Ngăn chặn tội phạm 'nhí' cần sự chung tay của gia đình, xã hội

Những ngày gần đây, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra một số vụ việc phạm pháp hình sự liên quan đến lứa tuổi học sinh, gây bức xúc trong xã hội.

Chú thích ảnh
Các đối tượng liên quan đến vụ việc đâm vào người đang dừng chờ đèn đỏ, xảy ra đêm 3/11. Ảnh: TTXVN phát

Mới đây, người dân rất phẫn nộ khi xem lại hình ảnh từ camera an ninh ghi lại, đêm 3/11, nhóm thanh niên từ 16-20 tuổi tụ tập đông người, phóng xe máy tốc độ cao trên đoạn đường khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu (hướng đi từ ga Hà Nội về Bệnh viện 108) đã đâm vào chị Q đang dừng chờ đèn đỏ làm chị tử vong tại chỗ. Đã có 10 thanh niên nam, nữ liên quan đến vụ việc được Công an triệu tập để làm rõ nguyên nhân.

Ngày 30/10, Cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố 2 đối tượng trong ổ nhóm gây ra hàng chục vụ trộm cắp xe máy ở Hà Nội gồm Nguyễn Văn Hưng và Đào Văn Kiên (cùng sinh năm 2007, trú tại xã Kim Lũ, Sóc Sơn) để điều tra về tội trộm cắp tài sản. Hai đối tượng khai nhận, do thiếu tiền ăn chơi nên đã rủ nhau trộm cắp xe máy để bán lấy tiền tiêu xài. Dù Hưng và Kiên đều chưa đủ 18 tuổi nhưng phạm tội nghiêm trọng và nhiều lần nên Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định tạm giữ và khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định.

Công an thành phố Hà Nội nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên, trong đó có “khoảng tối” nguyên nhân từ gia đình. Thực tế hiện nay, vấn đề giáo dục con cái trong một số gia đình chưa được chú trọng, phó mặc cho nhà trường. Nhiều gia đình đi làm ăn xa, con cái để lại cho ông bà và người thân chăm sóc. Hay trẻ có hoàn cảnh éo le, bố mẹ ly thân, ly hôn, mải lo kiếm tiền, nuông chiều quá mức đã tạo cho trẻ lối sống tự do, buông thả...

Ngoài ra, các nhóm tội phạm tuổi teen chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, hầu hết đều chưa nhận thức được pháp luật, học theo trào lưu trên mạng xã hội, bị kích động bởi trò chơi điện tử bạo lực dẫn đến vi phạm pháp luật, nghĩ rằng mình sẽ không bị pháp luật xử lý, điều chỉnh. Do đó, công an các quận, huyện cần vào cuộc trấn áp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên, nhằm ngăn chặn tội phạm từ trong "trứng nước".

Tại Hà Đông, Công an phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo quận xây dựng mô hình “Mái trường an toàn” đến 100% cơ sở giáo dục; triển khai Kế hoạch về "Quản lý, kiểm tra, giáo dục đối với học sinh các trường trung học về việc sử dụng thuốc lá điện tử, mang công cụ hỗ trợ, hung khí để giải quyết mâu thuẫn cá nhân khi bước vào năm học mới"; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh, triển khai chuyên đề đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học…

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông đánh giá, sau thời gian phối hợp đã thu được nhiều kết quả. Đơn vị tiếp nhận, điều tra, xử lý 33 vụ việc vi phạm có liên quan đến học sinh, sinh viên, phối hợp xác minh 5 vụ việc, tổ chức 2 buổi tuyên truyền cho khoảng 141.306 giáo viên, học sinh, sinh viên... Cái được lớn hơn, vượt ngoài những con số chính là sự an toàn, bình an cho con trẻ. Trên tinh thần chung sức, quyết tâm ngăn chặn tội phạm lứa tuổi học đường, thời gian tới, Công an quận và các cơ sở giáo dục chủ động nắm tình hình, phát hiện từ sớm những học sinh, sinh viên có biểu hiện tiêu cực, kịp thời trao đổi thông tin đa chiều để uốn nắn, điều chỉnh kịp thời. Công an quận sẽ đối thoại với thanh niên cá biệt để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường, ma tuý, an toàn, an ninh mạng, an toàn giao thông...

Giáo dục nâng cao nhận thức là giải pháp căn cốt đang được nhiều nhà trường quan tâm thực hiện. Đa số các trường ở Hà Nội thường phối hợp với cơ quan công an để tuyên truyền về những tình huống, câu hỏi liên quan đến lỗi vi phạm giao thông phổ biến của học sinh (không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, dùng điện thoại khi điều khiển phương tiện, dàn hàng ngang); tình huống sử dụng hung khí, phòng cháy, chữa cháy…

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Phó hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Thạch Bàn, quận Long Biên chia sẻ, công tác tuyên truyền an toàn giao thông, an ninh trật tự tới học sinh luôn được quan tâm thực hiện trong năm học 2024-2025. Nhà trường đã xây dựng mô hình cổng trường an toàn với sự phối hợp thường xuyên của công an và phụ huynh học sinh. Những buổi tuyên truyền trực quan sẽ giúp học sinh có thêm hiểu biết, nhận thức rõ hơn về trách nhiệm khi tham gia giao thông, xứng đáng là học sinh Thủ đô văn minh thanh lịch. Hàng năm, nhà trường luôn tổ chức sinh hoạt chuyên đề để các em trải nghiệm vấn đề trên; tổ chức cho phụ huynh ký cam kết đồng hành với nhà trường trong giáo dục các con chấp hành nghiêm quy định.

Em Ngọc Dung, học sinh lớp 11A16 của nhà trường cho biết, buổi truyền giúp em nắm được nhiều thông điệp, kiến thức thiết thực liên quan đến an toàn giao thông, pháp luật. Từ đó em có nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của bản thân và  không vi phạm pháp luật.

Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục, các gia đình nên phối hợp với nhà trường để quản lý thời gian học tập, sinh hoạt của con em. Rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, cộng đồng để định hướng cho học sinh, sinh viên lý tưởng sống tốt đẹp, trang bị kỹ năng cần thiết để các em có lối sống văn minh, hiện đại, không vi vi phạm pháp luật.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Ngăn chặn tội phạm lừa đảo liên quan đến thủ tục xuất, nhập cảnh
Ngăn chặn tội phạm lừa đảo liên quan đến thủ tục xuất, nhập cảnh

Thời gian qua, tại Thanh Hóa xuất hiện một số đối tượng lợi dụng nhu cầu xuất cảnh của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN