Căn nhà nhỏ xíu số 19 trên con phố Nguyễn Thượng Hiền không quá sầm uất nhưng cũng không quá tĩnh lặng của Hà Nội. Tầng 3 là nơi chị Hoà và gia đình sinh sống. Còn tầng 1 và 2 dành cho việc kinh doanh nhỏ. Dẫu gì, mưu sinh vẫn phải được ưu tiên nhất.
Căn nhà chị đang sống là nhà chồng, còn cách đó 10 số nhà – nhà số 9 Nguyễn Thượng Hiền, mới là nhà bố mẹ đẻ của chị. Hiện tại, 2 em trai trong số 5 em trai của chị vẫn đang sinh sống ở đó.
Vỏn vẹn gói ghém cả nhà ngoại lẫn nhà nội đều nằm trong con phố nhỏ và bình yên bên cạnh hồ Thiền Quang, nhưng, chị Hoà lại được gọi là “Con gái của phố Hàng Giấy”. Cái danh xưng theo chị suốt cả 36 năm theo nghề chiếu bóng. Mà không, nhẩm đếm ra thì đâu chỉ 36 năm, bởi cái thời điểm chị nghỉ hưu và tính tròn từ khi đi làm tại rạp Bắc Đô (39 - 41 phố Hàng Giấy, Hà Nội), tới khi nhận quyết định tại rạp Tháng Tám (phố Hàng Bài, Hà Nội) là 36 năm; thì sau đó chị vẫn tiếp tục gắn với nghề chiếu bóng. 8 năm về hưu (từ năm 2010), đến nay vẫn là “chiếu bóng” tại Rạp Kim Đồng. Tổng cộng ra đã 44 năm rồi và vẫn chưa có ý định dừng mối “nhân duyên” này lại.
Năm 1974, 19 tuổi, vừa tốt nghiệp lớp 10 thì cũng là lúc cô gái trẻ Hoàng Thị Kim Hòa bước vào hai mối “nhân duyên tiền định” của mình. Người bạn học từ lớp 7, chàng trai cùng phố Nguyễn Thượng Hiền, trở thành bạn trai của Hòa, cũng đồng thời là người “đưa” chị đến với chiếu bóng. Bố của anh có một người quen tại Công ty Chiếu bóng Hà Nội, nên đã giới thiệu cô bé Hòa nhỏ nhắn, đáng yêu tới tham gia một buổi thử giọng xét chọn thuyết minh phim.
Trong số hơn 100 người dự thi, cô bé có giọng đọc rõ ràng, tròn vành rõ chữ đã được chọn. Chị Hòa kể, cũng không phải là tuyển chọn gì quá đặc biệt, mà mỗi người đọc một đoạn thuyết minh phim, quan trọng nhất chỉ là đọc to, rõ ràng, có thể là thêm chút diễn cảm như khi tập đọc tại lớp, chứ lúc ấy cũng đã ai biết tới diễn tả cảm xúc nhân vật đâu. Nhưng rồi cô bé Hoà “không con ông cháu cha” ấy đã được chọn. Và sự nghiệp “cho mượn giọng”, “làm cầu nối giữa tác phẩm điện ảnh và người xem” của chị Hoà cũng bắt đầu từ đây, từ ngày 1/8/1974, ngày chính thức vào biên chế của Công ty Chiếu bóng Hà Nội.
Chị Hoà bảo, khoá của chị có may mắn hơn các khoá thuyết minh trước, vì được đào tạo bài bản. Một năm trời, họ được học về lịch sử điện ảnh, về điện ảnh các nước… do chính các thày cô trường Sân khấu Điện ảnh dạy. Những kiến thức phông nền ấy đã giúp chị có thể hiểu rõ hơn về ngành nghề mình sẽ gắn bó là Chiếu bóng và nuôi dưỡng thêm một chút với tâm hồn mỗi người học. Chứ còn cụ thể hơn về cái nghề gọi là thuyết minh phim, thì cũng không ai dạy cả, đơn giản cứ dặn nhau là đọc cho rõ ràng, cho chính xác là được. Tiêu chí nghề thuyết minh, nghe bảo chỉ có vậy.
