Chính trị gia Fumio Kishida ngày 4/10 chính thức được Quốc hội Nhật Bản bầu làm Thủ tướng thứ 100 của nước này. Trong nền văn hóa-chính trị Á Đông, con số 100 được coi là con số may mắn, mang lại nhiều thành công và hy vọng.
Ông Fumio Kishida sinh ngày 29/7/1957 trong một gia đình giàu truyền thống chính trị ở Shibuya, Tokyo. Tuy nhiên, Tokyo lại không phải là quê hương ông, mà đó là thành phố Hiroshima nổi tiếng và đau thương vì từng bị đánh bom nguyên tử vào cuối cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ 2. Nhiều thành viên gia đình Kishida đã thiệt mạng trong vụ đánh bom nguyên tử năm 1945 và tuổi thơ của Fumio lớn lên bằng các câu chuyện từ những người sống sót sau thảm kịch ấy. Thủa thiếu thời, gần như mùa Hè nào ông Fumitake Kishida, cha của Thủ tướng Fumio Kishida, cũng đưa gia đình về thăm quê hương Hiroshima.
Kishida là một gia tộc nổi tiếng và giàu truyền thống chính trị tại Nhật Bản. Cả ông Fumitake và ông nội Thủ tướng Fumio Kishida, ông Masaki Kishida, đều từng là thành viên Hạ viện. Ông Fumitake Kishida có thời gian cũng có thời gian dài làm trong Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và từng giữ cương vị Giám đốc Cơ quan phụ trách Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ của nước này. Ngoài ra, chính trị gia nhiều ảnh hưởng Yoichi Miyazawa là anh họ ông và cựu Thủ tướng Nhật Bản Kiichi Miyazawa cũng là họ hàng xa của ông Fumio. Năm 1982, ông Fumio Kishida tốt nghiệp Đại học Waseda chuyên ngành luật.
Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống chính trị là nền tảng tốt để ông Fumio Kishida sớm thành công trên con đường chính trị của mình, với vị trí “thử sức” đầu tiên là làm Thư ký cho một ủy viên Hạ viện. Bước ngoặt đến trong cuộc tổng tuyển cử năm 1993, khi ông Fumio Kishida trúng cử vào Hạ viện và đại diện cho Quận 1 của Hiroshima. Giai đoạn sau đó từ năm 1999-2011, ông Kishida kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong nội các và đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, trong đó có vị trí Quốc vụ khanh phụ trách Okinawa và Vùng lãnh thổ phương Bắc vào năm 2007, Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiêu dùng vào năm 2008 và Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc hội của LDP vào năm 2011.
Năm 2012 đánh dấu một bước tiến dài trên con đường chính trị khi ông Fumio Kishida được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Shinzo Abe và giữ chức vụ này cho tới tháng 8/2017. Trong thời gian đảm nhiệm cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao của “Xứ sở Mặt trời mọc”, ông Kishida đã từng tới thăm Việt Nam vào cuối tháng 7/2014. Mặt khác, ông cũng đã nắm cương vị quyền Bộ trưởng Quốc phòng trong khoảng thời gian ngắn từ cuối tháng 7/2017 đến đầu tháng 8/2017. Sau khi rời nội các năm 2017, ông Fumio Kishida có thời gian giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách - cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của LDP.
Ông Kishida từng được coi là nhân vật có khả năng kế nhiệm cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Tuy nhiên, ông thất bại trước Thủ tướng Y. Suga trong cuộc chạy đua vào ghế chủ tịch LDP năm 2020. Trong lần thứ hai tranh cử, ông đã giành thắng lợi thuyết phục trước 3 ứng cử viên còn lại để trở thành lãnh đạo mới của LDP, trước khi chính thức được Quốc hội Nhật Bản bầu làm Thủ tướng thứ 100 của nước này.
Trong thời gian đảm đương các vị trí trong các chính phủ trước đây, bản thân ông Fumio Kishida được đánh giá là chính trị gia có quan điểm ôn hòa. Về đối nội, nhiều khả năng Thủ tướng Fumio Kishida sẽ không ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản. Đường lối chính sách chủ chốt của ông Kishida là "phiên bản thời Lệnh Hòa" của kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập cho những người có thu nhập trung bình. Đây là một kế hoạch đã từng được thực hiện vào thập niên 60 của thế kỷ trước dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Hayato Ikeda.
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, mặc dù ca ngợi những thành quả của các chính sách kinh tế Abenomics do cựu Thủ tướng Abe đưa ra và cam kết duy trì các chính sách này, nhưng ông Kishida cũng cho rằng những lợi ích thu được từ Abenomics đang tập trung vào một số công ty nhất định, từ đó làm gia tăng bất bình đẳng. Vì vậy, ông ủng hộ “chủ nghĩa tư bản kiểu Nhật Bản mới”, chuyển từ các chính sách dựa trên chủ nghĩa tân tự do sang các chính sách ưu tiên phân phối công bằng hơn. Để tăng cường phân phối thu nhập cho những người có thu nhập trung bình, ông Kishida cam kết thúc đẩy hỗ trợ chi phí nhà ở và giáo dục cho các hộ gia đình có trẻ nhỏ. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi cần phải soạn thảo gói kích thích kinh tế có trị giá “hàng chục nghìn tỷ yen” để đối phó với đại dịch COVID-19. Mặt khác, tân Thủ tướng Kishida cho rằng Nhật Bản cần phải duy trì lãi suất siêu thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, ủng hộ việc tạm dừng thực hiện mục tiêu đưa cán cân ngân sách cơ bản của nhà nước trở lại trạng thái thặng dư vào tài khóa 2025.
Thách thức là không nhỏ để tân Thủ tướng Kishida vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành. Do ảnh hưởng của đại dịch, nền kinh tế Nhật Bản đã lần đầu tiên rơi vào tình trạng tăng trưởng âm trong tài khóa 2020, cho dù phục hồi mạnh trong giai đoạn từ tháng 7-12/2020. Trong quý 1 của tài khóa 2021 (từ tháng 4-6/2021), nước này bất ngờ đạt tốc độ tăng trưởng dương 1,3% sau khi tăng trưởng âm 3,9% trong quý trước đó. Tuy nhiên, nhiều khả năng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ lại tăng trưởng âm trong giai đoạn tháng 7-9/2021 do ảnh hưởng của việc ban bố tình trạng khẩn cấp. Trước tình cảnh ấy, Thủ tướng Kishida khẳng định sẽ quyết liệt thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ, hướng tới mục tiêu khôi phục hoạt động kinh tế, xã hội trong thời gian sớm nhất có thể. Các giải pháp kinh tế cụ thể để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 sẽ nhanh chóng được xây dựng và triển khai.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của tân lãnh đạo Nhật Bản là công tác đối phó với COVID-19. Thủ tướng Kishida kêu gọi thiết lập cơ quan quản lý khủng hoảng y tế đóng vai trò như một bộ chỉ huy, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác của người dân trong cuộc chiến chống dịch bệnh này. Ông cũng cho biết sẽ tạo lập môi trường để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế và đặt mục tiêu “khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội tới gần mức bình thường càng sớm càng tốt”. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh cần phải “xem xét nghiêm túc hệ thống phong tỏa theo kiểu Nhật Bản, có sự kết hợp giữa giấy chứng nhận tiêm vaccine và chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2”.
Ông nêu rõ cuộc chiến chống COVID-19 vẫn tiếp diễn và nội các của ông sẽ nỗ lực hết sức để ứng phó hiệu quả với đại dịch này. Hiện số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã giảm và nước này đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, song làn sóng lây nhiễm có thể tái diễn bất kỳ lúc nào. Do đó, theo ông Kishida, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là giúp người dân cả nước thấy được bức tranh toàn cảnh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong mọi tình huống khác nhau. Để ứng phó tốt hơn với dịch bệnh, trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Kishida đã đưa ra đề xuất lập cơ quan quản lý khủng hoảng y tế đóng vai trò như một tháp chỉ huy, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác của người dân trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Sau 1 năm phòng chống dịch có phần lúng túng, Nhật Bản được cho là sẽ có những bước đi rõ ràng và quyết đoán hơn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Kishida.
Tuy nhiên, thách thức chính trị lớn nhất mà tân Chủ tịch LDP, Thủ tướng Fumio Kishida sắp đối mặt chính là cuộc tổng tuyển cử vào cuối tháng 10. LDP đang đối mặt với sức ép phải giành đa số ghế tại hạ viện trong cuộc bầu cử này. Đây sẽ là một cuộc bầu cử rất khó khăn đối với LDP khi 4 đảng đối lập, gồm đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ), đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP), đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và Reiwa Shinsengumi, đã liên kết để tìm cách vượt qua đảng cầm quyền. Hiện nay, LDP đang giữ 275 trong tổng số 465 ghế tại hạ viện. Nếu để mất thế đa số tại cơ quan lập pháp này, chặng đường sau đó của ông Kishida sẽ vô cùng khó khăn.
