Người dân Hà Nội đã nhiều phen hú hồn, nín thở với việc rác thải ứ đọng khối lượng lớn, ô nhiễm nồng nặc ở nhiều con phố khi bãi rác lớn của thành phố gặp sự cố, không thể tiếp nhận rác. Áp lực đó khiến cho nguy cơ “vỡ trận” về đầu ra của rác thải đang hiện hữu. Thực trạng trên hối thúc Hà Nội đưa ra lời giải về đầu ra cho rác thải với ưu tiên: Công nghệ và nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường.
Là đô thị lớn nhất nhì cả nước với xấp xỉ 8 triệu dân, hằng ngày tại Hà Nội, lượng rác nói chung (rác sinh hoạt, rác thải rắn xây dựng, rác độc hại, rác công nghiệp…) thải ra môi trường rất lớn và ngày càng tăng. Thế nhưng, tại Hà Nội chỉ có hai khu xử lý chất thải chính: Nam Sơn và Xuân Sơn. Hiện nay, cả hai khu này đều đang quá tải. Do thiếu chỗ xử lý rác, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều áp lực và hệ lụy từ rác.
Những ngày cuối năm 2020, người dân một số quận của Hà Nội đã phải chịu một bầu không khí ô nhiễm do rác thải tồn đọng ở nhiều tuyến đường. Rác thải sinh hoạt không được mang đi xử lý kịp thời, tạo cảnh tượng hãi hùng, nhếch nhác cho bộ mặt đô thị. Từ cửa ngõ phía Tây, quận Nam Từ Liêm sang Tây Hồ đều ùn ứ rác. Rác được chất đống cao hàng mét trên xe gom xếp tụ vạ ở nhiều góc phố bốc mùi tanh hôi. Nguyên nhân là do người dân chặn lối vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn) để phản đối mùi ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của họ. Đáng nói đây không phải lần đầu tiên Hà Nội ở vào tình cảnh này.
Thực tế cho thấy, bãi rác Nam Sơn được xây dựng từ những năm 1996. Sau nhiều lần mở rộng và chia giai đoạn, đến nay bãi này có diện tích đang là khoảng 120 ha. Theo quy hoạch được duyệt bãi rác Nam Sơn đến năm 2020 có quy mô 157 ha, đến năm 2030 là 257 ha và đến năm 2050 là 280 ha tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ (Sóc Sơn). Bãi có nhiệm vụ xử lý rác của 12 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành Hà Nội.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) - đơn vị được giao vận hành bãi rác Nam Sơn cho biết, hơn 1 năm nay, khối lượng rác trung bình mỗi ngày đưa vào bãi là khoảng 5.000 tấn, tương đương 1.825.000 tấn/năm. Nhưng do hoạt động nhiều năm, diện tích mở rộng không đáng kể lại với công nghệ chôn lấp nên các ô chứa, chôn lấp rác của bãi Nam Sơn đang trong tình trạng quá tải, vượt so với thiết kế khoảng 1,69 triệu tấn.
Tương tự, ở phía Tây Hà Nội, bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây, Ba Vì) cũng trong tình trạng “no” rác. Bãi được ví như con cóc ngậm hơi, bụng căng phồng và gồ lên cao. Nhiệm vụ của bãi này tiếp nhận rác từ 12 huyện gồm: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây. Khối lượng rác mỗi ngày được đưa vào đây khoảng 1.500 tấn, trong đó chôn lấp 1.400 tấn, còn lại xử lý đốt 100 tấn.
Trên địa bàn Hà Nội cũng còn bãi rác Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) có chức năng chủ yếu xử lý rác thải y tế và phân bùn bể phốt cho thành phố. Còn hai khu xử lý chất thải đã và đang tạm dừng hoạt động là Khu xử lý chất thải Kiêu Kỵ (Gia Lâm) đã đầy và không thực hiện tiếp nhận rác vào tháng 7/2018; Khu xử lý chất thải Phương Đình (Đan Phượng) được đưa vào vận hành từ năm 2014, tuy nhiên hiện nay đang phải tạm dừng để cải tạo, đổi mới công nghệ.
Ngoài ra, về chất thải rắn xây dựng, thành phố chủ yếu xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại các bãi đổ Vân Nội, Nguyên Khê (Đông Anh), Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì). Duy chỉ còn bãi đổ Nguyên Khê còn khả năng tiếp nhận đến thời gian khoảng nửa đầu năm 2021, với khối lượng nhỏ.
