Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được nhà báo Mai Anh khi chị vừa tham dự một chương trình truyền hình trực tiếp tại TP Hồ Chí Minh và bay ra Hà Nội. Đã 20 giờ 30 phút, vẫn chưa kịp ăn tối song Mai Anh vẫn hồ hởi khi có người nhắc đến những đứa trẻ bỗng dưng "va" vào cuộc đời chị (như cách chị nói vẫn nói vui).
- "Tôi cũng không nhớ chính xác mình có bao nhiêu con nuôi, nhiều bé do tôi tự nhận, mà cũng nhiều bé tự đề nghị tôi nhận. Ai đó đã hỏi: Bận thế, nhiều con thế thì tình cảm có bị san sẻ không? Không hề nhé, vì với mỗi con, tôi lại yêu bằng một cách riêng mà các con cần", chị Mai Anh cười đáp.
Với Thiện Nhân, chàng lính chì năm nay đã tròn 12 tuổi, vẫn luôn được nhà báo Mai Anh quan tâm, chăm sóc bằng một tình yêu đặc biệt. Chị nói rằng đã sinh Nhân ra từ chính trái tim mình.
Hơn 10 năm trước, nhìn Thiện Nhân nhỏ xíu, thân thể đầy thương tổn do bị động vật ăn mất mất chân phải và bộ phận sinh dục ở một khu rừng tại Quảng Nam, tất thảy người thân và những ai quen biết đều ái ngại cho Mai Anh. Bởi nuôi con lành đã khó, nói chi đến việc chị nhận nuôi một em bé nhiều thiệt thòi như Nhân.
Nhưng "ông trời có mắt" và dường như có một sức mạnh vô hình tiếp sức, Mai Anh đã vượt qua mọi khó khăn để cùng bé Thiện Nhân trải qua hàng chục đợt phẫu thuật, điều trị ở cả trong và ngoài nước. Hiện tại, Thiện Nhân đã là một cậu học sinh cấp II đẹp trai, con đã có "con chim xinh xinh", luôn khiến người đối diện thương mến bởi sự tự tin và rất cá tính.
Điều kỳ diệu hơn cả là từ lần mổ cách đây 8 năm cho bé Thiện Nhân, nhà báo Mai Anh còn "quyến rũ" được các bác sĩ hàng đầu đến từ Ý, Mỹ, như bác sĩ Roberto DeCastro, Emilio Merlini, Aurelie Chiappinelli... Để rồi, cứ 2 lần/năm họ lại đều đặt về Việt Nam phẫu thuật, tái tạo bộ phận sinh dục miễn phí cho những em bé thiệt thòi trong Hành trình Thiện Nhân và những người bạn.
Nhờ vậy, 7 năm qua, Hành trình đã khám, tư vấn cho hơn 1.200 ca, phẫu thuật cho trên 350 cậu bé, cô bé trên khắp mọi miền Tổ quốc. Không những thế, nhiều bé, nhiều gia đình còn được hỗ trợ học tập hoặc phát triển kinh tế để có điều kiện chăm sóc các bé tốt hơn.
Như cậu bé Nguyễn Văn Thanh Sơn (ở Thanh Hóa) với nick name Sơn bô xanh chẳng hạn. Ngay từ khi sinh ra (2007), Sơn đã bị dị tật nghiêm trọng ở bộ phận sinh dục với các biểu hiện thành bụng hở, nhìn thấy rõ một phần của bàng quang, không có cơ quan sinh dục ngoài. Cháu đi tiểu tiện và đại tiện ở chung một đường, thoát ra ở cùng một lỗ nhỏ trên thành bụng... Dị tật của Sơn quá nặng nên không ít bác sĩ đã khuyên gia đình đưa Sơn về nhà để lo hậu sự.
Nhưng thương con, không đầu hàng số phận, 4 năm sau đó, bố mẹ Sơn tiếp tục bồng bế con đi nhiều bệnh viện khác nhau. Tiếc rằng, dù đã trải qua nhiều lần phẫu thuật nhưng khi đến với Hành trình Thiện Nhân (2011), Sơn vẫn phải ngồi trên chiếc bô màu xanh suốt 24/7, ăn uống đến đâu chất thải lại trôi tuột ra ngoài đến đấy.
Thế nên, hơn 6 năm "bén duyên" cùng nhà báo Mai Anh và các bác sĩ của Hành trình Thiện Nhân, Sơn bô xanh đã trải qua khoảng 25 ca mổ lớn nhỏ. Trong đó, có nhiều ca mổ phức tạp kéo dài từ sáng đến tối, đòi hỏi phải có sự phối hợp chuyên sâu giữa các chuyên gia y tế trong và ngoài nước.
Và rồi, chuyện cổ tích giữa đời thường đã được viết vào năm 2017, đó là năm Sơn hơn 9 tuổi, con đã thoát ra khỏi được cái bô xanh sau khi các bác sĩ phẫu thuật tách phần tiêu hóa, giúp Sơn dần kiểm soát vấn đề vệ sinh cá nhân tốt hơn... Cảm nhận được tình thương, lòng tốt của người vẫn quan tâm, lo lắng cho mình, một ngày, Sơn bô xanh đã tự gọi điện cho chị Mai Anh đề nghị: "Cô cho con được làm con của cô nhé!".
“Thật khó có thể tả được cảm xúc khi lần đầu tiên về trường thăm Sơn và nhìn thấy con chạy ùa ra khỏi lớp sau tiếng trống trường, kéo theo sau là đám đông bạn học cùng lớp 1 nhỏ hơn con đến 4 tuổi. Sơn đã ôm lấy tôi rồi rối rít khoe mẹ Mai Anh với các bạn... Nhìn con hạnh phúc, mẹ cũng nghẹn ngào lắm, song vẫn pha chút âu lo vì Sơn sẽ còn phải trải ra nhiều cuộc phẫu thuật nữa… ”, chị Mai Anh chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Du, bố của bé Sơn cho biết, nhờ sự "lao tâm khổ tứ" của mẹ nuôi Mai Anh, giờ Sơn học tiếng Anh rất tốt, học kỳ I vừa qua Sơn cũng đạt học sinh giỏi của lớp.
Trước đó, Sơn vẫn được dạy học ở nhà nên khi đi xin học, gia đình có nguyện vọng nhà trường kiểm tra trình độ cho con, nếu đạt thì cho nhảy cóc vào lớp theo độ tuổi. Nhưng sau khi trao đổi với Ban giám hiệu nhà trường, mẹ Mai Anh đồng thuận là Sơn cần phải học từ lớp 1 để trang bị đầy đủ kỹ năng cơ bản của một người học sinh.
Còn nữa, ngày mẹ Mai Anh về thăm nơi học của Sơn cũng là ngày chị đi tìm lớp học tiếng Anh cho cậu con nuôi kháu khỉnh. Vì trước đó, Sơn đã chia sẻ: "Con thích học tiếng Anh để nói chuyện trực tiếp với các bác sĩ khi thăm khám, điều trị; lớn lên, con sẽ hỗ trợ phiên dịch các em bé trong Hành trình".
“Lúc đầu, chúng tôi rất ngạc nhiên khi chị Mai Anh bảo: Sơn không học từ ABC mà cần học luôn với các bạn cùng trang lứa, song song với việc bổ trợ kiến thức cũ. Nhưng sau khi hiểu được tâm ý của chị Mai Anh thì vợ chồng tôi rất xúc động, chị nói rằng: Sơn sẽ luôn phải sống trong môi trường khập khiễng so với lứa tuổi, con phát triển không cân bằng nếu tiếp tục học cùng các bạn nhỏ tuổi hơn ở lớp tiếng Anh…”, anh Du kể.
Vô cùng trân trọng những việc làm mà nhà báo Mai Anh dành cho trẻ nhỏ nên khi được hỏi về chị, chẳng chút đắn đo, anh Du chia sẻ: "Được biết chị Mai Anh và Chương trình Thiện Nhân là một may mắn vô cùng lớn đối với gia đình tôi. Nhờ có chị, chúng tôi đã có thêm niềm tin hy vọng vào cuộc sống. Hơn 6 năm qua, chị Mai Anh luôn lo lắng, cùng các bác sĩ tìm hướng điều trị tốt nhất cho con trai tôi, để giờ cháu có thể đứng lên, thoát khỏi cái bô và được đến trường học tập như các bạn".
Anh Du khẳng định rằng, chẳng cứ gì mình bé Sơn được quan tâm như thế, cháu bé nào đến với Hành trình Thiện Nhân, dù là bệnh nhi cũ hay mới đều được chị Mai Anh quan tâm, lo lắng như lo cho những người thân trong gia đình.
Nghe kể về những nhận xét yêu thương mà gia đình bệnh nhi dành tặng, nhà báo Mai Anh chỉ mỉm cười nói: "Việc điều trị, hỗ trợ bé Sơn bô xanh hay nhiều cháu bé khác cũng tự nhiên đến như việc tôi đón bé Thiện Nhân về hơn mười năm trước đây".
Khi ấy, chị Mai Anh chỉ nghĩ đơn giản là cần đón Nhân về để chăm sóc, để còn đưa con đi phẫu thuật chứ ở xa thì đâu thể chăm nom được... Thế rồi, mỗi ngày nhìn thấy Nhân một lớn lên, thấy con vui vẻ, học hành tự tin thì chị lại nghĩ tới các cô bé, cậu bé khác hẳn cũng sẽ cần sự trợ giúp tương tự thì mới phát triển tốt được. Đây cũng chính là lý do vì sao Hành trình Thiện Nhân đang dần có nhiều hơn những cô bé, cậu bé được chăm sóc, trợ giúp sâu hơn về mọi mặt như Sơn bô xanh, Gia Bảo, Sophean - một cậu bé người Camphuchia tham gia Hành trình và được nhà báo Mai Anh nhận làm con nuôi...
Nhà báo Mai Anh đã chia sẻ rằng, thời gian qua, để có thể tiến hành hàng trăm ca phẫu thuật tái tạo lại bộ phận sinh dục và hơn 1.000 ca khám, tư vấn cho các cháu bé thiệt thòi, nhiều lúc, chị và các đồng sự đã phải căng não vì lo kinh phí và luôn phải đôn đáo khắp nơi để chu toàn mọi việc. Vậy nên, mới đây, nhiều người vô cùng khâm phục, thậm chí rất ngạc nhiên khi biết chị tiếp tục nhận đỡ đầu 2 cháu ruột của nhà báo Đinh Hữu Dư - phóng viên TTXVN đã bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp năm 2017 - cho đến khi các cháu 18 tuổi.
"Phải chăng Hành trình Thiện Nhân đang "rủng rỉnh", có thể mở rộng đối tượng hỗ trợ? ", thoáng chút ưu tư, nhà báo Mai Anh cho biết: "Năm 2018, Chương trình dự tính mổ cho 60 cháu và khám 170 cháu tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh. Chi phí dự tính cần cho đợt phẫu thuật tháng 9 này là 2,5 tỷ đồng, nhưng hiện mới có đủ kinh phí để phẫu thuật cho 2/60 cháu. Tuy vậy, việc hỗ trợ các cháu bé có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể triển khai vì đã có nhiều người muốn đồng hành cùng mẹ Mai Anh thực hiện hoạt động này".
Chị Mai Anh tâm sự, từ nhiều năm trước, cùng với các hoạt động của Hành trình Thiện Nhân, chị đã rất muốn nhận đỡ đầu cho những em bé có hoàn cảnh khó khăn, gồm cả những bé không tham gia Hành trình Thiện Nhân. Có điều, để chương trình có thể mở rộng hiệu quả thì cần có sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là sự tích góp yêu thương mỗi ngày.
"Theo năm tháng, Thiện Nhân cũng dần một lớn khôn, mọi người cũng đã có thời gian thẩm định những việc mà mẹ Thiện Nhân làm cho tụi nhỏ; họ cũng có nhiều thời gian hơn để hiểu và yêu những em bé đã được mẹ Mai Anh yêu thương, chia sẻ. Và khi tình yêu con trẻ được bồi đắp qua năm tháng như vậy thì đến nay, nhiều người đã dễ dàng hơn trong việc quyết định cùng mẹ Mai Anh đỡ đầu cho những cháu bé có hoàn cảnh khó khăn", chị Mai Anh hồ hởi cho biết.
Để đảm bảo những tình yêu, tình cảm từ người cha, người mẹ chuyển đến cho ngươi con một cách trọn vẹn nhất, Hành trình Thiện Nhân đang đảm nhận vai trò "cầu nối", khảo sát thật kỹ và lập hồ sơ từng bé với những yêu cầu cần giúp đỡ cụ thể để cha mẹ nuôi hiểu rõ sự hỗ trợ trẻ trong cả quá trình. Bởi lẽ, sự hỗ trợ đối với mỗi trẻ, mỗi gia đình các cháu hoàn toàn khác nhau: Có cháu cần hỗ trợ kinh phí để được đến lớp; có bé lại cần hỗ trợ sâu hơn về y tế...
Như trường hợp 3 bà cháu bé Quang (Thanh Hóa) thì lại cần sự hỗ trợ khác biệt do người mẹ mất sớm; người cha thường bỏ nhà đi, lâu lâu về lại dọa mang cháu nhỏ đi bán khiến bà nội luôn lo lắng, một thân một mình mò cua bắt ốc, gắng nuôi hai đứa trẻ. Muốn giúp 3 bà cháu bé Quang về chi phí ăn uống, học tập, các thành viên của Hành trình Thiện Nhân phải lo nghĩ cách sao cho người cha không thể về lấy hết tiền mang đi. May là nhà bé Sơn bô xanh gần đó nên nhiệm vụ chuyển tiền, thậm chí đi chợ cung cấp thực phẩm đủ dùng cách ngày cho 3 bà cháu đã được giao cho vợ chồng anh Du.
Nhận trách nhiệm này, anh Du cho biết cũng rất vui vì giờ anh chị lại có cơ hội bù trì cho một gia đình cháu bé khác, giống như Hành trình Thiện Nhân đã chăm lo cho bé Sơn bô xanh.
"Việc nhận đỡ đầu 2 cháu ruột của phóng viên Đinh Hữu Dư của TTXVN cũng tương tự như vậy. Đến nay, dù chưa gặp các cháu nhưng tôi vẫn cùng các bạn Đoàn viên TTXVN triển khai tốt nhất hoạt động bảo trợ hàng tháng cho hai bé. Tôi nghĩ rằng, TTXVN là nơi Dư đã từng công tác, đây như là ngôi nhà thứ hai của bạn ấy, còn những đồng nghiệp trong TTXVN cũng như những người thân của Dư.
Do đó, sự phối hợp giữa Chương trình và TTXVN là giải pháp tốt nhất để đỡ đầu, chăm sóc 2 cháu ruột của Dư cho đến khi các cháu tròn 18 tuổi", nhà báo Mai Anh chia sẻ.
Đến đây, tôi chợt hiểu vì sao hoạt động của Hành trình Thiện Nhân và những người bạn ngày một mở rộng mà nhà báo Mai Anh vẫn bố trí sắp xếp được mọi việc một cách chu toàn. Vì rằng, đó không phải là tình yêu, sự cố gắng đơn lẻ của một cá nhân mà là sự kết nối của nhiều trái tim cùng nhịp đập yêu thương con trẻ. Rõ ràng, hành trình yêu thương mà chị dành cho trẻ nhỏ qua bao năm tháng đã bồi đắp, giúp cộng đồng có thêm niềm tin để khẳng định: Chuyện cổ tích giữa đời thường là có thật; cái đích của lòng yêu thương chân thành sẽ đem đến cho các cháu nhỏ và nhiều gia đình không may mắn một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa hơn rất nhiều.
"Hành trình Thiện Nhân mỗi ngày một mở rộng hơn, còn chị mỗi lúc một bận và gầy hơn. Có khi nào chị tính sẽ giãn bớt công việc để giành thời gian cho bản thân và gia đình không không?", Mai Anh cười vui đáp: "Tôi vẫn thế thôi, gầy hết mức có thể rồi".
Nói rồi nhà báo Mai Anh chia sẻ, cũng đã nhiều người lo lắng thay và hỏi Mai Anh những câu tương tự. Từ cái ngày mà chị ôm Thiện Nhân về nhà hơn 11 năm trước mẹ chị đã dặn: "Thôi con, đây là lần cuối cùng, con đừng sáng kiến thêm gì nữa nhé. Con hãy sống như 365 ngày của một năm thôi con". Còn bố của chị Mai Anh, cho tới ngày hôm nay ông vẫn nhắn tin: "Các cháu tình cảm và học ngoan thế tốt lắm rồi, con cứ yên ả mà sống để nuôi các cháu". Nhiều bạn thân thì thường phát hoảng, "mắng" chị rằng: "Thôi, em xin Mai Anh đấy, chị hãy dành chút thời gian cho mình, đừng làm thêm chương trình gì nữa"; "Thôi, mổ nốt cho hơn 1.001 bé kia còn... nghỉ hưu".
Nguyên nhân là bởi, sức khỏe luôn là một vấn đề đối với Mai Anh. Hơn nữa, chị còn là một người rất cầu toàn, có thể làm việc đến quên ăn, quên ngủ vì những hoạt động phẫu thuật thường kỳ, thường niên cho tụi trẻ... Thực tế, để có thể dồn sức “tiêu xài” cho cả một năm thì hầu như mỗi năm, Mai Anh đều trải qua một ca phẩu thuật mổ đầu, mổ mắt, mổ mũi... hoặc phải kinh qua một lần nhập viện sinh tử. Đã có lần, chị phải nằm trong phòng cấp cứu, người thân phải canh từng phút từng giây vì tiểu cầu hạ xuống mức nguy hiểm, cận kề với cái chết.
