Đại diện các Vụ, Cục của Bộ Y tế, Hiệp hội Điều dưỡng Đức, các viện dưỡng lão tại Đức, trường đào tạo điều dưỡng tại Việt Nam, công ty tuyển dụng nhân lực điều dưỡng tại Đức và Việt Nam cùng trên 700 đại biểu tham dự trực tuyến tại 220 điểm cầu.
Hiện điều dưỡng là nguồn nhân lực quan trọng trong dịch vụ chăm sóc người bệnh. Việc thiếu điều dưỡng trong các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc người bệnh. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới khủng hoảng thiếu điều dưỡng trong các cơ sở y tế như Nhật Bản, Đức, Canada… Trong khi đó, Việt Nam có nguồn nhân lực điều dưỡng rất lớn, chính sách của Nhà nước hiện nay đang khuyến khích sử dụng nguồn lao động sau khi làm việc nước ngoài trở về vì họ có ngoại ngữ và chuyên môn giỏi do được học tập và làm việc với các nước trên thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Lại Vũ Kim, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, Phó Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Y tế cho biết, Hội thảo là cơ hội để các bên liên quan trao đổi thông tin về chính sách tuyển dụng, điều kiện công việc, vị trí việc làm; nhu cầu nhân lực điều dưỡng tại Đức và kỳ vọng đối với nhân lực điều dưỡng đến từ Việt Nam. Bên cạnh đó là những đánh giá từ phía Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam về triển vọng tham gia thị trường lao động chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia phát triển; đánh giá của Đoàn công tác về việc điều dưỡng học tập và làm việc tại Đức; trải nghiệm của chính các điều dưỡng Việt Nam đang học tập và làm việc tại Đức.
Theo Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, việc thiếu điều dưỡng diễn ra trên toàn cầu, đặc biệt thiếu điều dưỡng trong xã hội gia tăng người cao tuổi.
Hiện cả nước có 182 cơ sở đào tạo điều dưỡng, mỗi năm có khoảng gần 20.000 sinh viên tốt nghiệp. Nguồn nhân lực điều dưỡng không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước và đáp ứng nhu cầu nước ngoài. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nhân lực điều dưỡng tại các cơ sở khám chữa bệnh rất hạn chế dẫn đến điều dưỡng sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm nhiều. Với quy mô tuyển sinh - đào tạo - sử dụng trong nước như hiện nay, Việt Nam có đủ nhân lực điều dưỡng đi làm việc tại nước ngoài như Đức, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…, Tiến sĩ Phạm Đức Mục khẳng định.
Đại diện Hiệp hội Điều dưỡng Đức cho biết, năm 2023, Đức có khoảng 1,8 triệu điều dưỡng viên. Số lượng điều dưỡng đã tăng liên tục do nhu cầu chăm sóc ngày càng tăng. Tại các bệnh viện có khoảng 60% là điều dưỡng chuyên nghiệp, 30% là trợ lý chăm sóc. Các cơ sở dưỡng lão có 48% là trợ lý chăm sóc, 47% là điều dưỡng chuyên nghiệp
Dự báo năm 2049, nhu cầu về điều dưỡng cả chuyên nghiệp và trợ lý của Đức sẽ cần từ 280.000 - 690.000 người.
Chia sẻ từ điểm cầu Đức, điều dưỡng Khánh Ly - cựu sinh viên Cao đẳng Y tế Hà Nội, đã tốt nghiệp chuyển đổi bằng tại Đức, hiện làm tại một Viện dưỡng lão cho biết: "Em tham gia học tiếng Đức khi đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Cao đẳng Y tế Hà Nội và sang Đức năm 2021. Quá trình 6 tháng đầu sang Đức em học bằng B2 tiếng Đức, sau đó tham gia chuyển đổi nghề mất 6 tháng và từ 7/2022 làm điều dưỡng chính thức của Viện dưỡng lão".
“Theo em, rào cản lớn nhất khi sang chính là ngôn nên các học viên cần nỗ lực học tập và cố gắng vì mức lương được trả hoàn toàn tương xứng với công sức của mình”, Khánh Ly chia sẻ.
Đến nay, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội đã có hơn 100 sinh viên tốt nghiệp và làm việc tại Đức.
Chia sẻ thông tin sau chuyến công tác, khảo sát tại Cộng hòa Liên bang Đức, Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết, điều dưỡng Việt Nam tại Đức có nền tảng kiến thức chuyên môn vững vàng, có tay nghề tốt, chăm chỉ và có cơ hội thăng tiến trong công việc cao. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là ngôn ngữ, bên cạnh đó là khác biệt về văn hóa và tập quán cũng như những quy định về thủ tục hành chính, luật pháp Đức mỗi bang cũng có những điểm khác nhau…
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết giữa Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vicat Toàn Cầu về thực hiện Dự án GaVic trong chuyển đổi bằng điều dưỡng tại Đức để các điều dưỡng có thêm cơ hội việc làm tại Công hòa liên bang Đức.