Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 18/11, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã có phiên Đối thoại với các thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự hoạt động có Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch ABAC của Việt Nam Phạm Tấn Công.
Đối thoại là hoạt động được tổ chức thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC, để các nhà lãnh đạo lắng nghe các kiến nghị và trao đổi thực chất với cộng đồng doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong báo cáo trình lên các nhà lãnh đạo APEC, các thành viên ABAC bày tỏ lo ngại các thách thức lớn về địa chính trị, kinh tế và môi trường đang tác động tiêu cực đến tiến trình hiện thực hoá Tầm nhìn 2040 của APEC. Theo đó, ABAC đã đưa ra nhiều khuyến nghị, nhằm kiểm soát lạm phát, chấm dứt vòng xoáy lương-giá trong ngắn hạn và đẩy nhanh phục hồi kinh tế bền vững. Để có được tăng trưởng bền vững, bao trùm và tự cường, APEC cần có cách tiếp cận toàn diện, triển khai đồng thời hợp tác trên các lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu; chuyển đổi năng lượng sạch và chuyển đổi số; liên kết và hội nhập kinh tế khu vực; và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nghiệp thích ứng và phục hồi sau đại dịch.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh những khuyến nghị và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp vào phục hồi kinh tế sau đại dịch; cho biết sẽ xem xét các đề xuất của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng định hướng hợp tác của APEC, cũng như trong chính sách cụ thể của từng nền kinh tế, nhằm mang lại những kết quả thiết thực hơn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trao đổi tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ủy ban, nhóm công tác APEC và ABAC cần tăng cường đối thoại, tích cực hợp tác triển khai tầm nhìn dài hạn về thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, củng cố hệ thống thương mại đa phương.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc và luật lệ, với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là trung tâm. Trong bối cảnh nhiều cơ chế song phương và khu vực mới được hình thành, WTO vẫn được coi là cơ chế hợp tác đa phương mang tính “nền tảng” giúp duy trì ổn định và bình đẳng trong quan hệ kinh tế thương mại quốc tế, đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững toàn cầu. Chủ tịch nước cũng kêu gọi các nền kinh tế APEC thúc đẩy các thảo luận/đàm phán quan trọng trong WTO hiện nay về trợ cấp thủy sản, nông nghiệp và cải cách WTO. Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các thành viên APEC trong triển khai các kết quả của Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên WTO lần thứ 12 và giải quyết các vấn đề chưa đạt được đồng thuận trong WTO.
Chủ tịch nước chia sẻ Việt Nam là nền kinh tế mở, đã ký và thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 đối tác; đã và đang hợp tác chặt chẽ với các thành viên APEC thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực theo Tầm nhìn APEC 2040. Việt Nam hoan nghênh và đang tham gia một số sáng kiến nhiều bên về doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; thương mại và trao quyền kinh tế cho phụ nữ; và đang nghiên cứu để hiểu thêm về các sáng kiến khác.
Chủ tịch nước đề nghị ABAC tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong APEC vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng cho mọi người dân.