Vài năm trước, nhà báo Mai Anh cũng đã được đưa vào phòng mổ sinh tử với các động mạch chủ đoạn lên não chực nổ tung. Lúc đó, chị cũng đã lom khom trên giường bệnh cố viết đủ di chúc cho 3 cậu con trai. Di chúc đó giờ vẫn do ông Ngoại cất giữ và nội dung ấy chưa bao giờ cũ.
"Vậy tại sao chị vẫn cố gắng để lại mòn mỏi, hao tổn trí lực vì bọn trẻ?", Mai Anh đáp: "Có lẽ là số mệnh. Với Thiện Nhân cũng vậy, tôi nghĩ sự tồn tại của con cũng là một sứ mệnh để mang đến hạnh phúc cho nhiều gia đình. Vì thế, tự tôi luôn thấy quyến luyến, đem lòng yêu thương những em bé còn chịu nhiều thiệt thòi và nghĩ rằng mình có khả năng thì nên gắng thêm một chút để có thể hỗ trợ thêm được gì đó cho các bé".
Điều đó cũng lý giải vì sao nguồn kinh phí phẫu thuật, tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ chưa ổn định nhưng Hành trình Thiện Nhân vẫn ngày một mở rộng, sẵn sàng hỗ trợ, đỡ đầu thêm cháu bé có hoàn cảnh khó khăn đến năm các cháu tròn 18 tuổi. Để rồi, nhà báo Mai Anh ngay trong những thời khắc hân hoan của những ngày đầu năm mới vẫn đau đáu một nỗi niềm là làm thế nào để có thể phẫu thuật miễn phí cho 60 cháu vào tháng 9/2018 và cho cả 1.001 cháu bé đang chờ được phẫu thuật.
"Mong ước là năm nay sẽ triển khai được một số chương trình, dự án để gây quỹ hoạt động cho Hành trình Thiện Nhân. Nhưng tôi cũng mong muốn mỗi dự án ấy đều có thể đứng vững và gây quỹ độc lập để ngoài việc tiếp tục mổ miễn phí cho các bé, còn triển khai tốt việc hỗ trợ đỡ đầu cho nhiều cháu nhỏ hơn nữa", nhà báo Mai Anh chia sẻ.
Thực sự cảm động, không hiểu sao nước mắt cứ chực trào khi nghe nhà báo Mai Anh hồ hởi chia sẻ về mong muốn mà chị đang gắng sức vì bọn trẻ. Nhiều năm biết chị và chị cũng đã giải thích nhưng những đam mê, yêu thương của Mai Anh dành cho tụi nhỏ vẫn luôn khiến tôi tự hỏi: Vì sao người phụ nữ nhỏ nhắn ấy lại có thể làm được nhiều việc cho các cháu nhỏ đến thế? Nhờ chị, nhờ Hành trình Thiện Nhân, đến nay, đã có hàng trăm cô bé, cậu bé đã được tái tạo bộ phận sinh dục thành công, nhiều cô gái chàng trai giờ đã lấy vợ, lấy chồng và đã có được những thiên thần nhỏ của riêng mình.
Hãy thử một lần đặt mình vào địa vị người cha, người mẹ của những cô bé, cậu bé đã được cứu giúp, phẫu thuật miễn phí đến hàng chục lần ấy, sẽ hiểu được phần nào niềm hạnh phúc mà mẹ Thiện Nhân mang đến cho các gia đình. Thực sự trân quý biết bao.
Và điều tuyệt vời hơn cả là Hành trình thiện - nhân, hành trình yêu thương những cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mà nhà báo Mai Anh thắp lên giờ đã dần lan tỏa trong cộng đồng. Mai này, hẳn sẽ có thêm rất nhiều cháu nhỏ được chăm sóc, đỡ đầu; khát vọng phẫu thuật, tái tạo bộ phận sinh dục miễn phí cho 1.001 cháu bé khi ấy có lẽ sẽ không còn là niềm đau đáu thường trực của người phụ nữ có tấm lòng Bồ Tát cùng những đồng sự của chị trong Hành trình Thiện Nhân.
Bài: Phương Liên
Ảnh: Lê Phú
Trình bày: Trần Thắng
(Bài viết sử dụng một số tư liệu do nhân vật cung cấp)
26/04/2018 02:00