Tính đến cuối tháng 8/2019, số người tham gia mới bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trên cả nước đạt hơn 449.000 người, tăng gần gấp đôi số người vận động trong hơn 10 năm qua. Điều này cho thấy cùng với vào cuộc tuyên truyền tích cực của chính quyền địa phương các tổ chức đoàn thể, Tổng công ty bưu điện Việt Nam, BHXH địa phương, nhận thức của người dân về chính sách này đã có sự chuyển biến tích cực.
Tuyên truyền theo nhóm, tiếp cận từng người
Điểm nhấn của sự tăng trưởng là số người tham gia BHXH tự nguyện khi có Nghị quyết 28 – NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng đến bao phủ toàn dân và đổi mới cách tiếp cận trong tuyên truyền về BHXH.
Về Nghệ An, người dân giờ đã nhắc nhiều đến BHXH tự nguyện như là hình thức để dành khi về già. Bà Vũ Thị Châu (khối 4 xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An), 63 tuổi, đã lĩnh lương hưu được 3 năm nay. Bà Vũ Thị Châu trước đây tham gia bảo hiểm nông dân và đã đóng được 17 năm. Nghe theo lời tư vấn của đại lý BHXH xã, bà Châu đã tham gia BHXH tự nguyện và đóng ở mức cao 3,3 triệu đồng và đóng 1 lần gần 40 triệu đồng. Nay bà Châu đang lĩnh lương hưu hơn 1,3 triệu đồng/tháng. Bà Châu tính toán con số rất “đời thường”: Tổng mức đóng của tất cả thời gian tham gia BHXH khoảng 80 triệu đồng, nay với mức lĩnh hơn 1,3 triệu đồng/tháng, trong 3 năm qua tôi đã nhận lại được 1 nửa tổng số tiền trên. Sống thêm 3 năm nữa là nhận lại đủ gần 80 triệu đồng và các năm sau đó là lãi. Trong khoảng thời gian này, cái được lớn nhất là có thẻ BHYT kèm theo lương hưu nên khi đau ốm cần khám chữa bệnh là tôi thấy yên tâm”.
Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Thanh cho biết: Nhìn từ “nhân chứng” là bà Vũ Thị Châu, nên khi được vận động, trên địa bàn nhiều người đã tích cực tham gia hơn. Từ đầu năm 2019 đến tháng 8/2019, đã có 32 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có cả những hộ cận nghèo cũng tham gia.
Điển hình như chị Bùi Thị Hạnh ở xóm 10B (xã Nam Thanh, Nam Đàn), 36 tuổi, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo do chồng và con đều mất trong vụ tai nạn giao thông. Chị Hạnh một mình nuôi 2 đứa con trong hoàn cảnh thiếu thốn nhưng được sự hỗ trợ của đoàn thể trong xã nuôi gà, trồng cây xoài Thái…. Có nguồn thu ổn định nên chị Hạnh tham gia BHXH tự nguyện ở mức 700.000 đồng tương đương đóng 120.000 đồng/tháng.
Chị Hạnh cho biết: “Với sức khỏe hiện nay tôi vẫn cố gắng tham gia để sau này có tích lũy về già và con cái có thể lo bản thân. Với mức hỗ trợ của Nhà nước nên xác định chi tiêu tiết kiệm hơn để tham gia BHXH”.
Trong khi đó về Yên Thành, một điểm sáng trong phát triển BHXH tự nguyện của Nghệ An với số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh chóng, từ đầu năm 2019 đến hết tháng 8/2019, toàn huyện phát triển hơn 3.500 người tham gia BHXH tự nguyện, số lượng này bằng cả 10 năm trước đố cộng lại. Có được sự thành công này là sự vào cuộc đồng bộ hệ thống chính trị, đoàn thể, các cấp chính quyền huyện Yên Thành.
Ông Hoàng Danh Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Khi tổ chức hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện, chúng tôi yêu cầu tất cả các tổ chức đoàn thể cùng họp bàn, phân công công việc theo từng nhóm đối tượng để vận động. Khi tổ chức hội nghị tuyên truyền thì cấp ủy, chính quyền cơ sở đứng đầu là chủ tịch xã phải có mặt, phát biểu định hướng tạo lòng tin về chính sách BHXH. Việc tham gia BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội lâu dài mà chính quyền cơ sở phải vào cuộc.
Tại hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện xã Khánh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), ông Nguyễn Xuân Tám (trưởng xóm Phú Văn) năm nay 56 tuổi chia sẻ: Trước đây tôi cũng lưỡng lự khi tham gia BHXH tự nguyện bởi vợ tôi tham gia bảo hiểm nông dân, sau đó chuyển sang đóng BHXH tự nguyện mới đây mới được lĩnh sổ. Từ chính thực tế vợ hàng tháng được lĩnh lương hưu, có BHYT nên tính tổng mức đóng và mức hưởng tôi nhận thấy hợp lý nên tham gia. Trước mắt sẽ đóng BHXH tự nguyện 5 năm/lần.
