Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn cho biết, từ ngày 28/3, đơn vị đã triển khai cấp gạo cho các trường tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Trong ngày 31/3, đơn vị đã hoàn thành giao, nhận gạo cho các trường học bán trú trên địa bàn huyện Trạm Tấu; đến hết ngày 2/4 sẽ giao đủ 100% gạo cho huyện Mù Cang Chải.
Về vấn đề tiếp nhận gạo hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn, theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, các trường học tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã nhận bàn giao gạo từ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn.
Thầy giáo Hà Trần Hồng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Khao Mang, huyện Mù Chải cho hay, trong ngày 29/3, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn đã cấp bổ sung 39 tấn gạo của kỳ 2, năm học 2023 - 2024 cho đơn vị. Số lượng gạo này sẽ đủ đáp ứng cho học sinh trong thời gian còn lại của năm học. Số gạo đã giúp nhà trường tổ chức nấu ăn và chăm sóc học sinh bán trú. Đây cũng là nguồn động viên lớn để học sinh vùng cao yên tâm học tập, phụ huynh cũng yên tâm gửi con, em đến trường.
Năm học 2023 - 2024, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Khao Mang có tổng số 603 học sinh, trong đó có 515 học sinh được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116. Trong 3 tuần đầu tháng 3/2024, do nguồn cấp gạo cho các học sinh chậm, nhà trường đã phải huy động vay 11 tấn gạo từ trong dân và các phụ huynh để phục vụ việc nấu ăn.
Còn đối với với trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Mồ Dề (xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải), ngay trong sáng 29/3, nhà trường đã tiếp nhận gần 16,5 tấn gạo trên tổng số 67 tấn của học kỳ 2 năm học 2023 - 2024. Số gạo này đã được nhà trường lưu trữ trong kho để bảo quản, sử dụng.
Thầy giáo Nguyễn Văn Chỉnh, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Mồ Dề chia sẻ, sau khi tiếp nhận đủ số gạo, nhà trường sẽ thực hiện tốt việc bảo quản, tránh ẩm mốc. Việc cấp gạo kịp thời này sẽ đáp ứng công tác nuôi, dạy 899 học sinh bán trú của Trường, giúp học sinh yên tâm học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Không giấu được sự vui mừng, phấn khởi, thầy giáo Lò Văn Liên, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Xà Hồ (xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu) cho biết, đơn vị hiện có hơn 903 học sinh theo học, với 717 em bán trú. Những ngày qua, do gạo hỗ trợ đến chậm, nhà trường đã phải đi vay gạo từ các đơn vị trường bạn, cũng như các hộ kinh doanh, phụ huynh học sinh để đủ gạo nấu ăn cho các em học sinh...
Việc kịp thời cấp gạo giúp cho các nhà trường tháo gỡ những khó khăn về nguồn gạo, duy trì sỹ số, chất lượng giáo dục, giúp cho học sinh được hưởng chế độ yên tâm học tập.
Ông Lê Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn thông tin thêm, năm 2024 là năm thực hiện theo Luật Đấu thầu mới trên mạng đấu thầu quốc gia nên đã chậm chễ trong việc cấp gạo cho các trường bán trú ở tỉnh Yên Bái. Ngay sau khi có kết quả đấu thầu, Cục đã báo cáo với UBND tỉnh Yên Bái để chỉ đạo các ban, ngành, địa phương của tỉnh trong công tác phối hợp tiếp nhận gạo hỗ trợ.
Theo kế hoạch, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn được Tổng cục Dự trữ Nhà nước giao nhiệm vụ xuất cấp 1.875 tấn gạo hỗ trợ học sinh tỉnh Yên Bái học kỳ 2 năm học 2023 - 2024. Trong đó, các trường bán trú của huyện Mù Cang Chải được cấp 904 tấn gạo và huyện Trạm Tấu là hơn 452 tấn.
Trước đó, ngày 21/3, TTXVN đã đưa tin "Tháo gỡ khó khăn trong công tác chăm sóc, giáo dục học sinh dân tộc bán trú", phản ánh việc cấp gạo cho các trường bán trú trên địa bàn tỉnh Yên Bái bị chậm so với kế hoạch. Nhiều trường bán trú ở hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã phải vay gạo của các hộ kinh doanh và huy động phụ huynh học sinh đóng góp để nấu ăn cho học sinh...