Thế nên mới có những người đồng nghiệp của chị Hoà, cả đời làm thuyết minh cứ đờ đẫn cầm micro, thêm tờ giấy, đọc đều đều “đến là vô cảm” (có hẳn hoi đó), buổi nào cũng như buổi nào. Cũng có người, không khác gì “máy”, ngoài đọc chả nghĩ tới việc tìm hiểu thêm gì, cộng với kiến thức phổ thông cũng không nhiều, nên “Khí CO2” đọc là “Khí Cỏ”, “Vladimir Ilich Lenin” không biết đọc sao cho đúng…
Nhưng cũng có những người, dù là làm nghề gì cũng không qua loa được, nữa là mình sẽ chịu trách nhiệm “cầu nối” để đưa nội dung những bộ phim, cùng những hình ảnh trên màn hình, tới với khán giả. Mà khán giả thời ấy, thời được gọi là bao cấp, xem phim điện ảnh, tới rạp chiếu bóng, là loại hình giải trí có thể coi là duy nhất, đáng được khao khát, mong chờ.
Thế nên, với mỗi bộ phim, khi cùng chị em trong tổ thuyết minh đến ngồi xem trước, rồi đọc thử thuyết minh, chị Hòa đều rất để tâm. Để tâm xem phim của nước nào, xem nội dung phim nói về điều gì, các nhân vật trong phim ra sao. Để sau đó, khi vào cuộc, bắt tay vào thuyết minh phim, là phải làm tốt, trôi chảy, đúng là đương nhiên rồi, nhưng còn phải diễn cảm, thể hiện được cảm xúc của nhân vật, những trăn trở, dằn vặt, những nỗi đau, niềm vui, sự trẻ trung, nét từng trải, cái rắn rỏi của đàn ông, cái mềm mại, yếu đuối của người phụ nữ…
Chị Hòa kể: “Tôi phải tự nhận mình nhiều cảm xúc thật, xem phim, thuyết minh phim, thấy cảnh nào xúc động là cũng khóc, cũng nấc, không kiềm chế được. Như khi thuyết minh phim “Cô gái bán hoa” của Triều Tiên, “Thày lang” của Ba Lan, “Người đàn bà hát” của Liên Xô; lần nào cũng như lần nào, cứ tới đoạn nói về nỗi khổ của cô gái cùng mẹ, hay nói về nỗi bất hạnh của ông Giáo sư mất trí nhớ; là tôi lại rơi nước mắt, rồi nấc nghẹn ngào. Buổi nào cũng như buổi nào. Cũng may là khi mình nấc nghẹn thế, lại thể hiện cảm xúc tốt hơn, nên không làm ảnh hưởng tới việc thuyết minh, thậm chí còn truyền đạt tốt hơn cho người xem. Tôi đã từng nghe nhiều người sau khi xem phim xong khen thuyết minh: “Hôm nay thuyết minh hay quá, xúc động quá” và điều này làm tôi rất hạnh phúc”.
Cũng từ những ngày làm thuyết minh ấy, mà chị Hòa mới có cái tên “con gái phố Hàng Giấy”, bởi cả phố ngày ngày tới rạp xem phim, xem chị thuyết minh, nghe cái giọng đọc trong trẻo, ấm áp mà đầy truyền cảm ấy đến nhớ, đến nghiện, đến ghi dấu mãi trong lòng. Sau này, rất nhiều người dân phố Hàng Giấy khi đi xem ở rạp Tháng Tám, rạp Kim Đồng… được nghe thuyết minh phim, vẫn nhớ giọng thuyết minh của chị Hòa, vẫn nhận ra, ơ đây là giọng của bác Hòa, cô Hòa, chị Hoà, em Hoà đấy…
Còn một lý do nữa, chị Hòa bảo cũng vui vui thôi, là thời ấy, chị toàn … len lén dẫn người dân phố Hàng Giấy vào xem “ké” phim, dẫu gì, cũng là con gái của phố mà… Thế nên, cả phố nhớ mãi không quên cũng phải.
“Cô gái bán hoa” có lẽ là một trong những bộ phim không thể quên nổi của chị Hòa, tính tới tận bây giờ. Dù bộ phim “đầu đời” thuyết minh của chị là phim điện ảnh Bungaria “Trên từng cây số”.
“Cô gái bán hoa” (The Flower Girl) sản xuất năm 1972, kịch bản do chính Chủ tịch Kim Nhật Thành viết, đạo diễn Thôi Ích Khâu; được đánh giá là tác phẩm điện ảnh “kinh điển của kinh điển” của Triều Tiên. Phim xây dựng bối cảnh Triều Tiên dưới ách cai trị của Nhật Bản, với lớp nhân vật bị kìm nén bởi những ông chúa đất dưới quyền Nhật Bản. Nhân vật chính trong phim là cô gái nghèo, cha mất sớm, mẹ bệnh nặng, em gái mù lòa; ngày ngày phải hái hoa trên núi đem bán lấy tiền nuôi gia đình và trả nợ cho địa chủ. Cuộc đời cô và gia đình chìm trong đói nghèo, đau khổ vì bị bóc lột tàn nhẫn. Tuy nhiên, tất cả mâu thuẫn, khổ đau của cô cũng như dân làng đều được giải quyết nhanh chóng trong 10 phút cuối phim khi quân đội cách mạng Triều Tiên về làng, lật đổ giới bạo chúa, mở ra một tương lai xán lạn cho Triều Tiên…
“Thầy lang” (tiếng Ba Lan: Znachor) là bộ phim của điện ảnh Ba Lan sản xuất năm 1981, do Jerzy Hoffman đạo diễn, dựa trên tiểu thuyết cùng tên rất nổi tiếng của Tadeusz Dołęga-Mostowicz.
Nhân vật chính của phim là giáo sư tiến sỹ y khoa Vintrurơ, một nhà phẫu thuật tài năng của Ba Lan thời bấy giờ. Đang ở trên đỉnh cao của danh vọng và quyền lợi thì một tai họa đột ngột xảy đến: Vợ ông đã bỏ nhà ra đi với người yêu sau 8 năm chung sống cùng ông, mang theo đứa con gái nhỏ duy nhất mà ông vô cùng yêu thương, để lại một bức thư vĩnh biệt, trong đó nàng thú thật rằng chưa bao giờ yêu ông. Quá đau khổ, giáo sư Vintrurơ lang thang và uống rượu say, bị cướp sạch quần áo, tiền bạc, lại bị đánh vào đầu, khiến ông bị mất trí nhớ. Từ đó, ông bắt đầu cuộc đời lang thang, phiêu bạt, chìm nổi của một con người bần cùng, vô gia cư, không chốn dung thân, không người thân thuộc, thậm chí không biết mình là ai, tên là gì, không biết mình sống để làm gì, sống cho ai.
Nhưng những kỹ năng nghề nghiệp vẫn tồn tại trong con người mất trí nhớ của ông, nhất là khi cần cứu chữa cho người bệnh. Được nhận vào làm công cho người chủ cối xay bột Prôcốp, giáo sư Vintrurơ (dưới cái tên Antôni Kôsiba) đã chữa cho con ông chủ khỏi tật, rồi ông chữa cho nhiều người khác, dần dần nổi tiếng là một thầy lang giỏi ở một vùng nông thôn.
Và cuộc đời ông có lẽ sẽ trôi qua như thế nếu ông không gặp cô gái Marưsia đáng thương mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tình thương yêu giữa hai tâm hồn cô đơn ấy đã rọi một ánh sáng mới vào cuộc đời ông, khiến ông lại biết mình sống vì ai, vì cái gì. Nhưng rồi Marưsia và người yêu của cô là chàng trai Lêsếch bị tai nạn. Để cứu cô gái, ông đã phải đánh cắp vali đựng dụng cụ mổ của bác sỹ Pavơlixki, kẻ vốn sẵn hiềm khích với ông.
