Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ cầm trên tay lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tiếp nối thành công rất tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cuộc bầu cử diễn ra trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, càng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo để ngày hội của toàn dân an toàn, thành công.

Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn tất. Trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ điểm cực Bắc - Lũng Cú (Hà Giang) cho đến điểm cực Nam - Cà Mau, không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử đều rộn ràng, náo nức. Cử tri và nhân dân cả nước vui mừng, phấn khởi trước ngày hội lớn của đất nước. Có thể nhận thấy không khí ấy trên tất cả các nẻo đường, từng khu phố và trong từng ngôi nhà. 

Các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh hoàn thiện những khâu cuối cùng cho ngày bầu cử 23/5.

Theo ghi nhận của phóng viên tại TP Hồ Chí Minh, ngôi nhà nhỏ của bà Lê Thị Thanh Chi tại ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Củ Chi (một điểm bầu cử trong ngày 23/5) như rực rõ hơn trong sắc đỏ của cờ Tổ quốc, các tấm áp phích tuyên truyền về bầu cử xen với bảng danh sách cử tri và những tờ giới thiệu về các ứng cử viên.

Bà Lê Thị Thanh Chi cho biết, do nhà ngay ở mặt đường, rộng rãi, lại gần nơi ở của nhiều cử tri nên bà cho xã mượn làm địa điểm bỏ phiếu. Hiện nay, nhà bà đã hoàn tất những yêu cầu cơ bản cho một điểm bẩu cử như bàn ghế, nơi đặt phòng để cử tri ghi phiếu, chỗ đón tiếp, thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 cho cử tri… Bà Thanh Chi vui vẻ nói: “Xác định ngày bầu cử là ngày hội non sông nên góp được việc gì cho công tác chuẩn bị bầu cử thì tôi đều làm. Đó cũng là vì quyền công dân của mình và của bà con”. Gia đình bà Thanh Chi chỉ là một trong rất nhiều hộ tại TP Hồ Chí Minh đã đồng ý cho sử dụng ngôi nhà của mình để làm địa điểm bầu cử trong tổng số hàng nghìn điểm bầu cử trên địa bàn thành phố. 

Mọi công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử tại TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất.

Theo Ủy ban Bầu cử TP Hồ Chí Minh, để phục vụ cho ngày bầu cử, thành phố Thủ Đức, các quận, huyện đã phê chuẩn, thành lập 3.092 Tổ bầu cử, trong đó có 42 Tổ bầu cử của 42 khu vực bỏ phiếu riêng. Tất cả các địa điểm bỏ phiếu được chuẩn bị theo đúng quy chuẩn luật định và đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống COVID-19. Thành phố cũng đã hoàn tất việc chuẩn bị, chuyển giao 614 con dấu ban bầu cử; hơn 3.500 dấu tổ bầu cử và dấu “đã bỏ phiếu”, hơn 11.000 thùng phiếu; tiến hành in, phát phiếu cử tri, chuẩn bị đầy đủ phiếu bầu, băng niêm phong thùng phiếu, các văn bản tài liệu liên quan cho bầu cử…  

Tất cả các địa điểm bỏ phiếu đã được kiểm tra, rà soát và chuẩn bị điều kiện vật chất kỹ thuật phục vụ các yêu cầu của cuộc bầu cử. Những yêu cầu về an ninh, phòng, chống cháy nổ; đảm bảo hệ thống thông tin, liên lạc thông suốt hay các phòng ghi phiếu đảm bảo nguyên tắc bỏ phiếu kín của cử tri đều được thực hiện theo đúng những hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban Bầu cử thành phố. Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh triển khai phương án cung cấp điện đảm bảo an toàn, liên tục cho những địa điểm diễn ra các sự kiện phục vụ bầu cử. Công tác hậu cần, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng để trên 5,4 triệu cử tri của thành phố thực hiện quyền công dân.

Công tác tuyên truyền bầu cử được các cấp chính quyền thành phố Hà Nội sâu sát.

Tại Hà Nội, đến ngày 18/5, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã hoàn thành công tác trang trí, cổ động trực quan phục vụ cuộc bầu cử. Sở đã hoàn thành trang trí các cụm pano cố định tại phố Trần Nhân Tông, ngã tư phố Giảng Võ - Cát Linh, Phú Xuyên, Dương Xá, Xuân Mai, Ngọc Hồi, ngã tư Đại Cồ Việt - Lê Duẩn, ngã Tư Sở, nút giao Ô Chợ Dừa, phố Hoàng Liệt đối diện bến xe Nước Ngầm, quốc lộ 1A Ninh Hiệp - Gia Lâm. 

