Hiện sức khỏe các bệnh nhân được ghép tạng đã hồi phục tốt, ổn định. Các bệnh nhân ghép tạng "xuyên Việt" đã được rút nội khí quản, tỉnh táo hoàn toàn. Các chỉ số huyết động và sinh hóa ổn định, chức năng tạng tốt sau hậu phẫu ngày thứ 3.
Cụ thể, từ ngày 2/4 đã có 4 ca ghép thận cùng huyết thống, một ca ghép thận tự thân và 3 ca ghép tạng “xuyên Việt” được thực hiện thành công tại Bệnh viện Trung ương Huế. Qua đó, đơn vị xác lập kỷ lục số ca ghép tạng nhiều nhất trong 48 giờ.
Trong đó, 3 ca ghép tạng “xuyên Việt” gồm tim, gan, thận lần đầu tiên thực hiện từ người cho chết não tại bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh.
Đây cũng là trường hợp đa tạng được vận chuyển xuyên Việt có quãng đường (Quảng Ninh - Hà Nội - Thừa Thiên - Huế) và thời gian vận chuyển (khoảng 6 giờ) dài nhất từ trước đến nay. Quá trình vận chuyển, ekip các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế phải sử dụng nhiều phương tiện như, xe cứu thương, máy bay dân dụng.
Đêm muộn 31/3, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận thông tin điều phối tạng từ Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia về việc có người hiến chết não tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh hiến tặng tạng. Lúc này, đơn vị đang điều trị bệnh nhân đủ điều kiện nhận các tạng hiến gan, tim và thận.
Ngày 1/4, Bệnh viện Trung ương Huế cử ekip 8 y, bác sĩ - những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ghép tạng do Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế làm trưởng đoàn đến Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Quảng Ninh. Tại đây, đơn vị cùng Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Việt Đức tham gia họp, đánh giá, phân tích tìm cách phối hợp để lấy được đa tạng đáp ứng tiêu chí an toàn nhất và nhanh nhất đảm bảo thời gian cho phép của tạng hiến.
Sau khi đánh giá chết não theo đúng quy trình, cuộc phẫu thuật lấy tạng được tiến hành lúc 2 giờ ngày 2/4 với sự tham gia của khoảng 120 y bác sĩ. Quá trình lấy tạng được thay đổi về chiến lược. Bình thường sau khi lấy gan ra khỏi cơ thể, ekip lấy tạng tiến hành rửa và chia gan. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian, Phó Giáo sư Lê Văn Thành (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã quyết định chia gan nóng khi tim người hiến còn đập, sau đó, mới tiến hành ngưng tim, rửa và lấy tạng.
Ngay sau khi được lấy thành công, 3 tạng hiến (tim, gan, thận) được vận chuyển từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh đến Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) bằng xe cứu thương để kịp chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines khởi hành lúc 8 giờ 10 cùng ngày. Sau nhiều chặng đường di chuyển, các tạng hiến đã có mặt tại Bệnh viện Trung ương Huế vào lúc 9 giờ 50 phút cùng ngày để thực hiện cùng lúc ghép tạng cho 3 bệnh nhân.
Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, trái tim người hiến đã đập lại trong lồng ngực bệnh nhân suy tim rất nặng, từng 2 lần ngưng tim.
Một bệnh nhi (2,5 tuổi) được chẩn đoán xơ gan ngày càng nặng do teo đường mật bẩm sinh, tiến triển xơ gan mất bù đã được cứu sống bởi ekip ghép gan của Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 và Bệnh viện Trung ương Huế sau 8 giờ phẫu thuật. Siêu âm đánh giá trong và ngay sau mổ cho thấy, các miệng nối mạch máu lưu thông tốt, đảm bảo lưu lượng mảnh ghép. Sau hai ngày hậu phẫu, trẻ đã tỉnh táo, thích nghe nhạc, ăn được cháo loãng. Các thông số tiến triển theo xu hướng tốt.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, đây là cuộc ghép tạng "xuyên Việt" đầu tiên có 3 tạng ghép được thực hiện tại cùng một trung tâm y học lớn của miền Trung. Các ca ghép đặt ra áp lực cho đội ngũ y tế về khoảng cách địa lý, phải đảm bảo thời gian từ lúc lấy quả tim rời lồng ngực người hiến đến với lồng ngực người nhận không được quá 6 giờ. Ở lần nhận điều phối này, các yếu tố khoảng cách, phương tiện và thiết bị cần thiết đều không thuận lợi. Sự thành công của các ca ghép tạng "xuyên Việt" khẳng định năng lực, tiềm năng của ngành ghép tạng Việt Nam nói chung và của miền Trung nói riêng.