Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Hoạt động giám sát có nhiều đổi mới
Trong thời gian vừa qua, Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình trước cử tri; hoàn thành tốt các chức năng chính là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Video Đại biểu Nguyễn Thanh Hải chia sẻ với báo chí bên lề hành lang Quốc hội:
Ở nhiệm kỳ này cũng ghi nhận hoạt động giám sát có nhiều đổi mới. Nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm được giải quyết thấu đáo thông qua các vụ việc cụ thể. Chúng tôi mong muốn, những vấn đề mà cử tri gửi gắm sẽ được thực hiện giám sát không có nhiệm kỳ. Những vấn đề dang dở, chưa đi đến kết luận thì sẽ được nối tiếp ở nhiệm kỳ mới. Điều này thể hiện tính liên tục giữa các nhiệm kỳ.
Về những vấn đề liên quan đến lập pháp có những đại biểu kiến nghị mong muốn sửa đổi sẽ được chuyển sang nhiệm kỳ mới một cách nhanh nhất, sớm nhất. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn những phiên chất vấn sẽ nhiều hơn trong thời gian tới. Làm sao sau mỗi phiên chất vấn đều giải quyết được những vấn đề cụ thể nào đó.
Ở nhiệm kỳ này, tôi đánh giá cao sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình và tâm huyết của Chủ tịch Quốc hội. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội điều tiết các phiên chất vấn mạch lạc, dễ theo dõi. Nhiều câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng, trưởng ngành nhưng Chủ tịch Quốc hội lại nắm bắt nhanh hơn. Ở cương vị là nữ Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân có những ứng xử mềm mại, uyển chuyển, không gây căng thẳng mà vẫn đạt được hiệu quả.
Nhiệm kỳ qua, những vấn đề nổi cộm như sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông mới, các vấn đề về thi cử được Uỷ ban Văn hoá giáo dục làm; Các vấn đề như ô nhiễm môi trường, khói bụi than được Uỷ ban Khoa học và Công nghệ làm… đều được đưa ra thảo luận, chất vấn và tìm cách giải quyết. Có được điều này là do cách chỉ đạo và điều hành của Chủ tịch Quốc hội. Ở những phiên đều trần, thông tin rất có giá trị.
Trước đây, Quốc hội làm việc theo kế hoạch, giám sát có những vấn đề nổi lên giữa hai kỳ họp chưa nằm trong chương trình kế hoạch nên việc tổ chức các đoàn giám sát khó khăn. Nhưng trong nhiệm kỳ này, những vấn đề nổi lên giữa hai kỳ họp được Chủ tịch Quốc hội đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao các Uỷ ban để có thực tế ngay. Chương trình giám sát linh động, hiệu quả hơn, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội.
Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn Quảng Nam: Những phiên chất vấn đi đến tận cùng vấn đề
Tôi đánh giá cao vai trò của Quốc hội, đặc biệt người đứng đầu, rất sâu sát, rất năng động, đổi mới; phản ứng nhịp nhàng trong các phiên chủ trì. Vai trò của Chủ tịch Quốc hội rất rõ nét, đặc biệt là ở các phiên chất vấn. Thảo luận ở các phiên chất vấn đi đến tận cùng vấn đề, điều hoà được các mối quan hệ trong Quốc hội trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng.
Có thể nói nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua là một nhiệm kỳ đổi mới, sáng tạo, hội nhập.
Đại biểu luật sư Nguyễn Văn Chiến, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội: Thách thức của nhiệm kỳ tới của Chính phủ
Qua báo cáo cũng như đánh giá của các đại biểu, ở nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã có những biện pháp rất mới và sáng tạo. Từ đó có những thành quả như chúng ta đã ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn có những tồn tại như các đại biểu đã đặt ra.
Làm sao để khơi dậy mảng kinh tế tư nhân đảm bảo các dự án lớn được thực hiện nhanh chóng và góp phần giảm việc phải chi tiêu ngân sách Nhà nước cho các công trình đó. Có nhiều vấn đề chưa đạt được dẫn đến phải quy về 100% vốn Nhà nước.
Sang nhiệm kỳ mới còn rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Tôi nghĩ ở nhiệm kỳ tới, Thủ tướng phải gánh trên hai vai: Một là kế thừa, phát huy các thành tựu của nhiệm kỳ này để duy trì và phát triển; đồng thời, phải có những giải pháp hữu hiệu, căn cơ, mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn nữa để từ đó thực hiện tốt những mục tiêu kinh tế, chính trị xã hội của nhiệm kỳ này theo Nghị quyết mà Quốc hội đặt ra cũng như Chính phủ đang thực hiện.
Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn An Giang: Giải quyết các vấn đề xã hội
Tôi gửi gắm Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ tới ba vấn đề: Quốc hội và Chính phủ khi xây dựng chính sách phải tập trung lưu ý hơn nữa đến các vấn đề phòng ngừa, xử lý đảm bảo sức khoẻ người dân. Khi có vấn đề y tế cần bác sỹ, bệnh viện nhưng trong sức khỏe cái quan trọng vẫn là phòng bị. Cần có ngân sách, vốn, nhân lực để đầu tư cho việc này. Ví dụ, đầu tư cho nông nghiệp an toàn thì phải để người dân hiểu biết về vấn đề đó. Đồng thời, giải quyết, xử lý các vấn đề môi trường.
Về ma túy, phải cương quyết với việc phòng. Vì khi đã nghiện ma tuý rồi sẽ rất phức tạp và tốn kém. Những chính sách của Quốc hội, Chính phủ và hệ thống hành pháp, tư pháp phải hết sức nghiêm minh và quyết liệt hơn nữa. Để người nghiện ma túy thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, thậm chí sinh tử.
Cuối cùng, đề nghị Quốc hội nhìn nhận vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long như vùng kinh tế mới cho phát triển đất nước để thu hút đầu tư. Khu vực này đang cần giải quyết việc làm cho lao động, tăng thu nhập cho người dân. Chính phủ cần đầu tư hạ tầng, phát triển cảng biển nước sâu để các nhà đầu tư nhìn nhần thấy là khu vực có tiềm năng.