Qua chặng đường hình thành và phát triển, du lịch Việt Nam đã góp phần đáng kể trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn, thân thiện hơn với du khách. Bên cạnh các điểm đến đã khẳng định thương hiệu, các điểm đến mới đang dần khẳng định vị trí và vai trò mạnh mẽ trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mới đây, chuyên trang du lịch The Travel của Canada đã lựa chọn 10 quốc gia lý tưởng hàng đầu có giá cả phải chăng để làm việc từ xa trên toàn thế giới, Việt Nam góp mặt ở vị trí thứ 7 trong danh sách này.
The Travel nhận định, không có nơi nào cung cấp đầy đủ mọi thứ du khách cần, như Việt Nam, với những món ăn nổi tiếng thế giới, người dân thân thiện, mến khách. Các cơ sở lưu trú có giá cả phải chăng, đi kèm chất lượng dịch vụ tốt. Đến với Việt Nam, du khách có cơ hội khám phá thiên nhiên tươi đẹp với những địa điểm tham quan nổi tiếng thế giới như vịnh Hạ Long, Tràng An, Phong Nha - Kẻ Bàng, Phú Quốc… Nếu đang tìm kiếm những “viên ngọc ẩn”, những tín đồ du lịch chắc chắn không thể bỏ qua Phú Yên, Quy Nhơn, đảo Phú Quý, hay Yên Bái, Cao Bằng, Kon Tum… đều là những địa điểm nguyên sơ còn ít được du khách quốc tế biết đến.
Chuyên trang này đề xuất 10 điểm đến thịnh hành nhất thế giới, trong đó có Hội An (Quảng Nam). Hội An được đánh giá là một thành phố đáng ghé thăm bởi nơi đây đã được UNESCO đưa vào danh mục Di sản Văn hóa thế giới với sự riêng có nổi bật, nhất là về đêm, với hàng nghìn chiếc đèn lồng lung linh đầy màu sắc.
Công cụ tìm kiếm du lịch Explore Worldwide (Anh) đã phân tích dữ liệu tăng trưởng từ Google, thống kê những điểm đến thịnh hành nhất cho khách đi du lịch một mình. Thủ đô Hà Nội đứng đầu danh sách này, Thành phố Hồ Chí Minh xếp vị trí thứ 6. Explore Worldwide cho biết, Hà Nội là một thành phố thân thiện, con người mến khách, là một nơi tuyệt vời để đi du lịch một mình. Nơi đây rất an toàn đối với khách du lịch quốc tế. Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến hiện đại, nhộn nhịp, tràn đầy năng lượng, đặc biệt sôi động về đêm với những hoạt động giải trí thú vị.
Giải thưởng Travel+Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023 đã vinh danh 10 thành phố hàng đầu châu Á năm 2023, trong đó Hà Nội, Huế lần lượt đứng ở vị trí thứ 6 và thứ 8. Huế là điểm đến lý tưởng để tìm hiểu về lịch sử - văn hóa và những giá trị truyền thống lâu đời vẫn giữ gìn, bảo lưu được nét cổ kính, công trình kiến trúc đồ sộ, nhiều tác phẩm nghệ thuật tinh xảo với giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt. Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Ẩm thực Huế được du khách đặc biệt yêu thích. Bên cạnh ẩm thực cung đình, du khách còn có thể thưởng thức những món ăn đơn giản, bình dị như bún bò, nem lụi, bánh bèo, cơm hến…
Trang báo điện tử TravelDailyNews khu vực châu Á và Thái Bình Dương đã đề xuất Việt Nam là điểm đến tuyệt vời dành cho những tín đồ yêu thích trải nghiệm bằng xe máy ở khu vực Đông Nam Á. Trang báo này nêu rõ: Việt Nam là một đất nước sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp và nền văn hóa đa sắc màu. Du khách sẽ được trải nghiệm đủ loại sắc màu của Việt Nam khi chạy xuyên đất nước bằng xe máy.
Đường mòn Hồ Chí Minh được đánh giá là tuyến đường nổi tiếng, phù hợp nhất cho các “phượt thủ”. Quãng đường dài khoảng 2.000 km đưa du khách chiêm ngưỡng cảnh quan đẹp, từ những rừng cây rậm rạp tới núi cao chót vót, địa danh chiến trường xưa đến những thành phố náo nhiệt… Đặc biệt, khi đến miền núi, du khách sẽ có cơ hội thăm những ngôi làng truyền thống của đồng bào các dân tộc; tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân, thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt chia sẻ, qua 63 năm xây dựng và trưởng thành, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Sự tăng trưởng không ngừng về khách du lịch đã thúc đẩy mở rộng quy mô hoạt động của Du lịch Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành Du lịch đã đón và phục vụ 250.000 lượt khách du lịch quốc tế năm 1990, đến năm 2019 đã đón 18 triệu lượt khách, tăng gấp 72 lần trong 29 năm. Khách du lịch nội địa tăng mạnh liên tục từ 1 triệu lượt năm 1990 đến 2019 đạt con số 85 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt 726.000 tỷ đồng.
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, gần như đóng băng hoàn toàn, kể từ tháng 11/2021, nước ta đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022. Đây là dấu ấn, bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi và sôi động trở lại của ngành Du lịch Việt Nam. Tiếp nối đà phục hồi của năm 2022, đến hết 6 tháng đầu năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 5,5 triệu lượt người. Tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 64 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 343,1 nghìn tỷ đồng. Theo các chuyên gia du lịch, trong năm nay, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt xa mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và đạt tới 12 triệu lượt.
Lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng nhanh tốp đầu thế giới. Sự tăng trưởng của ngành Du lịch Việt Nam đã chứng minh cho niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Du lịch cũng đã và đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam.
Khởi đầu là một công ty du lịch vào năm 1960 (Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Bộ Ngoại thương), đến nay quy mô ngành Du lịch đã tăng lên đáng kể. Tính đến nay, cả nước có 3.423 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. So với cuối năm 2022, số doanh nghiệp lữ hành quốc tế được cấp phép trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng thêm 475 doanh nghiệp. Cơ sở vật chất của ngành Du lịch phát triển nhanh chóng. Các khách sạn, cơ sở lưu trú từ chỗ chỉ có chủ yếu ở Hà Nội, nay xuất hiện khắp các vùng miền trên cả nước, nhất là ở các địa phương trọng điểm du lịch như Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh. Cả nước hiện có 235 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 77.895 buồng và 354 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 47.502 buồng...
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, đến năm 2019, Việt Nam đã có trên 40.000 doanh nghiệp du lịch, thu hút khoảng 1,5 triệu lao động trực tiếp và khoảng 2,5 triệu lao động gián tiếp. Du lịch Việt Nam đã đóng góp 9,2% GDP và đóng góp lan tỏa tới 15% GDP. Du lịch phát triển đã thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Du lịch đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thay đổi diện mạo của nhiều vùng đất, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy giao lưu và hội nhập quốc tế.
Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, thương hiệu du lịch nước ta được định vị là thương hiệu điểm đến du lịch quốc gia; tiếp tục làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với tiềm năng, lợi thế quốc gia, bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc, di sản lâu đời, con người nồng hậu, cảnh quan tươi đẹp, kết nối với yếu tố cảm xúc, tinh thần của khách du lịch, đảm bảo đem lại các trải nghiệm du lịch độc đáo, nguyên bản, chân thực.
Thương hiệu lịch Việt Nam được hình thành trên cơ sở các thương hiệu: du lịch vùng, điểm đến địa phương, sản phẩm du lịch. Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống thương hiệu. Toàn ngành tiếp tục quảng bá thương hiệu với tiêu đề và biểu tượng “Vietnam - Timeless Charm” cho thị trường khách du lịch quốc tế và “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” cho thị trường khách du lịch nội địa.
Có thể nói, du lịch Việt Nam phát triển đã tăng cường mối quan hệ và tình hữu nghị giữa với bạn bè thế giới. Du lịch Việt Nam thực sự đã trở thành một ngành kinh tế lớn trong cả nước. Toàn ngành đã rất nỗ lực và tin tưởng du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi, đạt được đà tăng trưởng như trước và tiếp tục phát triển hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngày 15/8/2023, chính sách mang tính đột phá, tạo thuận lợi về thị thực (visa), xuất nhập cảnh mà Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực, cho phép kéo dài thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày… Chính sách mới cùng với xu hướng thị trường tích cực, ngành du lịch tràn đầy niềm tin vào khả năng thu hút lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam thời gian tới.
Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính khẳng định: Chính sách thị thực được tạo thuận lợi hơn. Đây là cú hích rất mạnh đối với ngành du lịch khi mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm sắp đến. Mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay hoàn toàn có khả năng vượt chỉ tiêu đề ra. Theo đó, Việt Nam hoàn toàn có thể đón được 12 triệu khách quốc tế trong năm 2023.
Chính sách tạo thuận lợi hơn về thị thực sẽ giúp ngành du lịch đa dạng hóa thị trường, tăng số khách đến Việt Nam, kéo dài khả năng lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách. Ngoài ra, chính sách này sẽ giúp tăng số khách đi lại bằng đường hàng không; tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại quốc tế, thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo phân tích của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), chính sách cấp thị thực nhập cảnh thuận lợi có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 - 25% mỗi năm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cởi mở trong chính sách visa sẽ đem đến "lợi ích kép". Việc khách quốc tế nhìn nhận Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hay không phụ thuộc chính sách này. Độ mở về chính sách visa là tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch Việt Nam và lữ hành của điểm đến. Việt Nam hứa hẹn thu hút nhiều du khách quốc tế hơn và với thời gian lưu trú của họ được lâu hơn, chi tiêu của du khách sẽ lớn hơn.
Chính sách thuận lợi hơn về thị thực mang đến cơ hội để thu hút khách quốc tế nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho du lịch Việt Nam. Cụ thể, các sản phẩm du lịch của nước ta đang còn thiếu tính đa dạng độc đáo, chưa sáng tạo, chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, chưa thu hút khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, công tác quản lý các điểm đến du lịch chưa tốt dẫn đến hiện tượng quá tải trong du lịch tại một vài thời điểm, hiện tượng “chặt chém” du khách vẫn còn xảy ra. Chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với số tiền du khách đã chi trả. Những điều này khiến trải nghiệm của du khách không được đáp ứng, chi tiêu của du khách tại điểm đến thấp và du khách có thể sẽ không muốn quay lại nữa.
Hiện nay, nhân lực lao động trong ngành du lịch đang bị thiếu và yếu sau đại dịch COVID-19, khiến chất lượng dịch vụ bị giảm sút. Đây cũng là một thách thức lớn cho ngành du lịch Việt Nam.
Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho rằng, cần nhận thức rõ rằng du lịch là ngành kinh tế cần sự liên kết đa ngành, đa địa phương. Ở đó, vai trò nhạc trưởng quan trọng là của cơ quan quản lý nhà nước. Kế hoạch phục hồi du lịch cần được triển khai với sự liên kết đa ngành để hỗ trợ ngành du lịch. Ngược lại, khi ngành du lịch phát triển sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển theo. Các sản phẩm du lịch cần mang tính sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của thị trường đang có nhiều thay đổi sau đại dịch COVID-19…
Với những chính sách mới về xuất nhập cảnh, visa thuận lợi, ngành du lịch đang có cơ hội tốt để bứt phá, không chỉ trong giai đoạn phục hồi hiện nay, còn là lực đẩy để doanh nghiệp phát triển ổn định, từ đó tạo sức lan tỏa cho toàn ngành du lịch phát triển bền vững.
Du lịch "làm mới", giữ chân du khách:
Bài: Thanh Giang
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Hà Nguyễn
15/07/2023 05:55