Đề xuất nữ công nhân nghỉ hưu ở tuổi 58 dựa trên căn cứ nào?

Góp ý vào Bộ luật Lao động sửa đổi, mới đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng đối với nữ công nhân lao động chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu trong một nhóm nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên chạm mốc 58 tuổi.

Chú thích ảnh
Giáo viên mầm non được xếp là lĩnh vực ngành nghề đặc thù.

Cụ thể, Tổng Liên đoàn lao động cho rằng cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Theo đó, Tổng Liên đoàn đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Đối với người lao động bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định. Cụ thể, công chức (tăng tất cả), viên chức (tăng một bộ phận lớn), công nhân lao động (chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58).

Căn cứ để đưa ra đề xuất này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, hiện nay, xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu cơ bản diễn ra ở các nước thiếu lao động, trong khi Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tình hình thiếu việc làm và thất nghiệp ở mức 2%/năm, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi 1,46%, mỗi năm trung bình có khoảng 1,2 triệu người bước vào thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đồng thời bước vào thời kỳ già hóa dân số, việc quy định tuổi nghỉ hưu phải tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, phải tính toán đến nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ (trong bối cảnh nước ta giảm biên chế) và nguyện vọng của một bộ phận người lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc. Nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân công trực tiếp, không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc trực tiếp sản xuất (hiện nay, nhiều doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều công nhân từ 35 -45 tuổi) do độ tuổi càng lớn thì sức khỏe, độ nhanh nhạy, kỹ năng làm việc của người lao động càng giảm, trong khi phải trả lương cao vì thâm niên làm việc.

Mặt khác, tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân thì chưa tốt. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Nữ giới sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm, trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện.

Do vậy, Tổng Liên đoàn đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: Đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn.

Theo dự thảo mới nhất của Bộ luật Lao động sửa đổi, ban soạn thảo vẫn giữ tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1. Theo đó, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi vào năm 2028.

XC/Báo Tin tức
PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ: Vẫn trọn vẹn một tình yêu Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ: Vẫn trọn vẹn một tình yêu Hà Nội

Trong dịp Hà Nội vinh danh 10 công dân ưu tú, có một cụ già tóc bạc phơ, ngồi xe lăn lên sân khấu nhận bằng chứng nhận và hoa. Đó là PGS.TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ (sinh năm 1937), nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), người luôn dành tình yêu cho Thủ đô. Tình yêu ấy được thể hiện qua những trang sách, công trình nghiên cứu của ông về mảnh đất ngàn năm văn hiến này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN