45 năm đã trôi qua và cho đến hôm nay, ca khúc “Mùa Xuân trên TP Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng vẫn ngân vang mừng đất nước thống nhất và tiếp tục nở hoa trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế.  

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trong những năm kháng chiến, lớp lớp những người con ưu tú nước Việt đã lên đường tham gia chiến đấu chống Mỹ, giành lại hòa bình cho dân tộc. Ngày nay, non sông nối liền một dải, toàn quân, toàn dân chung tay xây dựng đất nước vượt qua những khó khăn thử thách, đưa kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Việt Nam độc lập, tự lực tự cường, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, "Đất nước hình chữ S" đã vươn lên là một quốc gia mạnh trong khu vực và trên trường quốc tế. Có được thành quả ấy là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân.

Sau 45 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng, nhưng những câu chuyện về một thời hoa lửa, cả nước cho tiền tuyến để đánh thắng giặc Mỹ vẫn vẹn nguyên trong ký ức những người chiến sĩ năm xưa, những thanh niên xung phong (TNXP) tham gia kháng chiến.

Từ năm 1965 - 1975, trên 271.000 đội viên TNXP đã có mặt trên tất cả các chiến trường, những địa bàn trọng điểm của cả nước để làm các nhiệm vụ: Mở đường, bảo đảm giao thông; phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu; tháo gỡ bom mìn; cáng tải thương binh, tử sĩ; vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, hậu cần; thu dọn chiến trường.          

Đây là lực lượng luôn luôn kề vai sát cánh cùng với bộ đội, trực tiếp đảm đương các nhiệm vụ từ hậu phương đến tiền tuyến, từ Bắc đến Nam, vượt qua những khó khăn gian khổ, nguy hiểm trên các chiến trường để góp phần quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi của dân tộc.          

Ở miền Bắc, 22 vạn đội viên nam nữ TNXP làm nhiệm vụ ở các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Lâm nghiệp và các địa phương… đã có mặt trên khắp mọi tuyến đường ra tiền tuyến; hăng hái mở những con đường chiến lược, bảo đảm giao thông thông suốt; lao động sáng tạo, học tập, rèn luyện. Họ sẵn sàng có mặt ở những trọng điểm địch đánh phá ác liệt để san lấp hố bom, trực chiến, sửa chữa cầu đường, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống, từ các tỉnh biên giới phía Bắc địa đầu của Tổ quốc đến vĩ tuyến 17 và vào sâu chiến trường Bình Trị Thiên.

Những hành động dũng cảm, hy sinh quên mình của TNXP đã được ghi vào sử sách như: 60 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 915 dũng cảm hy sinh để bảo đảm hàng quân sự ở ga Lưu Xá (Thái Nguyên); cán bộ, chiến sĩ Đại đội 317, Đội 65 đã kiên trì bám trụ ở trọng điểm giao thông Truông Bồn - Nghệ An (có 13 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh); tại Ngã ba Đồng Lộc - tọa độ lửa của nút giao thông đặc biệt quan trọng chi viện cho chiến trường miền Nam, sự hy sinh quên mình của 10 nữ chiến sĩ TNXP trẻ đã đưa nơi đây trở thành một địa chỉ đỏ, vẻ vang, bản anh hùng ca bất tử, là biểu tượng của những chiến công oanh liệt của quân và dân ta về quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…

Nhớ về những năm tháng ở Trường Sơn, bà Nguyễn Thị Mạnh - đơn vị C5, D33, Binh Trạm 14, Đoàn 559, hiện đang sống tại TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) - cho biết: Vào chiến trường, bom đạn, cái chết không làm các nữ TNXP nao núng nhưng lại “sợ vắt”, sợ xấu, “sợ ma khi đi hành quân trong bóng đêm” hay “phát khóc khi gặp trăn” trong lúc đi hái rau rừng. Đơn vị của bà Mạnh chốt giữ tại dốc - 69 đường 20, hàng ngày sau mỗi lần Mỹ ném bom, đơn vị trinh sát của bà lại lên đường phối hợp cùng các đơn vị công binh rà phá, mở đường cho xe qua.

Bà Nguyễn Thị Mạnh không quên được những vất vả mà các chị em từng trải qua. “Một năm chúng tôi được phát hai bộ quần áo, 2 mét vải xô (vải màn) nếu không kịp giặt khô thì ẩm ướt suốt ngày”, bà Mạnh nói. Năm 1973, khi đến thăm đơn vị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã động viên các chiến sĩ nữ và tặng cho đơn vị của bà biệt danh “Trung đội nữ thép”. Đại tướng ân cần thăm hỏi các chiến sĩ xem có thiếu thốn gì, cần gì để cấp trên quan tâm.  

“Chị em chúng tôi chỉ xin thêm mỗi người mấy mét vải màn và các nhu yếu phẩm như xà phòng, bồ kết... Hai tháng sau, chúng tôi đã nhận được những vật dụng cần thiết như lời đề nghị, ai cũng mừng”, bà Mạnh kể.

Vất vả là thế nhưng cuộc sống tinh thần chiến sĩ vẫn vui, vẫn phấn đấu hết mình. “Khi đi chiến trường, những cô gái tuổi đôi mươi cuộc đời còn rất trẻ nhưng đều xác định: Không nghĩ đến tình yêu, không nghĩ đến gian khổ và sẽ cống hiến hết mình cho Tổ quốc”, bà Mạnh cho biết.

Bà Ngô Thị Nguyệt - chiến sĩ Trung đoàn 6 công binh, Sư đoàn 473 Trường Sơn, Ủy viên BCH Hội Trường Sơn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Thanh Hóa - kể lại: “Tôi vẫn nhớ mùa hè năm 1973, ngày mà tôi vừa tròn 18 tuổi, cái thời có mái tóc dài, đen mượt là một trong những chuẩn mực của vẻ đẹp người con gái. Vậy mà vào chiến trường, chỉ sau vài trận sốt rét, tóc rụng hàng ngày, có chị rụng trọc cả đầu. Người khóc, người hoảng sợ nên không dám chải đầu vì từng mảng tóc cứ rời ra”.

Đâu chỉ có vậy, ghẻ lở, sốt rét, bệnh phụ khoa cũng là “đặc sản” trên đất Trường Sơn và cũng chỉ có phụ nữ mới hiểu cái vất vả khi đến tháng mà điều kiện thì không đáp ứng: “Chúng tôi đóng quân ở khu Tà Cơn - Khe Sanh (Quảng Trị). Ở chiến trường con gái đến tháng khổ vô cùng. Cả ngày hành quân, tối nghỉ chân nếu cạnh suối thì không nói làm gì chứ ở lưng chừng đèo thì đành phải thay và quấn lại cho vào ba lô, đợi ngày hôm sau hành quân qua suối thì giặt”, bà Ngô Thị Nguyệt nhớ lại.

Cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng từng thán phục: “Trên chiến trường Trường Sơn, trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại có đội ngũ nữ chiến sĩ Trường Sơn “huyền thoại của huyền thoại” có mặt ở mọi nơi, mọi thời điểm, mọi công tác, mọi binh chủng. Công tác, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mang trên mình khí phách Bà Trưng, Bà Triệu”.

Họ là những anh hùng. Nhưng họ cũng là những người con gái. Khi chiến tranh đã lùi xa những “cô gái” bước ra từ cuộc chiến tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nhưng vẫn không quên nghĩa cử cao đẹp, tri ân tới các đồng đội đã ngã xuống. Cho đến hôm nay, trong họ vẫn mãi tỏa sáng một niềm kiêu hãnh Trường Sơn.

Theo PGS.TS Hồ Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, trên cơ sở đường lối kháng chiến đúng đắn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Trung ương Đảng đề ra phương thức tập hợp quần chúng rất sáng tạo, khối đại đoàn kết được nhân lên gấp bội, biến thành hành động thực tiễn qua những phong trào thi đua sôi nổi khắp cả nước, diễn ra trong mọi hoàn cảnh ác liệt bởi chiến tranh.

Điển hình như các phong trào: Đơn vị vũ trang “Ba nhất”, thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, giáo viên và học sinh thi đua “Hai tốt”, thiếu niên nhi đồng “Làm nghìn việc tốt”... ở miền Bắc; các phong trào “Bám đất, giữ làng”, “Một tấc không đi, một li không rời”, “Thi đua giết giặc lập công”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”... ở miền Nam.  

Chúng tôi tìm về xã Trung Châu, huyện Đan Phương (Hà Tây cũ) nay là xã nông thôn mới vùng ngoại thành Hà Nội. Đây là quê hương của phong trào “Ba đảm đang” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa những năm kháng chiến, nay cũng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19. Một vùng quê trù phú, đường sá khang trang trải nhựa phẳng lỳ, đồng lúa xanh tốt, trải dài như thảm lụa - minh chứng cho phong trào nông thôn mới no ấm.  

Bà Lê Thị Quýnh, năm nay đã 80 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, người phụ nữ đi đầu trong phong trào “Ba đảm đang” của xã Trung Châu những năm chống Mỹ kể lại: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, phụ nữ xã Trung Châu đã vượt qua những khó khăn, vất vả tích cực tham gia các hoạt động lao động sản xuất, hoạt động du kích, đào hầm nuôi giấu cán bộ…

Ngày ấy những phụ nữ như bà Quýnh đã gánh vác thêm việc của chồng, con, anh em, hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất ở địa phương để nam giới yên tâm chiến đấu. Khuyến khích người thân nhập ngũ hoặc tiếp tục ở lại đơn vị chiến đấu chống Mỹ. Tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, đồng thời sẵn sàng gia nhập “Đội quân tóc dài”, chiến đấu bảo vệ địa phương.

Bằng sức mạnh đó, nhân dân miền Bắc vừa kiên cường chiến đấu, đánh bại hoàn toàn hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ trong những năm 1965 - 19 và 1972 - 1973 (bắn rơi gần 4.000 máy bay các loại; bắn chìm, bắn cháy 2 tàu chiến, tàu biệt kích), vừa đẩy mạnh sản xuất, ra sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Toàn bộ cuộc chiến tranh, miền Bắc đã chuyển vào chiến trường hàng triệu tấn vật chất cùng hàng triệu thanh niên bổ sung cho lực lượng chiến đấu.  

Sự chi viện từ miền Bắc cho miền Nam không chỉ tạo nên sức mạnh, phục vụ tốt nhiệm vụ chiến đấu, mà còn đáp ứng yêu cầu xây dựng vùng giải phóng trên tất cả các mặt: Kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, y tế... và chuẩn bị cho việc tiếp quản vùng giải phóng khi chiến tranh kết thúc. Đó thực sự là một trong những biểu tượng rõ nét cho tình đoàn kết của nhân dân miền Bắc đối với miền Nam, tô đậm thêm sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc 

 PGS.TS Hồ Khang cho rằng, được miền Bắc tích cực chi viện, quân dân ta trên chiến trường miền Nam anh dũng đấu tranh, phối hợp cùng nhân dân hai nước bạn (Lào, Campuchia) lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của kẻ thù: “Chiến tranh một phía” (1954 - 1960), “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 19), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 - 1973), buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1/1973), rút hết quân viễn chinh về nước (3/1973), mở ra bước ngoặt mới cho kháng chiến.  

Thực hiện quyết tâm Bộ Chính trị đề ra, cả dân tộc “ra quân” trong mùa Xuân 1975 lịch sử, mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3 - 3/4), tiếp đến là đòn tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ ngày 26/3 - 29/3) và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26/4 - 30/4). Sức mạnh đại đoàn kết từ hơn 20 năm được dồn lại cho thời khắc lịch sử này. Chỉ trong 55 ngày đêm, quân dân ta diệt, làm tan rã hơn 1,1 triệu quân địch, đập tan bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời kết thúc vẻ vang chặng đường 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975). Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam mở ra: Cả nước độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh.  

Tuy nhiên, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả hợp thành bởi nhiều nhân tố, trong đó quyết định nhất vẫn là chủ nghĩa yêu nước nồng nàn và đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo. Đúng như Đại tướng Văn Tiến Dũng đã từng khẳng định với các nhà báo phương Tây (năm 1985): “Sức mạnh cách mạng là sức mạnh của cả một dân tộc vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình trong thời đại ngày nay. Và Ban lãnh đạo Việt Nam biết tổ chức khai thác, biết phát huy tất cả những sức mạnh đó để chiến thắng”.

 

9 giờ 30 phút sáng 7/4/1975, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi Điện số 157-HÐKTK cho các đơn vị mệnh lệnh: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!". Mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với cán bộ, chiến sỹ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.  

Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thắng lợi lịch sử ấy bắt nguồn từ đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đoàn kết, chiến đấu anh dũng bất khuất của toàn quân, toàn dân, gắn liền với sự lãnh đạo và điều hành trực tiếp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh trong quá trình kháng chiến. Trong những ngày tháng lịch sử đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã tập trung trí tuệ, tài năng ra những quyết định, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, những mệnh lệnh, chỉ thị cho quân và dân cả nước biến các nghị quyết đúng đắn của Đảng thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng trên các chiến trường.

Bức điện khẩn “Thần tốc, thần tốc hơn nữa...” do tự tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - ký tên được Ban Cơ yếu lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam như một lời “hịch tướng sĩ”. Mệnh lệnh đã truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Và cả dân tộc đã ra quân với khí thế ấy.

Trong đêm 7/4, các cánh quân của ta đã tăng tốc độ hành quân cả đêm và ngày đến vị trí tập kết chiến dịch đúng quy định. Ngày 9/4, Quân đoàn 4 bắt đầu tiến công địch trong thị xã Xuân Lộc. Địch phản kích quyết liệt, buộc các đơn vị của ta phải thay đổi chiến thuật, rút khỏi Xuân Lộc, đánh vòng ngoài, diệt địch ở Túc Trưng, Kiệm Tân, theo đường 20 phát triển đánh địch ở ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 về Sài Gòn.     

Ông Phạm Quang Thân, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 341, Quân đoàn 4, hiện là Chủ tịch Hội cựu chiến binh thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai nhớ lại: “Ngày 9/4/1975, tất cả các đơn vị nhận được lệnh tiến vào giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh. Lúc này cùng với nhân dân, các đơn vị bộ đội đánh đến đâu giải phóng đến đó, khí thế tiến công như một cơn lốc. Các đơn vị bộ đội chủ lực tiến vào Xuân Lộc, Long Khánh, đi đến đâu cũng được bà con chào đón, tiếp tế lương thực, thực phẩm”.

Nhớ về cuộc tổng tiến công vào Xuân Lộc, ông Trần Văn Phú, nguyên chiến sĩ Đội Công binh xưởng quân giới Thị đội Long Khánh (Đông Nai) nhớ lại: Sáng 9/4/1975, bộ đội chủ lực bắt đầu nổ súng đồng loạt tấn công từ các mũi vào “Cánh cửa thép” Xuân Lộc. Lúc bấy giờ, các đơn vị bộ đội địa phương cũng tiến lên, đánh từ trong đánh ra; người dân vùng lên, hỗ trợ, tiếp tế cho lực lượng bộ đội, đánh đến đâu tiếp quản đến đó.  

Ngày 14/4, cánh quân hướng Đông tiến công vào tuyến phòng thủ Phan Rang đến ngày 16/4 chiếm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn, diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đây, giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Ngày 19/4, Quân đoàn 2 giải phóng Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận, thần tốc tiến vào Long Khánh, phối hợp với Quân đoàn 4 giải phóng Xuân Lộc. Trên các hướng Bắc, Tây Bắc, Đông và Tây Nam, quân ta dồn dập tiến công tiêu diệt các sư đoàn chủ lực địch phòng thủ vòng ngoài, áp sát lực lượng vào vùng ven đô.

Cũng trong ngày 14/4, Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh, do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Ngày 22/4, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, điện chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến dịch: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về quân sự chính trị. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nắm vững thời cơ lớn chúng ta nhất định toàn thắng”. Và Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn - Gia Định trước ngày 30/4/1975.

5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát đô thành và Biệt khu thủ đô. Từ bốn hướng Đông, Bắc và Tây Bắc, Tây Nam, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy, đến 11 giờ 30 phút ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Cùng với cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, quân ta đánh chiếm, giải phóng các đảo và quần đảo ở ven biển miền Trung và Trường Sa. Quân và dân các tỉnh miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tiến công, nổi dậy diệt và làm tan rã Quân đoàn 4 ngụy, giải phóng các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, đảo Phú Quốc, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 1/5, ta tiếp tục giải phóng các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Vĩnh Long, Chương Thiện, Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc, Kiến Tường, Sa Đéc, Côn Đảo. Đến ngày 1/5/1975, toàn bộ các tỉnh, thành phố trên đất liền và các đảo, quần đảo ở biển Đông trên toàn miền Nam Việt Nam được giải phóng.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, chúng ta đã tập trung sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận, anh dũng kiên cường chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới phía Tây Nam, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển. Các quan điểm phát triển đất nước đã được thể hiện trong các Văn kiện Đại hội Đảng khóa XII cũng như các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội những năm qua như Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hay mới đây nhất là Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Những nghị quyết của Đảng, của Quốc hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ sở, tiền đề cho Chính phủ xây dựng và triển khai Chương trình hành động tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương ngày 30/12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong năm 2019, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết để cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.

Ngược lại, từ thực tiễn và kinh nghiệm điều hành phong phú của mình, Chính phủ cũng đã tích cực đóng góp vào các nội dung nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, làm cho nghị quyết phù hợp với thực tiễn và có thể dẫn dắt thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận, rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”.

Năm 2019 trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6 - 6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người, điều chưa có trong lịch sử nước ta.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét. Tập trung thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn khoảng 4%, thấp hơn 1% so với năm 2018; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%; hơn 54% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn kế hoạch gần 2 năm…

Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lời Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi". Thủ tướng Chính phủ cho rằng, dân tộc ta là con cháu Lạc Hồng, có khát vọng không ngừng vươn cao, bay xa.  

Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 45 năm trước nhắc nhở chúng ta về tinh thần yêu nước, tinh thần gắn kết cộng đồng, chung sức đồng lòng, tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trở ngại - những yếu tố không chỉ vẫn vẹn nguyên giá trị mà còn vô cùng quan trọng với mỗi người, mỗi quốc gia trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt hôm nay.

45 năm đã trôi qua kể từ đại thắng Mùa Xuân năm 1975, nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, đã tiến những bước dài trong công cuộc xây dựng đất nước. Song lời mệnh lệnh lịch sử “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa …” của Đại tướng Võ nguyên Giáp vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là niềm tự hào và quyết tâm sắt đá của cả một dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đặc biệt, trong những ngày này, khi cả nước đang chung tay chống "giặc" COVID-19, mệnh lệnh thần tốc, tranh thủ từng giờ, từng phút cần được vận dụng để quyết định cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19.  

Tại cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (ngày 29/3/2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh lại tinh thần như trong bức điện của Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 7/4/1975, là “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!". Tinh thần này cần được vận dụng công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay của nước ta.

Bài: Nguyễn Viết Tôn
  Ảnh: TTXVN
 Kỹ thuật dựng và trình bày: V.T

29/04/2020 12:01