Ở Việt Nam, dân gian ta thường gọi đây là Tết “giết sâu bọ” với câu ca dao được lưu truyền từ xa xưa: “Tháng Tư đong đậu nấu chè. Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”.
"Tết Đoan Ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả, gọi là giết sâu bọ. Hôm ấy người ta hái các loại thuốc cất giữ để sử dụng, hái lá ngải tùy theo năm mà bó thành hình con vật tượng trưng của năm đó", nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết kể lại.
Tết Đoan Ngọ trong cung đình và ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tổng, cầu sức khỏe, bình an, cầu mùa màng bội thu.
Tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” được tổ chức với các hoạt động: Trưng bày về các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ trong cung đình ngày Tết Đoan Ngọ, thực hành hai nghi lễ đặc sắc ngày Tết Đoan Ngọ trong cung đình (nghi lễ cúng tế tổ tiên và nghi lễ ban quạt), thực hành phong tục dân gian “giết sâu bọ” và trình diễn, giao lưu nghệ thuật thưởng trà.
Những phong tục độc đáo như: Tục ăn trái cây, ăn bánh tro, ăn cơm rượu nếp, uống rượu hùng hoàng, xương bồ để “giết sâu bọ” trong người vào lúc sáng sớm; tục hái thảo mộc làm thuốc và làm trà vào giờ ngọ; tục đeo chỉ ngũ sắc, đeo túi thơm có đựng hạt mùi, bột hùng hoàng để xua đuổi côn trùng... được tái hiện lại một cách chân thực và dung dị thông qua không gian thờ cúng và không gian trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long.