Trụ sở Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và các trụ sở có liên quan được trang trí các cụm pano. Các cụm pano 2 mặt, 3 mặt, 4 mặt cũng được trang trí tại dải phân cách, các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố, khu vực nội thành, các cửa ngõ Thủ đô. Khu vực quảng trường Cách mạng Tháng Tám trước Nhà hát Lớn được trang trí cụm mô hình biểu tượng. 

Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa cho ngày bầu cử.

Dọc các trục đường, tuyến phố chính, khu vực trung tâm thành phố, khu vực quanh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh rực rỡ với hệ thống băng rôn cùng hàng nghìn giá cờ. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đồng thời trang trí quốc kỳ, Đảng kỳ và hồng kỳ tại hệ thống cột trước khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố và Ngân hàng nhà nước. Cơ quan này còn huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện tuyên truyền phục vụ cuộc bầu cử tại các bảng quảng cáo tấm lớn, màn hình Led theo quy định. Không chỉ khu vực trung tâm, mà tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ bầu cử đều được triển khai đều khắp. 

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương đánh giá cao sự vào cuộc của người dân, đặc biệt là sự vào cuộc của Ủy ban bầu cử quận, huyện, xã, phường. Hướng dẫn của thành phố về công tác bầu cử được các cơ sở chấp hành nghiêm túc. Tất cả các hệ thống trang trí cờ hoa, hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, tưng bừng; loa phát thanh, liên tục tuyên truyền về tiểu sử, lý lịch của các ứng cử viên. Qua đó, người dân nắm bắt được tiểu sử của các ứng cử viên, sáng suốt lựa chọn người đủ đức, đủ tài bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. 

Tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) - huyện cực Nam Tổ quốc, từ ngày 18/5, mọi công tác chuẩn bị cho bầu cử tại đã hoàn tất trong không khí phấn khởi. Ghi nhận tại nơi đặt mốc tọa độ GPS-000 (ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), trong những ngày này như khoác lên mình "tấm áo mới" với những băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa rực rỡ chào mừng ngày bầu cử. Tiếng loa phát thanh vang lên đều đặn luôn cung cấp đầy đủ những thông tin về công tác bầu cử đến từng người dân địa phương. Với khí thế phấn khởi đó, cử tri xã Đất Mũi đang mong chờ đến ngày bầu cử để có thể tự tay chọn được người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri.

Không khí náo nức ấy cũng được ghi nhận ở các địa phương, vùng sâu vùng xa, từ miền núi đến hải đảo. Những người làm ăn xa, những ngư dân đang ngày đêm vươn khơi bám biển, những bà con dân tộc thiểu số, theo cách của mình, đều cố gắng để có thể tham gia bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. 

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đến thời điểm này, việc chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, đúng quy định của pháp luật.

Tổ chức bầu cử sớm cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn quan tâm, quyết liệt, kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai và phối hợp trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo hướng dẫn về bầu cử; thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia; thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức các hội nghị hiệp thương; tuyên truyền; chuẩn bị cơ sở vật chất cho bầu cử; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Các bộ, ngành, địa phương đã hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tổ chức phụ trách bầu cử; phát huy tốt dân chủ ngay từ cơ sở và dân chủ trong từng bước triển khai thực hiện, tạo không khí cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong nhân dân.

Tổ chức bầu cử sớm cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển.

Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tính đến thời điểm này, tổng số người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 866 người để bầu 500 đại biểu (tỷ lệ 1,73 người ứng cử để bầu 1 đại biểu). Cơ cấu kết hợp: 393 nữ (45,%);185 người dân tộc thiểu số (21,36%); 74 người ngoài Đảng (8,55%); 204 người tái cử (23,56%); 224 người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) (25,87%). 9 người tự ứng cử

Về ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân, cấp tỉnh, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.726 người. Tổng số người ứng cử theo danh sách chính thức là 6.199 người. Tỷ lệ 1,66 người ứng cử để bầu 1 đại biểu. Cơ cấu kết hợp: 2.528 nữ (40,78%); 1.987 người trẻ tuổi (32,05%); 774 người ngoài Đảng (12,49%); 1.156 người dân tộc thiểu số (18,65%). 18 người tự ứng cử (0,29%).

Cấp huyện, tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 22.952 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 37.4 người. Tỷ lệ 1,66 lần. Cơ cấu kết hợp: phụ nữ: 15.814 nữ (42,21%); 15.262 người trẻ tuổi (40,73%); 4.909 người ngoài Đảng (13,10%); 7.204 người dân tộc thiểu số (19,23%). 29 người tự ứng cử (0,08%).

