Nhân 45 năm thống nhất đất nước: Ký ức tác nghiệp nơi chiến trường xưa và nghĩa tình đồng đội

Đêm 30/4 rạng sáng 1/5/1975, trong một ngôi nhà ở trung tâm thị xã Rạch Giá (nay là thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) giữa căn phòng sáng đèn, có quạt máy, ngoài phố cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Lê Nam Thắng ngồi viết bài “Kiên Giang ngày đầu giải phóng”. Đó thực sự là một “hoàn cảnh đặc biệt” đối với phóng viên trẻ 24 tuổi, vốn trước đó chưa lâu còn tác nghiệp nơi chiến hào trận địa, giữa tầm bom đạn lửa…

Chú thích ảnh
Chiều 30/4/1975, chính quyền Ngụy tại thị xã Rạch Giá, tỉnh Rạch Giá đầu hàng cách mạng không điều kiện. Đến sáng sớm ngày 1/5, các địa bàn còn lại của tỉnh như Tân Hiệp, Vĩnh Thuận, Gò Quao… cũng được giải phóng hoàn toàn. Ảnh tư liệu: TTXVN

Tác nghiệp gian khổ nơi chiến trường Khu 9

Những ngày cuối tháng 4/2020, sau 45 năm ngày toàn thắng, tại nhà riêng ở thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang), Nhà báo Lê Nam Thắng chia sẻ những cảm xúc còn vẹn nguyên, như mới ngày hôm qua: “Ngày 30/4/1975, cảm xúc của tôi cũng như bao thế hệ từng tham gia kháng chiến là niềm vui khôn tả, cảm xúc vỡ òa từ nguyện vọng thiêng liêng của dân tộc cho ngày toàn thắng, non sông thu về một mối. Được giao đề tài “Kiên Giang ngày đầu giải phóng”, ngay trong đêm, tôi phải cố gắng kìm nén cảm xúc trong “hoàn cảnh đặc biệt” như thế để viết và hoàn thành sớm nhất phát về Tổng xã. Và khi bài viết xong cũng là lúc những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu rọi vào phòng…”.

Nhà báo Lê Nam Thắng, sinh năm 1951 tại Vĩnh Long. Cha mẹ ông tham gia kháng chiến ở căn cứ rừng U Minh Thượng, ông được cơ sở cách mạng nuôi đi học. Năm 1964, tổ chức cho người đưa ông vào căn cứ. Gặp lại cha mẹ, từ đây, ông chính thức tham gia kháng chiến. Năm 19, khi mới 17 tuổi, ông được các đàn anh ở B43 (Tiểu ban Thông tấn Báo chí) thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Rạch Giá hướng dẫn viết tin và có tin phát trên Thông tấn xã Giải phóng. Ông tự nhận mình có năng khiếu và niềm ham thích với nghề báo để có thể cả cuộc đời gắn bó với nghề.

Từ tháng 5 - 11/1972, chàng trai 21 tuổi được tham gia học khóa đào tạo phóng viên do Trường Thông tấn báo chí Khu 9 (Tây Nam Bộ) tổ chức. Khóa học gồm khoảng 50 học viên, ở khu vực rừng đước bên dòng kênh Ông Đơn (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau). Sau đó, ông là một trong 9 người được tuyển chọn làm phóng viên chiến trường, trực tiếp tác nghiệp tại các mặt trận vùng Tây Nam Bộ. Ông kể lại, thời điểm đó chiến tranh ác liệt, lực lượng phóng viên bị thiếu hụt nhiều do hy sinh và bị thương nên cần tiếp ứng gấp thế hệ phóng viên mới.

Phóng viên Lê Nam Thắng được phân về vùng tam giác Rạch Giá - Phong Vinh - Chương Thiện (nay là tỉnh Kiên Giang - thành phố Cần Thơ - tỉnh Hậu Giang), hoạt động ở khu vực huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang hiện nay. Đây là chiến trường trọng điểm giáp với Cần Thơ, nơi đóng quân của 75 tiểu đoàn địch bảo vệ cho đầu não Vùng 4 Chiến thuật. Tổ của Lê Nam Thắng mang ký hiệu BOF3 có 4 thành viên nữa: Kỹ thuật viên Võ Vạn Trâm, điện báo viên Nguyễn Thanh Hà, hai phóng viên ảnh Trần Văn Ngàn và Lê Ngọc Bích.

Nhà báo Lê Nam Thắng kể lại: “Chiến trường ác liệt, có khi một tháng, ta quần nhau với địch đủ 30 ngày, chia nhỏ ra mà đánh. Chúng tôi vừa phải theo sát bộ đội, như một người lính thực thụ, vừa phải kề cận với dân để sống và có nguồn tư liệu viết bài. Ba lô, giấy bút lúc nào cũng ở sẵn bên mình. Bất kể ngày đêm, để dòng tin nóng hổi, kịp thời phát về Tổng xã, tôi luôn sẵn sàng viết bất kỳ ở đâu, lúc nào. Dù ở bờ ruộng, trong chiến hào, hay dưới lùm cây, cứ kê ba lô lên là tôi viết!”.

Trong thời điểm ký Hiệp định Paris vào đầu năm 1973, thông tin cần kịp thời, ông luôn phải viết tin trong tình trạng chắp vá. Cứ viết 1 - 2 câu, ông lại chuyển ngay cho điện báo viên Nguyễn Thanh Hà phát đi. Đây cũng là một kỹ năng đặc biệt xử lý thông tin của phóng viên chiến trường, đòi hỏi tư duy nhanh nhạy và logic, vừa thể hiện bản lĩnh của người cầm bút giữa thời điểm ngặt nghèo của chiến tranh vẫn vượt qua áp lực đảm bảo dòng tin Thông tấn luôn nóng hổi, chính xác.

Tuy vậy, với Nhà báo Lê Nam Thắng, công việc viết của ông dẫu gian khổ bao nhiêu cũng không bằng điện báo viên, người trực tiếp phát tin về Tổng xã. Lúc bấy giờ, phương tiện kỹ thuật rất thô sơ, mỗi lần phát tin, phải có hai cây cao để nối hai đầu dây ăng-ten, từ đó một dây đấu trực tiếp vào máy phát 15W đặt dưới đất. Biết bao lần đang phát tín hiệu bị địch phát hiện, tổ 5 anh em lại phải cuộn dây tìm chỗ ẩn nấp, chờ khi yên ổn rồi mới lại tìm chỗ mới để phát. Riêng máy phát 15W để hoạt động được phải cần 150 cục pin, hàn cố định lại vào 5 thùng đạn cỡ 500 viên, có nắp đậy và không thấm nước. Mỗi khi phát xong đem vùi trong bùn giấu ở dưới sông, khi phát lại lôi lên lau khô mới sử dụng được. Nhiều lần đang phát gặp máy bay hoặc có lần giấu không kỹ bị chạm điện lại bị hư sạch pin, phải mua mới và hàn lại, rất vất vả. Trong mọi tình huống, cả tổ đều cùng nhau hỗ trợ các khâu khiến cho công việc hàn pin, đấu dây ăng-ten, bảo quản thùng pin… ai cũng biết làm. Nhờ vậy, mọi khó khăn cũng trở nên quen thuộc, đảm bảo thông tin luôn được thông suốt, kịp thời chuyển về Tổng xã.

Nghĩa tình đồng đội

45 năm qua, Nhà báo Lê Nam Thắng không thể nào quên những ngày sống và chiến đấu cùng đồng đội của mình ở Trung đoàn 20 (Sư đoàn 330) và ở Huyện ủy Giồng Riềng. Biết bao đồng đội, bạn thân gắn bó với ông từ năm 1969 nhưng tới năm 1973, nhiều người đã phải nằm lại nơi chiến trường. Dù trải qua biết bao gian khó, hiểm nguy của một phóng viên chiến trường, ông vẫn cảm thấy may mắn khi không phải trực tiếp cầm súng chiến đấu để được sống và trở về.

Ông ngậm ngùi: “Có khi ăn cơm tối cũng nghĩ mình không sống tới được sáng mai, bởi vì B52 thường ném bom vào ban đêm, khi mọi người đang ngủ. Sau hàng chục lần thoát chết, chiến tranh kết thúc, tôi cũng không hiểu vì sao mình sống được. Còn với đồng đội, chứng kiến bao sự hy sinh mất mát, tôi rất thương anh em! Nhưng cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, chúng tôi buộc mình phải chấp nhận hoàn cảnh, vì nhiệm vụ của mình, trọng trách đảm bảo nguồn tin liên tục, kịp thời”.

Chính những thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến, điều quan trọng nhất với phóng viên chiến trường ngoài kỹ năng nghiệp vụ chính là phải tồn tại được trong sự khắc nghiệt của chiến tranh. Còn sống là còn tác nghiệp để có tin, bài. Nhà báo Lê Nam Thắng chia sẻ: “Những dòng tin của mình được phát ra Tổng xã, được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng luôn là nguồn cổ vũ tinh thần cho anh em chiến sĩ trên mặt trận. Các địa phương nghe trên đài có thông tin viết về mình, họ rất mừng và tìm phóng viên, họ sẵn sàng nuôi và cưu mang  bởi họ trân trọng công việc của các nhà báo. Đó là nguồn động viên vô cùng to lớn cho tôi và càng tự hào với trọng trách của một phóng viên chiến trường”.

