Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý hoạt động giáo dục mầm non

Đó là chủ đề hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 30/10, tại Cần Thơ. Hội thảo nhằm thảo luận, chia sẻ khó khăn khi thực hiện các văn bản pháp luật về lĩnh vực giáo dục mầm non trong thực tiễn, trên cơ sở đó tham vấn giải pháp tháo gỡ, đề xuất sửa đổi hoặc bổ sung các điều khoản luật.

Chú thích ảnh
Một lớp học tại Trường mầm non tư thục Sao Mai Vĩnh Phúc trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN

Tại hội thảo, bà Hoàng Thị Dinh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo chủ trương của Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các bộ, ban, ngành tham mưu Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy định về quản lý, tổ chức và hoạt động cơ sở giáo dục mầm non. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các địa phương, việc triển khai các văn bản còn gặp khó khăn, bất cập, một số nội dung quy định chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tham dự hội thảo, các đại biểu đã nêu lên khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đơn vị triển khai các thông tư, điều lệ, quy chế về tổ chức và hoạt động giáo dục mầm non, quy chế dân chủ…

Cụ thể, một số khó khăn chung các tỉnh, thành phố đang vướng gồm: Quy định tổ chức thực hiện nuôi dưỡng và giáo dục trẻ từ 3 đến 12 tháng chưa thể thực hiện được tại các trường mầm non công lập do không đảm bảo điều kiện thực hiện. Quy định tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khuyết tật chưa thể thực hiện tốt do cán bộ quản lý và giáo viên không có chuyên môn, cơ sở vật chất không đảm bảo. Quy định tổ chức cho giáo viên và trẻ được tham gia hoạt động cộng đồng cũng chưa đạt kết quả mong muốn do nhiều cơ sở giáo dục mầm non không có kinh phí và thời gian, giáo viên phải chăm sóc và giáo dục trẻ toàn thời gian trong tuần…

Hiện vẫn chưa có cơ chế về sử dụng đất, thuê đất để thu hút nhà đầu tư thành lập trường mầm non tư thục tại khu công nghiệp, khu đô thị mới đông dân cư hoặc tạo điều kiện sử dụng đất ở cho các cơ sở mầm non độc lập có trên 70 trẻ được thành lập trường. Ngoài ra, chưa có quy định về chuyển đổi địa điểm, một chủ nhóm lớp được phép đứng tên bao nhiêu cơ sở nên khó khăn trong kiểm tra, cấp phép quản lý cơ sở mầm non độc lập…

Từ thực tế đó, các đại biểu đề xuất giải pháp thực hiện Điều lệ trường mầm non; Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập; nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục ở cơ sở giáo dục mầm non. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản hiện hành; điều chỉnh một số nội dung còn khó hiểu, khó thực hiện trong thực tế. Bộ tham mưu Chính phủ ban hành một số quy định và chính sách tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, quy định về đảm bảo chất lượng; tăng cường tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Bà Hoàng Thị Dinh cho biết, Bộ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong thực hiện Điều lệ trường mầm non; Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập; quy chế dân chủ trong quản lý ở cơ sở giáo dục mầm non, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện theo chủ trương của Đảng.

Ánh Tuyết (TTXVN)
Miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông năm học 2024 - 2025
Miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông năm học 2024 - 2025

Ngày 18/10, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc kỳ họp thứ XVIII (Kỳ họp chuyên đề).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN