Chúng tôi đến xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vào những ngày sắp diễn ra lễ hội khèn Mông. Đây là một trong những xã trên Cao nguyên đá Đồng Văn hiện còn khá nhiều người Mông giữ được nghề làm khèn. Thấp thoáng trong sương, những bản làng của người Mông vẫn êm đềm hiện hữu giữa núi non hùng vĩ. Đâu đó ngân vang tiếng khèn làm say đắm lòng người.
Theo chân cán bộ văn hóa xã Sủng Trái, chúng tôi đến nhà anh Mua Mí Tủa ở thôn Tìa Súng, một trong những thôn của xã Sủng Trái hiện có nhiều người trẻ tuổi theo nghề làm khèn. Biết thổi khèn và đam mê chế tác khèn, Mua Mi Tủa là thế hệ trẻ hiếm hoi đang giữ gìn nghề làm khèn Mông.
Sinh năm 1985, biết thổi khèn từ năm 16 tuổi, Mua Mí Tủa hiện là người trẻ tuổi nhất xã Sủng Trái biết làm khèn Mông. Anh Tủa cho biết, do có niềm đam mê tiếng khèn từ bé, lớn lên học thổi khèn và giờ anh đã có thể tự tay chế tác khèn. “Phải biết thổi khèn, biết cảm thụ cung bậc của tiếng khèn thì mới làm được cây khèn tốt”, anh Tủa chia sẻ.
Những năm gần đây, trước tác động của đời sống và văn hóa hiện đại, nghề làm khèn của đồng bào dân tộc Mông đang dần bị mai một. Những người cao tuổi thì đã già yếu, còn thế hệ trẻ ít ai theo học và giữ nghề. Trước nguy cơ đó, trong những năm gần đây, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều tổ hợp tác sản xuất khèn Mông ra đời, nhiều lớp truyền dạy làm khèn được mở ra, giữ gìn nghề truyền thống gắn với việc phát triển du lịch đã thu hút nhiều người trẻ tuổi theo nghề.
Ông Phạm Quốc Lập, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn cho biết, nhằm giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung, văn hóa dân tộc Mông nói riêng, trong những năm qua, huyện Đồng Văn đã khôi phục nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn có khá nhiều nghệ nhân chế tác khèn Mông, đặc biệt là càng ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia chế tác khèn. Huyện cũng đã phối hợp với các Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức truyền dạy nghề làm khèn cho thế hệ trẻ. Hiện nay, một số em học sinh đã có thể chế tác được khèn.
Mới 12 tuổi nhưng em Ly Mí Tủa, ở thôn Tả Lủng B, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã có thể thổi được khèn và bắt đầu làm được khèn. Do đam mê tiếng khèn của dân tộc mình, Tủa tham gia học lớp trình diễn và chế tác khèn do huyện tổ chức.
Tủa tâm sự: “Thổi khèn Mông đã khó, để làm được khèn Mông còn khó hơn, nhưng em rất thích và đam mê tiếng khèn của dân tộc mình. Em ước mơ trở thành người thổi khèn tốt, là một nghệ nhân làm khèn giỏi”.
Cho dù văn hóa hiện đại đang hiện diện khắp các thôn bản vùng cao, thế nhưng niềm đam mê tiếng khèn với những chàng trai Mông chưa bao giờ dứt. Những nghệ nhân lớn tuổi giờ đã già yếu, ít người theo nghề, những người như anh Mua Mí Tủa, Ly Mí Tủa đã và đang góp phần tiếp sức cho tiếng khèn của người Mông mãi ngân vang.
Ông Lầu Chá Của, hơn 70 tuổi, là nghệ nhân làm khèn nhiều tuổi nhất ở xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn cho biết, ông hiện đã già, mắt mờ chân chậm, không còn làm được khèn mà chỉ có thể chỉ bảo cho con cháu. Ông Của rất vui vì gần đây có nhiều chàng trai trẻ tuổi trong xã theo học trình diễn khèn và chế tác khèn Mông.
Ông Của hào hứng “Cây khèn mang ý nghĩa sâu sắc. Nó là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, bản sắc của dân tộc Mông chúng tôi. Khèn được thổi lên trong đám tang để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố; trong vui chơi tiếng khèn để thi tài, thể hiện tình yêu đôi lứa và bộc lộ ý chí, nghị lực của người con trai Mông”.
Khèn trong cuộc sống của người Mông là một nhạc cụ không thể thiếu, là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Khèn Mông độc đáo bởi hình dạng, cấu tạo và chức năng tạo âm thanh của nó. Âm thanh được phát ra theo cả luồng hơi thổi ra, hít vào.
Khèn Mông có 6 ống làm từ 1 loại trúc gắn trên 1 cái bầu bằng gỗ khoét rỗng, kết nối bằng nhựa cây và vỏ cây đào rừng. Thứ duy nhất từ kim loại là lam đồng (lưỡi gà). Mọi công đoạn đều làm thủ công với những dụng cụ đồng bào tự chế. Bầu đàn thường được làm từ loại gỗ thông như thông đá, kim giao hoặc pơ mu. Chế tác khèn cũng vô cùng độc đáo, không có quy chuẩn chung. Các nghệ nhân làm khèn đều đo bằng tay, ngắm bằng mắt để chế tác, không có nguyên tắc chung nhưng để có được cây khèn ưng ý, thổi được đúng các làn điệu dân ca Mông, cần sự khéo léo, kiên nhẫn và kinh nghiệm.