Còn nhiều lúng túng
Đồng hành, kèm cặp con trong suốt hơn một tháng qua, chị Thu Phương (Quận 9) cho biết, việc học của con khá căng thẳng, nhất là với môn Tiếng Việt. Con không có ngày nghỉ cuối tuần, bởi trong tuần học bao nhiêu âm thì cuối tuần phải viết lại để nhớ bấy nhiêu âm. Do lần đầu có con vào lớp 1, hơn nữa lại học chương trình mới nên chị Phương cũng khá lúng túng trong việc kèm cặp con. Không những con học mà mẹ cũng phải học cùng con hàng ngày.
Có kinh nghiệm hơn khi có con thứ hai vào lớp 1, chị Nguyễn Thu Dịu (quận Thủ Đức) cho rằng, con bước vào môi trường hoàn toàn mới so với bậc mầm non nên các phụ huynh lo lắng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên quá căng thẳng, dù ở chương trình cũ hay mới, mỗi con sẽ có cách tiếp cận, khả năng tiếp thu khác nhau. Việc kèm cặp con hàng ngày là cần thiết vì ở độ tuổi này các con khó tự học, nên phụ huynh cần kiên nhẫn, không ép con.
“Trước khi vào lớp 1, cả hai con tôi đều không học trước chương trình mà chỉ làm quen chữ theo chương trình mầm non. Thực tế con lớn của tôi học hết học kỳ 1 lớp 1 vẫn đọc, viết thành thạo. Do vậy, lần này tôi cũng không quá lo lắng mà gây áp lực cho con” - chi Dịu chia sẻ.
Từ thực tế dạy và học chương trình mới hơn một tháng qua, cô Nguyễn Thị Hồng Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị (Quận 1) cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều học sinh không được trang bị kiến thức đầy đủ chương trình mẫu giáo, nên việc tiếp cận với kiến thức lớp 1 có phần khó hơn. Tuy nhiên, đây là tình hình chung đầu năm học, khi cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều “bỡ ngỡ”. Do vậy, để đánh giá chương trình nặng thì chưa đúng, chưa đủ. Thực tế năm nay cũng như những năm trước vẫn có một số học sinh tiếp thu chậm, còn lại đa số các em bắt kịp chương trình.
Để việc dạy và học hiệu quả hơn, nhà trường thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình giáo viên, học sinh lớp 1 để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Trường tổ chức cho giáo viên khối 1 dự giờ lẫn nhau để học tập, rút kinh nghiệm. Ban Giám hiệu nhà trường cùng dự giờ và họp các tổ để hướng dẫn giáo viên thực hiện tốt công việc.
“Do đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới nên tâm lý cả giáo viên và phụ huynh đều khá căng thẳng. Thực hiện một số yêu cầu mới nên giáo viên phải vừa dạy vừa rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, giáo viên đã được tập huấn kỹ nên không gặp khó khăn. Nhiều phụ huynh sốt ruột việc học tập của con mình, dù hiện nay định hướng dạy học là hướng tới phát triển năng lực. Giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động theo hướng phát triển năng lực phù hợp với tình hình, không thể bắt ép học sinh đều giống nhau. Với những em tiếp thu chậm, giáo viên sẽ bổ sung kiến thức trong các tiết rèn luyện” - cô Nguyễn Thị Hồng Yến chia sẻ.
Cần thêm thời gian để làm quen
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua kiểm tra thực tế và dự giờ ở một số trường cho thấy, có thực tế học sinh đang gặp khó trong việc tiếp cận chương trình mới. Một số giáo viên có phản ánh, học sinh tiếp thu chậm hơn những năm trước. Còn phụ huynh cũng rất lo lắng chương trình nặng, quá sức với các con. Việc chương trình mới gặp khó khăn trong đầu năm học này do nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, các em học sinh năm nay vào lớp 1 rất gấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong suốt học kỳ 2 năm học 2019-2020, hầu hết các em không được tiếp cận đầy đủ chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi theo quy định, không được làm quen chữ viết để sẵn sàng với chương trình tiểu học. Mặt khác, do năm nay tựu trường muộn hơn so với mọi năm, nên giáo viên không có thời gian để cho các em làm quen môi trường mới. Trong khi đó, những năm trước giáo viên lớp 1 sẽ có khoảng hai tuần trước khai giảng để rèn nề nếp học sinh, cho các em tập tô các nét, làm quen chữ, nên dẫn đến học sinh tiếp thu bài chậm hơn so với những năm trước đây. Ở những trường đông học sinh, lớp thì việc kèm cặp càng khó khăn hơn.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên được giao quyền chủ động thực hiện chương trình. Theo đó, giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy gắn liền với điều kiện cụ thể của lớp, với năng lực, khả năng học tập của học sinh; bố trí thời lượng phù hợp, giảng dạy không vượt quá khả năng tiếp thu của các học sinh. Đối với các lớp có nhiều học sinh, giáo viên phải chia nhóm để dạy học và quan tâm nhiều hơn những em chậm tiếp thu. Quan trọng nhất, giáo viên phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, chia sẻ, trao đổi với phụ huynh cách học cùng con ở nhà. Điều này quan trọng khi các em học sinh lớp 1 chưa thể tự học.
Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố yêu cầu Ban giám hiệu các trường quan tâm hỗ trợ giáo viên lớp 1, đặc biệt những lớp có số lượng học sinh vượt quá quy định. Từ đó tháo gỡ kịp thời những khó khăn của giáo viên và lo lắng của phụ huynh. “Phụ huynh đừng quá sốt ruột. Do chưa được làm quen nên thời gian đầu các em sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận chữ viết và phát âm, nhưng hết học kỳ 1, các em sẽ theo được chương trình. Nhà trường sẽ có giải pháp điều chỉnh thời lượng dạy học sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh trong lớp. Không gây quá tải, không nhận xét phê bình gây áp lực cho học sinh cũng như phụ huynh", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục thành phố đã chú trọng bồi dưỡng giáo viên. Do tình hình dịch bệnh nên quá trình tập huấn được tổ chức trực tuyến. Tuy nhiên, Thành phố cũng đã nỗ lực đưa giáo viên cốt cán bồi dưỡng trực tiếp cho đồng nghiệp đại trà. Riêng nội dung tập huấn về sách giáo khoa, Sở tổ chức 6 ngày bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 1, thay vì 2 ngày như kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để giáo viên tiếp cận với sách giáo khoa trường đã lựa chọn một cách chủ động.