Theo kết quả xếp hạng tăng trưởng, năm 2021, Hà Tĩnh ước đạt 5,02%, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4 trong khu vực Bắc Trung bộ. Sản xuất công nghiệp phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng; chỉ số sản xuất toàn ngành ước tăng gần 17% so với năm 2020. Xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7%; thu ngân sách dự kiến cả năm đạt 16.000 tỷ đồng. Các vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu 2021 liên tiếp được mùa toàn diện, năng suất và sản lượng đạt cao nhất từ trước đến nay. GRDP đầu người ước đạt 65,2 triệu đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền quân và dân tỉnh Hà Tĩnh; cho rằng, kết quả này có được có cội nguồn từ sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ, với quyết tâm chính trị cao với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hệ thống chính trị được quan tâm, củng cố; an sinh xã hội được thực hiện tốt. Đặc biệt, Chủ tịch nước đánh giá cao những mô hình mới xuất hiện ở khu vực nông thôn Hà Tĩnh thu hút được sự tham gia của đông đảo bà con, cách làm đa dạng, xã hội hóa, huy động được các nguồn lực tham gia xây dựng và làm thay đổi bộ mặt ở khu vực nông thôn. Tỉnh cũng làm tốt việc bố trí nơi ăn, chỗ ở, công việc làm cho người từ khu vực phía Nam hồi hương; an ninh trật tự ổn định, đồng bào các tôn giáo sống tốt đời, đẹp dạo, tích cực tham gia xây dựng và phát triển quê hương.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Hà Tĩnh có những nguồn lợi thế riêng có cả về hạ tầng kinh tế - xã hội và con người hiếm nơi nào có được. Do đó, tỉnh đang đứng trước thời cơ, triển vọng lớn để “nổi bật lên” như Bác Hồ hằng mong muốn.
Về nhiệm vụ trước mắt, Chủ tịch nước đề nghị Hà Tĩnh làm tốt các mục tiêu kép tăng cường số lượng tiêm mũi 2, mũi 3 và tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em. Tỉnh cần tiếp tục phấn đấu giảm khoảng cách giàu nghèo thông qua các biện pháp an sinh xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chủ tịch nước đề nghị Hà Tĩnh đổi mới mạnh mẽ và mở cửa nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất; tăng cường thu hút nguồn lực để bổ sung giá trị gia tăng cho địa phương; chú ý tận dụng hết nguồn lực sẵn có của các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn. Cùng với đó là tiếp tục quan tâm đến giáo dục, đào tạo; quan tâm, hỗ trợ đầu tư cho các học sinh giỏi để làm nguồn lực chất lượng cao lâu dài cho địa phương. Bởi Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học, học giỏi với nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử trong nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, bộ, ngành của Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ giải quyết các đề xuất của Hà Tĩnh trong phát triển hạ tầng; trong đó có kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước và vốn ngân sách.
Chủ tịch nước mong muốn Hà Tĩnh phải cùng với Nghệ An, Thanh Hóa hình thành một cực tăng trưởng mới của đất nước; đẩy mạnh hơn nữa các nền tảng phát triển theo mô hình cỗ xe tam mã: Sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.Đặc biệt Hà Tĩnh phải đi đầu trong chuyển đổi số; tăng cường áp dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Trong thu hút đầu tư, cần đề cao tính chọn lọc để có những dự án tốt, hiệu quả; trong đó phải chú trọng đến phát triển nội lực, các doanh nghiệp nội địa.
Đáng chú ý, Chủ tịch nước căn dặn tỉnh cần thường xuyên coi trọng công tác bảo vệ môi trường, rút kinh nghiệm sâu sắc từ sự cố Formosa để đảm bảo tăng trưởng bền vững, gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên của Hà Tĩnh. Xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu gắn với xây dựng đô thị phù hợp với điều kiện đặc thù.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Hà Tĩnh không chủ quan, xử lý tốt những vấn đề phát sinh đảm bảo quốc phòng, an ninh; gìn giữ, tăng cường mối quan hệ đối ngoại với các địa phương giáp biên thuộc nước bạn Lào.
*Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm mô hình nhà văn hóa cộng đồng-ngôi nhà trí tuệ tại thôn Phan Chu Trinh, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Chứng kiến các hoạt động hội, họp, thể dục thể thao buổi sáng, các hoạt động vui chơi giải trí cũng như văn hóa tại nhà văn hóa đa năng để nâng cao trí lực và thể lực của cả lớp trẻ đến người cao tuổi của thôn Phan Chu Trinh, Chủ tịch nước cho rằng, mô hình này đem lại nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con; đồng thời góp phần phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân.
Chủ tịch nước mong muốn địa phương không ngừng đổi mới hình thức hoạt động của nhà văn hóa để thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt bên cạnh việc phòng tránh lũ lụt. Các hoạt động của nhà văn hóa phải đảm bảo an toàn cho người dân, đảm bảo các yếu tố về điện, vệ sinh môi trường. Cần có hoạt động kết hợp hiện đại và truyền thống để thu hút các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên.
Chủ tịch nước đề nghị nhân rộng mô hình này theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà nước hỗ trợ, các nhà hảo tâm đóng góp, người dân đóng góp ngày công xây dựng. Đây chính là mô hình và kinh nghiệm quý để các vùng khó khăn có nhà văn hóa phục vụ các hoạt động của người dân, không chỉ nâng cao đời sống tinh thần mà còn góp phần gìn giữ các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng gia đình, xóm làng và địa phương. Chủ tịch nước cũng biểu dương tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua đã xây dựng gần 3.500 nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng 1.000 đầu sách cho nhà văn hóa, ngôi nhà thông minh thôn Phan Chu Trinh giúp nhân dân có thêm lựa chọn để đọc, nghiên cứu nâng cao trí tuệ.
*Trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thị sát và làm việc với Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Theo báo cáo của Formosa Hà Tĩnh, tổng vốn đầu tư của dự án là 12,787 tỷ USD. Hiện các đơn vị sản xuất đều đang hoạt động ổn định. Số lượng cán bộ, công nhân viên hiện nay có khoảng 6.800 người (người Việt khoảng 6.200 người, trong đó con em Hà Tĩnh chiếm khoảng 78%). Số lượng công nhân nhà thầu khoảng 5.000 người. Năm 2020, sản lượng phôi thép đạt 5,8 triệu tấn, sản phẩm thép tiêu thụ đạt 5,9 triệu tấn, doanh thu 3 tỷ USD, Quý 4 đã bắt đầu có lãi. Dự kiến năm 2021 sản lượng phôi thép đạt 6,4 triệu tấn, lượng tiêu thụ sản phẩm thép 6,3 triệu tấn, doanh thu khoảng 5 tỷ USD, tăng 76% so với năm 2020. Lợi nhuận ước tính cả năm đạt trên 1 tỷ USD. Năm 2020 công ty FHS đã đóng thuế 220 triệu USD, dự kiến năm 2021 đóng thuế 350 triệu USD.
Thị sát một số hạng mục công trình của dự án, phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh COVID-19 , công ty FHS vẫn duy trì tốt sản xuất, giải quyết tốt vấn đề việc làm cho lao động, nhất là lao động địa phương. Chủ tịch nước cũng hoan nghênh các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết tốt vấn đề vaccine ngừa COVID-19 cho dự án để sớm ổn định sản xuất. Từ đó, duy trì và phát triển sản lượng, đảm bảo đời sống nhân dân. Chủ tịch nước cũng ghi nhận FHS đã có nhiều tiến bộ trong công tác bảo vệ môi trường.
Về kinh tế vĩ mô, Chủ tịch nước đánh giá, sản lượng quy mô lớn của FHS đã góp phần bình ổn thị trường vật liệu xây dựng trong nước; tăng cường các chỉ số xuất khẩu và góp phần giảm nhập siêu của Việt Nam. Đặc biệt, FHS có đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước. Sản phẩm thép Formosa Hà Tĩnh có công nghệ tiên tiến, chất lượng tốt, là sản phẩm uy tín trên thị trường hiện nay.
Chủ tịch nước yêu cầu, Ban Lãnh đạo Công ty FHS cần đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ đảm bảo an toàn trong sản xuất; tiếp tục bảo đảm tốt môi trường tự nhiên, môi trường sống trong khu vực và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch nước cũng mong muốn, bên cạnh các sản phẩm từ thép, FHS sẽ tiếp tục mở rộng các sản phẩm mới để đóng góp vào thị trường nguyên vật liệu của Việt Nam; không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nhất là trí tuệ nhân tạo để có những sản phẩm ngày càng chất lượng, an toàn hơn cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.
*Nhân dịp về thăm Hà Tĩnh, chiều 13/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thắp hương tại Mộ và dâng hương tại Di tích lịch sử Khu lưu niệm Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
Nguyễn Du (1765-1820) là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, là tác giả của nhiều tác phẩm bất hủ được viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Đặc biệt Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) được xem là di sản vĩ đại, kiệt tác của nền văn học dân tộc. Năm 1965 tại thành phố Berlin (Đức), Hội đồng hòa bình thế giới ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du. Năm 2013, UNESCO đã chính thức ban hành quyết định vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới.
Kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du thể hiện giá trị hiện thực sâu sắc, giá trị nhân đạo cao cả, là kết tinh nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc. Sức sống của Truyện Kiều trong tâm thức người Việt nói chung, trong dòng chảy văn hóa văn học dân tộc nói riêng vô cùng mãnh liệt. Đầu thế kỷ XX, nhà văn hóa Phạm Quỳnh từng có phát biểu nổi tiếng khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.