Ở vòng tứ kết, dù được nhận định cao hơn so với đối thủ song cả Anh lẫn Hà Lan đều chật vật mới có thể giành được vé đi tiếp. Tam Sư bị Thụy Sĩ kéo đến tận loạt đá luân lưu 11 m. Trong khi đó, phải rất vất vả, Hà Lan mới ngược dòng đánh bại Thổ Nhĩ Kỳ. Những màn thể hiện của Anh và Hà Lan thực sự là thiếu thuyết phục, tuy nhiên, màn đối đầu giữa 2 “đại gia” ở châu Âu sắp tới vẫn hứa hẹn sẽ hấp dẫn.
Theo thống kê, Anh và Hà Lan chạm trán nhau 23 lần trong lịch sử và thành tích đối đầu khá cân bằng. Tam Sư giành được 7 chiến thắng, Cơn lốc màu cam có 7 chiến thắng, còn lại hòa nhau đến 9 lần.
Trong thành phần đội tuyển Hà Lan tham dự EURO lần này có khá nhiều thành viên đang chơi bóng tại giải Ngoại hạng Anh như Nathan Ake (Man City), Ryan Gravenberch, Cody Gakpo và Virgil van Dijk (Liverpool)…Những cầu thủ như Wout Weghorst, Memphis Depay, Georginio Wijnaldum, Daley Blind… cũng từng thi đấu ở Premier League
HLV trưởng của đội bóng Xứ sở hoa Tulip ông Ronald Koeman cũng từng dẫn dắt những CLB ở Ngoại hạng Anh là Southampton và Everton.
Có thể nói, tuyển Hà Lan hiện nay khá hiểu lối chơi của người Anh. Đây sẽ là chìa khóa để họ chuẩn bị sẵn các phương án đối phó với thầy trò HLV Gareth Southgate ở trận tới.
Trận này, mọi quan tâm đều đổ dồn vào chân sút Gakpo bên phía Hà Lan. Tiền đạo này đang có phong độ khá cao và nếu trong trận bán kết với Tam Sư sắp tới, Gakpo tiếp tục lập công, gần như chắc chắn anh sẽ nắm ngôi Vua phá lưới.
Sau 20 năm, Hà Lan mới lại vào chơi ở một trận bán kết EURO. Mục tiêu của Cơn lốc màu cam là tái lập được thành tích của các tiền bối tại EURO 1988. Ở vòng chung kết năm đó trên đất Đức, với sự tỏa sáng của “ba chàng lính ngự lâm” Ruud Gullit, Marco Van Basten và Frank Rijkaard, đội tuyển Xứ sở hoa Tulip đã giành được danh hiệu quốc tế đầu tiên. Cũng từ EURO 1988, bộ ba cầu thủ này đã trở thành huyền thoại của bóng đá Xứ sở hoa Tulip đến nay.
Trong 5 trận gần nhất, Hà Lan tỏ ra áp đảo hơn với 3 chiến thắng, hòa 1 trận và chỉ thua 1 trận.
Trước khi VCK EURO 2024 diễn ra, đa phần giới chuyên môn và người hâm mộ của Hà Lan đều không dám tin là thầy trò HLV Ronald Koeman có thể làm nên chuyện. Tuy nhiên, trong bóng đá thì không nói trước được điều gì.
Cũng nên nhớ rằng, trong quá khứ, tuyển Hà Lan thường "có duyên" với những giải đấu được tổ chức trên đất Đức. Tính đến thời điểm này, chức vô địch EURO 1988 là danh hiệu lớn duy nhất mà Hà Lan có được. Tại World Cup 1974 cũng do nước Đức làm chủ nhà, tuyển Hà Lan đã xuất sắc giành được ngôi vị Á quân (thua Đội tuyển Đức trong trận chung kết).
Hà Lan đã chờ đợi 36 năm để tiếp tục chinh phục giấc mơ vô địch, Cơn lốc màu cam đang chứng minh đủ sức làm nên điều kỳ diệu.
HLV Southgate đã gây tiếng vang khi dẫn dắt tuyển Anh vào đến chung kết EURO 2020. Nhưng tại giải đấu năm nay, chiến lược gia này đang phải chịu rất nhiều sức ép. Lối chơi thiếu đường nét và thiếu thuyết phục của Tam Sư suốt từ vòng bảng cho đến trận tứ kết khiến HLV Southgate phải nhận khá nhiều chỉ trích.
Một đội bóng hòa 4 trận liên tiếp trong thời gian chính thức như tuyển Anh, đồng thời đạt hiệu suất tấn công rất khiêm tốn, rõ ràng khó tạo ra nhiều ưu thế khi chạm trán Hà Lan.
Hành trình tìm kiếm chiếc Cúp vô địch EURO đầu tiên của đội tuyển Anh sau 58 năm vẫn đang đúng hướng. Dù vậy, còn nhiều vấn đề mà vị "thuyền trưởng" của tuyển Anh phải giải quyết nếu muốn giành chiến thắng ở trận bán kết.
Theo lịch thi đấu, màn chạm trán giữa Anh và Hà Lan sẽ diễn ra vào lúc 2 giờ ngày 11/7. Với việc cả hai cùng có những cầu thủ chất lượng trong đội hình, người hâm mộ hy vọng rằng, Hà Lan và Anh sẽ trình diễn lối chơi đôi công đẹp mắt.
Dự kiến đội hình xuất phát của 2 đội
Anh: Pickford, Walker, Stones, Guehi, Saka, Mainoo, Rice, Trippier, Bellingham, Foden, Kane
Hà Lan: Verbruggen, Dumfries, De Vrij, Van Dijk, Ake, Schouten, Reijnders, Malen, Simons, Gakpo, Depay
Trong lần gần nhất HLV Koeman cầm quân đối đầu với người Anh là ở trận bán kết UEFA Nations League 2018 - 2019. Trận đấu đó Hà Lan đã vùi dập Tam Sư với tỷ số 3 - 1.