Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Địa bàn thực hiện thí điểm mô hình trường công tự chủ đều có ít nhất 2 trường học cùng cấp để người dân có quyền lựa chọn (hoặc cho trẻ học trường học có chất lượng cao đóng học phí cao hơn, hoặc học ở trường công có mức học phí theo quy định chung của tỉnh).
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh Nguyễn Thị Thúy: Chủ trương các trường công lập tự chủ là đúng đắn, góp phần giảm gánh nặng đối với ngân sách cho giáo dục. Để các trường tự chủ được thì cần tăng học phí. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh có quy định mức học phí trên địa bàn tỉnh không quá 300.000 đồng/tháng. Các trường công lập muốn tăng học phí cao hơn mức này phải xin ý kiến và được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Khi xây dựng đề án các trường học tự chủ, thành phố Hạ Long dự định sẽ tăng học phí ở mức trần cao nhất theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (540.000 đồng/tháng đối với cấp học Mầm non và Tiểu học và 650.000 đồng/tháng đối với cấp Trung học Cơ sở). Dù đề án tự chủ của các trường trên chưa được cấp có thẩm quyền thông qua, song UBND thành phố Hạ Long đã cho phép các trường được thực hiện phương án tuyển sinh toàn thành phố, thay vì tuyển sinh theo địa bàn từng xã, phường như mọi năm. Việc tuyển sinh được thông báo cụ thể tới phụ huynh học sinh về mức học phí dự kiến trong năm. Như vậy, các gia đình cho trẻ học ở 5 trường trên phải chấp nhận học phí cao gần gấp đôi so với mặt bằng chung của thành phố.
Trường Tiểu học Quang Trung năm học 2022 - 2023 tuyển sinh được 190 học sinh lớp 1 từ nhiều phường trong thành phố, tương ứng với 6 lớp. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung Vũ Thị Hoàng Yến cho hay: Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, năm nay, tất cả lớp học của khối lớp 1 đều có phòng học thông minh (có máy chiếu, màn hình cảm ứng, bảng thông minh), lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ, có bàn học 2 chức năng mới (bàn học và giường ngủ). Toàn bộ kinh phí đầu tư trên do thành phố cấp. Ngoài ra, nhà trường cũng sàng lọc, lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 đạt chuẩn (toàn bộ là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố trở lên).
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh thông tin thêm, Sở quản lý về công tác chuyên môn ở tất cả các cấp học. Theo phân cấp, các cấp học từ Trung học Cơ sở trở xuống do chính quyền địa phương quản lý về con người, mô hình hoạt động.
Trước đó, ngày 31/8, tại Kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn năm 2022 - 2023. Dự kiến, số lượng học sinh được hỗ trợ là gần 225.400 em, kinh phí ước khoảng 458 tỷ đồng. Theo đó, mỗi học sinh các cấp khu vực thành phố Hạ Long sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi học sinh học ở các trường học tự chủ tài chính có thể sẽ phải đóng thêm khoản tiền chênh lệch cao hơn mức 300.000 đồng/tháng do việc tăng học phí (nếu Đề án tự chủ giáo dục đối với 5 trường trên được thông qua).
Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố Hạ Long đã "triển khai sớm" khi tiến hành tuyển sinh theo hướng tự chủ mà đề án tự chủ chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, năm học này, quyền lợi của không ít học sinh sẽ bị ảnh hưởng lớn, tạo kẽ hở trong việc tuyển sinh trái tuyến.
Dư luận đặt ra nhiều vấn đề với cách làm thí điểm tự chủ giáo dục của thành phố Hạ Long và cho rằng, chính quyền thành phố cần làm rõ được sự thay đổi về chất lượng giáo dục ở các trường công lập dự kiến sẽ thực hiện thí điểm mô hình tự chủ; cần minh bạch trong thu, chi học phí các khoản khác do phụ huynh đóng góp; đồng thời cần có biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh việc lạm thu, biến trường công lập thành trường tư thục. Nếu vẫn ngôi trường cũ, vẫn cơ sở hạ tầng và đội ngũ giáo viên cũ mà tăng học phí cao gần gấp đôi sẽ là bất cập.