Thị trường giao dịch hàng hóa đã trải qua lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) được thành lập vào ngày 01/09/2010, là Sở Giao dịch Hàng hóa quy mô cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Trải qua 12 năm xây dựng và phát triển, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đang ngày càng chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả; góp phần vào quá trình hội nhập thương mại và kinh tế của đất nước.

Sau khi mở cửa nền kinh tế, Chính phủ đã đặt các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trở thành trọng tâm trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế đất nước. Nhu cầu giao thương hàng hóa được mở rộng từ thị trường nội địa ra khắp các thị trường tiềm năng trên toàn thế giới. Các Trung tâm, Sở Giao dịch Hàng hóa từ đó được hình thành như một bước tất yếu để hòa mình vào lịch sử phát triển hàng trăm năm tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột (BCCE) hay Sàn Giao dịch Thủy sản Cần Giờ đều được gửi gắm rất nhiều kỳ vọng sẽ giúp giải bài toán “được mùa mất giá” của nông dân Việt Nam và giúp hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động của các Trung tâm/ Sàn Giao dịch này đều không đạt kỳ vọng và hiện đã dừng hoạt động.

Với vai trò là Sở Giao dịch Hàng hóa quy mô cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, MXV đã lắng nghe những ý kiến đóng góp của các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để xây dựng các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với thị trường trong nước. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch hàng hóa chỉ thực sự được “cởi trói” sau khi Bộ Công Thương thực hiện Nghị định số 51/2018/NĐ-CP, cho phép MXV liên thông giao dịch với các Sở Giao dịch thế giới. Đây là bước ngoặt, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá của thị trường trong giai đoạn 2018 - 2022.

Việc liên thông giao dịch với thế giới đã khắc phục được những bất cập của thị trường trong giai đoạn trước và hình thành một thị trường giao dịch hàng hóa hội tụ đầy đủ những ưu điểm như: (i) Thị trường hoàn toàn minh bạch, không có hiện tượng thao túng giá; (ii) Tính thanh khoản cao khi các lệnh giao dịch được đẩy trực tiếp lên các Sở Giao dịch thế giới; (iii) Đa dạng mặt hàng và các loại hợp đồng kỳ hạn được giao dịch; (iv) Giao dịch điện tử 24 giờ mỗi ngày, từ 4h sáng thứ Hai đến 4h sáng thứ Bảy hàng tuần; (v) Vừa là kênh bảo hiểm giá nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp, vừa là kênh đầu tư hiệu quả đối với các nhà đầu tư. 

Mặt khác, liên thông giao dịch đồng nghĩa với việc MXV sẽ vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, vừa phải tuân thủ các quy định của các Sở Giao dịch thế giới. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với dòng chảy lịch sử của thế giới. Về cơ bản, sau 4 năm triển khai theo Nghị định số 51/2018/NĐ-CP, hoạt động giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đảm bảo thông suốt, không gặp bất kỳ sự cố nào, và đang trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất khu vực.

Sau 12 năm thành lập và phát triển, hiện nay MXV đang liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch lớn nhất trên thế giới như: Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group), Sở Giao dịch Kim loại London (LME), Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE), Sở Giao dịch Singapore (SGX), Sở Giao dịch Osaka (OSE), Sở Giao dịch Phái sinh Bursa Malaysia (BMD). Đây đều là những Sở Giao dịch có khối lượng lớn nhất thế giới đối với các loại hàng hóa nguyên liệu. Trong đó, CME Group được thành lập từ năm 1848, hay LME được thành lập vào năm 1877, là những Sở Giao dịch Hàng hóa lâu đời nhất của Mỹ, Anh nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. 

Tính đến hết ngày 31/08/2022, MXV đang niêm yết giao dịch 42 sản phẩm chia thành 4 nhóm: Nông sản, Năng lượng, Kim loại và Nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, hầu hết là các mặt hàng thế mạnh và quan trọng đối với thương mại và kinh tế của Việt Nam như xăng dầu, cà phê, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cao su, kim loại,… 

Giai đoạn đầu năm 2022 đã chứng kiến những biến động lịch sử đối với thị trường hàng hóa như giá dầu thô tăng gần 40% chỉ sau một tuần giao dịch; giá lúa mì thế giới tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, ảnh hưởng tới an ninh lương thực tại nhiều quốc gia châu Âu; Sở Giao dịch kim loại London (LME) phải dừng giao dịch do giá Niken tăng đột biến. Những sự kiện này đã tạo ra bước ngoặt cho hoạt động giao dịch hàng hóa trên thế giới và trong nước. Nếu không có những biện pháp bảo hiểm giá hiệu quả và kịp thời, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã phải chịu những thiệt hại rất lớn khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu từ Khối Quản lý Giao dịch MXV, khối lượng giao dịch hàng hóa trong 8 tháng đầu năm tăng trưởng % so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị giao dịch liên tục phá vỡ các kỷ lục trong quý I/2022. Sự tăng trưởng ở cả nhóm doanh nghiệp và cá nhân đã giúp khối lượng giao dịch tại MXV tăng ổn định và bền vững từ đầu năm 2022 tới nay, kể cả khi giá hàng hóa nguyên liệu đã bình ổn trở lại. Đây là tín hiệu đáng mừng, khi thị trường phát triển và tăng trưởng không phụ thuộc vào những biến động bất thường của thế giới.

Kết quả ấn tượng này có sự đóng góp rất lớn của các Thành viên thị trường, là những cánh tay nối dài giúp MXV tổ chức thị trường một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. 36 Thành viên cùng các văn phòng, chi nhánh trải dài khắp các tỉnh thành trên cả nước đã giúp lan tỏa thị trường hàng hóa đến với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tại Hội nghị Tập huấn Thành viên toàn quốc năm 2022 của MXV, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đã đánh giá cao sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trong những năm qua, đồng thời nhấn mạnh vai trò của hoạt động giao dịch hàng hóa trong quá trình hội nhập kinh tế của đất nước. Ông đề nghị MXV và các Thành viên thị trường tiếp tục duy trì sự chuyên nghiệp, minh bạch trong công tác tổ chức và vận hành thị trường; liên tục cập nhật, đổi mới để cung cấp các công cụ bảo hiểm giá đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; giúp giao dịch hàng hóa trở thành một kênh đầu tư hiệu quả của các nhà đầu tư trong nước.

Đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường, từ đầu năm 2022 đến nay, MXV đã sửa đổi và ban hành một số quy định như: Quy chế Thành viên của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, Bộ quy định xử lý vi phạm, Bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng Thành viên, Quy chế quản lý rủi ro… MXV thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo và nhấn mạnh yêu cầu tất cả các Thành viên thị trường tuyệt đối tuân thủ pháp luật Việt Nam như: Không hoạt động, kinh doanh các ngành nghề không được pháp luật cho phép; không huy động vốn trái quy định của pháp luật;… MXV đã đưa ra những chế tài xử lý rất nghiêm khắc cho các vi phạm nêu trên, từ cảnh cáo toàn thị trường, cho tới dừng một phần hoạt động hoặc chấm dứt tư cách thành viên.

Ông Đặng Việt Hưng, Tổng Giám đốc MXV cho biết: "Khối Quản lý Thành viên của MXV liên tục thực hiện các công tác kiểm tra, giám sát định kỳ và bất thường đối với các Thành viên trên thị trường để sớm phát hiện các vi phạm và xử lý theo Bộ Quy chế đã ban hành. Bên cạnh đó, MXV cũng lắng nghe các thông tin, dư luận, để yêu cầu các Thành viên thị trường giải trình và đưa ra các hình thức xử lý phù hợp với từng mức độ vi phạm".

Ý thức được vai trò dẫn đầu trên thị trường giao dịch hàng hóa, MXV đề ra mục tiêu kép, vừa phát triển thị trường nhanh và đột phá, nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn và bền vững, hơn là hướng đến sự phát triển nóng nhưng thiếu nền tảng vững chắc. Vì thế, công tác nghiên cứu và đào tạo luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MXV.

Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo MXV, tính đến hết tháng 8/2022, toàn thị trường hiện có trên 1.000 học viên được cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo định kỳ và gần 200 học viên hoàn thành khóa môi giới nâng cao. Các khóa đào tạo được MXV tổ chức đều đặn hàng tháng với sự tham gia của các Thành viên, nhà môi giới, nhà đầu tư trên khắp cả nước. Đội ngũ giảng dạy là những giảng viên, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa với chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm, giúp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường. Bên cạnh đó, MXV đã liên tục phối hợp với các trường đại học, học viện và các Sở Giao dịch liên thông, tổ chức những hội thảo mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, tạo được tiếng vang lớn đối với giới nghiên cứu, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh thị trường hàng hóa đang ghi nhận những sự kiện chưa từng có trong lịch sử, nghiệp vụ Quản lý rủi ro luôn là nghiệp vụ trọng tâm được MXV yêu cầu các Thành viên thị trường triển khai một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp. MXV đã xây dựng các công cụ quản trị rủi ro hữu hiệu dựa trên các thuật toán xác suất, thống kê. Vì vậy trước những biến cố thị trường như trên, Khối Quản lý Rủi ro MXV đã hoạt động liên tục 24/7 và có những khuyến nghị đến Thành viên, giảm bớt vị thế của những khách hàng nắm giữ vị thế lớn để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất. Điều này không chỉ giúp các Thành viên giảm thiểu áp lực, mà còn giúp các nhà đầu tư tránh được những rủi ro khi giá hàng hóa biến động mạnh.

Thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đối tác quốc tế. Đầu tháng 08/2022, Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group), Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE), Công ty Công nghệ đa quốc gia CQG đã tới thăm và làm việc tại trụ sở MXV. Các đối tác đều vô cùng ấn tượng trước sự lớn mạnh của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam và đánh giá sự tăng trưởng là hệ quả tất yếu của quá trình tổ chức hoạt động một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Đáng chú ý, lần đầu tiên, đại diện CME Group đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương để chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi về định hướng phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, để xứng tầm với tiềm năng của một trong những quốc gia xuất nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu hàng đầu thế giới. Các đối tác quốc tế cũng coi MXV là đối tác chiến lược để phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á Thái Bình Dương.

So với quãng thời gian 12 năm hình thành, thị trường giao dịch hàng hóa mới chỉ thực sự phát triển kể từ năm 2018 tới nay. Việc thị trường hàng hóa Việt Nam bước ra sân chơi lớn trên toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng đồng nghĩa với việc sẵn sàng đương đầu với nhiều thách thức. Trong một thị trường liên thông với toàn thế giới, các chính sách được đặt ra cần phải bắt kịp với diễn biến trên toàn cầu. Bên cạnh đó, sự đồng bộ trong chính sách cũng là một yêu cầu tất yếu, không chỉ riêng quy định về tổ chức hoạt động của MXV mà còn của các bộ ngành khác có liên quan như chính sách thuế, chế độ hạch toán kế toán, quy định về quản lý ngoại hối hay các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia bảo hiểm giá nguyên liệu.

"Với vai trò là Cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động giao dịch hàng hóa, Bộ Công Thương luôn bám sát hoạt động để có những chính sách kịp thời với diễn biến thị trường, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này", ông Đặng Việt Hưng cho biết. Để thúc đẩy thị trường giao dịch hàng hóa trong nước phát triển các quy định liên quan cần phải sớm được hoàn thiện và ban hành phù hợp với thị trường quốc tế.

Theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phê duyệt, Nghị định 158/2006 và Nghị định 51/2018 liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa sẽ được Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi trong quý III năm 2022. Các văn bản quy phạm cần được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để hoạt động giao dịch hàng hóa thực sự được "cởi trói" và phát triển đúng với tiềm năng của thị trường. 

Về phía MXV, với sứ mệnh và mục tiêu trở thành Sở Giao dịch Hàng hóa lớn nhất khu vực Đông Nam Á, việc niêm yết giao dịch các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2022 - 2025. Giao dịch các sản phẩm thế mạnh như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều,… trên thị trường tập trung sẽ giúp nâng tầm nông sản Việt, giúp người nông dân tránh được cảnh “được mùa mất giá”, giúp các doanh nghiệp không còn bị ép giá khi tham gia các hoạt động thương mại quốc tế. 

Bên cạnh đó, việc bắt kịp và đón đầu xu thế của thế giới sẽ là yếu tố quyết định để thu hẹp khoảng cách đối với các Sở Giao dịch quốc tế. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), MXV đã nỗ lực nghiên cứu để sớm niêm yết giao dịch các sản phẩm năng lượng xanh. Các sản phẩm này vừa nằm trong lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26, vừa khẳng định tầm vóc và vị thế của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trên bản đồ thế giới.  

Bài: Ngọc Mai
Trình bày: Nguyễn Hà

01/09/2022 09:00