Triển lãm trưng bày các tư liệu, văn bản, ấn phẩm và bản đồ được tập hợp từ các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế.
Đây là hoạt động thông tin, tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thông qua các tư liệu, văn bản, bản đồ, hình ảnh, hiện vật. Qua đó khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Phát biểu khai mạc triển lãm, bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, biển, đảo là một phần “máu thịt” thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam chúng ta. Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, biển, đảo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình dựng nước và giữ nước. Ông cha chúng ta đã đổ bao mồ hôi, xương máu để xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với những vùng biển, đảo của Tổ quốc. Ngày nay và mãi mãi về sau, các thế hệ người Việt Nam có trách nhiệm phải luôn giữ gìn, bảo vệ vững chắc biển, đảo của tổ tiên để lại, bảo vệ không gian sinh tồn đời đời của dân tộc.
Theo bà Trần Thị Quốc Hiền, trong bối cảnh hiện nay, biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển về kinh tế cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Tuy nhiên, nhận thức và hiểu biết về tiềm năng, lợi thế chiến lược của biển, đảo Việt Nam còn rất khác nhau, chưa đầy đủ, thậm chí có những sai lệch. Điều này đã, đang và sẽ tác động mạnh đến sự nghiệp bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông và đến sự phát triển bền vững kinh tế biển. Chính vì vậy, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” bổ sung và làm rõ mục tiêu chung và tiếp tục: “phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển”.
Triển lãm gồm các nhóm tư liệu chính: Bộ tranh vẽ “ Lược sử Việt Nam” tóm tắt quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam qua các thời kì, từ thời Kinh Dương Vương đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các tư liệu thành văn của các triều đại phong kiến Việt Nam; các bản đồ liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa trong thời kì Pháp thuộc và Ngụy quyền; một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong thời gian vừa qua; trình chiếu triển lãm số 3D, trải nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trên máy tính bảng.
Ngoài ra, chương trình còn tổ chức giao lưu giữa cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường với các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Biển Đông nhằm giải đáp và cung cấp thêm thông tin liên quan đến biển, đảo, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Võ Hoàng Khải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho biết, việc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam Những bằng chứng lịch sử” tại Trường Đại học Trà Vinh là hoạt động có ý nghĩa to lớn, góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông, vốn được tổ tiên người Việt bao đời và Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Hoạt động này còn có ý nghĩa rất thiết thực với cán bộ, giảng viên, sinh viên và nhân dân tỉnh Trà Vinh, tiếp tục khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc để qua đó, mỗi người thấy rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc nói chung và biển đảo quê hương nói riêng.
Dự kiến triển lãm được tổ chức đến ngày 21/10. Sau khi kết thúc triển lãm, Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển giao toàn bộ tư liệu và hiện vật trưng bày tại triển lãm để nhà trường tiếp tục tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường.