Sáng 31/10, sau khi ngủ dậy, gia đình ông Trần Văn Luyến (55 tuổi, thôn 3, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột) phát hiện nhiều bao cà phê tươi để ở góc sân đã bị mất. Khi kiểm tra, ông Luyến phát hiện cổng chính vẫn khóa cửa, tuy nhiên hàng rào B40 bên hông đã bị cắt lưới rào. Qua kiểm tra camera an ninh của gia đình, ông Luyến phát hiện có 2 đối tượng đi xe máy, đã đột nhập vào sân nhà và lần lượt trộm các bao cà phê. Số cà phê bị mất khoảng hơn 600 kg tươi. Được biết, ngoài thu hoạch cà phê của gia đình, ông Luyến còn mua cà phê tươi của người dân trong xã để phơi khô, xay thành cà phê nhân và bán. Gia đình ông Luyến đã trình báo Công an xã Cư Êbur để điều tra làm rõ vụ việc.
Trước đó, ngày 20/10, gia đình anh Đàm Nguyên Xuân (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) đi thăm rẫy thì phát hiện 17 cây cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh bị chặt phá, hủy hoại. Đây là vườn cà phê đã được gia đình anh Xuân trồng gần 20 năm nay, đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới sau một năm vất vả chăm sóc. Vụ việc không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình mà còn gây mất an ninh trật tự, khiến gia đình và nhân dân xung quanh bức xúc, lo lắng. Gia đình anh Xuân đã trình báo vụ việc lên Công an xã, đồng thời bố trí trực tại vườn cà phê 24/24 giờ để phòng trường hợp tiếp tục bị phá hoại cây trồng.
Tỉnh Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam bởi diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước. Diện tích cà phê toàn tỉnh đạt khoảng 210.000 ha; sản lượng bình quân đạt trên 500.000 tấn nhân/năm. Hiện nay, giá cà phê dao động ở mức 110.000 - 111.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2023, mang lại nhiều niềm vui cho người nông dân. Tuy nhiên, tình trạng trộm cắp cà phê, phá hoại cây trồng đang là nỗi lo đối với người nông dân.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị chỉ đạo việc sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2024 - 2025, trong đó chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cà phê; xử lý nghiêm các trường hợp trộm cắp cà phê và các đối tượng tự tổ chức giao dịch trung gian trái phép gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục vận động bà con không thu hái cà phê xanh, non và triển khai các giải pháp đảm bảo chất lượng cà phê sau thu hoạch.
Điều đáng nói, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra nhiều vụ phá hoại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, cà phê. Tình trạng này đòi hỏi người nông dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động bảo vệ mùa màng, bảo vệ tài sản; đồng thời nông dân, chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng cần triển khai những giải pháp hữu hiệu hơn để phòng chống trộm cắp nông sản, phá hoại vườn cây.