Cấp xã: Tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 242.312 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 405.244 người. Tỷ lệ 1,67 lần. Cơ cấu kết hợp:157.0 nữ: (,91%); 181.056 người trẻ tuổi (44,%); 102.084 người ngoài Đảng (25,19%); 87.062 người dân tộc thiểu số (21,48%). 213 người tự ứng cử (0,05%).

Trước đó, theo số liệu của các địa phương, tổng số cử tri cả nước là 69.198.594 người sẽ thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Càng tới gần ngày bầu cử, công tác chuẩn bị càng được đẩy mạnh, đảm bảo mọi khâu được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo. Sáng 18/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tại 63 Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, sáng 18/5.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là lần thứ hai kể từ ngày 21/1/2021, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quán triệt Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, các cấp ủy đảng cơ quan, các cấp, các tổ chức đoàn thể ở địa phương trong cả nước đã rất nghiêm túc, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc bầu cử.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tổ chức nhiều đoàn với nhiều đợt kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương trong phạm vi cả nước. Các Tiểu ban, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và các phương án, kịch bản tổ chức bầu cử thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, mưa lũ, nhất là đối với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Công an đã tổ chức Lễ ra quân, phát lệnh đối với toàn bộ lực lượng, kết nối với 63 điểm cầu của các địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử. Một số địa bàn, đơn vị đã tổ chức bầu cử sớm và có kết quả rất thành công.

Chiều 18/5/2021, tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô (xã Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội), Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ đông (Bộ Công an) tổ chức thực binh phương án sẵn sàng ra quân đảm bảo an ninh trật tự cuộc bầu cử.

Một số địa phương đã tổ chức diễn tập bầu cử trong điều kiện có những khó khăn rất lớn về phòng, chống COVID-19, ví dụ như thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương khác. Qua theo dõi, các địa phương rất tích cực, chủ động và đã tổ chức diễn tập thực hành quy trình bầu cử, nhất là những khu vực cách ly tập trung, những nơi có giãn cách hoặc phong tỏa cục bộ một số địa bàn dân cư, một số quận, huyện.

Cũng tại Hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội nhận định, đến nay, mọi công việc chuẩn bị về cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày bầu cử 23/5/2021. “Chúng ta chỉ có bầu cử sớm và bầu cử đúng thời hạn. Tất cả các địa bàn khó khăn nhất hiện nay như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng (đang có diễn biến dịch COVID-19 rất phức tạp) cũng đều quyết tâm tổ chức bầu cử đúng thời gian và thành công. Đó là quyết tâm chính trị rất cao”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Diễn tập đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cho ngày bầu cử.

Để tổ chức thành công cuộc bầu cử, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 633/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ cho công tác bầu cử và chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung như: Bộ Y tế thường xuyên cập nhật, đánh giá, dự báo tình hình dịch COVID-19; bổ sung các phương án, giải pháp phù hợp sẵn sàng kịp thời ứng phó các tình huống trong phòng chống dịch COVID-19 phục vụ cuộc bầu cử, bảo đảm an toàn, hiệu quả; hướng dẫn giải đáp kịp thời các vướng mắc của địa phương; thành lập Tổ công tác thường trực từ ngày 18/5 đến khi kết thúc bầu cử để tiếp nhận, phản hồi thông tin liên quan đến công tác y tế; phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương.  

Diễn tập đảm bảo an toàn và thành công cho ngày bầu cử, nhất là đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh các thông điệp truyền thông, vận động cử tri đi bầu cử bằng nhiều phương tiện, phương thức truyền thống và hiện đại, với tần suất phù hợp, như: mạng xã hội trong nước, mạng viễn thông (tin nhắn sms, nhạc chờ), hệ thống loa đài truyền thanh xã, phường, thị trấn (đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số); chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin chuẩn xác, sáng tạo, sinh động để cử tri cả nước hiểu rõ, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong ngày bầu cử; giám sát, kiểm soát tốt an toàn thông tin; chỉ đạo phản bác, ngăn chặn, xử lý kịp thời các thông tin xuyên tạc, quan điểm sai trái trên không gian mạng về cuộc bầu cử.  

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục chủ động đối phó với các hành vi gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá cuộc bầu cử; tăng cường các biện pháp nắm chắc tình hình, nhận định, đánh giá, dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù dịch, phản động, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên toàn quốc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử; chỉ đạo lực lượng công an, quân đội duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực chiến, sẵn sàng chiến đấu ở các cấp và phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.  

Sáng 21/5/2021, gần 43.000 cử tri là đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Đan Lai tại 207 khu vực bỏ phiếu thuộc các xã miền núi, biên giới của 4 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Con Cuông (tỉnh Nghệ An) đã hăng hái tham gia bầu cử sớm.