Trên mặt trận đối ngoại và an ninh, Thủ tướng Kishida khẳng định coi quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là nền tảng để đối phó với các thách thức an ninh cũng như trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thậm chí, tại cuộc họp báo đầu, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bày tỏ sẵn sàng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần điều kiện tiên quyết. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi hợp tác với các quốc gia chia sẻ nhiều giá trị chung. Ông bác bỏ các quan ngại rằng Mỹ và Trung Quốc có thể rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh.
Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Kishida thừa nhận tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa hai nước, nhưng cũng khẳng định rằng Tokyo cần bảo vệ các nguyên tắc của mình. Ông nói: “Trung Quốc là một trong những nước láng giềng của chúng tôi và có nhiều hoạt động giao lưu ở cấp độ nhân dân giữa hai nước. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại số một của chúng tôi và Nhật Bản là đối tác thương mại thứ hai của Trung Quốc". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nhật Bản đồng thời lưu ý tình hình ở quần đảo tranh chấp Senkaku (mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư), cũng như các diễn biến ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Liên quan vấn đề lãnh thổ, lãnh hải, ông Kishida nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải xem xét lại và có thể phải sửa đổi các luật điều chỉnh khả năng tương tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG, tức cảnh sát biển Nhật Bản). Ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải cố gắng đảm bảo an toàn hàng hải thông qua các biện pháp như tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát biển và cho phép họ phối hợp nhịp nhàng với SDF”.
Ông Kishida cũng không loại trừ khả năng Nhật Bản sở hữu năng lực tấn công các căn cứ của đối phương. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 13/9, ông Kishida cho biết “tôi sẽ nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ (của Nhật Bản) vào thời điểm khi các năng lực tên lửa của các quốc gia láng giềng đang gia tăng” và việc Nhật Bản sở hữu năng lực tấn công căn cứ của đối phương là “một phương án quan trọng”. Ngoài ra, ông Kishida cũng cho biết sẽ không nhất thiết phải nỗ lực duy trì chi tiêu quốc phòng ở dưới mức 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nếu cần chi tiêu nhiều hơn để bảo vệ người dân Nhật Bản.
Bối cảnh khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương đang có những điều thay đổi mạnh mẽ với sự ra đời của các liên minh như AUKUS hay nhóm Bộ Tứ, do vậy thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Kishida là làm thế nào để cân bằng quan hệ giữa Nhật Bản với các nước lớn. Chắc chắn ông Kishida sẽ phải nỗ lực duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc này đang ngày càng gay gắt. Trong chiến dịch tranh cử, ông Kishida mô tả Nhật Bản là "tuyến đầu" của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông bác bỏ các quan ngại rằng hai bên có thể sẽ rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thủ tướng Kishida cũng là một người dành cho Việt Nam nhiều thiện cảm. Trong nhiệm kỳ giữ cương vị ngoại trưởng, ông Kishida đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ Việt Nam và có nhiều đóng góp thiết thực cho quan hệ song phương Việt – Nhật.
Các thách thức đối ngoại khác mà Thủ tướng Kishida cần phải giải quyết trong thời gian tới gồm: cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, vốn đang rất căng thẳng do các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ; thúc đẩy cuộc đàm phán với Nga về số phận của 4 hòn đảo nằm ở ngoài khơi đảo Hokkaido mà Moskva đang quản lý và gọi là quần đảo Nam Kuril, trong khi Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc nhằm mở đường cho việc ký kết hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh giữa hai nước.
Có thể thấy ông Fumio Kishida nhậm chức Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với các thách thức chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Đây chính là phép thử quan trọng đối với khả năng lãnh đạo và tài thao lược của chính trị gia giàu kinh nghiệm này. Dư luận hy vọng Thủ tướng Kishida có thể vượt qua các thách thức đó để giúp Nhật Bản không một lần nữa rơi vào vòng xoáy thay đổi lãnh đạo, đồng thời nâng cao vị thế của “Xứ sở Mặt trời mọc” trên trường quốc tế.
Bài: Thanh Tuấn (Tổng hợp, Kyodo News, Reuters)
Trình bày: Nguyễn Hà
06/10/2021 02:19