian qua của các sĩ quan Việt Nam, vừa khắc phục khó khăn cho lực lượng của chúng ta, vừa giúp các lực lượng khác tại các phái bộ, vừa làm những hành động rất tự giác, nhân văn, điển hình như Trung tá Nguyễn Thị Liên, nữ sĩ quan Việt Nam đã được Liên hợp quốc tặng Bằng khen vì thành tích đặc biệt, truyền cảm hứng cho cộng đồng và cho những quốc gia khác về phòng, chống dịch COVID-19.
“Một điểm nữa nổi lên là nhận thức, sự tự tin và trình độ cán bộ của chúng ta khác trước rất nhiều. Qua khó khăn, con người sẽ trưởng thành. Trải qua những nhiệm kỳ rất dài, trong bối cảnh hiện nay là kéo dài gần một năm ở địa bàn châu Phi xa xôi mà không biết được chính xác ngày về, cán bộ, chiến sĩ gìn giữ hòa bình của Việt Nam vẫn giữ tư tưởng rất vững vàng, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ một cách rất bình thản, giản dị nhưng rất hiệu quả. Nhiều bạn bè quốc tế gặp sĩ quan của chúng ta đều nói sĩ quan Việt Nam rất khác biệt. Tôi cho rằng đây chính là điểm khác biệt đó. Đây là điều đáng mừng nhất khi các đồng chí trở về”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Phát biểu trực tuyến tại lễ xuất quân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 vào chiều 23/3/2021, ông Atul Khare, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, nhất là việc triển khai các Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ năm 2018 đến nay. Thành công này thể hiện những cam kết mạnh mẽ, khẳng định những nỗ lực của Việt Nam; là điều tuyệt vời trong quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.
Ông Atul Khare cũng biểu dương cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam trong thời gian qua đã triển khai đúng quy trình, quy chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 và chia sẻ nhiều kinh nghiệm có giá trị trong quá trình quản lý, phòng chống dịch bệnh.
Là một chuyên gia của Liên minh châu Âu (EU) được cử sang Việt Nam làm cố vấn cho Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Trung tá Stéphane Pierrat cũng đánh giá: Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng tất cả các yêu cầu của Liên hợp quốc và điều này được thể hiện qua những đóng góp trên thực tiễn hoạt động của các bệnh viện dã chiến của Việt Nam tại Nam Sudan. Các sĩ quan trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam tại Nam Sudan không chỉ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ quân đội mà còn giúp đỡ người dân nước sở tại và được họ chào đón.
Ông Stéphane Pierrat nói: “Tôi được biết rằng Liên hợp quốc đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam. Tôi đã nhìn thấy các sĩ quan Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ và trở về nước với nụ cười rất tươi. Tôi cũng thấy những nụ cười ấy trên môi của các sĩ quan mới lên đường. Chắc hẳn họ đều rất tự hào khi được tham gia nhiệm vụ này”.
Đánh giá về những đóng góp của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thiếu tá Adam R. Lulay, sĩ quan hoạt động song phương thuộc Văn phòng hợp tác Quốc phòng Hoa Kỳ, cho rằng những kinh nghiệm trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam có thể trở thành bài học được áp dụng cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình sắp tới. “Sứ mệnh của Việt Nam tại Nam Sudan là một hình mẫu điển hình về hoạt động cứu trợ y tế, đặc biệt trong bối cảnh thách thức về dịch bệnh như hiện nay”, ông Adam R. Lulay nhấn mạnh.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, các sỹ quan của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã áp dụng nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch để triển khai tại các địa bàn. Tiêu biểu, một nữ sĩ quan đã may 800 chiếc khẩu trang cho các sĩ quan trong phái bộ, tạo ra nếp nghĩ cần phải có hành trang tự bảo vệ mình để đối phó với một đại dịch chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ của Liên hợp quốc, các sỹ quan của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam còn hỗ trợ nhân dân nước sở tại bằng nhiều hoạt động nhân đạo như nuôi dạy trẻ em, hướng dẫn người dân địa phương cách trồng rau xanh để đảm bảo hậu cần tại chỗ... tạo nên vẻ đẹp của bộ đội Cụ Hồ trong trang phục lực lượng mũ nồi xanh của Liên hợp quốc.
Theo ông Adam R. Lulay, hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam được đánh giá rất cao trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tỷ lệ nữ quân nhân tham gia cao hơn so với tỷ lệ khuyến khích của Liên hợp quốc.
Trong 6 năm qua, Việt Nam đã cử 20 nữ quân nhân trong đội hình BVDC2, chiếm tỷ lệ gần 16% và 4 sĩ quan nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân, cao hơn tỷ lệ khuyến khích là 15% của Liên hợp quốc.
Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam, tuy là một nước mới tham gia nhưng Việt Nam đã để lại dấu ấn rất lớn trong lòng bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc và các phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả hai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đều được Chỉ huy Phái bộ và Liên hợp quốc đánh giá cao. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế này.
Việt Nam và sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc:
Bài: Bảo Ngọc - Thanh Vũ - Hiền Hạnh
Ảnh: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
09/05/2021 07:05