"Con chị đi, con dì lớn"
Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Việc kỷ luật cán bộ là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng. Nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến ngày 16/3/2024 - thời điểm diễn ra phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng - Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Bước sang quý II của năm 2024, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng được đẩy mạnh.
Trong các ngày 2 và 3/4, tại kỳ họp 39, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021, cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với một số cán bộ của Bộ.
Ngày 9/4, Ban Bí thư đã khai trừ khỏi Đảng ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đó, vào đầu tháng 3/2024 ông Thành cùng với bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đã bị bắt tạm giam để làm rõ những sai phạm trong vụ án liên quan đến chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu.
Cũng trong ngày 9/4, Ban Bí thư đã khai trừ khỏi Đảng 7 đảng viên, trong đó có các ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Cao Khoa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Phạm Đình Cự, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.
Việc Đảng, Nhà nước ta quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó lãnh đạo chủ chốt của không ít đơn vị, địa phương bị xử lý kỷ luật, được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, nhưng bên cạnh đó cũng có những ý kiến băn khoăn.
Về câu hỏi “lấy ai làm việc khi nhiều cán bộ bị kỷ luật”, gần hai năm trước (tháng 6/2022), tiếp xúc với cử tri ở các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (thành phố Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Dân gian có câu “Con chị nó đi, con dì nó lớn”. Không lo không đủ cán bộ để làm việc. Cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử.
Tránh “quy trình đúng, nhân sự vẫn không trúng”
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ có nguyên nhân rất quan trọng là việc lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, đặc biệt là cấp cao nhất.
Vậy làm thế nào để tránh lựa chọn, bố trí sai cán bộ?
Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử nêu rất cụ thể về trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương Đảng trong quản lý cán bộ; nguyên tắc, trách nhiệm và thẩm quyền, quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ; thời hạn và điều kiện bổ nhiệm cán bộ.
Đây được coi như là khâu “tiền kiểm” trong công tác nhân sự.
Việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng từng được đánh giá là công phu, kỹ lưỡng nhất từ trước tới nay nhằm bầu ra 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương – những cán bộ ưu tú nhất của Đảng, cũng là tầng lớp tinh hoa của dân tộc.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2021 đến đầu năm 2024 đã có gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật.
Tình trạng này đặt ra vấn đề phải coi trọng khâu “hậu kiểm” – giải đáp câu hỏi: Do đâu mà quy trình đúng nhưng kết quả vẫn sai đối với nhiều trường hợp và bằng cách nào để khắc phục những thiếu sót trong công tác nhân sự?
Thực tế cho thấy, quy trình dù chặt chẽ đến đâu cũng phụ thuộc vào việc con người thực thi có chuẩn mực, công tâm hay không. Bản thân các cán bộ sau khi được bầu giữ các trọng trách có tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực, trình độ hay không
Nắm giữ cương vị lãnh đạo, cán bộ gánh trên vai mình trách nhiệm trước Đảng, trước đơn vị, địa phương nhưng đằng sau đó còn có lợi ích, quyền lực, sự ảnh hưởng vật chất, tinh thần đối với nhiều người. Bởi vậy, nếu không có cái tâm trong sáng thì những người có trách nhiệm giới thiệu, đề cử, bầu cử có thể “cài” lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm vào quy trình sắp xếp nhân sự. Điều này được gọi là “tham nhũng trong công tác cán bộ”.
Để không lặp lại những sai sót, hạn chế về công tác cán bộ trong thời gian qua, Tổng Bí thư yêu cầu việc giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới phải dựa trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự.
Phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu; chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"; tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc.
Công tác nhân sự Đại hội XIV phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, trong sáng, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn cán bộ, "đừng nhìn gà hóa cuốc".