Liên quan đến sự việc trên, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cho hay, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện một số đối tượng dùng giấy tờ nghỉ ốm giả, không do cơ quan có thẩm quyền cấp để hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm Xã hội thành phố đã từ chối thanh toán 42 trường hợp với số tiền 45,9 triệu đồng.
Mua giấy tờ nghỉ ốm giả trên mạng
Đơn cử, từ chứng cứ của Bảo hiểm Xã hội Hà Nội và kết quả điều tra của Công an quận Long Biên, ngày 29/3/2023, Tòa án nhân dân quận Long Biên đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Thị Mỹ (1997, thường trú tại thôn Đình Hồ, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) 26 tháng tù cho hưởng án treo; buộc bị cáo Mỹ phải truy nộp số tiền thu lời bất chính để sung Ngân sách Nhà nước.
Đây được xem là vụ việc điển hình trong xử lý trước pháp luật đối với đối tượng về hành vi kê khai thông tin không đúng sự thật trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại Hà Nội.
Quá trình điều tra từ nguồn thông tin của Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cung cấp, cơ quan Công an xác định: do có nhu cầu nghỉ việc, 7 công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn hệ thống dây Sumi Hanel (đóng tại quận Long Biên) đã thông qua người thân, bạn bè và tự lên mạng xã hội Facebook, Zalo tìm mua Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội giả. Trong đó, một số công nhân đã liên hệ với tài khoản Facebook "CoTenKhong", tài khoản Zalo "Nguyễn Kiệt" và đối tượng Nguyễn Thị Mỹ, có tên tài khoản Facebook là "Mỹ Nguyễn" để mua Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội giả.
Sau khi tiếp nhận thông tin cá nhân của người cần mua, Mỹ đã liên hệ với tài khoản Zalo "Nguyễn Kiệt" để đối tượng này làm Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội có đóng dấu tròn của Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm (Hà Nội). Nguyễn Thị Mỹ sẽ là người trung gian mua bán giấy tờ để hưởng hoa hồng chênh lệch. Theo lời khai của các công nhân và đối tượng Mỹ, mọi giao dịch mua bán giấy tờ giả đều thực hiện qua tin nhắn Messenger, Zalo. Bảy công nhân và Mỹ không biết người làm giấy tờ giả là ai, ở đâu, tên là gì mà chỉ nhận giấy tờ qua các dịch vụ giao hàng.
Cơ quan Công an xác định Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của 7 người lao động không phải do Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm cấp, không có y, bác sĩ nào công tác tại Bệnh viện có tên như trong giấy tờ giả, chữ ký của lãnh đạo và con dấu của Bệnh viện bị các đối tượng làm giả.
Xét thấy hành vi mua Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội giả của 7 công nhân và những người liên quan, cơ quan Công an quận Long Biên đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND quận Long Biên ra quyết định xử phạt hành chính đối với những đối tượng trên về hành vi Kê khai thông tin không đúng sự thật trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cho biết, không chỉ có bệnh viện cấp huyện mà ngay tại cơ sở khám, chữa bệnh lớn như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng xuất hiện việc làm giả chữ ký trong Giấy ra viện để hưởng lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Phản ánh về việc giả mạo chữ ký của người có thẩm quyền, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đã tiếp nhận thông tin về việc chữ ký của mình bị một số đối tượng giả mạo trên "Giấy ra viện" được lưu hành tại Hưng Yên và Hà Nội. Ông Đào Xuân Cơ thông tin, việc ký Giấy ra viện được ủy quyền cho cấp dưới thực hiện. "Việc một số đối tượng giả mạo chữ ký của lãnh đạo bệnh viện là hết sức nguy hiểm, đề nghị cơ quan Công an vào cuộc điều tra và các biện ngăn chặn, xử lý nghiêm trước pháp luật", ông Đào Xuân Cơ đề nghị.
Chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa trục lợi bảo hiểm
Theo bà Nguyễn Thị Tám, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, qua sự việc trên cho thấy, việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi các chế độ của chính sách bảo hiểm xã hội đã và đang có nguy cơ diễn ra tại Hà Nội, vì trên địa bàn thành phố có hàng trăm phòng khám, cơ sơ y tế đủ điều kiện để cấp giấy tờ liên quan đến khám, chữa bệnh để hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố nhấn mạnh, trục lợi bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Do đó, để đảm bảo việc tuân thủ thực thi chính sách pháp luật theo quy định, phòng, chống lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội đã có văn bản nghị Sở Y tế phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa việc trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trong đó, Bảo hiểm Xã hội đề nghị với Sở Y tế thành phố Hà Nội, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, quy trình khám, chữa bệnh của Bộ Y tế và nghiêm cấm các hành vi trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội; chỉ đạo thực hiện việc đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ ký sử dụng trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế và các quy định khác của pháp luật...
Bảo hiểm Xã hội quận Long Biên là một trong nhiều đơn vị trực thuộc Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội trực tiếp tiếp nhận, thực hiện việc giám định, "soi xét" hồ sơ để chi trả cho người đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đại diện lãnh đạo đơn vị này cho biết, thời gian qua đã chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ liên quan, đẩy mạnh kiểm tra, đối soát chứng từ đề nghị thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn để phát hiện các trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế thông qua cấp Giấy chứng nhận nghỉ hưởng các chế độ bảo hiểm khống và lập hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế sai quy định.
Làm rõ hơn vấn đề này, bà Lê Thị Kim Thúy, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội quận Long Biên chia sẻ, đơn vị chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên rà soát các đơn vị có số chi giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn tăng cao, bất thường và tiến hành kiểm tra theo quy định. Đối với các chứng từ ốm đau, thai sản đối chiếu không đúng với mẫu dấu, mẫu chữ ký của cơ sở khám, chữa bệnh đã đăng ký trên Cổng Thông tin Giám định Bảo hiểm y tế, đơn vị sẽ từ chối thanh toán và lập danh sách cùng toàn bộ chứng từ chuyển cơ quan Công an để kịp thời phối hợp ngăn chặn.