Bộ Nội vụ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan ở Trung ương, địa phương để cập nhật tình hình bầu cử; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng bầu cử quốc gia giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, những tình huống bất thường và các vấn đề phát sinh tại địa phương khi tổ chức cuộc bầu cử.

Ủy ban nhân dân các cấp tập trung cao độ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn then chốt từ nay đến ngày bầu cử và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan trung ương về công tác bầu cử; tiến hành rà soát lại toàn bộ công việc để chuẩn bị chu đáo và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác bầu cử.  

Đường phố Hải Phòng rực rỡ cờ, hoa chuẩn bị cho ngày bầu cử 23/5.

Đồng thời, có phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể cho ngày bầu cử trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là đối với các đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu thực hiện cách ly y tế do dịch bệnh phát sinh; đặc biệt lưu ý địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, phức tạp về tôn giáo; có phương án cụ thể phòng, chống thiên tai, mưa lũ, cháy nổ trong ngày bầu cử; nắm chắc tình hình nhân dân để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh; chỉ đạo các cơ quan quân đội, công an ở địa phương xây dựng các kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và tại các khu vực bỏ phiếu, để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng pháp luật và thành công.

Đặc biệt, Bộ Y tế vừa có Công điện số 6/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử. Công điện nêu rõ: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ lây lan dịch bệnh ảnh hưởng đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Để đảm bảo công tác y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện công việc được giao.

Diễn tập đảm bảo an toàn và thành công cho ngày bầu cử, nhất là đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Theo đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai nghiêm túc Kế hoạch số 5/KH-BYT ngày 22/4/2021 của Bộ Y tế về công tác y tế phục vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức rà soát và thường xuyên cập nhật dự báo tình hình dịch của địa phương; bổ sung các phương án, giải pháp phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng kịp thời ứng phó các tình huống phòng chống dịch COVID-19 phục vụ bầu cử.

Trong quá trình triển khai thực hiện bầu cử, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lưu ý bổ sung phương án/kế hoạch bầu cử cho cử tri đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, đang cách ly và đang điều trị bệnh. Tại các địa phương đang phát hiện ca mắc COVID-19, mỗi điểm bầu cử phải bố trí một khu vực cách ly tạm thời dành cho người nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Trường hợp tổ chức bầu cử cho người đang cách ly tại nhà, khu cách ly tập trung, cách ly tại khách sạn, cách ly tại bệnh viện, khu vực đang bị phong tỏa: thực hiện khử khuẩn bề mặt hòm phiếu trước và sau khi kết thúc việc bỏ phiếu; sau khi kết thúc bỏ phiếu, hòm phiếu phải được để ở vị trí riêng và đánh dấu hoặc dán nhãn cảnh báo nguy cơ lây nhiễm theo quy định. Thành viên Tổ Bầu cử, người giám sát bầu cử, người vận chuyển hòm phiếu, người kiểm phiếu phải được trang bị, hướng dẫn mặc và cởi bỏ các phương tiện phòng hộ cá nhân (quần áo, kính đeo mắt, mũ, găng tay, khẩu trang, ủng...); thực hiện thu gom phương tiện phòng hộ cá nhân thải bỏ sau khi sử dụng như chất thải lây nhiễm. Cử tri khi tham gia bỏ phiếu phải sử dụng bút, thước riêng (thải bỏ sau 1 lần sử dụng).

Các điểm tổ chức bầu cử đảm bảo thông thoáng; cử tri tham gia bầu cử đi vào và ra theo một chiều; thực hiện bầu cử theo cụm dân cư và theo thời gian; ghi chép thời gian bầu cử của cử tri để thuận lợi trong tổ chức quản lý và truy vết nếu có trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2; đồng thời đảm bảo giãn cách, tuân thủ 5K tại khu vực tổ chức bầu cử. Không để những người có biểu hiện ho, sốt hoặc nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2 tham gia Tổ Bầu cử và hoạt động bầu cử.

Như vậy, mọi công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Tất cả những bước chuẩn bị đó để đảm bảo tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công, an toàn, đúng luật, thực sự là Ngày hội của toàn dân.

Hướng dẫn bỏ phiếu bầu cử theo quy trình 6Đ:

Bài: Hoàng Thị Hoa - Chu Thanh Vân - Huỳnh Anh - Đinh Thuận - Xuân Khu
Ảnh: TTXVN - Lê Phú - Mạnh Linh - Hoàng Tuyết; Video: Vnews
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Quốc Bình

22/05/2021 05:00