Ra tòa ông bị kết án ba năm tù. Nhưng nhờ sự vận động của Lêsếch và luật sư, đến phiên tòa phúc thẩm, ông được xử trắng án. Cũng chính tại phiên tòa này, một học trò và cộng sự của giáo sư ngày trước đã nhận ra rằng người thầy lang quê mùa có tài năng khó hiểu nọ chính là giáo sư Vintrurơ bị mất tích 13 năm về trước. Sau phiên tòa, trước nấm mồ của bà mẹ cô gái Marưsia, ông hiểu rằng cô chính là đứa con vô vàn yêu quý của mình. Nỗi xúc động đã giúp ông lấy lại trí nhớ…
Đó chỉ là hai trong số hàng ngàn bộ phim của các nước XHCN mà chị Hòa đã từng thuyết minh.Và đây, cũng chính là những “niềm yêu” mà chị Hòa bao năm vẫn mang trong trái tim mình, đến bây giờ nhắc lại vẫn thổn thức lắm. Chị bảo, đời mình hạnh phúc nhất là những ngày gắn bó với phim XHCN, từ năm 1974 đến năm 1990, trước khi xóa bỏ bao cấp. Khi ấy, mỗi ngày tới 3 ca, thậm chí có ngày kỷ lục là 6 ca thuyết minh, mỗi ca ngót nghét cũng 2 tiếng đồng hồ, mà chưa từng phút nào biết mệt. Cứ nhìn thấy hình ảnh trên phim là tim cũng rạng rỡ lên, mắt cũng lấp lánh lên và giọng cũng cất lên đầy hào hứng…
“Phim XHCN thời ấy chủ yếu là phim tình cảm, khai thác tâm lý con người rất sâu sắc, xúc động, khiến người xem, người thuyết minh đều bị cuốn vào.Với những bộ phim ấy, lần nào thuyết minh tôi cũng thấy xúc động như lần đầu. Thậm chí có những bộ phim như “Cô gái bán hoa”, “Người đàn bà hát” chiếu cả tháng trời mà rạp ngày nào cũng đông nghịt không còn chỗ trống, đọc thuyết minh đến nát cả giấy…. nhưng vẫn thấy vui, vẫn không hề thấy mệt mỏi”.
Sau này, khi trở lại với điện ảnh của chị Hòa, là quãng thời gian gần năm sau đó. Từ năm 1990 đến năm 1998, Chiếu bóng Hà Nội khủng hoảng, rạp Bắc Đô gần như đóng cửa, cho đối tác thuê, chị Hòa và các anh chị em trong rạp cũng thành làm thuê cho đối tác, công việc không liên quan gì nhiều tới chiếu bóng…
Tới năm 1998, khi rạp Tháng Tám thiếu thuyết minh, cũng là lúc chị Hòa được chuyển từ Bắc Đô sang. Một môi trường làm việc mới, nhưng đổi thay thì cũng không nhiều. Vẫn là căn phòng nhỏ tý teo, một cái bàn gỗ, một cây đèn và 1 cái micro. Ngồi xa tít tắp mới thấy màn ảnh, căng mắt ra nhìn và đọc thuyết minh, sao cho khớp, sao cho phù hợp, sao cho nhập tâm và sao cho diễn cảm nhất.
Nhưng phương thức làm việc thì thay đổi rồi. Khi ấy, không còn là thời của phim XHCN, mà chuyển sang thời của phim Mỹ, lại là phim hành động. Kỹ xảo nhiều hơn, kỹ thuật nhiều hơn, nhưng tiết tấu phim cũng nhanh hơn, nhân vật nói nhiều hơn, liên tục hơn, ít có cảnh, ít có sự lắng đọng…
Vậy nên không còn cảnh vừa thuyết minh vừa tranh thủ ăn cơm, uống nước nữa rồi. Đã ngồi trước màn hình là nói liên tục, nói không dứt, nói không kịp, cực kỳ căng thẳng. Chị Hòa bảo, ban đầu, nhiều bộ phim chị đúng là thuyết minh không kịp, nên phải bỏ câu. Đó cũng là nguyên tắc của nghề, đã không kịp câu là bỏ, nếu không, sẽ kéo theo “hiệu ứng domino”, hỏng luôn cả bộ phim luôn.
Nhưng cũng may, những ngày dài căng mắt đọc phim cũng qua, công nghệ hiện đại, cũng là lúc thuyết minh được thu băng, nên người thuyết minh chỉ cần đọc 1 lần, ghi vào băng cối, rồi phát cùng phim. Việc lúc này là của người chiếu: Làm sao để tiếng và hình đều nhau, làm sao để đĩa phim và băng cối ghi thuyết phim không chệch. Bởi, dù máy móc thật, nhưng nếu 10 phút không chỉnh một lần thì cũng vẫn bị chệch do băng tiếng chậm hơn băng hình. “Lúc đó, khán giả chửi là chửi người thuyết minh, chứ ai biết đâu do băng ghi”, chị Hòa cười cười kể.
Làm thuyết minh là công việc chính, nhưng cũng như mỗi người thời đó, không có gì là “chuyên nghiệp” đến thế cả.Việc của chị Hòa đủ cả, từ bán vé, soát vé, dán áp phích, rồi tới các trường, cơ quan mời mua vé xem phim. Chị cười bảo, chỉ có mỗi điều khiển máy chiếu là chưa làm thôi. Có những ngày, vừa soát vé xong thì cũng là kịp thời gian chạy lên phòng thuyết minh, vớ lấy cái micro, căng mắt nhìn màn hình và bắt đầu cất giọng trong trẻo…
64 tuổi rồi, giọng chị Hòa vẫn giữ được như xưa, vẫn dễ nhận ra nếu là người yêu điện ảnh, yêu chiếu bóng, yêu xem phim rạp. Giờ đã rời xa rạp Tháng Tám, về với rạp Kim Đồng, nhưng thi thoảng chị vẫn thuyết minh phim, nhất là khi có các em nhỏ tới xem. Và vẫn thuyết minh hay như vậy, hào hứng như vậy, mỗi tội, đã không còn phải ngồi 1 mình cheo leo trên phòng nhỏ xa xôi, mà bắc ghế ngồi ngay cạnh màn hình, đọc thuyết minh cho… rõ.
Từng kinh qua vị trí phó rạp Tháng Tám, từng được yêu mến tới mức ngày chị về hưu, dù kinh phí không có, anh em trong rạp đã xúm nhau vào đóng tiền để liên hoan chia tay; từng đào tạo được hai “truyền nhân” là thuyết minh phim tại rạp Tháng Tám, giờ một em còn theo nghề, một em đã chuyển đi… Ngay công việc hiện nay của chị, cũng là một đồng nghiệp trước kia tại rạp Tháng Tám, vì yêu mến người chị hiền lành, đôn hậu này mà tìm cho…
Thế nhưng thích nhắc đến nhất với chị Hòa vẫn là chuyện về những bộ phim, về mấy chục ngàn buổi gắn bó với phim, về niềm yêu lấp lánh trong mắt trong tim với chiếu bóng nói chung và với dòng phim của các nước XHCN nói riêng. Chị, coi đó như thời “vàng son” của mình, cũng như “vàng son” của chiếu bóng…
Về hưu đã 8 năm, tuổi đã ngoại 64 như đã nói ở trên, nhưng dáng người nhỏ nhắn và khuôn mặt tròn phúc hậu khiến chị vẫn luôn trẻ trung, sôi nổi lắm. Dẫu vậy, căn bệnh thấp khớp cũng đã hành hạ cái chân trái của chị hơn 5 năm nay, đi lại khá vất vả. Gần đây, lại thấy chị kêu tức ngực, sợ tim có vấn đề… Thế nhưng, dù gì, cũng không khiến chị bỏ thói quen hằng ngày nắng cũng như mưa, mùa đông cũng như mùa hè, tự đi xe máy lên rạp Kim Đồng, tiếp tục hành trình gắn bó với chiếu bóng.
Có những người như thế, như chị đùa là ngày ngày đứng sau những nhân vật, đứng sau phòng kính, không ai biết đến… thầm lặng đến là thầm lặng. Nhưng lại cũng có những người như thế, tỏa sáng, theo cách riêng của mình, trong công việc của mình, khiến ai, rồi nghe cũng đều phải thán phục.
Phim ảnh giờ đây chuyển sang lồng tiếng, vietsub, nhưng không hiểu sao, cái cảm giác nghe thuyết minh, vẫn khiến ta thấy thật gần hơn. Mà những người làm thuyết minh như chị Hòa, thì giờ - ngày - càng - mai - một…
Bài: Tuyết Anh
Ảnh: Lê Phú
Clip: Lê Sơn
Trình bày: Trần Thắng
Trong bài có sử dụng một số hình ảnh do nhân vật cung cấp.
13/04/2018 02:00