Bước vào thời kỳ phát triển mới, với tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Hiệp Đức đã bền bỉ khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, xây dựng vùng căn cứ địa cách mạng năm xưa từng bước phát triển toàn diện, bền vững, văn minh, nghĩa tình.
Tài liệu về lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hiệp Đức trong các cuộc kháng chiến, nhất là kháng chiến chống Mỹ còn ghi lại nhiều chiến công hiển hách. Chiến thắng Đồng Dương ngày 7/12/1965 đã làm nên thắng lợi then chốt của Chiến dịch Hiệp Đức - Đồng Dương, cổ vũ mạnh mẽ phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt”, làm thay đổi cục diện chiến trường Quân khu V, nhờ đó quân và dân ta đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - nấc thang quan trọng trong thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam.
Lịch sử còn lưu danh chiến công lẫy lừng của Chiến thắng Thượng Đức ngày 7/8/1974. Chiến thắng Thượng Đức đi vào lịch sử của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ. Nguyên Bí thư Khu ủy Khu V Võ Chí Công nhận xét: “Chiến thắng Thượng Đức không chỉ phá tan “cánh cửa thép” bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng, mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này. Thực tiễn đó góp phần cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân lịch sử năm 1975”.
Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hiệp Đức còn là căn cứ địa vững chắc của cách mạng, là đại bản doanh của Văn phòng Khu ủy Khu V. Văn phòng Khu ủy Khu V mãi mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức Nguyễn Văn Tỉnh chia sẻ: Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cùng với việc kết hợp lồng ghép nhiều chương trình, dự án hỗ trợ của tỉnh và của Trung ương, kinh tế của Hiệp Đức đã bắt đầu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ công nghiệp chế biến, nhất là phát triển rừng nguyên liệu gỗ lớn. Năm 2019, tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản của Hiệp Đức đạt gần 500 tỷ đồng. Chăn nuôi phát triển mạnh, đàn bò của người dân trong huyện đạt xấp xỉ 10.000 con, trong đó đàn bò lai có tầm vóc và trọng lượng lớn, chiếm gần 80% tổng đàn. Cũng trong năm 2019, toàn huyện đã giao thêm gần 6.300 ha rừng cho người dân nhận khoán bảo vệ, trồng và tái canh 2.700 ha, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên gần 57%, trồng mới hơn 1000 ha rừng gỗ lớn, hàng trăm ha rừng được cấp chứng chỉ FSC (Chứng chỉ về quản lý rừng phù hợp với môi trường, đồng thời có lợi ích cho xã hội và đạt hiệu quả kinh tế). Trồng rừng gỗ lớn đã và đang trở thành hướng phát triển mạnh của Hiệp Đức.
Để phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, Hiệp Đức đã đầu tư phát triển đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại huyện Hiệp Đức không ngừng được đầu tư nâng cấp, đường quê tỏa rộng, vươn dài.
Các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 14E, đường Đông Trường Sơn, đường Quế Bình - Quế Lưu - Phước Gia, Tân An - Trà Linh, đường Quế Thọ - Bình Sơn, đường Sông Trà - Phước Trà được nâng cấp đưa vào sử dụng, không những rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền mà còn tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, đáp ứng nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, làng quê nông thôn, miền núi đổi thay từng ngày.
Cùng với mạng lưới giao thông phát triển rộng khắp, các công trình hạ tầng thiết yếu như điện quốc gia đã phủ kín, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Hệ thống các công trình thủy lợi có quy mô tương đối lớn như hồ Việt An, Bình Hòa, Tam Bảo, Bà Sơn, An Tây được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu cung cấp nước tưới chủ động cho phần lớn diện tích cây trồng hàng năm.
Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức Nguyễn Như Công cho hay: Trong phát triển nông nghiệp, huyện Hiệp Đức tập trung xây dựng vùng nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi công nghiệp và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, xem ứng dụng công nghệ cao vừa là giải pháp căn cơ, vừa là động lực để phát triển nông nghiệp của địa phương; xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, chuyển giao công nghệ cho nông dân, hướng đến giải bài toán liên kết, hợp tác trong nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có chuỗi giá trị cao, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu nhập cho người dân.
Bằng nhiều biện pháp, kế hoạch, lộ trình cụ thể, huyện Hiệp Đức có nhiều bứt phá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của kinh tế, đời sống, xã hội. Năm 2019, tổng vốn đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn đạt trên 222 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, nâng cấp các hàng chục công trình giao thông, thủy lợi, trường học, thiết chế văn hóa cơ sở. Nhờ vậy số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tiêu chí về nông thôn mới trong toàn huyện không ngừng tăng lên.
Năm 2020, huyện Hiệp Đức đề ra chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực đạt 13.920 tấn; đàn bò đạt 10.500 con, trong đó bò lai chiếm 90% tổng đàn; trồng mới và tái canh 2.500 ha rừng, trong đó có hơn 1000 ha rừng gỗ lớn. Tổng giá trị ngành sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt xấp xỉ 500 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 562 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ đạt giá trị 875 tỷ đồng. Đến tháng 4/2020, huyện có 6 xã đạt chuẩn; huyện phấn đấu đạt bình quân 15,18 tiêu chí/xã và không có xã nào đạt dưới 8 tiêu chí. Đây cũng chính là tiền đề để huyện Hiệp Đức từng bước phát triển toàn diện, bền vững, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.