Khi các bãi rác trên địa bàn đã không còn “xông xênh” và ở mức quá tải, Hà Nội đã lên phương án điều phối đường đi của rác theo kiểu “ăn đong” tính từng ngày để lượng rác không bị ùn ứ.
Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, cơ quan này đã xây dựng “kịch bản” phân luồng rác một cách tỷ mỉ để rác có quãng đường di chuyển ngắn nhất, hạn chế phát sinh ô nhiễm trong quá trình đưa đến nơi xử lý.
Có thể chỉ ra tại bãi rác trọng yếu Nam Sơn được điều phối như sau: Từ ngày 1/1 đến 15/2 (46 ngày), khối lượng rác bình quân là 5.000 tấn ngày, sẽ được điều phối đổ tại các ô: 6.1, 6.2 và 1.8 từ cốt +21.00 lên cốt +39.00. Còn từ ngày 15/2 đến 30/4 (75 ngày), rác tại một số quận nội đô sẽ có đường đi lên bãi Nam Sơn vào ô 3 ở cốt +39.00 và hợp nhất 3 ô gồm: ô 6.1, 6.2 và nam ô 2 lên cốt +39.00.
Còn tại bãi rác Xuân Sơn, với khối lượng rác bình quân mỗi ngày khoảng 1.500 tấn cũng được căn chỉnh: Từ ngày 10/3 đến 20/5 (70 ngày), rác sẽ được chôn lấp tại ô số 1 từ cốt 35.00 đến cốt 57.00.
Qua việc điều phối trên cho thấy các bãi đang phải oằn mình để “nuốt” hết số rác thải của Hà Nội. Chỉ cần một bãi rác gặp sự cố có thể sẽ đẩy nội đô lâm vào cảnh ngập rác chất đống, phủ bạt chờ giải cứu.
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Urenco, bãi rác quá tải gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị quản lý. Đó là nguy cơ phát tán mùi rất cao, nước rỉ rác lớn, không chủ động ô chôn lấp, mật độ phương tiện ra vào một khu vực lớn, xe phải leo lên cao nguy cơ tai nạn giao thông, hao tổn nhiên liệu… “Thời điểm sau Tết Nguyên đán, khi mà hàm lượng hữu cơ trong rác thải rất cao, cộng với thời tiết nồm ẩm nên rất khó trong việc kiểm soát mùi của bãi rác phát tán ra môi trường”, ông Tiến cho biết.
Còn đại diện đơn vị thu gom rác ở huyện Phú Xuyên nêu khó khăn: Một xe rác xuất phát từ huyện trên đi tới bãi rác Xuân Sơn phải qua quãng đường từ 70 - 75 km. Nếu thời tiết và giao thông thuận lợi cũng mất từ 2 - 2,5 giờ. Do khoảng cách xa, thời gian di chuyển lâu, tạo áp lực về thời gian cho lái xe và nguy cơ rò rỉ nước rác ra môi trường rất cao.
Theo một số chuyên gia về môi trường, ngoài những vấn đề bất cập nêu trên, Hà Nội đang phụ thuộc quá nhiều vào bãi rác Nam Sơn, nơi thu nhận gần 70% lượng rác thải sinh hoạt của cả thành phố, dẫn tới hệ lụy hễ dân chặn xe, rác nội đô sẽ ùn ứ. Vì vậy, làm thế nào để hóa giải, tháo gỡ nút thắt về chỗ xử lý rác đang là vấn đề đặt ra với Hà Nội hiện nay.
Thời gian qua, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác cũng như chống quá tải cho các ô chôn lấp, Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có cả cấp bách và lâu dài để từng bước giảm áp lực cho đầu ra của rác thải, hướng tới môi trường Thủ đô xanh, sạch, đẹp. Giải pháp được nhắc đến nhiều là đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác. Nhiều dự án nhà máy rác quy mô lớn, đi đầu về công nghệ đang rục rịch về đích hứa hẹn giúp đầu ra của rác thải sẽ đỡ bấp bênh.
Trước nhu cầu cấp thiết trong việc xử lý rác, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, Hà Nội đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Kết quả, Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội (Công ty Thiên Ý) đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư, xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý vào cuối năm 2018. Dự án được xây dựng tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội) có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng do nước ngoài đầu tư và vận hành. Nhà máy đốt rác phát điện trên có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày được cho là lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Theo thông tin từ phía nhà đầu tư, dự án sử dụng công nghệ đốt rác tiên tiến của châu Âu. Dự kiến lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện mỗi giờ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, dự án này liên tục lùi thời hạn tiếp nhận rác. Trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội vào cuối tháng 12/2019, Công ty Thiên Ý cam kết sẽ hoàn thành dự án vào tháng 8/2020; vận hành chính thức đốt rác phát điện vào đúng dịp tháng 10/2020. Nhưng ghi nhận thực tế ở thời điểm đầu tháng 6/2021, nhiều hạng mục của dự án vẫn chưa hoàn thiện như dự kiến.
Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, phía chủ đầu tư cho rằng dịch COVID-19 khiến cho việc thi công trở nên khó khăn hơn. Công ty Thiên Ý cho biết đang dồn lực để thi công để sớm tiếp nhận rác. Và một lần nữa, Hà Nội lại hồi hộp đếm ngược, chờ ngày khai trương lò đốt của nhà máy rác kể trên.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có 3 dự án đốt rác phát điện khác cũng đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư. Đó là nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày của liên danh T&T và Hitachizonshen đang triển khai thủ tục; nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH Indovin Power 500 tấn/ngày đang ở bước tạm giao mặt bằng để nghiên cứu triển khai; nhà máy điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn/ngày của Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công trong nửa đầu năm nay. Các nhà máy đốt rác phát điện trên đều được thành phố Hà Nội phê duyệt, xây dựng tại khu vực thị xã Sơn Tây và Ba Vì.
Còn tại xã Việt Hùng (Đông Anh), nhà máy đốt rác công nghiệp công suất 500 tấn/ngày đêm được xây dựng từ năm 2016. Đến nay, nhà máy đã cơ bản hoàn thiện với 93% hạng mục được xây dựng, lắp đặt theo phê duyệt gồm: Hệ thống phân loại rác, ủ rác, sấy rác, lò đốt plasma, xử lý khói, xử lý nước thải, thu gom và xử lý mùi…, song nhà máy chưa thể hoạt động. Theo đại diện nhà máy này, nguyên nhân một phần là do dịch bệnh COVID-19, chuyên gia của Đức và Canada chưa sang để lắp đặt và chuyển giao công nghệ. Nhưng cốt lõi và quan trọng hơn, hiện nay nhà máy và thành phố đang kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch số 609/QĐ-TTg ngày 25/4/2014 về việc cho phép nhà máy được xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại liên vùng. “Nếu được bổ sung quy hoạch, nhà máy cam kết sẽ vận hành đốt rác vào khoảng tháng 7 năm nay, góp phần giảm tải áp lực xử lý rác cho thành phố”, đại diện nhà máy rác Việt Hùng nêu kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tới 17 khu xử lý chất thải, chia làm 3 khu vực: Bắc, Nam và Tây. Một số khu xử lý đang được UBND thành phố thực hiện dự án cải tạo hạ tầng, triển khai giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư như: Châu Can, (Phú Xuyên); Phù Đổng (Gia Lâm); Đồng Ké, Núi Thoong (Chương Mỹ); Đông Lỗ (Ứng Hòa); Lại Thượng (Thạch Thất); Hợp Thanh (Mỹ Đức)... Quy mô mỗi khu xử lý từ 4 ha đến khoảng 20 ha, công suất xử lý từ 500 tấn đến 1.200 tấn rác/ngày đêm.
“Quy hoạch trên cho thấy, mỗi vùng hay khu vực của Thủ đô sẽ có một số nhà máy, dự án xử lý rác. Điều đó nhằm rút ngắn thời gian di chuyển của rác từ các điểm tập kết đến nơi xử lý, đảm bảo khoảng cách từ 10 - 30 km có một nhà máy rác. Như vậy, hạn chế đáng kể rác “đi” xuyên tâm, phát tán ô nhiễm ra môi trường”, ông Nguyễn Trúc Anh chia sẻ và cho biết thêm Sở đang tiếp tục cập nhật một số khu vực để đưa vào quy hoạch xử lý rác.
Còn ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan, tập trung ưu tiên hàng đầu để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục nhằm nổi lửa và khởi công các nhà máy đốt rác phát điện theo cam kết. Trước mắt, yêu cầu Urenco tiếp tục đưa vào vận hành nhà máy đốt rác thải công nghiệp phát điện NEDO có công suất 75 tấn ngày/đêm do Nhật Bản tài trợ.
