Tạm dừng thu theo Kết luận của Bộ Tư pháp
Thực hiện thẩm quyền kiểm tra văn bản được Chính phủ giao và Kết luận kiểm tra công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh Gia Lai, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai quy định chi tiết danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Kết luận kiểm tra số 14/KL-KTrVB ngày 9/1/2024 của Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật- Bộ Tư pháp do Cục Trưởng Hồ Quang Huy ký cho rằng: Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Giá năm 2012; Căn cứ theo Phụ lục Danh mục và nội dung hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01 tháng 1 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam thì Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai quy định về các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, trong đó có các khoản thu tiền dạy các môn tự chọn: Tiếng Anh, Tin học lớp 1, 2 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tiếng Anh, Tin học lớp 4, 5 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và các môn năng khiếu, kỹ năng sống (mục 2), dạy học tăng cường đối với các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông, dạy củng cố, dạy bồi dưỡng (mục 4 điểm a), dạy học tiếng nước ngoài trong nhà trường (mục 4 điểm g), dạy học các môn thể thao tự chọn (mục 4 điềm h), tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ngoài nhà trường (mục 4 điểm i) khi đối chiếu với các quy định trên thì không phù hợp.
Cũng theo quy định của Luật Giá năm 2012, Nghị quyết số 47/2023/NQ HĐND quy định về mức thu đối với mua sắm vật dụng, đồ dùng cá nhân (đồ dùng bán trú, ghế ngồi chào cờ, bảng tên học sinh, học bạ học sinh, đồng phục); nước uống cho học sinh… cũng chưa phù hợp với thẩm quyền, trách nhiệm được giao.
Ông Nguyễn Văn Long- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết: Hiện nay, Sở đã ban hành công văn tạm thời không thu các khoản theo kết luận của Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật- Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, việc thực hiện theo Công văn số 260/SGDĐT-KHTC khiến nhiều trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thay đổi phương án dạy học bán trú. Điều này có ảnh hưởng lớn đến phụ huynh học sinh và kế hoạch giảng dạy của nhà trường được xây dựng từ đầu năm học.
Phụ huynh học sinh kiến nghị
Tại Gia Lai, nhiều phụ huynh cho rằng Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND rất phù hợp với thực tiễn, mức thu hợp lý với thu nhập của người dân. Đồng thời, nhiều phụ huynh đề xuất cần xem xét lại việc tạm dừng thu các khoản thu theo Công văn số 260/SGDĐT-KHTC.
Thực hiện theo Công văn trên, nhiều trường đưa ra phương án dừng hẳn việc dạy học bán trú, nhiều trường thực hiện dạy học bán trú từ thứ 2 đến thứ 4, thứ 5 và thứ 6 học sinh học bán trú ăn trưa xong thì phụ huynh đón về. Chính điều này đã khiến hàng ngàn phụ huynh lo lắng và kiến nghị.
Phụ huynh H.K.H hiện có 2 con đang theo học bán trú tại một trường trên địa bàn thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) lo lắng khi nghe nhà trường thông báo thay đổi kế hoạch dạy học bán trú. Nhà neo người, công việc làm theo giờ hành chính nên việc đưa đón con theo thay đổi của nhà trường khiến chị H. rất khổ sở. Việc dừng bán trú vào các ngày thứ 5, thứ 6 và cho học sinh lớp 1 tan học sớm hơn các lớp 2,3,4 sẽ gây khó khăn và bất tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón, nhất là đối với các phụ huynh có 2-3 con cùng học tiểu học. Hơn nữa, việc dạy các môn thể thao tự chọn và hoạt động trải nghiệm là cần thiết cho học sinh, nếu không thu đồng nghĩa là cắt 2 môn đó không dạy trong nhà trường. Như vậy, học sinh sẽ không được trải nghiệm kiến thức thực tế mà chỉ được học những giáo điều trong sách vở - điều này không hợp lý với lứa tuổi học sinh tiểu học.
Nhà cách điểm trường học của con hơn 10km nên khi hay tin không thực hiện học bán trú khiến chị B.T.T loay hoay tìm phương án đưa đón con. “Viên chức nhà nước như tôi rất khó khăn trong việc đưa đón con khi không thực hiện phương án học bán trú. Hơn nữa, nếu đưa đón được đúng giờ thì không thể để con ở nhà một mình hoặc mang con theo lên cơ quan được. Vì thế, việc dừng học bán trú này rất bất cập. Đối với việc thu tiền các môn học tự chọn, nước uống là rất cần thiết và thiết thực, mức thu tại thành phố Pleiku cũng rất hợp lý. Chẳng có lý do gì để phải dừng rồi gây khó khăn cho hàng ngàn phụ huynh học sinh đang có con em trong độ tuổi học bán trú như thế này”, chị B.T.T cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát các khó khăn, đề xuất phương án giải quyết với mục tiêu không làm ảnh hưởng việc dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Quan điểm của tỉnh sẽ không dừng việc tổ chức học bán trú trong nhà trường.