Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Vũ Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội sở hữu gần 10.000 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các làng nghề truyền thống... Với mục tiêu phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long Hà Nội, thành phố xác định tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, công trình kiến trúc có giá trị. Đồng thời phát triển các sản phẩm văn hóa du lịch có thương hiệu mang tầm quốc tế, kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển Thủ đô.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã đón khoảng 21,12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,45 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 40% so với năm 2023) và 16,66 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 6%), đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng GRDP của Thủ đô.
“Sau 3 lần tổ chức, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội đã trở thành lễ hội vào tháng 10 hàng năm, với định hướng xây dựng một sản phẩm văn hóa du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội với điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn. Đồng thời, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh tà áo dài của dân tộc, biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, là nguồn cảm hứng lan tỏa đến bạn bè quốc tế…”, bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Từ quận Tây Hồ (TP Hà Nội) đến Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội, trải nghiệm không gian lễ hội, chị Nguyễn Ngọc Linh chia sẻ, chương trình nhằm đưa tà áo dài của Việt Nam ra thế giới, thể hiện hình tượng người phụ nữ Việt Nam kiên cường, chịu khó, nhưng vẫn duyên dáng, thướt tha.
Trong 3 ngày từ ngày 4 - 6/10, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 diễn ra nhiều hoạt động thiết thực như: Chương trình đồng diễn và Carnaval áo dài diễn ra từ 8 - 11 giờ ngày 5/10; trình diễn áo dài của các nhà thiết kế và chung kết cuộc thi thiết kế áo dài diễn ra vào 20 - 22 giờ ngày 5/10; không gian triển lãm ảnh áo dài và trưng bày giới thiệu áo dài của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài từ 8 giờ ngày 4/10 - 22 giờ ngày 6/10.