Còn bà Phạm Thị Oanh, xóm Đông Phú cho biết: Hiện tôi tham gia bảo hiểm nhân thọ Bảo Việt đóng theo năm 8 triệu đồng. Nay trong xóm cũng có 8 người tham gia BHXH tự nguyện và lĩnh lương hưu 600.000 – 800.000 đồng/tháng và quyền lợi được đảm bảo. Do vậy tôi tham gia BHXH tự nguyện đóng 5 năm/lần. Sau khi đóng đủ 10 năm thì cũng là lúc hợp đồng nhân thọ hết hạn, lúc đó tôi sẽ chuyển sang đóng BHXH tự nguyện một lần để lĩnh lương hưu. Như vậy về già sẽ có khoản thu nhập ổn định không quá phụ thuộc vào con cháu.
Bà Hoàng Thị Chín, Giám đốc BHXH huyện Yên Thành thẳng thắn: Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh trong thời gian qua do có Nghị quyết 28 – NQ/TW là định hướng kim chỉ nam trong đó đã gỡ rất nhiều nút thắt trong phát triển, trong đó quan trọng nhất là thời gian đóng và hưởng, trong đó người dân mong muốn thời gian đóng ngắn lại dù mức hưởng lương hưu thấp. Cùng với đó là sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của chính quyền cơ sở, tổ chức đoàn thể. Qua khảo sát trước hội nghị tuyên truyền, nhiều người mới lần đầu nghe cụ thể về chính sách BHXH tự nguyện. Nhiều người vẫn cứ nghĩ loại hình BHXH chỉ dành cho cán bộ nhà nước và lao động làm việc tại doanh nghiệp, nay mới biết có loại hình dành cho cả lao động tự do, nông dân.
Clip phát triển BHXH tự nguyện:
“Điều mà những người dân chúng tôi an tâm nhất là có sự cam kết đồng hành của chính quyền xã, huyện. Cách tuyên truyền cũng dễ hiểu hơn khi cán bộ in sẵn các mức đóng hưởng. Khi có niềm tin thì chúng tôi mới tham gia BHXH tự nguyện”, chị Phạm Thị Oanh chia sẻ.
Trong khi đó, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, người dân tham gia BHXH tự nguyện cũng rất tích cực. Một trong những thành công của việc thu hút nhiều đối tượng tham gia BHXH là việc thay đổi hình thức tuyên truyền tại cơ sở theo nhóm đối tượng, thông qua các hội nghị tuyên truyền tại cơ sở. Đơn cử, như chị Trần Thị Trúc Ly, đại lý thu bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH ở phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) có sẵn bảng biểu về mức đóng để dễ tuyên truyền, giải thích về phương thức đóng theo từng nhóm đối tượng, thủ tục tham gia và mức hỗ trợ đóng của Nhà nước; chế độ và quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, chị Trần Thị Trúc Ly thường lấy ví dụ về người thật, việc thật ngay tại cơ sở khi tham gia BHXH, có lương hưu được sống an nhàn tuổi già, không lo phụ thuộc vào con cháu, khi ốm đau bệnh tật được khám chữa bệnh do BHYT chi trả viện phí...
Tăng tính hấp dẫn của chính sách
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2008, cả nước có 6.000 người tham gia BHXH tự nguyện, đến năm 2018, con số này tăng lên 320.000 người và tính đến tháng 8/2019 là hơn 449.000 người, tăng rất nhanh so với những năm trước đó. Một trong những nguyên nhân là từ năm 2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ số tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia gồm: 30% với người nghèo, dân tộc thiểu số; 25% với người cận nghèo và 10% với đối tượng khác.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, mức hỗ trợ 10% là chưa đủ hấp dẫn, khuyến khích người dân tham gia. Khác với bảo hiểm thương mại, BHXH tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội và để tăng tính hấp dẫn thì rất cần sự hỗ trợ, vai trò “bà đỡ” của Nhà nước. Chúng ta đã có chính sách BHYT toàn dân và theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng hướng tới BHXH toàn dân, vì vậy, việc hỗ trợ, tăng tính hấp dẫn của chính sách này là điều rất quan trọng”, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chia sẻ.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định: BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước dành cho người lao động khu vực phi chính thức. Nhưng qua hơn 10 năm triển khai, người tham gia vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân đầu tiên là chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn đối với người dân. Người dân thường so sánh, BHXH bắt buộc có 5 chế độ nhưng BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, hầu hết người dân chưa biết, hưởng 5 chế độ vì người tham gia phải đóng tiền cho 5 chế độ, hưởng 2 chế độ vì người dân chỉ đóng tiền cho 2 chế độ nhưng việc khác biệt này vẫn tạo ra sự khập khễnh, so sánh, làm giảm tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện.
