Dịp Trung thu 2022, nhà nghiên cứu Trịnh Bách (TP Hà Nội) đã tìm đến làng lồng đèn truyền thống Phú Bình (Quận 11, TP Hồ Chí Minh) để cùng gia đình nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình phục dựng lại những chiếc đèn Trung thu cổ truyền như đèn cá hóa long, đèn con cua sống, cua luộc… của người Báo Đáp ngày xưa.
Chia sẻ về hành trình khôi phục đèn Trung thu cổ truyền, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho biết: “Từ năm 2007, tôi đã bắt đầu mày mò ở làng lồng đèn truyền thống Phú Bình, là chỗ tôi vẫn được cha đưa đến mua đèn Trung thu loại cao cấp từ hơn nửa thế kỷ trước, khi còn bé. Mục đích của tôi là làm lại chiếc đèn con thỏ mà Trung thu mỗi năm xưa tôi phải có, đồng thời tìm nghệ nhân tâm huyết cho việc phục dựng lại nghệ thuật làm đèn Trung thu cổ truyền”.
“Tôi thích cái đèn con thỏ đó đến nỗi đã vẽ nằm lòng lại từng chi tiết của nó, nhất là cách dán lông thỏ đặc biệt của người nghệ nhân già. Dĩ nhiên, con thỏ đó sẽ là mấu chốt để phục hồi lại các đèn Trung thu đẳng cấp của Báo Đáp - Phú Bình cũ”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách tâm sự.
Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, cách đây nhiều năm, có lần ông cố gắng chỉ cho một người làm lồng đèn cách dán lông thỏ giả. Thế nhưng, anh thợ không hứng thú lắm, nên không thành công. Hiện nay, những lồng đèn bán ở chợ lồng đèn Trung thu Quận 5 vẫn dán lông giả đủ màu sắc mà hoàn toàn không có một căn bản mỹ thuật nào.
Mãi đến năm 2017, ông mới có cơ duyên gặp được gia đình cụ quả phụ Nguyễn Trọng Văn ở làng Phú Bình (Quận 11). Gia đình cụ Văn đã có truyền thống làm đèn Trung thu từ nhiều đời ở làng Báo Đáp (Nam Định). Dù đã qua nhiều thế hệ, gia đình cụ Văn vẫn luôn tâm huyết với nghề truyền thống làm lồng đèn.
"Ngày xưa, ở Bắc Bộ có nhiều nơi làm đèn Trung thu cho trẻ em nhưng nổi trội nhất phải kể đến làng Báo Đáp ở Nam Trực, Nam Định. Người làng Báo Đáp làm đèn Trung thu bài bản và quy mô hơn mọi nơi khác, có thể nói là nếu Bát Tràng nổi tiếng với đồ gốm và Vạn Phúc nổi tiếng với vải lụa thì Báo Đáp được biết đến là làng đèn Trung Thu", nhà nghiên cứu Trịnh Bách chia sẻ.
Giữa thập niên 1950, rất nhiều người dân làng Báo Đáp di cư vào Sài Gòn và đã tụ họp lại, lập ra xóm Phú Bình (Quận 11), tiếp tục nghề làm đèn truyền thống của họ. Tất cả đèn Trung thu của Sài Gòn và các tỉnh miền Nam từ hơn nửa thế kỷ nay đều được sản xuất từ Phú Bình. Tuy nhiên, các loại đèn cầu kỳ, tinh xảo cổ xưa đã bị thất truyền ở Sài Gòn từ vài ba chục năm nay.
Trong công tác phục dựng đèn Trung thu cổ truyền, nhà nghiên cứu Trịnh Bách trực tiếp theo sát, đồng hành cùng nghệ nhân Bình để trao đổi, thi công từ khâu làm khung, dán đèn đến khâu vẽ hình lên sản phẩm sao cho phải đảm bảo độ chính xác và tỉ mỉ đến từng chi tiết.
“Bình rất khéo tay, kiên nhẫn, sáng dạ; quan trọng nhất là cầu tiến, yêu nghề. Bình nhẫn nại chữa các lỗi kỹ thuật, hay nhận những yêu cầu khó khăn mà tôi đưa ra”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách chia sẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình cho biết: “Để làm chiếc đèn Con cua xanh, từ khâu làm khung đến khi vẽ hình lên sản phẩm mất khoảng 3 ngày. Chỉ cần sai một chi tiết là phải bỏ đi làm lại từ đầu, nếu như mình không kiên nhẫn thì không thể làm được”.
Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, sau khi đã phục hồi lại được một số đèn Trung thu cao cấp của Sài Gòn cũ, ông vẫn không chưa tìm được vật liệu mà người Báo Đáp xưa dùng để dán đèn lồng. Hiện nay, ở các bảo tàng bên Pháp vẫn còn lưu giữ hình ảnh và hiện vật được dán bằng vải lụa mỏng và loại giấy nhìn giống giấy bóng kính.
Khi đang bàn về loại vật liệu dán đèn, thì cụ Văn gợi ý về loại giấy chịu được nước đó là giấy nhiễu. Thì ra người Báo Đáp xưa kia phần lớn dán đèn Trung thu bằng giấy nhiễu, hoặc có khi bằng vải. Giấy nhiễu là loại giấy bên trong có trộn vụn tơ hay sợi vải để chịu nước. Sau khi vẽ xong, đèn sẽ được quết một lớp dầu trẩu để chống thấm nước,và một lớp dầu bạch tùng để giấy trở thành trong.
Hiện nay, các nhà sản xuất đèn ở Phú Bình cũng đã bắt đầu theo mẫu mã của gia đình cụ Văn mà làm lại đèn Trung thu truyền thống với những mẫu đơn giản về hình dạng, tuy nhiên để làm đèn Trung thu cổ truyền thì ngoài nhà cụ Văn ra không còn nhà nào có thể gia công được.
Đến năm 2022, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cùng nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình mới chính thức phục dựng thành công sản phẩm đèn Trung thu cá hóa long, đèn con cua sống, cua luộc sau nhiều lần chỉnh sửa về chi tiết của sản phẩm.
Với những chiếc đèn dán giấy kiếng, anh em nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình có thể tự vẽ được. Riêng sản phẩm cao cấp dán bằng vải nhiễu thì nhà nghiên cứu Trịnh Bách sẽ mang ra Hà Nội để vẽ.
Theo nghệ nhân Bình, để làm một sản phẩm đèn cao cấp sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức cộng thêm giá thành cao nên chưa thể sản xuất đại trà để cung ứng ra thị trường. “Năm tới, gia đình tôi sẽ tập trung làm khung, dán trước khi đến Trung thu thì chỉ cần mang ra vẽ là có thể cung ứng đèn cổ truyền ra ngoài thị trường để người dân quay lại với lồng đèn xưa”.