Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi một số nội dung lý luận và thực tiễn trong quá trình triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.
Chia sẻ về kết quả khảo sát thực trạng dạy môn học tích hợp ở cấp Trung học Cơ sở khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Huệ, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: Nhìn chung, giáo viên Trung học Cơ sở dạy các môn học tích hợp đều gặp một số thách thức khi thực hiện các hoạt động liên quan đến việc sử dụng sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Những yêu cầu mới về xây dựng kế hoạch dạy học môn học tích hợp; thiết kế bài dạy tích hợp; tổ chức hoạt động dạy học tích hợp; thiết kế các hoạt động đánh giá thường xuyên theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; thiết kế bài kiểm tra định kì; thu thập minh chứng đánh giá; sử dụng kết quả đánh giá để điều chỉnh việc dạy cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với giáo viên.
Những thách thức đối với giáo viên khi triển khai dạy học các môn học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự tác động từ nhiều phía, như: Nhận thức của giáo viên về chương trình chưa tốt; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn triển khai và chưa phù hợp với các đối tượng tập huấn dẫn đến hiệu quả chưa như mong đợi; định mức giờ dạy, lương và phụ cấp chưa thỏa đáng... tạo áp lực về điều kiện sống, giáo viên chưa thể tâm huyết đầu tư thời gian, công sức cho việc bồi dưỡng chuyên môn, đổi mới hoạt động dạy học của mình. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nguồn học liệu chưa đảm bảo để hỗ trợ hiệu quả cho giáo viên tổ chức hoạt động dạy học các môn tích hợp theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh như mong muốn.
Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số khuyến nghị giúp giáo viên Trung học Cơ sở dạy học môn tích hợp vượt qua các thách thức để triển khai thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần xác định vấn đề, nội dung tập huấn, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối tượng giáo viên dạy môn học tích hợp theo đặc điểm vùng miền, độ tuổi; đồng thời, tăng cường phối hợp hiệu quả giữa Bộ và các địa phương trong triển khai tập huấn về dạy học tích hợp bằng hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp cho giáo viên. Tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cần được xây dựng và cung cấp đầy đủ, cơ bản, thiết thực bằng cả bản mềm và bản cứng cho giáo viên. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng ở những khóa tập huấn tiếp theo.
Bộ cũng cần xây dựng và ban hành các chính sách về chế độ lương, phụ cấp, khen thưởng phù hợp, trong đó chú ý đến chế độ trong thời gian giáo viên dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Cùng với đó, tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, thiết bị dạy học, nguồn tài nguyên dạy - học.
Đối với các nhà trường, xác định đúng trọng tâm vấn đề và các nội dung cần bồi dưỡng của các nhóm đối tượng giáo viên dạy các môn học tích hợp; tạo điều kiện để tất cả giáo viên dạy môn học tích hợp được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ, đặc biệt là với nhóm giáo viên dạy môn học tích hợp có ít năm công tác. Ngoài ra, có thể tổ chức các chuyên đề giữa các cụm trường chia sẻ về các vấn đề chuyên môn trong dạy học các môn học tích hợp.
Với nội dung giáo dục địa phương, đây là một trong những điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong chương trình tổng thể quy định, ở cấp Trung học Phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác và là nội dung giáo dục bắt buộc, có thời lượng 35 tiết/năm học.
Tiến sĩ Đoàn Thị Thuý Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia chia sẻ, trong thời gian vừa qua, các tỉnh, thành phố đã và đang tổ chức xây dựng chương trình, biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn như thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể về xây dựng khung chương trình chung, khó khăn về đội ngũ biên soạn... Trên cơ sở phân tích khung chương trình, tài liệu và việc triển khai nội dung giáo dục địa phương lớp 10 của 10 tỉnh cho thấy, chưa có sự thống nhất về khung nội dung cơ bản giữa các địa phương. Tài liệu của các địa phương cũng chưa có sự thống nhất về cấu trúc, số lượng chủ đề. Một số chủ đề còn chưa thực sự gắn với đặc trưng địa phương.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả xây dựng, biên soạn tài liệu cũng như triển khai chương trình giáo dục địa phương cấp Trung học Phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho những giai đoạn giáo dục tiếp theo, Tiến sĩ Đoàn Thị Thuý Hạnh cho rằng, cần hoàn thiện Khung chương trình giáo dục địa phương chung cho các địa phương, xây dựng một khung tài liệu nội dung giáo dục địa phương thống nhất về cấu trúc và hình thức trình bày. Ngoài ra, cần xây dựng phương án triển khai chương trình và biên soạn tài liệu cho mỗi giai đoạn giáo dục và có kế hoạch, phương án đánh giá sau mỗi lộ trình nhằm hoàn thiện tốt hơn nữa chương trình và tài liệu đã xây dựng.