Một nguyên nhân nhân nữa là mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia chưa cao. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, chúng ta phải nâng mức hỗ trợ lên để “kích cầu” tham gia. “Hiện nay, Trung Quốc đang hỗ trợ 50-50, người dân đóng 100 tệ thì Nhà nước đóng thêm cho 100 tệ. Chúng ta cũng cần thực hiện như vậy và có thể hỗ trợ cao hơn với người nghèo, người cận nghèo. Về dài hạn, đây là việc Nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ trước để không phải chi sau khi người dân cao tuổi, bệnh tật. Việc tăng mức hỗ trợ này, nước ta cũng có kinh nghiệm từ thực hiện chính sách BHYT với những thành công lớn, diện bao phủ tăng nhanh”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Bên cạnh việc tăng mức hỗ trợ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, cần thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện như: Tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT; đồng thời bổ sung thêm chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này để tăng tính hấp dẫn. Điều này có thể thực hiện được trên nền tảng tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, chúng ta vẫn có những chính sách hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng khó khăn khi sinh đẻ hoặc ốm đau thì sự hỗ trợ này cũng có thể chuyển sang việc hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện.
Đổi mới tuyên truyền, đẩy mạnh cải cách hành chính
Không chỉ thiết kế lại chính sách, tăng mức hỗ trợ, theo các chuyên gia khâu tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện cũng cần có những đổi mới.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết: Thời gian qua, việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện mới thực hiện ở chiều rộng chứ chưa thực sự đi vào chiều sâu. Hình thức tuyên truyền chủ yếu là phổ biến chính sách trên báo chí, hệ thống phát thanh, pano, ap-phich mà ít gặp gỡ trực tiếp người dân, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.
Từ cuối năm 2018, ngành BHXH và Tổng Công ty Bưu điện đã vào cuộc và đã đổi mới, tổ chức những hội nghị nhỏ tư vấn, tuyên truyền trực tiếp về BHXH tự nguyện tại các thôn bản để gặp gỡ, trao đổi với người dân đã mang lại kết quả rất tích cực. “Trước khi tổ chức các hội nghị, các địa phương đều tiến hành sơ vấn, tìm hiểu trước về đối tượng tham gia để định hướng tuyên truyền, tư vấn trước. Đến hội trường để tư vấn rõ hơn và có cam kết với người dân để họ biết rằng đây là chủ trương chính sách của Nhà nước. Cho nên có hội nghị mời được 100 người dân thì sau khi về cân nhắc quyền lợi được hưởng, có đến 70 người đăng ký tham gia”, bà Hoàng Thị Chín- Giám đốc BHXH huyện Yên Thành nhận định.
Những thành công tại một số địa phương có tỷ lệ gia tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho thấy việc thay đổi các hình thức tuyên truyền phù hợp. Do đó, ngành BHXH và ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng công ty Bưu điện đang hoàn thiện đề án tuyên truyền theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW hướng tới BHXH toàn dân. Trong đó, 2 ngành sẽ nghiên cứu, đưa ra những giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức phù hợp, thân thiện hơn với từng người dân, hướng tới truyền thông trên mạng xã hội, nền tảng điện thoại, tin nhắn…
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định: Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh thời gian qua cho thấy nhận thức của người dân về chính sách này đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, cũng như công tác tuyên truyền đã có sự đổi mới, phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, cần nghiên cứu đổi mới để truyền tải những nội dung của chính sách đơn giản, hấp dẫn, trọng tâm hơn.
“Hiện tôi thấy nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết về tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện. Trong công tác tuyên truyền chúng ta phải thông tin rõ: Nếu người dân đóng 22% trên mức 700.000 đồng của chuẩn hộ nghèo hằng tháng thì trong vòng 20 năm khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi thì nhận lương hưu mỗi tháng được 400.000 đồng lớn hơn rất nhiều số tiền đóng hằng tháng 154.000 đồng; cũng lớn hơn số tiền trợ cấp của Nhà nước 270.000 đồng/tháng cho người từ 80 tuổi. Mà số tiền này, người dân được hưởng ngay từ năm 55, 60 tuổi, không phải đợi đến 80 tuổi để nhận trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, số tiền lương hưu này cũng được điều chỉnh tăng lên theo chính sách tiền lương của Nhà nước. Chỉ một phép tính đơn giản có thể thấy chính sách BHXH tự nguyện mang lại lợi ích rất lớn cho người tham gia”, ông Bùi Sỹ Lợi minh họa.
Trong tổ chức thực hiện, ông Bùi Sỹ Lợi cũng kiến nghị phải cải cách, đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH tự nguyện để việc đóng, hưởng nhanh chóng, thuận lợi cho mọi người dân với nền tảng ứng dụng CNTT, không giới hạn về thời gian, không gian tham gia, giải quyết chế độ chính sách…
Bài và ảnh, clip: Xuân Cường
10/10/2019 07:54