Đến tháng 3/1975, cơ quan điều phóng viên Lê Nam Thắng cùng điện báo viên Nguyễn Thanh Hà và kỹ thuật viên Võ Vạn Trâm về lại căn cứ U Minh Thượng. Tại đây, ekip được cấp thêm máy ảnh, máy phát tin, đài 15W, máy ghi âm, có trang bị cả súng AK, trước khi quay trở lại chiến trường Giồng Riềng. Từ đây, ekip đã có mặt tại thị xã Rạch Giá trong thời khắc lịch sử 30/4/1975.

Sau ngày giải phóng, Tổ BOF3 giải thể, Lê Nam Thắng được phân về Kiên Giang. Giai đoạn 1976 - 1980, ông được tăng cường lên Phân xã An Giang (nay là Cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh An Giang), tiếp tục đưa tin về tình hình chiến tranh biên giới Tây Nam trên địa bàn. Từ 1980 - 1982, ông đi Phân xã Cửu Long (Cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh Vĩnh Long), trước khi trở về Phân xã Kiên Giang (Cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh Kiên Giang) làm công tác phóng viên cho tới khi nghỉ hưu năm 2011.

Giờ đây, đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, Nhà báo Lê Nam Thắng luôn tâm niệm lẽ sống của mình và anh em phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam là tinh thần sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ bất cứ lúc nào Tổ quốc cần; luôn tự nhắc nhở sống làm sao cho xứng đáng với những đồng đội đã ngã xuống, làm tấm gương cho các thế hệ tiếp nối. Ông sẽ mang theo lẽ sống đó đến hơi thở cuối cùng, để giữ vững truyền thống của Thông tấn xã Giải phóng trước đây, Thông tấn xã Việt Nam hôm nay, với sự tri ân sâu sắc các thế hệ lãnh đạo đã cưu mang giúp đỡ, tạo điều kiện cho ông được trưởng thành và làm nghề suốt cả cuộc đời.

Hàng năm, vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Nhà báo Lê Nam Thắng lại gặp gỡ đồng đội cũ và cùng nhau nhắc nhớ về một thời gian khổ, một thời mà mọi người gắn bó vượt qua mọi hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng để hoàn thành một bản tin phát lên Tổng xã. Nhiều bản tin phải đổi bằng xương máu của anh em, nhưng trên hết thể hiện tinh thần đoàn kết, anh dũng của các thế hệ phóng viên chiến trường.

Có rất nhiều đồng đội, đồng nghiệp gắn bó với Nhà báo Lê Nam Thắng, nhưng gắn bó gần như cả cuộc đời làm báo với ông có Nhà báo Ngô Hoàng Vân, nguyên Trưởng Phân xã Kiên Giang, nguyên phóng viên chiến trường Thông tấn xã Giải phóng giai đoạn 19 - 1975. Cả hai đều hoạt động trên địa bàn Kiên Giang giai đoạn 1972 - 1975 và tiếp tục làm cùng Phân xã Kiên Giang suốt từ 1982 - 2011.

Nhiều thế hệ phóng viên coi đây là một “cặp đôi” nghĩa tình ở Thông tấn xã Việt Nam. Nói về “chiến hữu” Lê Nam Thắng, Nhà báo Ngô Hoàng Vân chia sẻ: “Từ thời làm phóng viên chiến trường, Nam Thắng tuy còn trẻ nhưng đã chứng tỏ mình là một phóng viên hăng hái, xông xáo, khả năng viết tốt, nhạy bén với các đề tài nóng bỏng thời kỳ chiến tranh. Khi được phân công nhiệm vụ, anh luôn chấp hành rất tốt. Anh được tổ chức tin tưởng cử ra chiến trường để tham gia các mũi tấn công của quân ta, có những bài viết sát với thực tế, gần với đời sống chiến tranh; các sự kiện của một thời oanh liệt luôn được phản ánh kịp thời dưới ngòi bút của Nam Thắng”.

Hồng Đạt (TTXVN)
Kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước: Ký ức phóng viên chiến trường GP10
Kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước: Ký ức phóng viên chiến trường GP10

Năm 1972, chiến trường miền Nam đang diễn ra ác liệt, lớp phóng viên GP10 với gần 150 sinh viên ưu tú được đào tạo nghiệp vụ tại địa điểm sơ tán xã Hạ Hiệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là ngoại thành Hà Nội), tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng, rải đều khắp các chiến trường từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN