Để tạo khung khổ pháp lý cho hoạt động của các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam, góp phần đa dạng hóa các chính sách an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí tự nguyện. Nghị định này được ban hành căn cứ định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020.
Khoản 7 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng quy định sản phẩm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.
Sau hơn 2 năm triển khai, nhằm đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, đơn giản hóa một số điều kiện, hồ sơ đối với dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Triển khai quy định tại Nghị định, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các thông tư hướng dẫn về chế độ báo cáo, hoạt động đầu tư quỹ và văn bản thỏa thuận tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện tại doanh nghiệp. Hiện khung pháp lý để triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung đã được ban hành đầy đủ.
Theo Nghị định 88, chỉ có doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện mới được phép tổ chức dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện với các điều kiện cụ thể (doanh nghiệp thành lập hợp pháp tại Việt Nam được phép hoạt động trong các lĩnh vực: bảo hiểm nhân thọ, quản lý quỹ.
Đối với công ty quản lý quỹ phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý quỹ; tổng giá trị tài sản quản lý tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, đang hoạt động quản lý quỹ mở hoặc quỹ trái phiếu; không phải là tổ chức nằm trong diện đang được tái cơ cấu…). Nghị định số 88 còn quy định về việc thiết lập và hoạt động của quỹ hưu trí; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí cũng như trách nhiệm của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong việc thẩm định cấp phép, theo dõi và đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này.
Bộ Tài chính cho biết, đã phối hợp với các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp rà soát hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cho 4 doanh nghiệp. Hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021 và hiện có 10 quỹ do 4 doanh nghiệp quản lý quỹ được cấp phép thành lập với tổng trị giá tài sản đến cuối năm 2023 là 857,9 tỷ đồng.
Thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã thay đổi các nguyên tắc vận hành nền kinh tế và thị trường tài chính của các nước trên thế giới. Đối với hệ thống quỹ hưu trí, tình hình tài chính - tiền tệ trên thế giới thời gian gần đây có nhiều biến động phức tạp đã khiến hệ thống quỹ hưu trí gặp rất nhiều khó khăn, giá trị tổng tài sản của nhiều quỹ giảm mạnh do giá trái phiếu Chính phủ (là tài sản đầu tư an toàn và chiếm tỷ trọng lớn của các quỹ) giảm mạnh. Trước tình hình đó, chính phủ một số nước đã phải can thiệp khẩn cấp, dù đây là các quỹ hưu trí tư nhân, để ngăn chặn nguy cơ căng thẳng tài chính lan rộng, ổn định tâm lý của người dân.
Trên cơ sở theo dõi xu hướng tác động lên các quỹ hưu trí tại một số quốc gia trước biến động của thị trường tài chính quốc tế trong thời gian qua, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá quy định của pháp luật về hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện để báo cáo Chính phủ trong tổng thể các chính sách bảo hiểm xã hội tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng thận trọng, bảo đảm an toàn, bền vững hệ thống.
Trên cơ sở định hướng chính sách được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đánh giá để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định 88 để xây dựng, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.