Mặt khác, thành phố chỉ đạo huyện Sóc Sơn, Ba Vì và thị xã Sơn Tây cùng các huyện: Đan Phượng, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên, Ứng Hòa…, thực hiện giải phóng mặt bằng đối với những dự án nhà máy rác đã có chủ đầu tư.
Ghi nhận về tiến độ thi công tại dự án Nhà máy điện rác tại Sóc Sơn:
Đối với bãi rác Nam Sơn, Hà Nội đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát nước và môi trường thành phố bàn giao cho Sở Xây dựng tổng thể ô chôn lấp 1.1 và 1.2 để điều tiết bơm chuyển nước rác phục vụ công tác tiếp nhận. Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn, Sơn Tây, Ba Vì sớm hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường quanh bãi rác để sớm thi công mở rộng theo quy hoạch.
Trong khi chờ các nhà máy đốt rác phát điện trên chuẩn bị các thủ tục đầu tư, khởi công và hoàn thành thì Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Urenco Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt để xử lý rác, hạn chế phát tán mùi ra môi trường.
Đó là, từ tháng 10/2020 đến nay, Urenco đã sử dụng chế phẩm Posi-shell nhập khẩu từ Mỹ, kết hợp với xi măng phun lên bề mặt rác sau khi rác được mang đến ô chôn lấp. Chế phẩm có chức năng nhằm phủ kín bề mặt rác hở, ngăn không cho mùi phát tán, tăng hiệu quả diệt công trùng, hạn chế rác bay và tách nước mưa hòa vào nước rác.
Hay, cuối tháng 12/2020, một đơn vị của Nhật Bản đã được sự đồng ý của thành phố Hà Nội thực hiện lắp đặt thí điểm máy sục nano xử lý mùi nước rỉ rác của bãi rác Nam Sơn. Kết quả sau một tháng triển khai, ngày 28/1, dưới sự chứng kiến của cơ quan chức năng, huyện Sóc Sơn, người dân 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, các đơn vị đánh giá độc lập cùng các chuyên gia, nhà khoa đều có chung nhận định mùi hôi thối chung và mùi đặc trưng đã giảm đáng kể so với trước đây.
Theo đại diện Urenco, trong thời gian vừa qua, được sự cho phép của Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị đã phối hợp với một doanh nghiệp lắp đặt thí điểm thiết bị đốt khí tích tụ trong rác tại bãi Nam Sơn. Với thiết bị này, khí sẽ được thu lại sau đó dùng điện để đốt, nhằm hạn chế thấp nhất phát tán mùi hôi thối ra môi trường. Urenco cho biết thêm, nếu được thành phố Hà Nội cho phép sẽ triển khai lắp đặt tại bãi Nam Sơn, trong thời gian tới đây, góp phần đem lại hiệu quả xử lý mùi tại bãi Nam Sơn.
Nhiều năm làm việc tại bãi rác, ông Cao Xuân Thìn, Giám đốc Chi nhánh Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) Urenco cho biết, so với trước đây, các chế phẩm khử mùi, thuốc diệt côn trùng đều được phía đơn vị và huyện Sóc Sơn xử lý theo hướng tăng liều lượng, khối lượng từ 2 - 4 lần, giúp giảm đáng kể mùi hôi thối phát tán từ bãi rác ra khu dân cư.
Xác định việc phát tán mùi hôi thối từ bãi rác ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh khu vực, năm 2020, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 5148/UBND-ĐT chỉ đạo khẩn khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo vận hành an toàn bãi rác lớn nhất Thủ đô trong thời gian tới.
Theo đó, thành phố yêu cầu các ngành, địa phương liên quan thực hiện một số nội dung chính như: Khắc phục mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường tại các ô chứa nước rỉ rác và tình trạng nước rỉ rác chảy ra từ các xe vận chuyển rác; giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng và chính sách hỗ trợ người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạng mục, đảm bảo thông suốt trong việc vận hành bãi rác.
UBND huyện Sóc Sơn tập trung cao độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng các ô chôn lấp 1.1, 1.2 giai đoạn 2 (phạm vi 500 mét tính từ chân tường rào bãi rác) để nhằm tăng diện tích xử lý rác.
Để giải quyết những bức xúc của người dân, Hà Nội đã và đang có chính sách hỗ trợ bà con trong vùng, đẩy nhanh tiến độ di dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng, hỗ trợ tái định cư, đền bù giải phóng mặt bằng...
Theo tính toán, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 5% khối lượng rác thải. Với tỉ lệ thu gom đạt 100% thì đến năm 2025, khối lượng rác cần xử lý ở Thủ đô là khoảng 8.500 tấn/ngày. Với lượng rác lớn và chưa ngừng tăng như vậy, Hà Nội đã xác định phải đi bằng “hai chân” trong xử lý vấn đề rác thải. Đó là vừa kêu gọi xã hội hóa xây dựng các nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại vừa tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong nhân dân, từ việc nhỏ bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn.
Những ngày gần đây, tại nhiều trường học và một số khu phố tại Hà Nội lan tỏa phong trào, phụ nữ học sinh mang rác đến các điểm định sẵn để đổi lấy quà. Tranh thủ sáng cuối tuần, nhiều người mang túi nhựa, giấy, sắt thép đến điểm thu gom rác tái chế. Túi nhỏ dầu gội đầu, kem đánh răng hay chỉ là túi vải đựng đồ là những thứ người dân Thủ đô nhận được sau khi đổi rác.
Thu đổi rác tái chế lấy quà tặng là một trong những hoạt động nằm trong dự án "Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội" do Urenco phối hợp với các đơn vị triển khai từ tháng 8/2020. “Ý nghĩa lớn lao của chương trình là nhằm thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, tùy tiện, nâng cao ý thức phân loại rác bảo vệ môi trường trong người dân”, ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Chi nhánh Hoàn Kiếm (Urenco) nói về việc lợi ích lâu dài khi người dân có ý thức bảo vệ môi trường. “Qua hoạt động đổi quà từ rác tái chế, Urenco mong muốn chuyển tải đến người dân thông điệp rác là tài nguyên có giá trị kinh tế nếu được phân loại và đưa đúng đến nơi quy định”, ông Bình nhấn mạnh thêm.
Ông Đặng Hữu Bình cho biết, Urenco còn đang thí điểm phối hợp với các đơn vị công nghệ, cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh để người dân có thể liên hệ với nhân viên môi trường tự đặt lịch thu gom rác tái chế, tích điểm đổi quà. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động mà thời gian gần đây, tại Hà Nội đã hình thành phong trào đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn.
Còn theo Tổng Giám đốc Urenco Nguyễn Hữu Tiến, nằm trong giải pháp giúp môi trường Thủ đô thêm xanh, sạch đẹp, trong thời gian qua, được sự cho phép của thành phố, đơn vị đã đầu tư nhiều phương tiện cơ giới hiện đại có thể vừa quét vừa hút rác, hút bụi trên đường phố được nhân dân đánh giá cao. Tại trung tâm điều hành rác của Urenco đặt tại Kim Mã, có thể thấy rác đã được điều hành theo công nghệ số. Các xe vận chuyển đều được lắp đặt camera và định vị để giám sát. Chỉ cần xe thu gom bỏ qua hoặc thu dọn không sạch một điểm rác đã được định sẵn thì sẽ bị chụp ảnh lại gửi về đơn vị (quận) thu gom, để tiếp tục dọn sạch ngay sau đó. Nhờ đó, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn của thành phố Hà Nội đạt xấp xỉ 100% ở khu vực đô thị và đạt 90% ở khu vực nông thôn.
Ông Edward McBean, chuyên gia về các vấn đề môi trường và xử lý chất thải rắn của Đại học University of Guelph (Canada), từng chia sẻ, đem các công nghệ từ châu Âu về xử lý rác tại các nước châu Á không khó. Thiết bị có thể cho phép đốt hết được cơ bản các loại rác thải. Nhưng chi phí sẽ rất cao và gây áp lực về khí thải môi trường.
Để hoạt động hiệu quả của các nhà máy rác, ông Edward McBean chỉ ra, mỗi gia đình tự phân loại rác tại nhà với mức độ chính xác khoảng 80% sẽ tiết kiệm cho Chính phủ một khoản tiền khổng lồ để xử lý rác thải. Đặc biệt với Hà Nội, cùng với công nghệ, cần bắt đầu thay đổi thói quen, nhận thức của người dân, nhất là nhận thức của trẻ em ngay từ việc phân loại rác tại nguồn để giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải.
Phân loại rác tại nguồn - khó hay dễ?
Bài: Mạnh Khánh
Ảnh: TTXVN - Trung Nguyên; Video: Vnews - Trung Nguyên
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Quốc Bình
02/07/2021 05:30